Truyện ma Việt Nam "Ngủ cùng người chết" chap 9

 𝐇𝐨̂̀𝐢 𝟔 - 𝐓𝐢𝐞̂́𝐩

Xem lại chap 8 : Tại Đây

Lần đầu tiên trong mấy ngày nay, cả hai gã đàn ông kia nhìn nhau rồi trợn tròn mắt. Thằng Ngụy lập cập mở điện thoại để gọi về nhà, thế nhưng đầu dây bên kia chỉ là những hồi chuông dài rồi tiếng tút tút vang lên lạnh lẽo.


Lần thứ hai trong đời, tôi ngủ cùng người chết. Tôi tin rằng, khi người ta đã dần quen với một việc gì đó thì sẽ chẳng còn sợ nữa. Tôi không hề sợ việc một người chết đang nằm cạnh mình, điều tôi lo lắng là thái độ của hai gã đàn ông kia. Thằng Ngụy liên tục bấm điện thoại gọi về nhà, nhưng chẳng có người nào trả lời cả. Bực dọc, hắn chửi thề:

“Mẹ con chó cái! Rúc vào đâu không biết! Lần này tao bắt được thì ốm đòn.”

Gã béo Tiểu Triệu khẽ ngoái người lại để nhìn cái xác bên cạnh tôi. Gã khẽ hỏi:
“Cái xác này thì tỉnh sao đây?”

Thằng Ngụy thở hắt ra thật mạnh. Sau đó hắn sai tôi vén tóc của người con gái kia, đoạn lại hỏi:

“Chết vì cắn lưỡi à?”

Tôi không trả lời câu hỏi của hắn, mà chỉ khẽ ậm ừ trong cổ họng. Thằng Ngụy điên tiết chửi thề om sòm:

“Mẹ nhà nó! Sắp đến giao hàng cho khách rồi mà giờ còn thiếu một đứa. Nó chết lâu chưa?”
Tôi nhếch miệng:

“Lúc đó tôi ngủ say, không biết!”

Thằng Ngụy lườm tôi một cái, gã xoay người về phía tôi định tát tôi một cái. Thế nhưng, gã béo Tiểu Triệu ngăn lại:

“Đừng đánh! Gương mặt con này đáng tiền đấy.”

Thằng Ngụy ném cho tôi một cái nhìn tức giận. Hắn vừa cầm chiếc điện thoại bấm tít tít trên tay, vừa lẩm bẩm: “Đúng là xui xẻo. Từ lúc mang con này lên xe, gặp bao nhiêu là chuyện không thuận.”

Gã béo Tiểu Triệu trông vậy mà bình tĩnh hơn thằng Ngụy rất nhiều, nó châm điều thuốc rồi trầm ngâm:

“Làm cái nghề này bị chết vài đứa trong lúc vận chuyển là chuyện rất bình thường. Còn nhớ vụ thằng Phàm và con mụ Sảng không. Chúng nó bắt được một thằng nhóc lanh lợi, thế là nuôi cho lớn định để nó làm chân sai vặt. Ai dè đâu, năm ấy thằng ranh ấy thả hai đứa con gái mới bị bắt về ra. May mà thằng Phàm phát hiện, giết luôn cả thằng chó tai quái kia. Mà nghe đâu thằng kia cũng chết rồi.”


Thằng Ngụy không nói gì, gã béo lại thở dài rồi cười nhạt:

“Đã làm nghề này, làm sao mà biết được chuyện gì sắp xảy ra.”

Ngồi trên băng ghế sau, tôi lắng tai nghe kỹ không sót một lời nào. Tất cả những thông tin, những chi tiết này đều có giá trị nếu như tôi muốn trốn thoát về Việt Nam. Thấy thằng Ngụy vẫn im lặng bấm điện thoại, tôi nghĩ rằng câu chuyện vu vơ đã dừng lại ở đó. Nào ngờ, thằng Ngụy ngẩng lên hỏi:

“Mày còn nhớ thằng ranh đấy không? Tao gặp rồi.”

“Trông nó như thế nào?” Gã béo tò mò.

Thằng Ngụy cười nhạt: “Rất đẹp trai, nên dễ lừa mấy đứa con gái như cô em ở đằng sau này...”

Gã vừa nói, vừa liếc mắt về phía tôi. Nhưng rồi lại khẽ lắc đầu:

“À mà con bé này thì không chắc. Con này tai quái lắm.”

Gã béo Tiểu Triệu vẫn tiếp tục:

“Đẹp trai lắm à? Đẹp kiểu gì?”

Thằng Ngụy lườm gã béo:

“Thứ nào mày cũng ăn được phải không thằng chó này? Nó đẹp trai như ngự miêu Triển Chiêu ấy. Bố là người dân tộc Tạng, cũng làm nghề này. Mẹ là người Mông ở Việt Nam.”

Gã béo chép miệng tỏ ra tiếc rẻ. Nhìn gương mặt của gã hệt như buổi tối hôm trước định làm nhục tôi. Tôi quay mặt ra ngoài cửa sổ để tránh phải nhìn thấy bản mặt ti tiện của gã. Thế nhưng, ngay sau đó thằng Ngụy lại nói với giọng nhát gừng:

“Mà nó chết rồi. Bị thằng Phàm giết chết ngay ở biên giới. Không biết chết chỗ nào. Tội thả mấy đứa con gái kia ra đáng bị băm vằm. Tao có xem cái ảnh xác chết của nó ở tay mụ Sảng. Lúc nó chết mày biết trông nó như thế nào không?”

Gã béo tò mò:

“Như thế nào?”

Thằng Ngụy khịt mũi một cái rồi đáp lời:

“Nó mỉm cười. Máu chảy đầy trên mặt, che cả đi nốt ruồi giữa mũi.”

Tôi điếng người quay phắt lại nhìn gã đàn ông ngồi ở băng ghế trước. Đầu óc tôi ong ong vì choáng váng. “Nốt ruồi giữa mũi? Có lẽ nào... có lẽ nào đó là A Phong?” Tôi định mở lời để hỏi thằng Ngụy, bất chấp việc điều đó có thể làm cho nó nghi ngờ. Ấy vậy mà, khi tôi vừa toan cất tiếng thì tiếng chuông điện thoại reo lên, phá vỡ bầu không khí ngột ngạt, phảng phất mùi tử khí ở trong xe. Thằng Ngụy nói chuyện rất nhanh, có lẽ gương mặt gã phải nặng nề lắm khiến gã béo bên cạnh cũng chột dạ:

“Có... có chuyện gì thế?”

Thằng Ngụy ngẩng lên nhìn gã béo, miệng thở ra cả làn khói trắng:
“Mụ Vui chết rồi....!!!”

Ngay lập tức gã béo phanh xe lại giữa đường. Cú phanh xe đột ngột làm cho tôi bị mất thăng bằng gã dúi về phía trước. Cái xác cứng đơ bên cạnh lập tức nhào theo, đập vào tôi nghe lạnh cóng. Hai gã đàn ông nhìn nhau rồi lại quay lại nhìn tôi, cứ như thể tôi là sinh vật lạ. Thằng Ngụy nhìn tôi với ánh mắt thăm dò, gã lấy từ trong túi ra một con dao rồi dí thẳng vào mặt tôi gầm gừ:

“Vì sao mày lại biết con đàn bà ấy chết?”

Tim tôi đập điên cuồng vì lo sợ. Ấy thế mà, bên ngoài tôi vẫn cứng giọng:

“Tôi nhìn thấy vong hồn bà ấy đứng trước cửa xe. Nhưng các anh không tin tôi.”

Có lẽ bị đuối lý, cho nên thằng Ngụy không nói gì thêm nữa. Hắn gọi điện thoại cho ai đó rồi quát nạt bằng tiếng Trung một hồi. Lúc này tôi không còn tâm trạng để quan tâm đến việc thằng Ngụy làm thế nào dọn dẹp xác chết của bà Vui nữa. Với bà ấy, có lẽ cái chết là cách giải thoát tốt nhất. Điều tôi quan tâm giờ này là thân phận người thanh niên trong câu chuyện vừa nãy.


Tôi khẽ di ngón tay lên trên thái dương, cố gắng nhớ lại gương mặt của A Phong. Đúng là nét mặt của anh ta không giống người Việt hoàn toàn, ban đầu tôi còn tưởng đó là do anh ta sống ở núi cao quanh năm, màu mắt và màu da đều khác biệt với những người sống ở đồng bằng. Nào ngờ, thật sự anh ta khác biệt đến vậy. Trong lòng tôi rất muốn biết A Phong đã trải qua những chuyện gì để rồi ra đi, sau đó lại theo tôi đến bây giờ.
Tôi chợt nhớ lại cái đêm mình mặc áo dài đỏ ngồi trước gương trong căn nhà quỷ trạch của gia đình tôi để kiểm tra xem mình có bị duyên âm hay không. Kí ức ấy tưởng chừng như đã xa xôi cả nửa đời người. Trước mặt tôi giờ chẳng còn gì, chỉ còn đêm tối tăm mịt mùng bao trùm ven cánh đồng không một bóng người. Lúc thằng Ngụy bật điện trần xe để lục lọi tìm thuốc lá trong balo, tôi nhìn thấy dáng vẻ đáng thương của bộ thi hài nằm cạnh tôi. Cái đầu của cô bạn ấy gục xuống hệt như một con rối bị đứt dây, mái tóc dài xõa sang một bên để lộ ra một phần cổ bên trên có một sợi dây chuyền nhỏ xíu.

Khi thằng Ngụy với tay tắt phụt điện sáng trên trần xe, cũng là lúc tôi giật sợi dây chuyền còn vướng theo một ít tóc của cô gái. Hành động ấy chưa đầy một giây, tôi giả vờ kéo áo khoác, sau đó tiện tay thả sợi dây chuyền lạnh buốt ấy vào trong cổ áo len. Khi cảm nhận sợi dây đã mắc kẹt ở trong phần áo ngực, tôi khẽ thở dài chạm tay vào mu bàn tay lạnh toát của thi thể, trong đầu nhủ thầm: “Bạn ra đi thanh thản nhé. Phù hộ cho mình được trở về Việt Nam, đem di vật của bạn về với quê cha đất tổ.

Mình hứa đấy.” Tôi ngước mắt nhìn lên bầu trời tối om, thấp thoáng từ trên cao có vài ánh sao yếu ớt le lói, chúng hệt như bản thân tôi hiện giờ. Không biết lúc này có bao nhiêu cô gái bị bắt đến nhà khách hàng để mua bán như tôi? Một giọt nước lặng lẽ lăn dài trên má, tôi khấn vái cha mẹ và A Phong trong đầu: “Xin mọi người, hãy phù hộ cho con được trở về quê hương!” Thế rồi, tôi nhẹ nhàng thiếp vào giấc ngủ.
...................................
Khi tôi tỉnh lại thì trời đã sáng. Thằng Ngụy hôm nay không cho tôi màn thầu như mọi lần, hắn cho tôi hai chiếc đùi gà giống hệt như hôm qua, chỉ có điều nóng hổi hơn một chút, chắc là mới mua ở dọc đường. Xe chúng tôi đã đi vào trong một ngôi làng nhỏ, con đường nhỏ nhấp nhô bên cạnh trồng hai hàng mai anh đào trơ trụi trong gió lành lạnh. Thấy có xe oto, đám trẻ con trong làng ùa nhau chạy ra xem, có đứa còn đuổi theo vừa ném quả sơn tra vào xe vừa bật cười khúc khích. Ngôi làng này ở trong núi, kiến trúc trong ngôi làng nhuốm màu rêu phong hệt như cảnh vật trong mấy bộ phim truyền hình.


Tôi nhoài người nhìn khắp nơi để nhìn ngó. Bụi cây này, mái nhà này, hàng đèn lồng đỏ rực treo trước cửa những ngôi nhà cũ kỹ này sao mà hệt như ngôi làng đã từng xuất hiện trong giấc mơ của tôi đến thế? Chỉ có điều nơi này có người ở, cảm giác không hoàng tan, điêu linh như khi tôi nằm chiêm bao. Cảm giác quen thuộc này khiến tôi cảm thấy lạnh cả người.
Xe càng đi vào sâu, cảnh vật càng rõ ràng, đến lúc này thì tôi có thể khẳng định trong giấc mơ tôi đã từng đến nơi đây. Thậm chí còn trú mưa dưới một mái hiên nhà. Tôi còn nhớ như in rằng mình đã gặp một cô gái có gương mặt bị băm vằm đến độ không còn nhận diện được. Cô ấy đi ra ngoài treo đèn lồng, còn tôi thì chạy đến nơi để hỏi đường. Tôi bàng hoàng nhớ lại, đây cũng chính là mà nơi tôi đã được A Phong dẫn về đến nhà. Tôi hoảng hồn nhìn xung quanh. Chẳng lẽ giấc mơ hôm nào lại biến thành sự thật?

Thấy vẻ mặt ngơ ngác đến phần hốt hoảng của tôi. Gã béo Tiểu Triệu cười hề hề:

“Ngồi xuống đi! Cô em may lắm đấy. Lão già ở đây đồng ý mua cô em. Cũng may là được giá, nếu không thì bọn anh đã bán em vào nhà thổ rồi. Việc gì phải mất công đi tới tận đây?”
Tôi im lặng không nói gì nhưng trong lòng chỉ muốn giết chết hai gã đàn ông ngồi đằng trước. Tôi cố phân tán sự phẫn nộ bằng cách nhìn hai bên đường để tính toán. Dường như chỉ có một con đường độc đạo để ra vào ngôi làng này, không biết phía sau còn có lối mòn để trốn lên núi hay không.

Lúc tôi đang suy tính, thì gã béo Tiểu Triệu đã dừng xe trước cổng của một ngôi nhà lớn, bên ngoài treo đèn lồng màu trắng. Theo như kinh nghiệm xem phim Trung Quốc của tôi, có lẽ nhà này có tang. Đầu óc như quay cuồng chao đảo, chẳng lẽ hai gã này lại định bắt gả tôi cho một người đã chết để làm lễ cưới minh hôn? Tôi vùng vằng không muốn xuống, gã béo Tiểu Triệu bị tôi cào đau điến, gã toan đánh tôi thì thằng Ngụy cản lại. Gã gầm gừ:

“Mày không xử lý nổi con nhãi ranh này à? Đến nhà khách rồi mà còn ẩu đả thế này, còn ra thể thống gì nữa hả?”

Gã béo tức lắm nhưng đành chịu, gã siết chặt tay tôi rồi lôi tôi xềnh xệch đi về phía cửa sau. Một chiếc hẻm nhỏ dẫn vào cửa sau của ngôi nhà này có mấy hàng cây nhìn xơ xác. Thằng Ngụy bấm điện thoại gọi ai đó ra mở cửa bằng tiếng Trung. Chưa đầy một phút sau, có tiếng một người đàn bà khàn đặc cất lên. Thằng Ngụy tiếp tục trả lời, gã béo Tiểu Triệu đế thêm vào một câu gì đó. Cuối cùng cửa cũng đã mở, chúng lôi tuột tôi vào bên trong.
...........................
Vừa đặt bước chân vào ngôi nhà này, ngay lập tức tôi đã cảm thấy lạnh hết cả người, kèm theo đó là cảm giác da gà nổi ở cánh tay. Đầu óc tôi ngay lập tức xuất hiện cảm giác ong ong đến mụ mị. Giây phút ấy tôi lập tức biết được rằng: “Nhà này nhất định có xác chết. Phải đến mấy xác chết. Trong đó có một xác chết vừa mới mất khoảng vài giờ đồng hồ. Tôi nhìn thấy người đàn bà đang đứng ở phía đối diện mình, bàn tay bà ta đầy máu là máu, trên cổ bà ấy còn có một đứa bé bám vào lủng lẳng.


Đứa bé ấy nhìn tôi mỉm cười, nó mới chừng khoảng vài tháng tuổi nhưng hai chiếc răng nanh của nó đã mọc dài cả tấc. Tôi hoảng sợ giật lùi về sau mấy bước chân, nhưng gã béo lại kéo tôi đi. Đi qua một cái sân rộng, có một cái bếp củi ở giữa sân, xung quanh có một con lợn thật lớn đã bị mổ bụng, nằm phanh thây trên mặt đất.

Chúng tôi bước vào gian nhà phía trong, trước cửa còn treo hai dây ngô phơi khô màu cam rực rỡ. Mặc dù lúc đó còn đang rất sợ, nhưng tôi vẫn nhận định được rằng, đây là một ngôi nhà nông thôn ở Trung điển hình. Chẳng lẽ cuộc đời tôi lại chết rục ở đây hay sao? Vừa mới nghĩ đến đó, hai hàng nước mắt của tôi lã chã rơi. Thằng Ngụy quay lại quát:

“Khóc lóc cái gì? Tươi tỉnh lên cho tao. Người ta sắp xem mặt mày đấy, biết chưa?”

Tôi không nói gì, chỉ cúi gằm mặt xuống. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng đến lúc này tôi không còn bình tĩnh nổi. Người đàn bà kia nhìn tôi một lát, rồi im lặng không nói gì. Thằng Ngụy ấn tôi xuống một cái ghế gỗ đã mòn vẹt, còn gã béo Tiểu Triệu thì ngồi bên cạnh, bàn tay núng nính mỡ của gã kìm chặt ngăn cho tôi trốn chạy.
Ban đầu tôi cứ nghĩ người đàn bà có đứa trẻ răng nanh bám ở cổ là khách sẽ mua tôi. Nhưng một lúc sau, từ trong nhà vang lên tiếng lục cục, rồi một ông già độ chừng ngoài 60 tuổi tập tễnh chống gậy bước ra ngoài. Vừa ngẩng lên nhìn, tôi biết ngay người này là chủ căn nhà. Nếu tính ra, ông ta chưa hẳn đã là già, sắc mặt vẫn còn vài phần tươi tỉnh, nhưng cái lưng gù lúc nào cũng bắt ông ta cúi rạp người xuống. Trên chiếc lưng gù đó, tôi thấy nhô lên một cái bướu, một đám người lố nhố ngồi ở trên. Trong đám người ấy có đủ già, đủ trẻ, thậm chí còn có một đứa bé nhỏ xíu bám chặt vào gáy ông ta.

Thoạt nhìn thấy cảnh tượng một lão già cõng theo bầy phụ nữ và trẻ con, cái lưng cúi rạp xuống của lão có phần làm cho tôi sợ hãi. Tôi đờ đẫn nhìn theo, lão già đủng đỉnh ngồi xuống cái ghế đối diện tôi rồi bắt đầu âm thầm đánh giá. Thằng Ngụy đon đả chào hỏi, gã liên tục liếc mắt nhìn tôi rồi bắt đầu cười nói. Tôi có cảm giác rằng gã đang ra sức mời chào, tâng bốc tôi lên nhằm gỡ gạc thêm một chút tiền. Lão già gù nhìn tôi phải đến gần năm phút, dường như lão cảm thấy thằng Ngụy thao thao bất tuyệt nhiều quá nên khẽ ra hiệu để gã ngừng miệng lại. Thằng Ngụy hiểu ý nên lập tức im lặng, bầu không khí ngột ngạt bủa vây khiến cho tôi có cảm giác rất đỗi khó chịu. Lão già gù lưng nói tiếng Việt lơ lớ:

“Mày... mày...mày teng vì?”

Tôi ngẩn lên ngơ ngác nhìn thằng Ngụy. Nó cười xòa:

“Ông ấy đang muốn hỏi mày tên là gì?”

Tôi cúi mặt xuống rồi lí nhí trả lời:

“Linh!”

Lão già gù lại hỏi tiếp:

“Bao nhiêu tuổi rồi?”

Lần này thì tôi hiểu lão nói gì. Tôi run run đáp lại:

“Mười bảy tuổi!”

Lão già gù không nói thêm gì nữa. Lão đưa bàn tay thô ráp ra sờ lấy gương mặt tôi rồi nở nụ cười móm mém:

“Đẹp lắm. Đẹp lắm. Linh đẹp.”

Hai thằng Ngụy và Tiểu Triệu bật cười hô hố, lão già cũng cười. Chỉ duy tôi và người đàn bà kia không cười. Tôi ghê cả người khi bàn tay của lão chạm vào gương mặt mình. Lão vừa rụt tay lại để hỏi chuyện thằng Ngụy, thì tôi đã lén lấy tay áo khoác để lau lấy lau để. Không ai để ý tới tôi lúc này, ấy là bởi vì cả đám người ấy còn đang cò kè mặc cả để bán tôi. Tôi thấy thằng Ngụy xòe ra mười ngón tay đưa vào mặt lão già ấy, nhưng lão khẽ lắc đầu chỉ giơ ra tám ngón. Gã béo Tiểu Triệu liếc nhìn thằng Ngụy.


Nhưng thằng này lại hất hàm với Tiểu Triệu, ý định dắt tôi ra về. Thấy thế, lão gù lưng vội gật đầu bằng lòng. Gã rút từ trong túi ra một bọc đựng tiền, đếm tới đếm lui một lúc rồi đưa cho thằng Ngụy. Khi tiền đã xong xuôi, lão già gù ra lệnh cho người đàn bà kia dắt tôi và gã béo Tiểu Triệu đi vào trong một căn phòng. Gã béo đẩy tôi vào trong đó, người đàn bà nhanh nhẹn khóa cửa lại, tất cả không hề hé răng một lời.

Tôi bị ngã sõng soài xuống đất nhưng vẫn cố gắng đập cửa kêu la. Được một lúc, tôi hiểu rằng, lúc trước bản thân mình mới chỉ bị bắt cóc, giờ đã bị bán đi thật rồi. Căn nhà này nằm lọt thỏm trong ngôi làng gần núi, có kêu khản cả cổ cũng không có ai nghe thấy. Vì vậy tôi không lãng phí sức lực thêm nữa. Tôi tự nhủ với bản thân rằng giờ không phải là lúc để buồn hay hoảng loạn. Việc cần thiết bây giờ là thật bình tĩnh để tìm cách trốn khỏi đây. Mục tiêu trước mắt của tôi là trốn khỏi căn nhà này đã, mọi chuyện sau đó tính sau.

Thế là tôi đứng dậy lau nước mắt rồi bắt đầu quan sát xung quanh. Căn phòng này còn nhỏ hơn căn nhà mà bọn thằng Ngụy và Tiểu Triệu đã nhốt tôi ở vào hôm trước. Cả phòng chỉ có một ngọn đèn sáng vàng vọt, ngay cả đến cửa sổ cũng không có. Điều này làm cho tôi thất vọng đến vô cùng. Tôi nhớ lại cảnh tượng lão sờ mó mặt mình rồi cười khả ố, rất có thể lão già gù lưng ấy sẽ tìm cách làm nhục tôi.
Chẳng lẽ cuộc sống của tôi bắt đầu từ đây phải làm vợ một lão già xấu xí đáng tuổi bố mình hay sao? Không được! Nhất định không được. Tôi thà chết chứ không chịu sống cuộc sống kinh tởm đến thế. Lần đầu tiên trong đời, kể từ lúc bị bắt cóc rồi lưu lạc đến tận nơi hẻo lánh như thế này, tôi nghĩ đến cái chết. Trong người tôi lúc này vẫn còn cái bút bi lấy từ tiệm mì hôm nào, tôi sẽ rạch một đường thật mạnh ở cổ tay rồi chết cho xong.
Khi tôi vừa cúi xuống để vén ống quần, thì thấy người đàn bà khi nãy bước vào phòng. Trên tay bà ta lúc này bưng cho tôi một bát mì nóng hổi. Thấy gương mặt của tôi nhòe nhoẹt nước mắt, bà ta thở dài rồi nói:

“Ăn đi! Ăn đi rồi ngủ cho khỏe. Đừng nghĩ đến chuyện bỏ trốn. Ở đây nhiều người bỏ trốn lắm rồi, nhưng mà ai cũng bị bắt lại hết.”

Tôi ngây người kinh ngạc. Đoạn lắp bắp hỏi lại:

“Bà... bà là người Việt phải không? Giọng của bà... là giọng miền Trung kìa?”

Thấy phản ứng kinh ngạc của tôi, người đàn bà vội vàng nhìn ra đằng sau lưng rồi đóng cánh cửa lại. Bà ta khẽ đưa tay lên miệng rồi suỵt một tiếng thật khẽ:

“Be bé cái miệng thôi. Tai của thằng già ấy rất thính.”

Tôi không nói thêm tiếng nào nữa, chỉ chờ đợi xem bà ấy có nói thêm điều gì nữa hay không. Thế nhưng, chưa kịp nói gì thì bên ngoài đã vang lên tiếng gọi của lão già gù. Người đàn bà đáp lại một tiếng rồi lật đật đi ngay.

Lúc này chỉ còn một mình tôi ở lại trong phòng suy tính xem làm cách nào để có thể ra khỏi đây. Tôi không hề động đến bát mì, mà chỉ ngồi lặng im lắng tai nghe thật kỹ tiếng động ở bên ngoài. Nhưng ngoài tiếng chó sủa ma gằn lên từng hồi thì chẳng có tiếng gì nữa cả.

Căn phòng này giống hệt như một buồng giam biệt lập. Không có cửa sổ nên tôi chẳng quan sát được bên ngoài. Cảm giác bức bối này rất dễ khiến con người ta phát điên. Tôi nằm vật trên giường, trong lòng rối bời không biết phải làm sao. Tôi khấn Trời Phật, khấn bố mẹ, khấn A Phong và hai người xấu số đã qua đời trên xe.


Tôi nhớ đến gương mặt phúc hậu của bà ngoại, nụ cười rạng rỡ của cái Châu bạn thân mà gương mặt tôi nhạt nhòa nước mắt. Khi tôi đang sụt sùi khóc một mình, thì người đàn bà kia lại vào. Đứa bé bám trên cổ bà ta vẫn ngúc ngoắc cái đầu nhìn tôi như muốn hỏi chuyện. Bất giác tôi nhớ đến lời A Phong nói rằng tôi đã được khai mở mắt âm dương, cách thức này chưa chắc người trần đã biết. Nếu tôi có thể nhìn được vong hồn, chưa biết chừng tôi còn có thể nói chuyện được nữa. Thế rồi tôi nghe thấy chính mình bắt chuyện:

“Em... em là con của người này hả? Đây... đây là mẹ em à?”

Đứa bé gật đầu cười toe toét.

Tôi ngẩn người một giây.Vậy là tôi có thể giao tiếp với nó. Tôi lại hỏi tiếp:

“Vì sao em lại chết thế?”

Nụ cười của đứa bé kia đang rạng rỡ, bỗng dưng gương mặt nó tối sầm lại. Nó hất hàm về phía sau cổ. Ngụ ý nói người đàn ông ngoài kia. Tôi đánh bạo hỏi thêm:

“Lão già gù lưng giết em à?”

Thằng bé len lén khóc rồi gật đầu. Lúc này tôi nghe thấy tiếng người đàn bà vang lên ở bên tai:

“Con bé này! Nãy giờ mày nói linh tinh gì thế? Mày nói chuyện với ai?”

Thấy gương mặt bà ta hoảng hốt đến giật mình, tôi vội vàng lắp bắp:

“Không! Không có!”

Có lẽ thái độ lúc ấy của tôi kì dị lắm nên bà ta trở nên hoảng sợ. Có một số người khi hoảng sợ quá thường hay phát tiết cơn giận dữ của mình. Người đàn bà này là một trong số đó. Trước vẻ mặt đáng sợ của bà ấy, tôi lúng túng thú thật:

“Cháu... cháu nhìn thấy có một đứa bé trai bám vào cổ của cô. Gương mặt nó quái dị lắm... cháu hỏi nó ai giết nó thì... thì nó nói rằng lão già gù lưng ngoài kia...”
Tôi chưa kịp nói dứt lời thì người đàn bà ấy thốt lên một tiếng rồi ngồi sụp xuống đất. Từ trong khóe mắt của ta ứa ra dòng nước mắt. Tiếng lão lưng gù lại chửi bới bên ngoài, làm cho bà ta giật mình tỉnh táo lại. Bà ấy vội vàng đứng lên rồi nói nhanh với tôi:

“Mày chờ tao ở đây! Tao sẽ quay lại ngay.”

Tôi chưa kịp phản ứng gì thì đã thấy bà ấy tất tả chạy đi mất. Tình cảnh này khiến tôi chẳng thể nào hiểu được. Thế nhưng, tôi cũng lờ mờ đoán ra rằng, người đàn bà này cũng chẳng phải vì yêu thương mà lấy lão già lưng gù ấy. Tôi khẽ mím môi suy tính, nếu như vậy thì có thể tôi sẽ khai thác được thông tin từ người đàn bà này để phục vụ cho kế hoạch bỏ trốn của mình. Tôi ngồi phịch xuống giường để chờ đợi người đàn bà kia. Bụng tôi sôi sùng sục vì đói, bát mì nóng hổi vẫn ở ngay trong tầm mắt, nhưng linh tính mách bảo tôi rằng không nên ăn thứ đó.

Tôi nằm được một lúc nghe thấy bên ngoài có tiếng cãi cọ, rồi tiếng lão già bước tập tễnh về phòng. Hai phút sau, người đàn bà kia lẻn đến, trên tay còn bưng cho tôi một chậu nước nóng và mấy cái bánh màn thầu nguội ngắt. Trông thấy bát mì vẫn còn để ở trên bàn, bà ta thở phào một cái rồi tiện tay đóng cửa lại. Tôi đón chiếc khăn mặt từ bà ta rồi bắt đầu rửa mặt, sau cùng mới thử ăn miếng bàn thầu. Không hiểu sao, mùi vị của chiếc bánh này giống hệt với loại bánh mà tôi đã từng ăn ở nhà bà Vui. Nghĩ đến bà ấy khiến lòng tôi chợt nghẹn lại.

Chờ cho tôi ăn bánh xong, bà ấy mới lấy từ trong túi áo ra một chai nước nóng bên trong có mùi trà thơm thơm. Tôi khẽ nhấp môi một chút rồi phun ra ngay vì không hợp khẩu vị. Thấy tôi như thế thì bà ấy khẽ mỉm cười:

“Chịu khó ăn vào. Quãng đường phía trước còn dài.”
Tôi không nói gì, chỉ khẽ gật đầu. Người kia khẽ khóa chốt cánh cửa, rồi ngồi xuống chăm chú nhìn tôi. Cho đến tận bây giờ, khi kể lại những dòng này, tôi vẫn không tài nào nhớ nổi rằng cả hai chúng tôi đã bắt đầu câu chuyện với nhau như thế nào. Chỉ nhớ rằng, hôm ấy bà ấy ngủ cùng với tôi. Hai người chúng tôi, một già một trẻ nằm trên giường để nói chuyện thật lâu. Nhờ đó mà tôi mới biết được rất nhiều chuyện. Người đàn bà ấy cũng là một người mệnh khổ, thậm chí số mệnh của bà còn bất hạnh hơn bà Vui biết bao nhiêu.


Bà ấy kể lại rằng, bản thân mình vốn là người Việt Nam, sinh ra ở một một vùng nông thôn nghèo ở Nghệ An – giáp ranh với Lào. Nhà bà nghèo lắm, có khi nghèo nhất thôn, cha mẹ của bà đẻ được 4 người con, nhưng đều là con gái. Họ đặt cho 4 cô con gái 4 cái tên lần lượt là Xuân – Hạ - Thu – Đông. Bà là chị cả nên tên gọi là Xuân.
Mãi đến mùa đông năm ấy, mẹ của bà mới sinh được một người con trai. Khỏi nói bố của bà Xuân vui đến dường nào. Ông ta đặt tên cho con trai mình là Quan, với mong muốn được đổi đời. Đứa em trai ra đời, nhà có thêm một miệng ăn, đồng nghĩa với việc gánh nặng trên vai của bốn người chị càng thêm nặng. Bà Xuân và bà Hạ phải nghỉ học đầu tiên để đi làm kiếm tiền về phụ giúp gia đình. Sau đó ít lâu, bà Thu và bà Đông cũng phải nghỉ theo. Lúc ấy bà Xuân mới 11 tuổi, còn đứa em gái út vừa mới lên 8.
Mùa đông năm sau còn rét hơn mùa đông năm trước, đứa bé tên Quan chẳng may ốm nặng. Bố mẹ bà Xuân ngồi bàn bạc để cho con đi bệnh viện. Bố của bà không nghe, cho rằng đi bệnh viện chỉ tổ tốn tiền mà không giải quyết được gì. Thế là ông bố cầm một chai mật ong rừng đi sang nhà thầy bói ở cuối thôn. Ông thầy bói gieo quẻ nửa người rồi phán rằng đứa con gái tên Đông có bản mệnh xung khắc với con trai, nếu còn giữ nó ở nhà thì thằng bé sẽ chết. Ngay sáng hôm sau, ông bố đem bán bà Đông cho một cặp vợ chồng lái buôn hiếm muộn, đổi lấy một chỉ vàng.

Chưa bao giờ trong nhà bà Xuân có nhiều tiền đến thế. Nhưng bà Xuân lại nhớ em Đông hơn. Ba chị em ngồi ôm nhau khóc, nhất quyết không ăn thịt gà cùng với cha mẹ và thằng bé Quan ở trên nhà. Trong mắt bà Xuân lúc ấy, thứ thịt gà ấy chẳng khác nào thịt của em gái mình. Có tiền mua thuốc, ấy thế mà bệnh tình của thằng bé Quan chẳng khá hơn được là bao lâu. Ông bố lại quyết đi tìm thầy bói, và kết quả là bé Thu lại lần nữa bị bán đi. Nghe đâu người mua lần này là một bà góa già sống ở mạn Thái Nguyên. Cha mẹ đem bán con được 2 chỉ vàng.
Trong kí ức của bà Xuân lúc ấy, Thái Nguyên là nơi nào bà chưa từng nghe nói đến. Mấy tháng sau bà Xuân nằm ngủ thì thấy em gái về báo mộng nói rằng mình đã chết rồi, xác chôn ở trên một đồi chè. Tỉnh giấc, bà khóc lóc đem kể lại chuyện này cho cha mẹ nghe thì bị gạt đi, cho rằng con nít nghĩ linh tinh nên mới nằm mơ lung tung. Ngẫm ra kể cũng lạ, từ lúc bán hai người chị đi, bệnh tình của thằng bé Quan càng lúc càng trở nặng.

Đêm hôm ấy, bà Xuân nghe thấy cha mẹ bàn bạc rằng sẽ đem bán con bé Hạ đi. Thế là ngay sáng sớm hôm sau, bà ăn trộm một chỉ vàng cất trong tủ của mẹ rồi xách theo một tay nải toàn ngô rồi dắt theo em gái đi trốn. Hai chị em giữ chặt một chỉ vàng trong người, mang theo hơn chục ngàn tiền tiết kiệm để mua vé xe tìm đường đi thủ đô để làm việc, kiếm ăn.
Thủ đô Hà Nội ở đâu, cả hai còn chưa biết. Thế nhưng trong trí tưởng tượng của hai đứa trẻ con lúc ấy, nơi đó ắt hẳn sẽ rất phồn hoa náo nhiệt, xe cộ tấp nập ngược xuôi. Trên chiếc xe khách đi từ Nghệ An đến Hà Nội, có một người phụ nữ đi đến lân la làm quen rồi bắt chuyện với cả hai chị em. Lúc xe dừng ở trạm nghỉ chân, người này còn vui vẻ mua cho cả hai đứa trẻ mấy chai nước siro màu xanh màu đỏ.

Bà Xuân chưa bao giờ được uống thứ nước ngon tuyệt và mát lạnh ấy trong đời, cho nên tu một hơi đã cạn. Uống được một lúc, đột nhiên bà Xuân cảm thấy trong người kì lạ. Bà quay sang hỏi em gái, nhưng thấy em mình đã gục xuống ngủ từ lâu. Bà Xuân chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì cả hai mắt đã đổ sụp xuống. Khi tỉnh lại thì cả hai chị em đang ngồi trong thùng hàng đi đến biên giới, miệng bị nhét giẻ, còn chân tay bị trói chặt.

Bà Xuân kể lại rằng, từ lúc bé bà đã phải đi chăn dê ở trên những ngọn đồi đầy mồ mả. Nhiều lần gặp ma trơi, ma dẫn rồi giấu biệt ở trong hang đá mà còn không sợ bằng lúc này. Trong khoang hàng tối om, có hai chị em bà cùng một đứa bé trai khác ngồi nép vào một góc, nước mắt lăn dài trên má.
Khi ra được bên ngoài, bà Xuân mới biết mình đặt chân đến Trung Quốc thật rồi. Chỗ này cách nhà bà bao xa, bà cũng không biết nữa. Người đàn bà kia giam mấy đứa trẻ trong một căn hầm, đến bữa lại cho ăn. Mỗi khi muốn đi tiểu, sẽ tiến đến góc nhà, bên trong có một chiếc bô nhỏ. Mấy đứa trẻ bàn cách để trốn, nhưng chẳng biết phải phá cửa hầm này ra làm sao. Thế là đành chịu chết.

Ngày thứ nhất, ngày thứ hai rồi ngày thứ ba qua đi. Tinh thần của đám trẻ lúc này đã kiệt quệ. Đúng lúc ấy, người đàn bà kia dẫn theo một cặp vợ chồng đi đến trước cửa hầm. Cả ba người bàn bạc với nhau một hồi, rồi quyết định sẽ lấy đứa bé trai mang đi. Thằng bé gào khóc thì bị bịt khăn mùi xoa lên mũi, ngay lập tức nó ngất xỉu. Chỉ còn lại hai chị em bà ở trong hầm ngục. Bà Hạ lo sợ đến nỗi lên cơn sốt. Bà Xuân sợ em mình cũng bị bệnh giống như thằng bé Quan ở nhà nên gào thét thật lớn để mong có người giúp đỡ.

Một lúc sau lại có một lão già chống gậy đi đến. Lão quan sát rất kỹ gương mặt của hai chị em. Khi thấy bà Hạ đang sốt mê man bất tỉnh, lão khẽ lắc đầu rồi nói gì đó với người đàn bà còn lại. Bà Xuân không hiểu cả hai đang nói chuyện gì. Khi thấy hai gã hộ pháp mở cửa hầm vào bên trong lôi mình ra bên ngoài, bà Xuân gào lên chống trả:

“Dừng lại! Các người lôi tôi đi đâu! Tôi phải ở với em tôi. Nó đang bị bệnh.”

Một trong hai người đàn ông lập tức dí vào mũi bà một chiếc khăn ươn ướt. Bà cảm thấy một luồng khí cay cay xộc thẳng lên mũi mình. Thế rồi trời đất lại tối sầm thêm lần nữa, bà lại ngất đi. Khi tỉnh lại thì bà đã thấy mình ở trong căn nhà này. Từ đó đến nay đã hơn hai mươi năm, bà không biết những cô em gái của mình đã lưu lạc đến đâu. Còn sống hay là đã chết? Hình ảnh cuối cùng hằn sâu vào trong kí ức của bà Xuân ấy là cảnh tượng đứa em mình nằm trên sàn nhà ngục vừa bẩn vừa khai của nước tiểu của người, thều thào gọi tên chị gái. Bà ấy nói với tôi rằng, đêm nào bà cũng nằm mơ thấy ác mộng.
Tôi nằm nghe bà Xuân kể chuyện mà ngẩn ngơ cả người. So với cuộc hành trình bị bắt cóc rồi đem bán của bà, thì ít ra gã béo Tiểu Triệu và thằng Ngụy còn đối xử với tôi tốt chán. Thấy thằng bé vẫn đang gục trên cổ bà Xuân, tôi tò mò hỏi tiếp:

“Vậy đứa bé... đứa bé kia có phải là con của bà không?”

Bà Xuân khẽ gật đầu rồi sụt sịt. Nghe bà nói tôi mới biết, đằng sau đứa bé ấy là một câu chuyện rất dài. Nơi đây vốn là thôn Bạch Thủ, sở dĩ có cái tên gọi quái dị đó là do nơi này trước đây vốn là một hố chôn tập thể. Người nào bị bệnh phong, hoặc bị nghi là thành phần chống phá trong cách mạng văn hóa ở Trung Quốc đều bị giết chết rồi chôn ở đây. Thầy phong thủy nói rằng, mảnh đất này tuy có nhiều người chết nhưng vị thế không quá xấu, có thể bất đắc dĩ dựng nhà ở tạm.

Thế nhưng không biết vì lẽ gì mà những người ở đây đều chết khi tuổi đời còn rất trẻ. Người thì bị chết vì điện giật, người thì mắc bệnh rồi qua đời, thậm chí có anh thanh niên nọ mới đỗ đại học đang ngồi uống rượu mừng cũng bị sét đánh chết tươi. Người trẻ chết hết, chỉ còn người già tóc bạc sống trong thôn. Cho nên cái tên Bạch Thủ ra đời từ đó.
Lão già gù lưng tên là Trần Kiệm, hiện đang giữ chức trưởng thôn ở nơi này. Lão Kiệm vốn mắc bệnh vảy nến, mặc dù bệnh này không gây ra chết người nhưng lại khiến lão có một bộ dạng kinh tởm không ai dám lại gần. Lâu lâu, lớp da trên người lão lại bong tróc ra thành từng mảng, người trong thôn trông thấy thì gọi lão là con rắn.

Vì vẻ ngoài như thế cho nên chẳng có nhà nào trong thôn chịu gả con gái của mình cho lão. Lão cũng đã thử lân la tìm đến làm quen mấy người đàn bà quá lứa lỡ thì hoặc góa bụa, nhưng vừa thấy lão đến nhà người ta đã đuổi đi. Thế rồi, không biết nghe ai mách. Lão tìm được một kẻ buôn người. Mừng như vớ được vàng, lão đem tiền tích cóp bấy lâu để mua một cô vợ. Ban đầu yêu cầu của lão không có gì ngoài việc đó là “giống cái” – lão nói nguyên văn như vậy.
Người vợ đầu tiên lão mua về tên là Đại Doanh – người dân tộc Hán bị bán tới vùng Vân Nam này. Đại Doanh bị gã đánh đập, cưỡng bức rồi đem nhốt ở chuồng dê. Một đêm nọ, cô gái may mắn trốn thoát được, nhưng lại bị người trong thôn bắt về giao cho lão Kiệm gù. Lão Kiệm thấy thế thì đánh đập cô rất dã man, thậm chí còn cắt lưỡi khiến cô trở thành một người câm từ đó.

Kể từ sau khi bị cắt lưỡi, cô gái cũng không còn ý định bỏ trốn nữa, mà lầm lũi ở trong nhà làm việc. Lão Kiệm gù cũng vì thế mà buông lỏng cảnh giác với cô hơn. Trong một đêm tuyết đổ, Đại Doanh lại bị lão lôi lên nhà trên để dày vò. Không biết vì quá đau đớn, hay vì nỗi phẫn uất dồn nén quá lâu, Đại Doanh mới hất chén trà nóng vào mặt lão Kiệm khiến lão ta bị bỏng nặng.

Cơn đau đến cùng lúc với cơn phẫn nộ nên lão già gù lưng đè cô ấy xuống rồi dùng con dao băm liên tiếp vào mặt cô ấy. Máu phụt lên bắn tung tóe, bắn cả vào mặt lão lưng gù. Mùi máu tanh tanh nóng hổi càng khiến lão già thêm phần phấn khích. Lão băm lấy băm để, băm đến khi phần xương, phần sụn và các khối thịt trên mặt Đại Doanh tạo thành một khối sền sệt không thể nào phân biệt được. Lúc ấy lão Kiệm mới chịu dừng tay.
Hành động ấy của lão vô tình bị một tên trộm gà trong thôn bắt gặp. Người này tên là Lý Tam, gã có một bà mẹ già làm nghề thầy pháp. Ai cũng bảo mẹ con nhà Lý Tam chuyên đi lừa gạt tiền của thiên hạ, cho nên không ai tin. Mãi về sau, người ta không thấy Đại Doanh đâu nữa, lúc đó họ mới nghi ngờ rằng có thể Lý Tam nói đúng, cô gái kia quả thực bị lão Kiệm gù giết hại. Người trong thôn kéo đến hỏi thăm, thì lão Kiệm quanh co chối cãi, sau cùng lão nói phứt rằng cô ấy đã bỏ đi mất, lão không muốn tìm lại thứ đồ chơi rẻ rách ấy nên cũng chẳng đuổi theo bắt về. Lý lẽ của lão đủ để thuyết phục người ngoài.
Nhưng từ ấy trở về sau, thỉnh thoảng vào những lúc chạng vạng tối, nhiều người trong thôn vẫn thấy có bóng dáng một người con gái mở cửa bước ra ngoài treo đèn lồng ở nhà lão Kiệm. Người ta lại gần để lên tiếng chào, khi cô gái kia quay mặt lại thì ai nấy đều hét toáng lên rồi bỏ chạy, có người còn sợ quá bĩnh cả ra quần rồi nằm ngất xỉu trên nền đất lạnh.

Khi hoàn hồn lại, tất cả người này đều cam đoan rằng chính bản thân mình đã thấy một cô gái mặt bị băm vằm như nhân bánh bao đứng trước cửa nhà lão Kiệm gù. Căn cứ vào vóc dáng có thể thấy, đó chính là Đại Doanh khi xưa. Sự kiện ma quái ấy xảy ra trong thôn khiến người ta sợ hãi, không ai dám lai vãng lại nhà lão Kiệm.

Lão già cũng chẳng vì thế mà sinh ra buồn rầu. Cả đời lão đã bị người ta xa lánh rồi, thêm một vài người nữa thì có đáng là bao? Lão bán một phần đất của mình cho người hàng xóm, rồi lại cầm tiền đi mua vợ thêm một lần nữa. Đó cũng là lần lão mua bà Xuân từ dưới căn hầm bẩn thỉu nọ. Cũng chính vì thế mà xảy ra chuyện.
__________________________
Hết hồi 6

Hồi 7 – coming soon
( Trong hồi 7, Linh sẽ được biết vì sao đứa bé có răng nanh dài kia lại bám trên cổ bà Xuân. Cũng như hé lộ phương thức mua bán trao tay kế tiếp của lão Kiệm với khách hàng thực sự. Linh sẽ ở lại thôn Bạch Khấu, hay sẽ đi theo người khác để tìm đường thoát thân cho mình. Hồi 7 sẽ mang lại cho chúng ta câu trả lời đó)

Xem Tiếp Chap 10 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn