Truyện ma Việt Nam "trùng tang quỷ nước" chap 4

 Tác giả: Lê Như Tiên

Chương 4: Dưới đáy giếng sâu
Đã hai tuần trôi qua từ sau ngày bà Lý làm lễ cắt trùng, mọi chuyện trong gia đình bà Hồng đã dần quay trở về với cuộc sống bình thường trước đây. Trong nhà không xảy ra chuyện gì bất thường nên những ngừoi trong nhà cũng cảm thấy an tâm đi phần nào.
Buổi sáng hôm ấy Kiều còn chưa ngủ dậy đã nghe thấy tiếng cãi nhau của ông Được bà Hồng ở phía ngoài nhà. Tiếng bà Hồng oang oang lấn át đi cả tiếng của chồng.
“Tôi nói cho ông biết hôm nay tôi nhất định phải đi. Không thể để ông hai tay dâng hết số tiền đó cho con Liên được. Không biết nó cho ông ăn phải bùa mê thuốc lú gì mà lúc nào cũng bênh chằm chặp còn định đưa hết cả số tiền đền bù cho nó.”



Tiếng ông Được đáp lại:
“Chính bà cũng biết mảnh đất đó được mua bằng tiền tiết kiệm của con Liên còn gì nữa. Ngày xưa nó bận con nhỏ nên tôi với bà mới đứng tên làm sổ đỏ hộ, lúc đó nó cũng không nghĩ là có ngày lại phải bế con ra đi với hai bàn tay trắng như vậy.”
Bà Hồng lại tru tréo lên:
“Phà ôi tiền nào là tiền của nó? Tiền đó là của thằng Bân đi làm gửi về chứ dễ gì tự nó kiếm được chắc mà ông bảo tiền của nó hả?”
Ông Được vẫn giữ được bình tĩnh nói với bà Hồng bằng giọng phân trần:
“Thằng Bân chỉ gửi cho nó tiền để lo chi phí sinh hoạt, nhưng nó tự chăn nuôi vất vả kiếm tiền lo cho tôi với bà nên mới dư ra chỗ tiền đó. Bà cũng thấy là một mình nó vất vả thế nào để trồng được cả mấy nghìn cây keo, nó chỉ vì vun vén cho gia đình này mà không màng đến bản thân mình để cuối cùng bị mẹ con bà chê quê mùa đuổi ra khỏi nhà. Phúc đức tại mẫu, quả báo đang đổ xuống gia đình này bà còn chưa thấy sao?”
Bà Hồng bắt đầu la làng la đất lên, bà vừa khóc vừa nói:
“Trời ơi có khổ cái thân tôi không. Tôi cũng chỉ vì lo cho chồng cho con chứ tôi giữ cho riêng mình tôi chắc. Con Liên giờ nó đã có chồng rồi mà ông còn tính dâng hết tiền vào tay nó làm gì hả?”
Ông Được đáp lại:
“Con Liên nó đi lấy chồng nhưng còn thằng Cường là cháu đích tôn của cái nhà này. Số tiền đó mẹ con nó đáng được hưởng hết.”
“Vậy thì đòi nó mang thằng Cường về đây, số tiền đó là của thằng Cường nhưng tôi phải đón cháu đích tôn của tôi về để nuôi.”
“Bà nói mà không thấy xấu hổ hả? Trước đây bà đuổi mẹ con nó ra đường không một đồng trong tay giờ bà nói đón là đón được sao?”
“Trước đây khác bây giờ khác. Tôi là tôi nói rồi đó, con Liên sẽ không được cầm một đồng nào hết.Hay ông bị nó cho ăn bùa mê thuốc lú gì thật rồi chứ ai đời bố chồng cứ đi bênh chằm chặp con dâu thế hả?”
“Choang!
Cái ấm chuyên trên tay ông Được bị ném thẳng xuống nền nhà tạo nên một âm thanh khô khốc cắt ngang cuộc đấu khẩu của hai ông bà. Mảnh vỡ và nước trong ấm văng ra tứ tung khắp nền nhà. Ông Được đỏ bừng khuôn mặt nói lớn:
“Im hết đi cho tôi nhờ. Bà cứ xem như tôi đã chết rồi đi. Mặc thây mẹ con bà thích làm gì thì làm, từ nay không cần hỏi qua ý tôi nữa.”
Chưa bao giờ bà Hồng thấy ông Được nổi nóng đến như vậy, bà im bặt không khóc nữa. Bà đi lấy cây chổi và cái hốt rác để dọn dẹp những mảnh vỡ trên nền nhà. Thi thoảng bà lại len lén đưa mắt nhìn ông Được. Ông vẫn ngồi im trên cái ghế gỗ, hai tay nắm chặt để cố kìm cơn lửa giận đang nổi lên ở trong lòng. Trước giờ bà Hồng cũng ít khi cãi lại lời chồng, nhưng lần này bà sống chết phải cãi bằng được mới thôi.

Xem lại chap 3 : click vào đây
Chuyện là sáng ngày hôm nay gia đình bà có giấy gọi đi nhận tiền đền bù mảnh đất trồng keo, số tiền được nhận cả tỷ đồng. Tiền còn chưa vào tay ông Được đã đòi đưa hết cả cho Liên vợ cũ của Bân. Sót của nên bà Hồng nhất định đòi cùng Bân đi nhận tiền thay ông Được. Vậy nên mới sáng ra đã có cuộc cãi vã này. Bà mặc kệ hết, ông giận bà thì giận bà vẫn cứ đi.
Dọn dẹp xong bà đi thay quần áo rồi cùng Bân đi lên xã nhận tiền. Ông Được vẫn ngồi yên ở trên ghế. Kiều nghe tiếng hai ông bà cãi nhau nên vẫn ở yên trong nhà không bước chân ra ngoài. Từ sáng sớm Bình con riêng của Kiều đã theo thằng Xím nhà Nhường đi thả trâu ngoài đồng.
Mãi đến chiều bà Hồng và Bân mới trở về. Hai mẹ con mệt nhoài sau một ngày dài đi lại, bụi đất còn bám đầy trên người nhưng vẻ mặt hai người thì hớn hở lắm. Trèo xuống từ cái xe honda, bà Hồng tươi cười vừa bước từng bước vào nhà vừa gọi lớn như thể đã quên đi trận cãi nhau với ông Được hồi sáng.
“Ông ơi, ra đây mà xem tôi mang cái gì về này.”
Từ trong buồng Kiều nghe tiếng bà Hồng và Bân đã về thì vội mở cửa hớn hở chạy ra.
“Má má sao đi từ sáng giờ mới về ạ. Má đã nhận được tiền chưa?”
Bà Hồng đưa mắt ngó nghiêng nhìn khắp nhà không thấy ông Được đâu. Bỏ qua câu hỏi của Kiều bà hỏi:
“Bố thằng Bân không có nhà hả?”
Kiều trả lời:
“Dạ hồi sáng má với anh Bân đi được một chút là ba cũng đi đâu đó chưa có thấy ba về ạ.”
Bà Hồng chau mày khó hiểu. Không biết ông Được đã đi đâu, hay vẫn còn giận bà nên bỏ lên nhà cái Nhường rồi cũng nên. Thấy bà Hồng cứ đứng ngẩn người ra, Kiều lại hỏi lại một lần nữa:
“Má đã lĩnh được tiền chưa má? Sao đi cả ngày mới về vậy má?”
Bân từ ngoài đi vào trả lời thay mẹ:
“Lấy được rồi. 1 tỷ 2, lấy tiền xong còn đi xuống ngân hàng ở thị trấn gửi vào thẻ nên giờ mới về.”
Kiều đang hí hửng chờ xem khoản tiền lớn đó thì câu nói của Bân làm khuôn mặt cô xụ lại. Thấy thái độ của vợ Bân nói thêm câu nữa:
“Giữ nhiều tiền mặt trong nhà làm gì nguy hiểm lắm. Mà chỗ tiền đó là của thằng Cường sau này mế sẽ làm sổ tiết kiệm cho nó không được đồng nào đâu mà tơ hào. Thôi em đi chuẩn bị đồ nấu cơm đi, hôm nay nhận được tiền làm bữa liên hoan thịnh soạn tý chứ nhỉ?”
Bà Hồng nãy giờ lịch kịch cất giất tờ ở trong buồng, bà bước ra tiếp lời Bân:
“Đúng rồi đó. Con Kiều chuẩn bị nấu cơm đi để mế qua nhà con Nhường xem bố thằng Bân có ở đó không gọi về, nhân tiện bảo luôn vợ chồng nó qua ăn cơm.”
Nói rồi bà vớ lấy cái nón đội lên đầu tiến thẳng ra ngoài bờ ao. Trời hôm nay nắng to lắm, đã 4 giờ chiều mà ngoài trời vẫn còn nóng như chảo lửa. Bà Hồng bước nhanh trên con đường đất, cái bóng của bà đổ xuống bờ ao một hình người xiên vẹo. Ra đến nhà Nhường thì không có ông Được ở đó, cả ngày Nhường ở nhà cũng không thấy bố ghé qua.
8 giờ tối, mâm cơm thịnh soạn đã được chuẩn bị xong mà ông Được vẫn chưa về. Bà Hồng sốt ruột cứ đi ra đi vào. Thi thoảng nghe tiếng chó sủa ngoài bờ ao bà nghĩ là chồng về lại chạy ra trước nhà hóng rồi lại chưng hửng đi vào. Lúc này trời đã tối hẳn, trên trời không một gợn mây, mặt trăng tròn vành vạnh và muôn vàn vì sao sáng lấp lánh. Chắc hẳn ngày mai trời sẽ nắng to.
Không hiểu ông Được đi đâu cả ngày trời chưa về. Gọi điện thoại của ông thì thuê bao không liên lạc được, ông đi cũng không mang theo cái gì chỉ mặc độc bộ quần áo hồi sáng. Sốt ruột Bân lấy điện thoại ra gọi cho mấy người bạn mà ngày thường ông Được hay tới chơi xem có bố ở đó không, nhưng ai cũng bảo không gặp. Trời càng lúc càng khuya, mâm cơm đã nguội ngắt từ bao giờ mà ông Được vẫn chưa về.
Sáng ngày hôm sau, ông Được vẫn không thấy về. Lúc này những người trong nhà bắt đầu thấy hoảng thực sự. Bình thường ông Được không đi đâu qua đêm bao giờ, có đi đâu xa phải ở lại ông đều dặn người nhà trước. Bà Hồng quýnh hết cả lên nước mắt ngắn nước mắt dài khóc lóc.
“Hay là bố thằng Bân có giận mế mà làm điều dại dột không?”
Câu nói của bà Hồng cũng là điều mà mọi người đang lo lắng. Cái tin ông Được mất tích nhanh chóng được lan đi. Người trong bản và anh em dòng họ Cầm tản ra khắp nơi tìm kiếm. Họ tìm ở tất cả những nơi ông Được hay lui tới nhưng đều không thấy. Họ tìm khắp cánh đồng, tìm cả ở dưới con sông trước làng. Đã gần 20 ngày rồi trời không có mưa nên nước ở con sông đã cạn, lội ngang qua chỉ đến đầu gối. Bân còn cho người tháo cạn nước ở hai cái ao trước nhà, rồi mọi người thay nhau lần mò dưới đáy ao. Ông Được vẫn bặt tích như thể ông đã bốc hơi khỏi mặt đất này vậy.
Vài ngày sau đó, tất cả mọi người đều đã mệt mỏi nên công cuộc tìm kiếm ông Được đã phải dừng lại. Họ đã tìm ở tất cả những chỗ có thể tìm nhưng không thấy. Lúc này mọi người lại gieo lên hi vọng, hay là ông Được giận vợ nên bỏ nhà đi ít hôm, mấy hôm nữa nguôi ngoai xong lại trở về. Bà Hồng ôm hi vọng trong lòng, chiều chiều lại ra đứng ở cái cầu đầu làng ngóng chờ chồng. Mới mấy ngày mà bà héo mòn đi trông thấy.
Chiều hôm ấy, lúc bà từ bờ sông trở về thì mấy đứa con nít chăn trâu ở gần đó chạy lại vây lấy bà, chúng chìa ra trước mặt bà một rổ hến rồi bảo:
“Bà Hồng, mua hến cho chúng cháu đi.”
Mùa này cánh đồng không có lúa nên bọn trẻ tha hồ thả cho trâu gặm gốc rạ rồi tranh thủ đi bắt hến ở dưới sông. Đến chiều chúng sẽ đi dọc mấy nhà ngoài đường để chào người ta mua giúp rồi lấy tiền đi mua kẹo nhà bà Ót. Hôm nay vừa lúc bắt xong từ dưới sông lên gặp bà Hồng nên chúng cố nài nỉ bà mua giúp. Bà Hồng từ chối không được nên đành rút túi lấy ra một tờ 10 nghìn đưa cho bọn trẻ rồi cầm lấy rổ hến. Bọn trẻ nhận được tiền thì khoái cười vui vẻ chạy đi, chúng còn ngoái lại dặn bà cứ mang cả rổ về tý chúng sẽ tự qua nhà lấy.



Buổi tối 4 người nhà bà Hồng ngồi lại với nhau bên mâm cơm. Bữa tối hôm nay có thêm món canh hến nấu rau ngót của bà Hồng. Vụ mất tích của ông Được khiến ai nấy đều mệt mỏi và trông có vẻ rất uể oải. Mới chỉ một thời gian ngắn như vậy từ một gia đình đông đúc vui vẻ nay chỉ còn lại 4 người. Vừa múc canh hến ra bát bà Hồng vừa nói để xua tan đi cái không khí im lặng nặng nề:
“Mấy hôm nay ai cũng vất vả quá rồi. Nay mế nấu canh hến đây, các con ăn nhiều một chút. Canh này bố thằng Bân và con Lành thích lắm, lần nào mế cũng nấu cả một nồi đầy...”
Nói đến đó bà lại im bặt, bất giác hai hàng nước mắt khẽ lăn trên gò má. Thấy vậy Bân lên tiếng:
“Thôi mế đừng nhắc nữa, cả nhà ăn cơm đi.”
Mấy người lớn còn đang nói chuyện qua lại, thằng Bình chan đầy canh vào bát rồi húp một hơi dài. Nó nhăn mặt rồi nhè ngay chỗ canh đó ra chỗ trống của mâm cơm. Bà Hồng hơi cau mày lại, buông đũa xuống. Kiều lớn tiếng quát:
“Bình! Ai dạy con ăn uống kiểu đó hả? Có người lớn ở đây sao lại nhè ra mâm?”
Thằng Bình lắp bắp:
“Con xin lỗi bà, nhưng mà canh hôi quá con không ăn được...”
Bà Hồng lên tiếng:
“Thôi không sao, lần sau cháu không ăn thì nhè ra chỗ khác không được nhè ra mâm biết chưa? Mà sao canh lại hôi, hay là bọn nhỏ bắt lẫn cả con hến chết vào nhỉ?”
Bà chưa dứt lời Bân đã múc một môi canh đưa lên miệng húp thử. Mặt anh nhăn như khỉ rồi ngay chóng nhè nó trở ra.
“Đúng là không ăn được mế ơi. Mùi kinh lắm, Chắc có lẫn con hến chết rồi bỏ đi.”
Bân lại và một miếng cơm vào miệng, ngay lập tức anh lại nhè nó ra một lần nữa.
“Cả cơm cũng có mùi như thế. Thôi chết như này chắc là tại nước rồi. Chắc có con gà hay con chuột gì rơi vào trong bể rồi chết thối trong đó cũng nên.”
Bà Hồng khoát tay:
“Mấy hôm nay trời nắng quá, nước trong bể nóng như nước sôi vậy vặn ra rửa mà nó vàng hết cả rau. Mế nấu cơm bằng nước giếng cũ đó. Thôi chết, hay là có con gì rơi xuống giếng thật.”
Bà Hồng vừa nói xong, Kiều chưa ăn gì cũng bịt miệng chạy ra ngoài mà nôn thốc nôn tháo. Mâm cơm được đem bỏ cho đàn chó ăn hết, còn ba người nhà bà Hồng lấy nước trong bể đun mì tôm ăn tạm, Kiều nôn xong thì đi về phòng không ăn thêm gì nữa.

Sáng sớm ngày hôm sau, Bân gọi anh rể sang để xuống giếng xem có con gì chết dưới đó rồi vớt nó lên. Cái giếng này trước đây nhà bà Hồng vẫn dùng để nấu ăn và sinh hoạt, nhưng từ ngày Bân làm trang trại dùng nhiều nước thì nó không đủ cung cấp nữa. Bân đã cho thợ khoan một cái giếng khoan mới, nước từ giếng khoan được hút trực tiếp lên cái bể bê tông. Mỗi lần dùng chỉ cần xả nước từ vòi ra tiện hơn nhiều nên ít khi bà Hồng đụng đến cái giếng cũ. Nó vẫn ở nguyên ở đấy không ai đụng đến.
Buộc ngang sợi dây thừng vào một tấm ván gỗ rồi thả xuống giếng cho tấm ván chạm mặt nước, đầu kia của sợi dây được thòng qua cái ròng rọc rồi buộc cố định nó vào cây cột gỗ bên thành giếng, Chái túm lấy sợi dây rồi từ từ tụt xuống giếng. Cái giếng này sâu tầm hơn 10 mét, bên dưới có vài cây dương xỉ mọc ở quanh thành nên từ trên nhìn xuống gần như không thể thấy được dưới đáy có gì.
Xuống đến dưới chạm vào mặt nước, mùi hôi thối bốc lên làm Chái nhăn mặt khó chịu. Anh phải cố gắng lắm mới ngăn cho mình không nôn oẹ ra ngay dưới giếng. Thả toàn bộ người mình xuống nước, mới sáng sớm hơi lạnh từ nước ngấm vào người làm Chái có một cảm giác gì đó hơi rợn rợn. Đáy giếng sâu lại bị cây dương sỉ che mất ánh sáng nên Chái không nhìn rõ được mọi thứ dưới này.

Cái đèn pin soi ếch ở trên đầu soi xuống mặt nước bị phản lại chỉ thấy một khoảng màu bàng bạc loang loáng. Một tay ôm vào tấm ván gỗ để giữ cho cơ thể mình nổi trên mặt nước, một tay Chái bắt đầu quờ quạng khắp xung quanh để tìm ra cái thứ đang bốc mùi hôi thối kia. Quờ được một lúc thì tay Chái chạm vào một vật gì mềm mềm lạnh ngắt. Đưa cái vật vừa tìm được lên trên mặt nước, rọi thẳng đèn pin vào xem thử nó là cái gì rồi Chái gọi lớn để Bân ở phía trên nghe được:
“Thấy rồi cậu Bân ơi. Là một con chuột, mau kéo anh lên đi dưới này lạnh quá.”
Nói xong Chái bỏ con chuột vào cái bao cám con cò mang theo sẵn rồi ngồi lên miếng ván, nắm chắc sợi dây thừng. Ở phía trên Bân túm vào sợi dây từ từ kéo, cái bánh ròng rọc chậm chậm quay đưa Chái từ dưới giếng lên bờ.
Lên đến nơi Chái chạy ra một góc rồi ngồi nôn thốc nôn tháo. Phải cố gắng lắm anh mới nhịn được đến giờ này nếu không đã nôn ngay ra dưới giếng. Cái mùi dưới giếng thật sự kinh dị, nó vừa thối vừa nồng lại cứ ngai ngái. Chái nôn ra cả mật xanh mật vàng rồi mới dừng lại.
Đổ con chuột từ trong cái bao ra, Bân nhìn Chái rồi cười:
“Làm gì ghê vậy bác, có con chuột chết thôi mà nôn cả mật xanh mật vàng ra thế à.”
Chái lắc đầu rồi bảo:
“Khiếp thật, phải ở dưới đó cậu mới biết được cái mùi nó ghê đến mức nào.”
Bân cầm cái que dí lăn qua lăn lại người con chuột còn đang ướt sũng nước, rồi như nhận ra điều gì đó, Bân lại nói lớn:
“Ơ mà hình như không đúng, con chuột này mới chết đây thôi nó còn nguyên chưa bị phân huỷ đây này. Để nó ở đây nãy giờ mà không ngửi thấy mùi gì cả.”
Chái lúc này đã ngừng nôn, anh tiến lại chỗ Bân rồi bảo:
“Phải vậy không đó? Nãy anh cũng sơ ý quá nên vớt được con chuột cái là vội lên luôn không kiểm tra lại xem bên dưới còn gì nữa không. Mà cũng tại cái mùi nó ghê quá. Thôi thế chắc bên dưới vẫn còn nữa rồi.”
Nói đến đây Chái lại ôm bụng chạy đi nôn, cứ nghĩ đến cái cảnh lại một lần nữa chui xuống cái giếng đó là trong bụng như có cái gì đó cuộn lên rồi trào ra ở cuống họng. Thấy Chái như vậy Bân khẽ lắc đầu rồi bảo Chái giữ sợi dây lần này anh sẽ là người xuống giếng.
Đeo cái đèn soi ếch lên đầu, buộc lại cái bao cám vào hông Bân nắm vào sợi dây rồi tụt xuống giếng. Cũng giống như anh rể của mình, vừa chạm xuống mặt nước Bân đã bị cái mùi dưới giếng xộc thẳng vào mũi phải đưa tay bịt miệng ngay lại. Không muốn chần chừ ở dưới này lâu, Bân bắt đầu lần mò trong mặt nước. Bàn tay Bân quờ quạng khắp mặt giếng, cái lòng giếng rộng đến 1 mét rưỡi, ở yên một chỗ không thể chạm tay khắp xung quanh được. Bân khẽ bơi cho mình dạt vào giáp thành giếng, một tay vịn vào miếng ván đang nổi trên mặt nước, tay kia lần mò theo thành giếng mà tìm kiếm.




Bỗng phía sau lưng Bân có tiếng động, vừa lúc Bân quay người lại thì thấy bóng một con cá chuối to bằng cổ tay người lớn, mình nó đen thùi lũi bóng nhẫy, nó nhảy lên trên mặt nước rồi ngay lập tức chìm xuống. Ở vùng này gần như ở dưới giếng nhà nào cũng thả vài con cá trê hoặc cá chuối để chúng ăn bọ gậy và rong rêu cho sạch nước.

Quay lại phía con cá vừa xuất hiện, Bân tiếp tục đưa tay quờ quạng trong làn nước. Khi đã đi hết được gần một vòng tròn, tay Bân quờ trúng vào cái gì đó đang nổi lên trên mặt nước. Cố dùng tay để kéo nó lên khỏi mặt nước nhưng không được, nó quá nặng. Soi đèn pin về phía có cái vật kia, Bân điếng hồn khi phát hiện ra đó là một cái đầu người. Bân vội la lớn:
“Anh Chái ơi, dưới này có người. Là bố! Trời ơi bố ơi sao lại thế này...!”
Xác ông Được được đưa lên đến bờ thì đã ở trong tình trạng bị phân huỷ nặng. Ở khắp người có nhiều chỗ bị cá rỉa thịt khiến cho hình dạng không còn được lành lặn nữa. Bà Hồng nhận được xác chồng thì ngay lập tức lại ngất lịm đi.
Cái tin ông Được chết đuối ở ngay dưới cái giếng nhà mình lại một lần nữa được lan đi làm náo động cả ngôi làng và những hộ dân ở bên kia bờ sông. Mới chỉ hơn 1 tháng, tính đến thời điểm này nhà ông Được đã mất đi 4 mạng người. Không ai bảo ai mọi người đều tin rằng thần trùng đã quay trở lại. Phải, vậy là nhà bà Hồng vẫn chưa cắt được trùng.
Trở về nhà từ sau đám tang của ông Được, trong lòng Liên lúc này cũng ngổn ngang những mớ suy nghĩ hỗn độn. Cô trước giờ cũng không tin lắm vào những chuyện ma quỷ, nhưng với những gì xảy ra với gia đình ông Được cô lại buộc lòng phải tin rằng trùng tang là có thật. Một hai người thì có thể cho rằng trùng hợp, nhưng đây đã là 4 mạng người, 4 cái chết đều liên quan đến nước. Cô lo sợ cho sự an nguy của Cường, vì Cường chính là cháu đích tôn của nhà ông Được, sợ rằng đại hoạ này khó mà tránh được.
Nằm suy nghĩ miên man Liên chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Đang lơ mơ ngủ Liên thấy như có tiếng ai đó gọi mình:
“Liên ơi! Liên! Ra đây bố bảo!”
Liên giật mình mở mắt nhìn xung quanh, ánh đèn yếu ớt từ cái đèn ngủ trên bàn khiến mọi thứ xung quanh cứ mờ mờ ảo ảo. Một cơn gió lạnh thốc vào trong nhà khiến Liên rùng mình, rõ là hồi nãy trước khi đi ngủ cô đã đóng cửa rồi. Nhìn sang bên canh thấy Thắng vẫn đang ngủ say giấc, không nỡ gọi Thắng dậy nên Liên trèo xuống đất, từ từ tiến lại phía cánh cửa để đóng nó lại. Lúc này Liên lại nghe thấy từ phía ngoài có người gọi mình:
“Liên ơi! Ra đây bố bảo!”
