Truyện ma Việt Nam "Tang Trùng Tang" chap 3

 Phần 3: Rừng thiêng nước độc

Tác Giả : Phạm Đào Hoa

Xem lại Chap 2 : tại Đây


Bác tôi đăm chiêu nhìn vào cốc trà trên bàn.

- Hừm…Nếu đó là sự thật…Thì thật khó để chấp nhận…Tôi chưa bao giờ nghĩ các cụ nhà này lại từng chuyện như vậy…

Người đàn ông bên cạnh thở dài:

- Hời…Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xảy ra mà cậu Hoàng. Với lại, cậu cũng chưa tiếp xúc nhiều với gia đình nhà các cụ, nên cậu vẫn chưa rõ đấy thôi…Từ từ, cậu sẽ biết…

- À mà anh Hoài, tôi quên mất! Anh vẫn làm quản lý ở bến đò mà đúng chứ?

- Haha. Tất nhiên! Chỉ có việc ấy mới khiến tôi phải trằn trọc thôi. Chắc vài năm nữa, đợi thằng Sang nó lớn…Tôi giao lại cho nó hết, rồi đi làm vườn, làm ruộng, ấy vậy mà nhẹ nhàng hơn là vận chuyển hàng, chuyển người này kia…

Bác tôi cười:

- Thằng Sang còn bé tí. Chắc anh phải đợi lâu rồi. Ừm…Nhưng công nhận thằng bé tuy quậy mà rất sáng dạ đấy! Còn biết nuôi nhồng và dạy nói tiếng người.

- Haha! Đợt đó chẳng biết nó kiếm đâu ra con nhồng. Cứ luyện cho cái thứ ấy nói linh tinh lảm nhảm. Các cô các bác mắng vốn suốt!

- Thôi thôi…Dù sao nó cũng còn bé…À, tôi tính hỏi là ngày mai anh có giấc nào rảnh không? Tôi muốn đi tìm lục lặc mã về nấu thuốc cho cụ Cầu. Nhưng…Cái loại thảo dược ấy nằm tận ở mấy con nước phía trong rừng.

- Được được! Để mai tôi bảo người đưa cậu đi. Gì chứ, mấy việc này đơn giản mà! Cậu an tâm! Cần gì cứ nói tôi!



Khi Mặt Trời vẫn chưa ló dạng ở phía đằng Đông, bác tôi đã vào bếp nấu thuốc cho cụ Cầu. Bên cạnh là mấy bà phụ nữ và người làm trong nhà đang chuẩn bị điểm tâm.
Bác tôi nghe loáng thoáng họ nói về việc Đại chuẩn bị đưa bạn gái về ra mắt gia đình vào ngày giỗ nội.

Bà Nhâm (người làm) tay vừa nhào bột năng, miệng vừa luyên thuyên:
- Thằng út cái tánh hiền hiền. Nhiều khi tôi còn không nghĩ nó là đàn ông ấy chứ! Vậy mà giờ, sắp dẫn dâu tương lai về. Đúng là bất ngờ hết sức à nha!

- Gì chứ lựa vợ cho thằng Đại không có dễ đâu mà dâu này dâu nọ! Lựa mấy con ả giàu về, thì mình phục dịch cho nó. Còn mấy con ả nghèo, thì dễ gì cụ Lành chịu! – Bà Uyên nói xen vào.
(Cụ Lành là vợ sau của cụ Cầu – Năm mươi chín tuổi)

Bà Hậu (cũng là một trong 3 người con gái cụ Cầu) cười nhếch miệng:
- Tao không cần biết là tiểu thư nhà nào! Nhập gia tùy tục, hỗn láo là tao bẻ răng! Sai việc mà không làm, tao ném hết đồ đạc cho về nhà mẹ!

Bác tôi dọn dẹp rồi bưng bát thuốc ra ngoài. Đi khỏi đó, ông mới dám lắc đầu. Ai mà làm dâu của cái nhà này, đúng là trúng kiếp khổ. Nhìn thái độ của mấy người phụ nữ con cụ Cầu khi nói chuyện với nhau, bác tôi mới ngộ ra, ở nơi đây, không phải ai cũng thật sự là người tốt.

Sau khi cho cụ Cầu uống thuốc và kiểm tra tình hình sức khỏe. Bác tôi chỉ biết thở dài, bệnh của người này dường như đang chuyển biến dần nặng hơn. Hôm qua còn ngồi dậy được, hôm nay đã nằm liệt, ăn uống cũng yếu, những cơn ho như mắc đờm ở họng dai dẳng vang lên trong căn phòng. Chập sau, bà Uyên vào trông cha. Bác tôi không nói gì, chỉ cúi người chào rồi lặng lẽ ra ngoài.

……
Bạn đang đọc một tác phẩm của tác giả Hoàng Ez – Biên tập Phạm Đào Hoa
Tới khoảng đầu giờ chiều, ông Cường Rỗ vào tìm bác tôi. Đây là người làm của ông Hoài, được giao đưa bác tôi vào trong rừng. Tuy không quen nhau, nhưng vì bác tôi là người có danh, nên ai ai gặp cũng biết ông và đều lấy lòng cảm mến cả.

Hai người cùng nhau đi đọc theo con đường làng tới bờ sông. Ở đây đã có một chiếc thuyền nhỏ neo sẵn, ông Cường mời bác tôi xuống.

Màu nắng nhuộm lên mặt nước như tấm thảm xanh vàng lấp lánh. Mỗi lúc ông Cường khua mái chèo, những hạt nước lại văng lên tựa bao viên ngọc quý long lanh. Bác tôi ngắm nhìn cảnh sắc làng quê thơ mộng ven sông, nghe câu hát ông Cường ngân nga mà trong lòng bình yên đến lạ.

Không bao lâu, hai người cũng rời xa khỏi làng. Chợt, ông Cường tấp thuyền vào bờ.

- Có chuyện chi vậy chú?

- Cậu Hoàng nhìn xem, biết đấy là gì không?

Có một gò đất u lên ven sông, trên ấy là cái miếu nhỏ. Ông Cường dẫn bác tôi đến gần.
Thật kỳ lạ, chẳng biết nơi này thờ gì mà lại chẳng có lấy một pho tượng nào, bên trong chỉ toàn những cây nhang đã tàn cắm ngổn ngang.

- Cậu Hoàng sống trên huyện, chắc chưa nghe tới miếu thờ Thủy Tử bao giờ đúng không?

Bác tôi chớp chớp mắt:

- Thủy Tử? Quả thật tôi mới nghe lần đầu.

Ông Cường rút ba cây nhang từ cái bó cất sẵn trong miếu, ông châm lửa đốt lên. Quỳ xuống, ông ta chắp tay khấn vái.

Lát sau, người đàn ông ấy đứng dậy, ông cười:

- Thật ra thì…Lớp trẻ bây giờ, không phải ai cũng biết Thủy Tử đâu. Chỉ những người làm công, người trong gia đình cụ Quan hoặc nghe kể mới biết. Cũng lâu rồi tôi không đi qua khúc sông này…Nhớ hồi trước, cậu chủ Hoài thường nhắc tôi, nếu có ngang chỗ đây, nhớ dừng lại thắp nhang cho Thủy Tử để được bình an. Tôi mang phận làm lính, nên ai sai sao thì nghe đó. Với lại, có thờ có thiêng có kiêng có lành. Những người làm việc trên sông hồ như tôi, cần phải lưu tâm điều này hơn cả.

Bác tôi gật đầu:

- Ồ! Ra là vậy. Nhưng tại sao trong miếu lại chẳng thờ gì chú nhỉ?

- Ừm. Hồi đầu tôi cũng thắc mắc y như cậu Hoàng. Mà không dám hỏi nhiều, sợ cậu chủ Hoài chửi. Nên tôi thử đi hỏi ông nội tôi xem ông ấy biết không. Ông ấy mới kể là; Ngày trước, ở khúc sông này nhiều người chết lắm, chủ yếu là do chiến tranh. Vì hướng chảy của dòng nước, nên xác thường tấp vào chỗ này nè. Dần dần, dần dần rồi hình thành lên cái gò. Thuở ấy, người ta rất sợ đi ngang đây, âm khí chỗ này nặng nề tới mức, chỉ cần chèo thuyền qua thôi, mà lỡ nhìn thấy bóng đen ven bờ ngoắt ngoắt, xong coi như về là đổ bệnh triền miên luôn! Có mấy người may mắn khoẻ lại được. Họ kể, họ thấy dưới gò, xuất hiện một con cá trê to gấp đôi cái mâm đồng, họ cho rằng, nó là “ đại tinh tà”, đã sắp tu luyện thành người. Nó ngoi lên đục xác chết, mấy vong hồn ở đấy đau đớn quá nên buộc phải nghe theo lệnh nó. Suốt một thời gian, cá trong sông chẳng biết đi đâu hết. Những người hành nghề chài lưới chỉ biết gặm khoai, gặm rau dại mà sống qua ngày. Nhiều người cho rằng, cũng tại con trê ấy mà cuộc sống của họ rơi vào lầm than. Nhưng không ai biết cách ngưng trò quái ác của con yêu ma ấy lại, vì họ chẳng dám đến gần cái gò.

- Bẵng đi một thời gian, mọi thứ chợt trở lại bình thường, dưới sông đầy ắp cá như xưa! Chẳng biết từ đâu, ở gò đất mọc lên một cái miếu. Có người nói nhà cụ Quan quen với pháp sư, nên pháp sư giúp đỡ lập nơi thờ con trê, nhưng gọi con trê là sai, mà phải gọi là Thủy Tử, linh thú của Thần Sông. Lý do trong miếu không có tượng, cũng vì Thủy Tử chỉ sống dưới nước, nếu lập tượng là đang nhốt vị ấy, tức sẽ đắc tội với Thần Sông. Sở dĩ có thuyết truyền miệng ấy, là vì, cậu Hoàng nhìn thẳng về phía đằng xa đi!

- Ờ! ờ!

- Căn nhà rường mái đỏ ấy chính là nơi thờ dòng họ cụ Quan! Nhưng điểm lạ nằm ở chỗ. Nhà cụ Quan chưa bao giờ nhận họ từng giúp làng này trong vụ việc Thủy Tử ở quá khứ! Trong khi cái tánh của mấy người nhà đó rất thích khoe khoang nha! Haha…Tôi cũng chẳng hiểu nữa, mà cũng chẳng dám tìm hiểu gì thêm không khéo lại mang tội...Đó, chuyện là vậy đấy cậu. À...Đừng cho ai biết tôi kể cậu nghe...Mắc công lại...

- Tôi biết rồi! Chú cứ yên tâm! Nghe ly kỳ phết chứ đùa! Haha!...Ừm...mà…Vậy lời của cô thầy kia nói...là có cơ sở...

- Hả? Cô nào?

- À à! Không có gì, không có gì…Mà chú thắp nhang xong rồi hả? Chúng ta đi tiếp nhé! Tôi sợ trời tối…Đi lại…lại nguy hiểm.

Ông Cường rẽ hướng mái chèo, thuyền di chuyển về phía rừng. Hai bên bờ dần hẹp lại, cây cối phủ um tùm, có những tán cổ thụ trĩu xuống, hai người phải cúi đầu mỗi khi đi qua. Phía trên, ánh sáng trời chiều không thể lọt qua những cành nhánh rậm rạp, khiến cho nơi này vừa ẩm thấp, vừa tăm tối đến rợn người…

- Được rồi! Dừng ở đây đi chú, đừng vào sâu quá!

Ông Cường ngồi lại ở thuyền chờ đợi.
Bác tôi lang thang dọc theo bờ để tìm lục lặc mã.

Mặc dù ở đây thiếu ánh sáng , nhưng bác tôi vẫn cố gắng quan sát từng bụi cỏ, không để sót vị trí nào đã đi qua.

Một hồi lâu tìm kiếm, ông bắt đầu cảm thấy lo ngại. Trời trên kia càng ngày càng tối, những vẫn chưa thấy bóng dáng lục lặc mã đâu cả.
Bác tôi nghĩ trong bụng, chắc phải về lại thuyền, ngày mai cố gắng đi sớm hơn, chứ cứ tiếp tục ở đây cũng chẳng ít lợi gì.

Quay đầu trở lại. Đi thêm mấy bước, bỗng, ông phát hiện ra một bụi cây nhỏ, gân lá tím, nó nằm gần cái cây cổ thụ rất to. Ông mừng rỡ: “Chính là nó, chính là lục lặc mã rồi!”

Bác tôi vội chạy lại. Mở chiếc giỏ đan lát ra, ông đưa hai tay để bứng cả bụi, vì thành phần có tính dược bao gồm luôn cả rễ.
Loay hoay một hồi, bác tôi cũng lấy được bụi cây thuốc lên khỏi mặt đất. Sình lầy bám vào cái rễ tỏa ra một mùi hôi cực kỳ khó chịu. Bác tôi nhăn hết cả da mặt, ông xoay người, bước lại bên bờ sông với ý rửa sạch rồi cho vào giỏ.

Xung quanh toàn cây cối rập rạp, trời phía trên tuy đã tối, nhưng cũng đủ để thấy cái không gian u tịch này lờ mờ. Bác tôi ngồi xuống, ông xắn tay áo lên. Khi chuẩn bị đưa bụi thuốc vào nước để rửa. Đột nhiên, bác tôi thấy có bóng như hình ảnh hai cánh tay người đang đưa tới chuẩn bị đẩy ông xuống.

Hoảng hồn, bác tôi xoay thoắt đầu lại. Ông thấy rõ mồn một. Ngay trước mắt ông, có kẻ đang đứng, người hắn đen bóng, nước trên cơ thể cứ nhễu từng giọt từng giọt. Ông quát lên:
-Ai đó!!!

Lập tức, cái thứ không xác định kia nhảy ngay vào bụi rậm. Theo bác tôi mô tả, cách nó nhảy chẳng khác gì một con ếch đồng.
Bác tôi là người gan dạ, lại đang muốn biết thứ kia rốt cuộc là thứ quái gì. Ông vội cho lục lặc mã vào trong cái giỏ, sau đó chạy tới, vạch bụi cỏ cao ra…

Xem tiếp chap 4 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn