Truyện ma Việt Nam - Ngủ cùng người chết chap 2

 𝐏𝐡𝐚̂̀𝐧 𝐭𝐡𝐮̛́ 𝟐

Bạn có thể xem lại chap 1 : Tại Đây

Tôi còn nhớ như in, lúc ấy vào khoảng 3h sáng, tôi đang miên man ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tôn. Vài hạt mưa theo gió bay lất phất rơi vào mặt tôi. Cảm nhận được hơi lạnh, tôi choàng tỉnh giấc. Theo phản xạ, tôi với tay để đóng cánh cửa sổ rồi định chùm chăn ngủ tiếp. Thế nhưng khi tôi chưa kịp thực hiện ý định ấy thì đột nhiên bên ngoài có tia chớp lóe lên, rồi tiếng sét đánh ầm ầm giữa đêm. Trong giây phút chớp nhoáng ấy, tôi nhìn thấy cuối giường tôi có một người đang ngồi nhìn tôi chăm chú. Nhờ ánh đèn vàng vọt ngoài đường hắt vào, tôi thấy rõ người ấy khom chân, gương mặt kề lên trên đầu gối, cái đầu nghiêng sang một bên như thể đang ngắm nghía tôi. Đôi mắt sáng rực trong đêm hệt như mắt mèo. Nhiệt độ trong căn phòng dường như giảm đi vài độ.

Tôi giật thót mình, hốt hoảng kêu ré lên một tiếng rồi nhoài người sang bên cạnh để bật ngọn đèn bàn. Toàn thân bắt đầu run như cầy sấy. Ánh sáng màu vàng ấm áp vừa soi tỏ căn phòng, thì cũng là lúc bóng người cũng đột nhiên biến mất. Tôi dụi mắt nhìn quanh, chẳng lẽ tôi nhìn nhầm, hay vẫn còn mơ ngủ? Tiếng bà tôi từ bên trong vọng ra:

“Sao thế? Sao thế Linh ơi?”

Tôi lắp ba lắp trả lời:

“Không… không có gì đâu bà ạ. Cháu nằm mơ thôi.”

Bà nội im lặng không nói gì nữa. Tôi nằm xuống, hai chân co quắp không dám duỗi thẳng xuống cuối giường. Lúc này tôi rất muốn vùng dậy khỏi chăn để chạy sang ngủ với bà nội, nhưng lại sợ bà hỏi nên tôi cố kìm nỗi sợ hãi của mình xuống. Trong đầu hiện lên hàng loạt câu hỏi:

“Người ấy là ai? Chẳng lẽ mình nhìn nhầm? Nhưng rõ ràng mình thấy rõ có người ngồi hẳn trên giường mình cơ mà. Làm sao mà có thể nhầm được nhỉ?”

Tôi khẽ lắc đầu phủ nhận:

“Không! Không đúng! Trước khi đi ngủ mình đã đóng chặt cửa rồi cơ mà. Làm sao có ai vào đây được!! Nếu có thì phải có tiếng động chứ…Hay là… hay là có ma….”

Trong đầu tôi bỗng nhiên vang lên lời dặn dò của bà nội. Không được để dép hướng lên giường, không được mở cửa sổ và càng không được thò chân ra khỏi chăn. Cảm giác rờn rợn trong lòng tôi lại trỗi dậy, khi nhận ra một điều rằng, trong căn nhà này có thứ gì đó vẫn đang tồn tại song song với chúng tôi. Chỉ cần một phút bất cẩn, tôi không biết mình sẽ phải đối diện với những gì.


Nằm thao thức một lúc, cơn buồn ngủ kéo đến khiến cho hai mắt tôi nặng trĩu. Tôi ngủ thiếp đi rồi lại rơi vào một cơn mộng mị lạ kỳ.

Trong giấc mơ, tôi thấy mình đứng ở một ngôi làng nho nhỏ vắng tanh vắng ngắt. Trời mưa rả rích hệt như ở thị trấn quê tôi. Tôi luống cuống chạy vào trú mưa dưới một căn nhà có mái hiên cũ kỹ. Phải đến lúc này tôi mới có dịp nhìn kỹ xung quanh. Con đường nho nhỏ chạy thẳng xuống cuối làng, hai bên là những ngôi nhà mọc lên san sát. Trước cửa mỗi nhà đều dán câu đối đỏ mừng năm mới. Có vài cánh cửa còn treo chữ Phúc lộn ngược ( gọi là Phúc đáo), một vài nhà khác treo bức tranh vẽ một vị quan mặc áo đỏ. Nơi này quá lạ lẫm, quang cảnh chung quanh khiến tôi ngờ ngợ rằng nơi này nhất định không phải ở Việt Nam.
Đang mải mê suy nghĩ, bỗng nhiên bầu trời tối sụp xuống. Tôi giật mình kinh ngạc, khẽ lẩm bẩm một mình:

“Quái lạ! Sao ở đây trời mau tối thế?”

Khi tôi đang không biết phải làm gì, thì có vài cánh cửa ở mấy ngôi nhà đối diện đồng loạt mở ra. Có vài bóng người kéo chiếc đèn lồng treo trước cửa xuống để thắp nến, sau đó lại treo lên. Ánh sáng tù mù từ trước đèn lồng gần như chẳng soi sáng được gì. Thế nhưng, có người xuất hiện vẫn hơn là khung cảnh hoang vắng, không một bóng người như lúc nãy. Nghĩ thế nên tôi vội vàng chạy ra khỏi mái hiên, tới gần một người dáng thấp bé đang cặm cụi treo đèn lồng. Trời vẫn mưa to dữ dội. Khi tôi đến được nơi thì người ấy đã lúi húi bước vào bên trong rồi định đóng cửa. Tôi vội vã kêu lên:

“Từ từ đã cô gì ơi!!”

Nghe thấy tiếng gọi, người kia dừng lại nhưng gương mặt vẫn không quay lại. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, tôi chỉ nhìn thấy vạt áo màu nâu nhạt của người ấy thấm ướt vì nước mưa. Tôi vội nói ngay:

“Cho…cho cháu hỏi. Đây là đâu thế ạ? Cháu muốn ra khỏi làng thì đi lối nào.”

Người kia nín thinh, không trả lời, cũng chẳng quay đầu lại. Tôi hơi lúng túng vì không biết phải làm gì trong trường hợp ấy. Tôi khẽ năn nỉ:

“Cô ơi! Cô giúp cháu với ạ! Trời tối rồi! Cháu phải về nhà.”

Người kia vẫn đứng im như tượng. Bàn tay trắng toát hệt như bôi vôi của người ấy vẫn đặt lên trên cánh cửa gỗ mòn vẹt. Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn:
“Cô quay lại đi ạ. Cô giúp cháu với!”

Lần này thì người kia có phản ứng. Cô ta chầm chậm ngoái đầu lại. Giây phút nhìn cận mặt cô ta, hồn vía tôi như bay lên mây. Gương mặt của người ấy không còn có thể nhận dạng được nữa. Toàn mặt bê bết máu và giòi bọ. Dường như có kẻ nào đó đã lấy dao băm vằm mặt của cô gái ấy ra. Trên gương mặt lúc này máu, thịt, mỡ, xương và lớp sụn ở mũi trộn lẫn với nhau giống hệt như thau tiết canh lợn mà ngày trước bố tôi vẫn thường pha. Từng con giòi trôi theo dòng máu chảy trên mặt cô ta, rồi men theo xuống cổ.

Tôi giật mình hét toáng lên một tiếng, rồi ngã sõng soài xuống con đường ngập nước mưa. Cô gái kia hướng mặt về tôi một lúc rồi nhẹ nhàng đóng sầm cánh cửa lại, mặc cho tôi đang ú ớ sợ đến ngây dại.
Trời càng lúc càng mưa to. Đúng lúc này tôi phát hiện ra một điều. Nơi này hoàn toàn im lìm, ngay cả một tiếng chó sủa cũng không có. Vừa nãy tôi hét lớn như thế, đáng lẽ đám chó trông nhà phải sủa mới phải. Đằng này… một tiếng động cũng không, hệt như là một ngôi làng chết chóc. Tôi vùng dậy đập cửa hết nhà này đến nhà khác nhưng hoàn toàn không thấy ai trả lời.