Tò mò không biết giờ này lại còn ai gọi, Liên đánh bạo bước chân ra bên ngoài cánh cửa. Tiếng gọi hồi nãy phát ra ở vườn hoa trước sân. Liên bấm công tắc bật bóng đèn ở sân sáng lên rồi tiến thẳng ra phía có tiếng gọi lúc nãy mà hỏi lớn:
“Ai đó? Có chuyện gì nửa đêm rồi còn gọi có việc gì không?”
Có tiếng người đáp lại cô bằng một thứ âm thanh lạnh lẽo vang vọng như từ âm phủ vọng về:
“Là bố đây, có người giữ nhà bố không vào trong được, nó muốn bắt thằng Cường.”
Lần theo âm thanh vừa phát ra, Liên nhìn về phía bụi hổng cổ nơi có bức tường ngăn với con đường bên ngoài. Bên dưới gốc hồng có ba bóng người đứng đó dáng vẻ u uất, họ đang nhìn chằm chằm vào Liên. Đó là ba người đã mất nhà ông Được. Giật mình Liên hét lên:
“Ma! Trời ơi có ma!”
Liên bật người ngồi dậy, cô vẫn đang nằm ở trong nhà. Thì ra nãy giờ chỉ là một giấc mơ. Đưa tay sờ lên ngực để trấn an mình, Liên cảm nhận rõ trái tim mình đang đập rất mạnh. Bên tai cô vẫn còn văng vẳng tiếng của ông Được hồi nãy:
“Nó muốn bắt thằng Cường. Nó muốn bắt thằng Cường.”
Thắng lúc này thấy động cũng đã tỉnh dậy. Anh trấn an Liên rằng tại ban ngày Liên suy nghĩ nhiều nên đêm ngủ bị mộng mị cũng là chuyện dễ hiểu. Những cái chết của người nhà ông Được chỉ là do bất cẩn nên bị tai nạn mà thôi. Liên không tin vào điều đó, ngay từ ngày về dự đám tang của Bảo Nam Liên luôn có một dự cảm không lành. Linh tính của một người mẹ mách bảo cho Liên biết rằng con trai của cô đang thực sự gặp nguy hiểm.
Liên bảo với Thắng cô muốn đi xem thầy rồi nhờ thầy tìm cách hoá giải, bây giờ không thể cứ trông chờ vào nhà bà Hồng được nữa. Cô phải chủ động để bảo vệ con trai mình. Thắng bảo:
“Bói toán chỉ toàn là lừa bịp cả thôi. Em thấy đó, nhà ông Được đã làm lễ cắt trùng rồi mà vẫn có người chết đó thôi. Mà anh còn quên chưa kể với em, cái bà Lý hôm làm lễ ở nhà ông nội Cường đó, đã từng bị mời tới trụ sở công an hai lần vì hành vi lừa đảo, tuyên truyền mê tín dị đoan rồi đó.”
Liên hỏi lại:
“Anh nói thật sao? Sao thấy chị Kiều bảo được giới thiệu bà thầy này cao tay lắm cơ mà.”
Thắng khoát tay:
“Ôi dào, toàn bói dựa thôi em ơi. Số cô chẳng giàu thì nghèo, ngày 30 tết thịt treo trong nhà. Đó, kiểu vậy đó.”
Liên cười buồn:
Có những thứ tâm linh không muốn tin nhưng cũng phải tin thật đấy anh ạ. Em cứ thấy trong người bất an thế nào ấy. Thôi mai đưa Cường về làm lễ 49 ngày của Bảo Nam rồi anh dẫn em đến nhà bà mo được không. Em được thím Ót giới thiệu, bà mo ở tít trên núi có tài xem áo giỏi lắm. Em cũng biết là nghề nghiệp của anh nên anh không tín, nhưng mà xem như chiều lòng em một lần để em an tâm được không?”
Liên đã nói đến mức như vậy thì Thắng cũng phải miễn cưỡng đồng ý, sáng ngày mai anh sẽ cùng Liên đi xem bói.

Mời bạn xem tiếp phần 5 >> Tại đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn