Truyện ma Việt Nam : "Ma Trành - Những Vong Hồn Bị Hổ Ăn Thịt" Chap 2

 𝐌𝐚 𝐓𝐫𝐚̀𝐧𝐡 – 𝐍𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐯𝐨𝐧𝐠 𝐡𝐨̂̀𝐧 𝐛𝐢̣ 𝐡𝐨̂̉ 𝐚̆𝐧 𝐭𝐡𝐢̣𝐭

Phần 2. Vùi thây bụng hổ

Xem lại Chap 1 : Tại Đây

Những cơn rét muộn tại những khu rừng ở đất trời phía Bắc luôn luôn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng. Cái rét tựa hồ là một con dao sắc bén cắt vào da thịt. Từng đợt gió len qua khóm cây, tràn tới những gương mặt đang dần tím tái. Thời tiết này nếu như không phải vào rừng đặt bẫy thú, thì người ta chỉ muốn ở trong nhà, quây quần bên bếp lửa bập bùng để mà hít hà mùi ngô nướng hay nhâm nhi chén rượu cần. Thế nhưng, trong thôn Hoàng hôm nay lại có một sự kiện khác thường. Ấy là người ta sẽ quyết định hình phạt cho một người thiếu nữ vì tội dùng thuốc độc để hại người.

Người con gái ấy bị trói chặt ở cây cột cắm trên bãi đất trống giữa thôn. Ai đi qua cũng đều liếc nhìn cô một lúc rồi cúi đầu đi ngay. Chỉ có đám trẻ con tò mò đứng từ xa nhìn ngó rồi chỉ chỏ. Người ta không muốn đến lại gần người con gái ấy.


Đúng chính ngọ, dân trong bản tụ tập, vây xung quanh cô tạo thành một vòng tròn. Người ta xì xào với nhau:

“Con Lam này bỏ thuốc độc hại chết con Mị. Phải không?”

“Con này ác quá!”

“Phải giết nó đi! Không cho nó sống trong thôn nữa”

Cô gái tên Lam đầu cúi gục xuống, mái tóc xõa xượi rủ xuống che khuất gương mặt của cô. Người trong làng kéo đến càng lúc càng đông, người ta dửng dưng nhìn người bị trói trước mặt. Ngoại trừ một người bác ruột của cô gái khóc lóc quỳ mọp xuống bên cạnh cháu gái, thì ai nấy đều coi sự kiện ngày hôm nay là một thứ đáng để nghe ngóng theo.

Mặt trời lên cao, một người đàn ông đạo mạo rẽ đám đông tiến vào, theo sau ông ta là một người đàn bà trạc tuổi tứ tuần. Cả hai vừa bước đến, đám đông đương nói chuyện ồn ào lập tức im bặt, ngay cả bà bác ruột của cô gái kia cũng không dám khóc lớn, chỉ có thể sụt sịt, thỉnh thoảng lại nấc lên khe khẽ. Người đàn ông nhìn quanh một lượt, rồi hắng giọng:

“Thưa bà con! Thể theo quy định của thôn ta từ trước đến giờ, cũng như quyết định của các cụ bô lão trong thôn, con Lam này đã phạm vào tội bỏ thuốc độc hại chết con Mị... Cũng là con gái tôi. Chính vì thế mà bây giờ con Lam sẽ bị làng bỏ vào trong rừng sâu, tự sinh tự diệt, nghiêm cấm không được về thôn. Nếu trời cho nó sống thì nó được sống, bằng không thì nó phải chết. Thôn không can thiệp nữa. Đúng chạng vạng tối ngày hôm nay sẽ thi hành hình phạt. Bà con trông đó mà làm gương...”

Người trong thôn im phăng phắc, không ai dám nói lời nào. Bà bác ruột của cô Lam nghe thấy thế thì khóc rống lên:

“Ông Phong ơi! Ông không thể làm thế với con gái của ông được. Con Mị là con gái ông, nhưng con Lam cũng là do ông sinh ra cơ mà. Con Lam không giết người, làm sao mà ông có thể chắc chắn là nó giết con Mị được... Trời ơi là trời..”

Ông Phong sa sầm nét mặt, giọng ông rít qua kẽ răng:

“Nó không phải là con tôi.”

Thế rồi ông quay ngoắt đi, sau khi dặn dò mấy người thanh niên trong làng về thời điểm đưa cô Lam thả vào rừng sâu. Bà bác nghe thấy cháu mình phải đi vào cõi chết thì lên cơn đau tim rồi ngất xỉu. Người trong thôn thương hại, vội vàng đưa bà vào trong nhà để cạo gió. Cô Lam vẫn gục xuống hệt như một con rối bị đứt dây, không khóc lóc cũng chẳng nói năng gì, tựa hồ người chết.

Không ai biết được rằng, cô vẫn hoàn toàn tỉnh táo để nhận thức được mọi chuyện xung quanh. Mới cách đây vài ngày, lúc ấy cô còn là con gái đầu lòng của ông trưởng thôn. Mẹ cô vốn là người hầu trong gia đình ông Phong, khi ông Phong còn trẻ, cả hai yêu nhau rồi sinh ra cô. Thế nhưng, phụ mẫu thân sinh của ông Phong – cũng chính là ông bà nội của cô không chấp nhận được người con dâu có xuất thân hèn kém. Chính vì thế mặc dù đã có cháu nội, nhưng hai người vẫn quyết định cưới vợ khác cho con trai mình. Đó chính là bà Phong – vợ chính thức của ông trưởng thôn bây giờ.

Những tưởng người vợ danh chính ngôn thuận này sẽ sinh được cho ông một người con trai, nhưng chẳng ngờ được rằng, đứa bé sinh ra lại là con gái. Ông Phong đặt tên con gái lớn là Lam, con thứ là Mị. Mẹ của Lam không được gia đình ông Phong nhìn nhận, nên chỉ đành mang con gái ra ngôi nhà nhỏ cuối thôn để sống qua ngày. Mãi đến sau này, khi mẹ cô Lam chết đi vì bệnh tật, Lam mới được ông Phong đón về nhà.

Nhiều người xì xầm rằng chắc gì cô Lam là con của ông Phong, chỉ vì làn da của cô trắng bạch, mái tóc cũng theo đó mà bạc phết, lại thêm đôi mắt xanh nhàn nhạt. Thoạt nhìn cô trông chẳng giống ông Phong, cũng chẳng giống mẹ đẻ cô chút nào. Người trong thôn ai cũng bảo rằng cô Lam không giống người mà giống quỷ. Có lẽ vì thế mà chính bản thân ông Phong cũng hồ nghi về đứa con này.

Ông cư xử lạnh nhạt với cô Lam, càng không muốn cô Lam lại gần cô Mị. Sống trong nhà ông Phong nhưng người ta đối xử với cô chẳng khác gì kẻ ăn người ở trong nhà, ngay cả chính cô Mị cũng thường xuyên bắt nạt người chị cùng cha khác mẹ của mình. Thấy cháu gái của mình khổ cực quá, bác ruột của cô Lam đón cô về nhà mình ở, dù sao thì bác cháu vẫn có thể rau cháo nuôi nhau. Tưởng chừng như cuộc sống có vẻ dễ thở hơn một chút thì trong đột nhiên tai họa ập đến.

Vào cái ngày định mệnh, cô Lam đến nhà bố đẻ để xin ít gạo nấu cháo cho người bác. Khi vào đến sân nhà không thấy ai nên cô lẳng lặng vào bên gian trong. Lúc này trong nhà chỉ có một mình cô Mị đang nằm gục xuống bàn. Cô Lam thấy thế bèn tiến lại gần để lay em gái dậy, thế nhưng khi vừa đến nơi thì mới kinh hoàng phát hiện ra, cô Mị đã ăn lá ngón chết từ bao giờ, miệng còn sùi bọt trắng.

Người Kinh hay đồng bào thiểu số sống trên những vùng núi cao làm gì có ai không biết đến loại lá ngón kịch độc. Một người trưởng thành chỉ cần ăn một vài lá là đã đủ để vong mạng. Cô Lam kinh hãi khi nhìn thấy trong tay cô Mị còn nguyên một cành lá ngón xanh mơn mởn. Cô thất kinh, chạy ào ra ngoài sân để tri hô. Khi người trong làng chạy đến thì chỉ kịp nhìn thấy cô Lam ngồi đờ đẫn bên xác cô Mị. Họ lập tức trói cô lại rồi chờ cho ông trưởng làng về định đoạt.
.........................................
Từ trước đến nay thôn Hoàng có cái lệ, hễ người nào chửa hoang thì bị đuổi khỏi làng, còn người nào giết người thì bị thôn áp giải vào trong rừng sâu, hoặc tệ hơn là bị dìm nước cho đến chết. Địa thế của thôn nằm sát bên bìa rừng, trước cổng thôn là một cái hồ nước rất rộng lớn, trong rừng thường xuyên có hổ qua lại. Chính vì thế mà để có thể sinh sống lâu dài, nhà cửa của người thôn Hoàng phải xây dựng với lối kiến trúc giống như nhà sàn của đồng bào thiểu số. Để tăng thêm phần chắc chắn, người ta còn đào móng nhà thật sâu và dùng cột trụ bằng đá để thay thế cho những cột bằng gỗ như người trong bản. Tất cả cũng chỉ là để bảo vệ tính mạng của con người trước loài hổ dữ.

Người trong thôn cung kính gọi là Ông Hổ.

Ông Hổ sống trong cánh rừng cạnh thôn Hoàng có bộ lông trắng muốt, vằn đen, khác hẳn với những bộ lông vàng, vằn đen của những con hổ khác. Nghe những người thợ săn lão làng kể lại rằng, con hổ trắng này bị chột một mắt. Không biết là do bị con người bắn chột, hay bị thương tích khi đánh nhau, chỉ biết rằng nó thực sự là một con hổ bị tật nguyền. Dã thú bị tật nguyền lúc nào cũng khát máu hơn bình thường.

Có nhiều đêm, người trong thôn nghe thấy thấy tiếng nó gầm vọng lại từ trong rừng sâu. Cũng có khi mấy người tiều phu nhìn thấy xương sọ, rồi những mảnh thây của thú rừng bị hổ vồ, nằm la liệt trong rừng. Có lẽ chính vì sợ hãi trước cảnh tượng kinh hoàng ấy mà người trong thôn mới đề ra hình phạt tàn khốc cho những kẻ gây ra tội ác như vậy. Từ trước đến giờ, ngoại trừ cô Lam thì chưa có ai bị vất vào rừng để cho hổ ăn thịt. Cô là người đầu tiên.

Cô Lam nghe thấy mình bị vất vào trong rừng thì chỉ mím chặt môi không đáp. Dẫu sao thì vất vào trong rừng thì cơ hội sống sót còn cao hơn là bị dìm nước. Mấy ngày hôm nay, từ lúc phát hiện ra xác của cô Mị, cô đã nói hàng nghìn lần rằng mình không hề giết người. Khi cô vừa đến thì người kia đã trở thành cái xác không hồn. Còn lý do gì khiến cho cô Mị quyên sinh thì quả tình cô không hề hay biết.

Mặc cho cô thanh minh thế nào, cũng chẳng có ai tin cả. Cô cũng chẳng xin xỏ người ta tha mạng cho mình, vì có thế nào đi chăng nữa, người ta cũng quyết không tha cho cô. Cô giải thích mãi cũng chẳng ai chịu nghe, người trong thôn nhất nhất cho rằng, cô ganh tị với cô Mị nên mới hại chết người. Giây phút ấy cô nhận ra, trong mắt người đời, những kẻ dị tướng như cô hệt như cái gai trong mắt. Họ thà giết phứt cô đi còn hơn là tìm ra sự thật.

Hơn thế nữa, bố đẻ của cô cũng không nhìn nhận con. Ngay từ lúc sinh ra cô đã biết mình không giống với những đứa trẻ bình thường. Những đứa bé khác có thể thoải mái chơi đùa dưới ánh nắng mặt trời, riêng cô thì cảm thấy thứ ánh sáng ấy như đang thiêu đốt da thịt của mình. Mặc cảm vì ngoại hình không giống người bình thường, đã có lúc cô định tự vẫn nhưng rồi không dám. Cô cười chua chát, cuối cùng số kiếp của cô khép lại bằng cách thức đau đớn này... Cô chết hay không, cũng đều do người khác định đoạt..Mỉa mai thay!

Trời nắng chói chang, người trong thôn đã tản về nhà để nghỉ ngơi, chờ buổi chiều sẽ đến xem cô Lam bị vứt bỏ trong rừng. Đầu óc cô lúc này đang mất cảm giác dần... Cô thì thào:
“Nước... Nước... cho tôi uống nước.”

Cô cố gắng ngẩng đầu để cầu xin một ai đó, thế nhưng mắt đã nhòa, môi đã khô rát... Trong cơn mê mê tỉnh tỉnh, cô nhìn thấy một đôi chân gầy gò khẳng khiu của một đứa bé. Nó sợ sệt tiến lại gần phía cô, nghe thấy giọng nói của cô, nó lùi về phía sau rồi vội vàng chạy đi. Cô Lam lại gục đầu xuống...

Một lúc sau, thằng bé quay lại. Trong tay nó lúc này là một bình nước, cô Lam khó nhọc vươn cổ ra nhưng không thể nào uống được. Thằng bé ngẫm nghĩ một lúc rồi nhặt dưới đất ra một cái lá cây thật to, nó cuộn lại tạo thành một cái phễu, đoạn lại hứng nước từ phễu ấy đổ vào miệng cô Lam. Cô Lam khó nhọc nhìn nó. Bốn con mắt chạm nhau, thằng bé rụt rè lùi lại, nhưng không hề bỏ chạy. Cô Lam cười buồn:

“Đừng sợ... tao không giết người”

Một tia kinh ngạc xuất hiện trên gương mặt của thằng bé. Sau một thoáng ngập ngừng, nó im lặng gật đầu chấp nhận cái thông tin vừa nghe được. Nó run run nhét vào miệng cô Lam một quả hồng nho nhỏ. Vốn dĩ nó định lấy thêm cơm cho cô nhưng ngặt nỗi, nhà nó cũng nghèo. Ăn bữa nay, no bữa mai, làm sao có sẵn cơm để cho người khác. Khi thằng bé đang định kịp nói thêm điều gì, thì từ phía xa đã thấy xuất hiện vài người đàn ông cầm sẵn khí giới trong tay, trên lưng còn gùi thêm những ngọn đuốc chưa cháy.

Người đàn ông lớn tuổi nhất trong số đó tiến lên trước, nhìn cô Lam rồi lạnh lùng cất giọng:
“Đến giờ rồi! Phải đi thôi. Mày còn gì muốn nói không?”

Lúc này cô Lam mới ngẩng đầu, nhìn thẳng vào mắt của người đối diện gằn giọng:
“Tôi không giết con Mị!”

“Không ai tin mày đâu. Từ trước đến nay, mày vốn dĩ không thuận hòa với người nhà ấy.” Một người thanh niên trẻ tuổi cướp lời.

“Dòng giống ác độc như mày, phải chết đi mới hả dạ.” Người khác nói với theo.
Người đàn ông lớn tuổi nhất lạnh lùng:

“Chỉ nói thế thôi phải không? Vậy thì đi thôi!”

Xiềng xích quấn quanh người cô Lam bị tháo ra gần hết, chỉ còn lại một chiếc cùm trên cổ và một chiếc kéo lê ở chân...Người trong thôn lặng lẽ đi theo, khi bắt đầu vào khúc quanh phân chia ranh giới giữa rừng và nơi sinh sống của con người, bà bác ruột của cô Lam chạy ào theo khóc òa lên gọi tên cháu gái. Vài người thanh niên giữ bà lại. Cô Lam ngoái lại nhìn bà, gương mặt trắng bệnh không còn sinh khí của cô bị sương mù lúc chiều hôm làm mờ nhạt đi vài phần.

“Bác về đi. Nếu cháu có vong mạng trong rừng, nhất định cháu sẽ báo thù những kẻ hôm nay đã bức cháu vào bước đường cùng.”

Ánh mắt cô lạnh băng lướt qua những người đàn ông đang áp tải mình, cuối cùng nhìn thẳng về ngôi nhà nổi bật giữa thôn. Nơi ấy hôm nay đang chuẩn bị làm đám tang cho cô Mị. Lần cuối cùng những người trong thôn Hoàng nhìn thấy cô Lam là khi cô bước vào trong rừng, khuất sau một cây hồng trĩu những quả đỏ rực rỡ giữa tiết trời hiu hắt.

Bà bác ruột gào lên một tiếng thất thanh rồi ngã phịch xuống ngất xỉu thêm lần nữa. Tối muộn hôm ấy, những người trong đoàn áp giải kia mới trở về. Trên mặt người nào người nấy còn nguyên nét kinh hoàng.
.....................................
Còn tiếp

Chúng Tôi Sẽ Cập Nhật Chap 3 sớm nhất có thể

1 Nhận xét

  1. Ra chap mới đi ad. Nếu ra thì notify mình biết với nhé, tại gmail brooklynrain2020@gmail.com

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn