Cương thi trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc

 Thật may mắn khi sinh vật nguy hiểm như Cương thi chỉ hoàn toàn là những sinh vật hư cấu.

    Có thể bạn thừa biết, Ma cà rồng (Vampire) không phải là những con quỷ hút máu duy nhất có mặt trong các câu chuyện dân gian, mà khắp nơi trên thế giới đều có những chủng loài quỷ khác nhau, có hình dạng và nguồn gốc khác biệt. Một trong số những loại quỷ nổi tiếng nhất mọi thời đại mà con người từng nghĩ ra được chắc hẳn là Cương thi - loại sinh vật từng làm mưa làm gió trong những tác phẩm văn học, điện ảnh đình đám tại Trung Quốc.

    Vậy, trong bài ngày hôm nay, hãy cùng tìm hiểu về những sinh vật giả tưởng này nhé.

    Cao lớn, đáng sợ và đầy mùi nguy hiểm, Cương thi là những con quỷ hung dữ có bề ngoài giống như những xác chết biết đi, tay có móng vuốt dài, miệng có nanh nhọn, cặp mắt đỏ lòm. Mặc dù có nhiều nguồn gốc khác nhau được kể lại, nhưng nhìn chung thì đều có bản chất là xác chết "vô hồn nhưng còn phách", có oán niệm và hấp thụ được dương khí để trỗi dậy.



    Theo như truyền thuyết, ban ngày thì Cương thi nằm trong quan tài hoặc ẩn nấp tại những nơi tối tăm như hang động, đến đêm - thời điểm âm thịnh dương suy - thì đi lại lang thang với hai cánh tay duỗi thẳng về phía trước, bắt đầu đi săn người. Và một khi chúng hấp thụ đủ dương khí, hút đủ máu người, chúng sẽ ngày càng mạnh hơn trước và có thêm dị năng đặc biệt như bay, tàng hình,... Thông thường, ánh sáng mặt trời có thể hủy diệt Cương thi, nên chúng sẽ buộc phải trốn vào nơi kín và "ngủ" trong suốt thời gian mặt trời chưa lặn. Các trường hợp chống đỡ lại được đa phần là do đó là Cương thi quỷ, hoặc Cương thi có ý thức.

    Theo phái Mao Sơn, để làm Cương thi trở nên bất động thì cần phải sử dụng một loài bùa chú có tên là "Mao Sơn Khu Tà Phù" để dán lên trên trán của chúng. Khi các đạo sĩ Mao Sơn phát hiện sớm thì có thể dùng mực Chu Sa hòa với máu gà, dùng sợi chỉ, bắn mực xung quanh quan tài để kiềm hãm Cương thi thoát ra. Nếu Cương thi hút được dương khí thì phải dùng miệng để hút khí ra khỏi miệng Cương thi.

    Tìm hiểu về Cương thi - những con quỷ hút máu đáng sợ trong văn hóa Trung Quốc - Ảnh 2.

    Nếu muốn diệt Cương thi, phải dùng pháp kiếm để đâm vào tim. Khi phát hiện xác Cương thi, cách đơn giản nhất chỉ có là hỏa táng. Các đạo sĩ Mao Sơn ngày trước thường biến xác chết thành Cương thi sau đó dùng bùa chú để dẫn dắt Cương thi trở về quê quán theo ý của người nhà. Họ thường đi vào ban đêm, tránh để người dân nhìn thấy sẽ mất linh nghiệm. Muốn làm điều này họ phải có một 1 ngọn đèn gọi là "Pháp Đăng" dẫn đường. Nếu ngọn nến tắt thì Cương thi ngừng chuyển động.

    Tìm hiểu về Cương thi - những con quỷ hút máu đáng sợ trong văn hóa Trung Quốc - Ảnh 3.

                           Dùng pháp kiếm đối phó với Cương thi.

    Tìm hiểu về Cương thi - những con quỷ hút máu đáng sợ trong văn hóa Trung Quốc - Ảnh 4.

                                                       Dẫn Cương thi.

    Trường hợp khi bị Cương thi cắn, phải lập tức sử dụng gạo nếp sống đắp lên vết thương, vì gạo nếp có thể khử độc cương thi. Sau đó phải lập tức xay gạo nếp thành nước, ngâm mình trong nước đó và dùng Thanh Xà (Rắn Xanh) để xát lên người trong lúc tắm. Cho người bệnh ăn cháo nấu gạo nếp, tuyệt đối khi nấu không để khói bếp bay vào trong cháo. Bắt bệnh nhân chuyển động không ngừng để máu lưu thông, nằm ngủ trên chiếu phải rắc thật nhiều gạo nếp.

    Bên cạnh đó, theo các câu chuyện dân gian thì Cương thi có khá nhiều nhược điểm giống như các loại ma hút máu giả tưởng khác. Ví dụ như tỏi, gương, các loại pháp khí,... Bên cạnh đó, Cương thi được mô tả là loại sinh vật hoạt động bằng cách theo dấu hơi thở của sinh vật sống, nên cách để tạm thời tránh chúng là... nín thở.

    Tổng kết lại, với những điều trên thì Cương thi xứng đáng là 1 trong những loại quỷ nổi tiếng nhất trong văn hóa Trung Quốc. Và thật may mắn thay, chúng chỉ là những sinh vật giả tưởng, hoặc ít nhất thì chúng cũng chẳng thể tồn tại ở thời đại của chúng ta.

    Bài viết có tính chất khám phá văn hóa, sử dụng nguồn tư liệu từ wikipedia Tiếng Việt.

    BÌNH LUẬN

    Mới hơn Cũ hơn