Tâm trạng tôi lúc này tuyệt vọng đến cùng cực, nước mắt tôi nhòe đi bởi cơn mưa tầm tã. Đúng lúc đó, tôi thấy có một người con trai đi tới. Người ấy cất giọng u ám hỏi tôi:
“Nguyễn Thị Linh… sinh ngày mồng bảy tháng bảy, đinh mão niên phải không?”
Tôi hơi giật mình nhưng vẫn gật đầu. Người ấy quay lưng lại rồi nói với tôi:
“Đi theo tôi! Ở đây cách xa nhà lắm rồi!”

Tôi đờ đẫn nhìn theo bóng lưng của người ấy, trong lòng cảm thấy vô cùng bất an. Thế nhưng, cuối cùng tôi vẫn quyết định chạy theo. Có vẻ như người con trai kia biết tôi, nhưng tôi nghĩ mãi không ra giọng nói ấy, bóng lưng ấy của ai, chỉ biết một điều rằng, chắc chắn người này tôi đã từng nhìn thấy ở đâu đó.

Cơn mưa vừa nãy dường như đã chuyển thành một cơn bão. Sấm sét đánh đì đùng trên cao nhưng người kia vẫn đi không hề dừng lại. Tôi cắn răng chạy theo, mặc kệ cho từng cơn gió thốc vào mặt. Dù có thế nào, tôi cũng phải rời khỏi ngôi làng quái dị nay, vì tôi ngửi được trong không khí có mùi tử khí phảng phất đâu đây.

Người ấy đi là là đằng trước, tôi chạy hộc tốc ở phía sau, tiếng bước chân của tôi đạp xuống nước tạo thành những âm thanh lõm bõm. Càng đi, tôi càng cảm thấy kỳ lạ. Người con trai kia lúc nào cũng bình thản cầm ô đi phía trước. Có nhiều đoạn đường rất trơn, lại có ổ gà nhưng người ấy cứ đi êm như ru. Tôi căng mắt nhìn xuống phần chân người ấy thì chỉ thấy một lớp sương mù phảng phất che khuất tầm nhìn. Đi được một lúc, tôi đã thấm mệt vì lạnh và đói, tôi thều thào hỏi:

“Anh…à… bạn gì ơi! Dừng chân một chút được không? Mệt quá...”

Người kia ngừng lại một lúc rồi khẽ nói:

“Không được! Đường về vẫn còn xa lắm.”

Tôi sợ rằng mình sẽ chết trước khi về được đến nhà, nhưng nghĩ đến cảnh bà nội đang chờ tôi lại cắn răng đi tiếp. Người ấy dẫn tôi đi qua một cánh rừng âm u, tịch mịch. Tôi bặm mười đầu ngón chân xuống đất rồi bám thật chắc vào mấy cành cây chìa ra bên đường. Tôi thầm nhẩm tính trong đầu, con đường này dễ phải dốc hơn 30 độ.

Cảnh tượng này làm tôi nhớ đến những con đường mà những người cửu vạn ở biên giới phải men theo để tránh đội tuần tra biên phòng. Trên lưng đoàn cửu vạn ấy lúc nào cũng hàng chục cân hàng, phần lớn đều là hàng lậu, đương nhiên chúng chẳng có thuế, cũng không có bảo hiểm. Nếu như gặp phải thổ phỉ hay bị biên phòng bắt gặp, họ sẽ quẳng gánh hàng lại rồi bỏ chạy. Dẫu sao, mạng người vẫn là trên hết.

Hai chân tôi sưng phồng đau đớn, nhưng tôi không dám kêu ca, cũng không dám dừng chân nghỉ ngơi lấy một phút nào. Trong lòng tôi chỉ sợ, nếu không đuổi theo kịp người kia, tôi sẽ bị bỏ lại ở giữa rừng này.

Phải mất hơn một tiếng sau, chúng tôi mới thoát khỏi cánh rừng rồi bắt vào một con đường quốc lộ. Tôi nhìn thấy một cột mốc lộ giới ghi Phó Bảng – 10 km. Tôi điếng người thốt lên kinh hãi:

“Cửa khẩu Phó Bảng? Sao mình lại đi xa thế này?”

Người con trai nghe tiếng tôi thì dừng lại, đôi chân của anh ta vẫn lẫn trong màn sương dày đặc. Tôi muốn nhìn rõ gương mặt người ta đặng nói lời cảm ơn, thế nhưng khi tôi chưa kịp mở lời thì người ấy đã thì thầm:

“Đi về phía trước đi! Ở đấy sẽ gặp một đám ma khô.”

Tôi ngây người ra không hiểu, vội quay sang nhìn cảnh vật xung quanh, cho đến khi quay lại thì người ấy đã biến mất từ lúc nào. Tôi sững sờ đến mức không tin nổi vào mắt mình. Phía trước và phía sau tôi là con đường lớn chạy dài tít tắp, hai bên là cánh đồng trồng ngô nhưng giờ đã trống không. Ở giữa nơi đồng không mông quạnh thế này, người kia trốn đi đâu được? Tôi hoang mang tìm kiếm, nhưng chẳng thấy gì. Rõ ràng người con trai vừa mới nói chuyện với tôi cách đây vài giây trước, giờ cứ như thể đã tan biến vào hư vô. Da gà, gai ốc của tôi nổi khắp người. Chẳng lẽ tôi vừa gặp ma?

Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn cố gắng để đi tiếp. Nhà tôi cách đây mấy trăm cây số, nếu không về sớm thì có khi tôi sẽ chết ở dọc đường. Trời vẫn âm u hệt như lúc tôi gặp người con gái bị băm vằm nát mặt kia. Đi suốt cả mấy tiếng đồng hồ, nhưng mà không hiểu sao trời vẫn chưa sáng. Càng lúc tôi càng cảm thấy lo lắng đến cực độ, con đường này vắng tanh không có xe cộ qua lại, cũng chẳng thấy đám ma khô như người con trai kia nói. Tôi đi mãi, đi mãi, hết cả con đường lớn, vòng vào một con đường mòn trên núi vẫn không gặp một người nào.
Đúng lúc tôi đang cảm thấy nản lòng, muốn gục xuống đường thì đột nhiên tai tôi nghe văng vẳng lại tiếng khèn. Có khi nào tiếng khèn ở đám ma vọng tới?


Thấy có dấu hiệu của người sống, tôi mừng lắm, vội vã chạy về hướng phát ra tiếng động. Chỉ một lúc sau, tôi nhìn thấy một căn nhà nằm cheo leo trên núi. Bên ngoài thấp thoáng vài người phụ nữ đang tất bật nấu nướng, một vài người đàn ông khác đang túm tụm nói chuyện. Mừng hơn bắt được vàng, tôi nhào tới để xin họ ngụm nước. Mặc dù hơi ngạc nhiên, cũng chẳng hiểu tôi nói gì, nhưng người phụ nữ kia vẫn mỉm cười gật đầu đưa cho tôi một bát nước. Tôi tu ừng ực đến mức quên cả cảm ơn người ấy.

Để tránh làm phiền gia chủ, tôi nép vào một góc để nghỉ ngơi, cũng vừa là để quan sát xung quanh. Nhìn trang phục của mọi người, tôi nhận ra đây là bản làng của người H’Mông. Tục lệ làm đám ma khô của người Mông vốn chẳng xa lạ gì với tôi. Họ thường sống quần tụ trên lưng chừng núi cao, khi một nhà nào đó trong bản có việc là cả làng sẽ cùng chung tay giúp việc.

Nhìn chiếc mẹt nhỏ đựng đầy mèn mén ( thức ăn chính của người Mông làm từ ngô xay), để lẫn cùng với thịt luộc, bánh gạo tẻ và một tấm áo cũ của người chết treo trên cành tre cắm ở giữa mâm, tôi đoán rằng người chết trong nhà này là một đứa bé trai còn rất nhỏ tuổi. Người Mông tổ chức đám ma khô sau khi người thân trong gia đình đã chết được một năm. Tôi nghe người ta nói, mục đích của đám ma này là để hỏi xem người chết đã vui vẻ lên đường về với tổ tiên hay chưa, hay vẫn còn vương vấn chốn trần gian này. Nhà nào có người chết đều phải làm như vậy.

Những người trong làng kéo đến uống rượu, ăn thịt ngày càng nhiều. Tiếng khèn vang lên dìu dặt, âm u càng làm cho tôi nhớ đến người con trai hôm qua. Rõ ràng người này tôi đã từng gặp ở đâu, nhưng nhất thời chưa thể nhớ nổi. Khi tôi còn đang miên man suy nghĩ thì thấy ông thầy cúng kính cẩn tung hai nửa dóng tre để hỏi ý người chết. Hai nửa dóng tre được hất lên trên không trung rồi rơi xuống đất. Cả hai nửa đều giống nhau, người chết vẫn chưa muốn rời khỏi đây.

Gương mặt ông thầy cúng hơi ngạc nhiên, ông lại lầm rầm cúng rồi tung thêm một lần nữa. Vẫn giống nhau y đúc. Đám đông xúm lại xem xét rồi chỉ trỏ, dường như họ chưa từng thấy chuyện quái dị như thế này trước đây. Tôi cũng tò mò dõi theo.

Mồ hôi trên trán ông thầy cúng đã lăn dài, ông ta tung thêm vài lần nữa nhưng kết quả chẳng thay đổi. Ngay cả một đứa con gái chẳng hiểu gì như tôi cũng cảm thấy kỳ quái. Xác suất để hai nửa dóng tre kia rơi mặt sấp mặt ngửa là 50:50, làm sao có thể lạ lùng như thế được. Một ai đó thốt lên bằng giọng Kinh lơ lớ:

“Con ma nhà A Tú chưa muốn đi rồi! Mấy năm rồi vẫn chưa đi! Sắp thành ma của bản rồi.”
Đám đông nhốn nháo nhìn nhau. Đột nhiên tôi phát hiện trên góc nhà có một người ngồi vắt vẻo phía trên, mặt dửng dưng nhìn xuống dưới. Ban đầu tôi không để tâm lắm, định xoay người bỏ đi, bất chợt tôi giật mình phát hiện ra một điều khiến bản thân mình choáng váng. Người con trai ấy, có một nốt ruồi ở giữa mũi. Tôi hoảng hồn quay lại, nhưng chẳng còn thấy gì nữa. Thế rồi, tôi choàng tỉnh dậy.
………………………………………………….
Trong nhà tôi lúc này có tiếng người nói ồn ào. Tôi nghe thấy chú Long gọi điện thoại cho ai đó, tiếng bà sụt sịt khóc, rồi cả mùi nhang khói len lỏi vào trong phòng. Tôi cố gắng đứng dậy nhưng toàn thân đau nhức, miệng khẽ gọi bà:

“Bà ơi! Bà!”

Nghe tiếng tôi gọi, cả bà nội và chú Long đều lật đật chạy vào. Vừa nhìn thấy tôi, bà vội vàng hỏi luôn:

“Trời ơi! Cháu tôi. Sao giờ này mày mới tỉnh? Bà với chú mày cứ tưởng là….”

Tôi ngơ ngác nhìn hai người đối diện rồi khẽ hỏi:

“Ơ… tưởng gì hả bà? Cháu mới ngủ dậy thôi mà, chứ có bị làm sao đâu.”

Chú Long ngẩn người nhìn tôi:

“Bốn giờ chiều rồi! Gọi thế nào cũng không đánh thức được mày dậy. Chú còn sợ… mày bị hôn mê ấy.”

Tôi giật mình nhìn đồng hồ. Rõ ràng tôi bị đánh thức giữa đêm qua vì cơn mưa bất chợt, sau đó là bóng người mắt sáng rực ngồi thu lu ở dưới giường. Lúc tôi ngủ tiếp, trời vẫn còn chưa sáng hẳn, sao giờ đã là bốn giờ chiều?

Tôi ngẩn ngơ nhìn bà rồi nhìn chú. Thấy tôi không sao, chú Long lại phải đi ngay. Chú lúc nào cũng vội vội vàng vàng như thế. Khi chỉ còn hai bà cháu ở lại trong phòng, bà mới lân la hỏi dò:

“Đêm qua mày có làm theo đúng lời bà dặn không? Có đóng cửa cẩn thận không đấy?”
Tôi gật đầu xác nhận:

“Cháu có làm theo ạ.”


“Thế mày có mơ thấy gì không?” Bà lại hỏi.

Lần này thì tôi tiếp tục nói dối:

“Cháu chẳng mơ thấy gì hết cả.”
Gương mặt bà thoáng nghi ngờ, nhưng cũng không hỏi tôi thêm nữa. Tôi thở phào nhẹ nhõm, vì từ trước đến giờ tôi vốn dĩ nói dối rất tệ. Tôi trở dậy đánh răng rửa mặt rồi đi xuống dưới bếp để nấu nướng. Bà tôi năm nay đã cao tuổi rồi, ngoại trừ thỉnh thoảng bà quét dọn nhà để vận động đôi chút, thì mọi việc tôi chẳng để bà phải động tay.

Lúc tôi đang lúi húi nhặt rau sau bếp thì cái Châu bạn thân của tôi đi tới. Từ trước đến giờ, chỉ có nó mới dám đến căn nhà quỷ trạch của gia đình tôi, mà không hề sợ hãi. Bố nó vốn làm chiến sĩ biên phòng, cho nên ngay từ khi còn bé nó đã quen với việc sống một mình một nhà để bố thường xuyên đi công tác. Những năm tháng tuổi thơ ấy đã tôi luyện con bé trở nên mạnh mẽ và gan dạ. Hễ thấy ai nói gì xì xầm về vụ án bố mẹ tôi cùng số vàng mất tăm mất tích, nó đều gạt đi, không muốn người đời bàn tán thêm về nỗi buồn của tôi nữa. Chính vì thế mà tôi quý nó lắm.

Mấy hôm nay tôi quyết định nghỉ học, phần vì muốn ổn định chỗ ở tại căn nhà cũ, phần vì không muốn đám học sinh trong trường có dịp tò mò về trận hỏa hoạn hôm trước. Có lẽ cái Châu lo lắng cho tôi nên tìm đến tận nơi để hỏi thăm. Vừa trông thấy tôi, nó đã mỉm cười rạng rỡ. Hai đứa hàn huyên một lúc, tôi nói chuyện với nó về giấc mơ dài đằng đẵng đêm qua. Chỉ duy có chi tiết tôi nhìn thấy người con trai trong mơ có nốt ruồi hệt như thằng bé năm nào thì tôi giấu biệt đi, không hề kể lại. Ban đầu tôi cứ nghĩ rằng mình lo lắng, và mệt mỏi nên mới sinh ra mộng mị như thế. Nào ngờ vừa nghe xong, cái Châu kinh hãi nhìn tôi rồi thì thầm:
“Mày có biết mơ như kiểu mày người ta gọi là gì không?”

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

“Là gì? Chỉ là giấc mơ thôi chứ là gì?”

Cái Châu lắc đầu đáp lại:

“Không! Là duyên âm đấy! Mày có duyên âm đi theo rồi.”

Lần đầu tiên trong đời tôi nghe đến thứ lạ lùng như thế. Tôi trả lời nhát gừng:

“Tao có ai đâu mà duyên mới chẳng âm. Mày đừng có nghĩ linh tinh.”

Cái Châu vẫn khăng khăng:

“Không! Nhất định mày có. Duyên âm còn đi theo mày như thế chứng tỏ không phải ngày một ngày hai đâu. Tao… tao nghe nói, có người còn bị bắt đi nữa cơ.”

Lần này thì tôi có phần kinh ngạc, tôi hỏi nó:

“Bắt đi là như thế nào?”

Con bé phán một câu xanh rờn:

“Là chết! Chết theo người ấy.”

Rổ rau tuột khỏi tay tôi rơi xuống, đống rau sắng bên trong vương vãi trên nền đất. Tôi không trả lời lúi húi nhặt rau trở lại. Cái Châu biết rằng tôi vẫn chưa tin, nó lại hỏi:

“Mày có muốn kiểm tra xem có thực là có duyên âm đi theo mình không?”

Nghe thấy thế tôi gật đầu ngay:

“Kiểm tra bằng cách nào?”

Cái Châu khẽ thì thầm vào tai tôi. Tôi cảm thấy cách làm này có phần hơi quái dị nhưng cũng không quá khó để thực hiện. Đêm hôm ấy, tôi quyết định làm theo. Cho tới mãi về sau này, tôi vẫn không hề xác định được rằng, việc tôi làm đêm ấy là ngu ngốc hay đã cứu tôi một mạng. Chỉ biết rằng, cuộc sống của tôi khi ấy đã không còn bình thường như trước.

Xem Tiếp Chap 3 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn