Truyện ma Việt Nam "Hủ Tiếu Gõ" Chap 2

 Truyện Ma: HỦ TIẾU GÕ

Tác Giả: Bé Anh

Xem Lại Chap 1 : Tại Đây

Chap 2 

Một cô nhìn lớn tuổi trong nhóm người đang đứng đó, vừa nghe An nói xong đã vội hỏi ngay:

- Ủa! Con là người mướn cái phòng số 11 đó hả? Rồi hồi tối con có thấy gì lạ không?

- Dạ! Lạ là sao vậy cô? Con thấy cũng bình thường mà.

- Ờ! Thôi, không có gì đâu? Con coi dọn dẹp phòng đi nha, chúng tôi về nhà chuẩn bị cơm nước đây!

Thật lòng sao khi nghe các cô hỏi như thế, An cũng có chút thắc mắc. Và bỗng nhớ lại nhân ảnh mà tối đêm qua cô thấy ở trên cây xoài. Hôm ấy An ra chợ mua ít đồ về cúng phòng. Cô xin phép người khuất mặt khuất mày cho họ vào ở bởi cô luôn tin vào tâm linh, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Đang chuẩn bị cắm nhang xuống, thì bỗng dưng cây nhang phụt cháy trên tay An. Cô hoảng hốt làm rơi cây nhang, vô tình trượt té xuống nền gạch làm đổ hết đồ cúng. Dĩa trái cây rơi ra lăn long lóc hết sàn nhà và bên ngoài.


Nghe tiếng động lạ Hoàng nhanh chân chạy vào. Bên ngoài là những bà hàng xóm cũng đang tụm năm tụm bảy lại với nhau, bàn tán xôn xao vì thấy sự việc xảy ra tại phòng của An. Rồi lại thêm mắm dặm muối làm cho vợ chồng Hoàng và An hoang mang lo sợ. Hoàng chỉ biết ôm vợ đang ngồi ở một góc tường mà khóc chẳng biết nói gì.

Chiều hôm ấy. Hoàng và An có làm lại một mâm cơm chay khác để cúng tạ lỗi, do đã làm đổ đồ cúng lúc sáng. Sau đó mời mọi người qua dùng cơm chung với hai vợ chồng. Nhưng họ từ chối, họ lại nhìn vào căn phòng của hai vợ chồng, bằng khuôn mặt với ánh mắt dè chừng sợ sệt và luôn tìm cách né tránh. Thế là hai vợ chồng tự ăn, tự dọn dẹp, đóng cửa tắt đèn rồi đi ngủ.

Mãi đến ngày hôm sau, khi đã ổn định chỗ ở xong xuôi. An mới có dịp ra khỏi phòng trọ. Nghĩ bụng hôm nay sẽ sang khắp phòng hàng xóm kế bên, gửi biếu tặng trái cây và chào hỏi. Sau khi đi từng phòng chào hỏi xong An quay về phòng mình để chuẩn bị cơm nước.

Về phần Hoàng thì anh đi xin việc làm để có cái sống qua ngày trước đã. Đến trưa thì hoàng cũng về tới. Thấy An đã chuẩn bị sẵn cơm, cô vừa xới lên vẫn còn đang bốc khói nghi ngút. Hoàng đi tắm xong quay lại ngồi vào mâm cơm. Toàn là món ruột mà anh ưa thích, canh chua bông điên điển cá lóc, gỏi bông điên điển và tép đồng.

Chao ôi! Kèm thêm chén muối ớt kế bên là nhức nách hết sẩy. Hôm sau như dự định An bắt đầu đi tìm những chiếc xe bán hủ tiếu. Đi xuyên suốt trên những đoạn đường Sài Gòn, sẽ dễ bắt gặp và nhìn thấy một hoặc nhiều loại xe hủ tiếu gõ. Chúng được bày bán với giá cả phải chăng đa dạng tùy theo từng loại mẫu mã.

Ngang dọc theo con đường chợ Hiệp Thành. An lang thang mãi cuối cùng cũng mua được chiếc xe hủ tiếu cũ, do người dân trong khu chợ thanh lý lại. Đẩy chiếc xe về nhà trọ An vui mừng nấu sẵn mâm cơm và đợi Hoàng đi làm hồ về. Định bụng sẽ kêu anh nghỉ làm hồ mà phụ cô đi bán hủ tiếu.

Một thời gian sau…

Chiếc xe hủ tiếu mỗi ngày được vợ chồng Hoàng và An đẩy ra chợ đêm bán. Cho xe vào vị trí ngay ngắn. Mỗi bánh xe Hoàng điều kê một cục đá lớn, nhằm giúp cho xe cố định một chỗ không bị lăn bánh. Sau đó Hoàng sắp xếp và kê ra vài bộ bàn ghế nhựa, chủ yếu cho khách dùng tại chỗ và chờ đợi lấy phần mang về.

Sau một thời gian buôn bán, vợ chồng Hoàng cũng có tích góp được chút vốn. Họ mua lại chiếc xe đạp cũ của một người trong dãy trọ bán lại, để dễ dàng di chuyển và chạy giao hủ tiếu cho khách. Hoàng chạy xe len lỏi vào các ngõ hẻm. Ngang qua từng căn nhà, để tìm thực khách và nhận kêu món. An đang loay hoay tất bật làm hủ tiếu cho khách, còn Hoàng thì đạp xe ở xa xa vẫn nghe giọng rao đều đều:

- Lóc cóc, lóc cóc… Hủ tiếu gõ đây! Hủ tiếu gõ đây! Ai ăn hủ tiếu gõ không?

Có tiếng khách gọi món, là cậu em khách quen của An:

- Cho tôi tô hủ tiếu mì nha chị chủ.

- Dạ! có ngay đây. À! Cậu em ăn mì trứng hay mì gói vậy, để tôi biết mà làm.

- Trứng nha bà chủ xinh đẹp, không hiểu sao mỗi lần đến đây em lại thích trứng của bà chủ… Í hông… Hủ tiếu mì trứng của bà chủ.

- Cái cậu này giỡn nhây à.!

- Hehehe… Trời ơi! nhìn bà chủ mướt rượt hà. Nhìn cái là thèm… À… Thèm ăn hủ tiếu. Hê hê hê…

Nói xong cũng là lúc Hoàng vừa về tới. Dựng xe đạp lại Hoàng bước xuống. Đi lại quầy xe bưng tô hủ tiếu ra vừa đặt xuống bàn cho vị khách đó. Không quên quay lại liếc cho hắn một cái sắc lẻm, vì dám buông lời ghẹo vợ mình. Rồi cũng tranh thủ đạp xe đi giao phần hủ tiếu còn lại cho khách gọi ăn tại nhà.

Nói nào ra thật sự An năm nay đã 30 tuổi, nhưng nhìn cô càng ngày trẻ ra cứ như chừng 24, 25. Dáng vóc đầy đặn ưa nhìn. Đang bưng tô hủ tiếu ra cho khách thì bất ngờ, lúc này trong một số bàn ở đó đang ăn. Chợt họ nhốn nháo cả lên bởi một tiếng la hét. Tất cả ánh mắt lập tức đổ dồn vào một phía. Vì lúc này có một thanh niên. Đang ngồi ăn bỗng dưng có hành động, biểu hiện lạ với thái độ giận dữ, gầm gừ. Đôi mắt liếc ngang liếc dọc, như bị điều khiển bởi một linh hồn ẩn chứa bên trong.

Anh ta bắt đầu giận dữ quát tháo miệng thì than rên kêu đói. Bất ngờ quay qua hướng An đang đứng, kêu cô phải đưa đồ trên bàn cúng xuống cho cậu ta ăn:

- Chúng mày mang chuối trên xe hủ tiếu, với lấy rượu cho tao – người thanh niên chỉ tay lên, ngón tay gầy trơ xương, lại cái giọng khàn khàn ấy cất lên lần nữa. Rõ ràng là người thanh niên đã bị vong nhập, là linh hồn của một người đàn ông đã già !!!!

An run run cầm xuống chai rượu và nải chuối đặt lên bàn. Đang ngồi trên cái ghế nhựa, chân vắt lên đùi, và kêu cô phải đưa thêm thuốc lá cho cậu ta. Lúc này cậu ta ngồi ngả người về phía sau ghế, tay cầm thuốc rít liền một hơi 4 điếu, ngửa cổ nhả khói ra, khuôn mặt thỏa mãn như đã lâu rồi chưa được hút. Sau đó với lấy chai rượu tu ừng ực một phát hết chai nửa lít, kéo ống quần lên tận đùi và nhìn ra ngoài cười khà khà. Một nụ cười nghe quái dị làm sao.

Mọi người lúc này kinh hãi tột độ, vài đứa trẻ con khóc thét mặt cắt không còn giọt máu mà nép vào lòng cha mẹ chúng. Làm nhốn nháo lên cả một khúc đường. Lúc này từ xa có một bà lão nhìn dáng đi gầy gò, lưng hơi còng, làn da đen sạm, đội nón lá lụp xụp. Trên tay bà đang cầm vài tờ vé số bước tới, theo kinh nghiệm nhìn người của bà lão thoáng qua đã biết người thanh niên kia đã bị vong nhập.

Bà quay qua bụi cây gần đó thấy có dâu tằm. Bà liền đi đến bẻ lấy một nhánh. Bước lại gần lên giọng đanh thép hỏi :

- Ngươi là ai mà tới khu đất này ?

- Tôi chết trong chiến tranh, mộ phần đang ở hàng rào khu đất bên kia. Hồn tôi vất vưởng đói khổ lâu nay. Nhưng bọn họ ở không hương khói lại còn đào đất phạm vào nhà tôi. Do thằng này hợp mệnh nên tôi mới nhập vô.

- Thế sao không đi đầu thai mà lại vất vưởng ở đây làm gì hại người ta.

Cậu thanh niên gầm gừ hai mắt trợn ngược trông có vẻ tức giận:

- Tao lang thang ở đây, tao đói, tao muốn được ăn, tao phải đi giết mấy đứa mà dám xâm phạm tới nhà của tao.

Giọng bà lão vẫn ôn tồn:

- Ngươi chết cũng đã lâu rồi, thôi đi đầu thai làm một kiếp người mới. Có cuộc sống mới tốt hơn đừng ở đây tạo thêm oán nghiệp.

Lúc này vong ma trong cơ thể người thanh niên quát lớn lên:

- Tao ở đây lâu lắm rồi. Tao chờ người hợp với tao, giờ thằng này hợp với tao. Tao sẽ dùng thân xác nó, để tao giết mấy kẻ mà dám phá nhà của tao.

Bà lão thương lượng không được, có lẽ vong ma này hơi cứng đầu. Bỗng nó quay cái đầu hướng ánh mắt nhìn về phía An. An hết hồn đứng nép vào chiếc xe hủ tiếu. Bà lão lập tức quát lớn:

- Nếu ngươi ko nghe ta, thì đừng có trách ta.

Bà vội quay sang nói với một đứa bé đứng cạnh bà:

- Con trai, con hãy đái vào đây cho bà một ít.

Thằng bé lóng ngóng làm theo, bà lấy cái ly gần đó đựng nước tiểu của thằng nhóc. Rồi bà nhanh tay tạt hết nước tiểu về phía cậu thanh niên. Tay còn lại bà cầm roi dâu quất liên tục xuống đất về hướng cậu thanh niên đang đứng.
Một tiếng gầm rú kêu la hét vang dậy, vong ma ôm đầu uốn éo thêm mấy lần nữa. Nhìn về phía An trước khi rời khỏi thân xác cậu ấy:

- Cô gái! Cô sắp gặp chuyện tai họa! Hãy cẩn thận người bên cạnh mình.

Dứt lời cậu thanh niên ngã quỵ xuống ngất xỉu, mọi người xúm lại rồi chở cậu ấy đi trạm y tế gần đó. Bà lão lúc này ngồi xuống cái ghế xin An một ly nước. Bà ngó lên nhìn An nở ra một nụ cười hiền dịu thân thiện. Lúc này An lên tiếng hỏi bà:

- Sao bà nhìn thấy được những điều đó vậy?

- Không giấu gì con ngày xưa ta cũng có biết qua một chút về tâm linh, giờ thì ta đi bán vé số. Hôm nay bán cũng đã gần hết chỉ còn lại hai tờ vé số này, thôi thì ta mời con mua giúp cho lão.

An thấy vậy cô lập tức mua liền cho bà, và vì lòng thương người nên mời bà thêm một tô hủ tiếu, sau khi ăn xong bà lão mỉm cười ra về và không quên gửi lời chúc với cô:

- Chúc con may mắn nghe! Người tốt sẽ luôn luôn được phù hộ. Nhưng ta nhìn thấy cuộc đời con bi thương quá! Đôi khi, lòng người rất khó đoán có thể vì tiền tài vật chất mà làm hại người thân bên cạnh mình.

Nói xong bà lặng lẽ rời đi. Để lại một mình An đứng thẫn thờ suy nghĩ về những lời nói vừa rồi của bà lão và cả vong ma lúc nãy. Chợt nghe giọng khách gọi, kéo cô về với thực tại:

- Tính tiền bà chủ ơi.

- À! Dạ tới đây.

Sau khi tính tiền hai vị khách xong, Thấy trời đã khuya Hoàng cũng vừa đi giao hủ tiếu về tới, hai vợ chồng dọn dẹp lại mọi thứ chất hết lên xe rồi cùng nhau đẩy về nhà.

Bóng dáng của họ bước đi lặng lẽ dưới lề đường, một người đẩy xe hủ tiếu nặng cồng kềnh. Người còn lại thì dắt chiếc xe đạp đi theo phía sau, họ cùng nhau bước đi giữa trời khuya trong sương lạnh.

Dọc hai bên đường là những ngọn đèn cao áp tỏa ánh sáng vàng, cùng những dãy nhà phố san sát kế nhau, và những hàng cây xanh đang tỏa bóng đen xuống mặt đường.

Xem Tiếp Chap 3 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn