Truyện ma Cát Bụi Thời Gian Chap 2

 Cát Bụi Thời Gian Chap 2

Tác Giả : Tĩnh Thủy

Huyền nhân- Cát bụi thời gian


Xem Lại Chap 1 : Tại Đây


Từ khi tôi bé, mẹ đã luôn hướng tôi tới các công việc khoa học, kỹ thuật. Mẹ dạy tôi về các con số nhiều hơn là về các con chữ. Thậm chí tới cả kỳ nghỉ hè, mẹ cũng muốn đưa tôi đi tới Tây Phương để cho nó mới mẻ, thay vì chiều theo ý muốn của tôi là đi về quê. Châu âu thì hiện đại nhưng bên đó khí hậu lạnh nên ba tôi không cho tôi đi bao giờ, tôi rất biết ơn ba về điều này, vì nói thực trời âu không làm tôi hứng thú nhiều bằng các vùng sơn cước. 


Tôi không muốn lãng phí kì nghỉ hè hàng năm của mình để tới cái xứ lạnh lẽo xa xôi toàn người mắt xanh mũi lõ nói gì chả hiểu, tôi muốn tận dụng từng khoảnh khắc để được học cái gì đó. Kỳ nghỉ hè là thời gian tuyệt vời để tôi học được các bộ kinh điển và đối thoại giảng pháp của nhà chùa thông qua các khóa tu, tôi biết thế, nhưng đó mãi mãi chỉ là mơ ước của những năm tháng còn trẻ con, vì mẹ tôi có cho tôi đi bao giờ đâu? 


Tôi chỉ biết lặng lẽ mang sách vở tới chùa vào buổi tối, lén lút một mình chui trong các thư viện nhà chùa để nghiền ngẫm các bộ kinh và các điển tích kinh điển của Phật giáo cho tới khi tối mịt để rồi phải về nói dối mẹ là đi đá bóng với xóm trên.



Càng lớn lên, tôi càng thấy ham thích về các nền văn hóa xa xưa hơn là những cuộc sống hiện đại tân thời. Tôi cũng hay tìm tới các ngôi chùa gần nhà để học hỏi, đôi khi lắng nghe các buổi giảng pháp, đôi khi nghe các cụ già ngồi tụng kinh, các thầy ở chùa cũng hay để ý tới tôi lắm vì thấy tôi lạ kỳ... 


Tôi cũng chưa từng bao giờ nghĩ tới việc mình sẽ đi tu hay gì đó như mẹ tôi vẫn lo sợ, suy nghĩ của tôi vào những năm tháng đó rất là đơn giản, không hề có một chút minh quan triết học nào ảnh hưởng vào đó. Đấy chỉ là “Mình thích thì mình học thôi.”

Cũng vì vậy mà từ nhỏ tôi vừa được tiếp cận với nền giáo dục văn minh hiện đại trong gia đình, lại vừa có dịp học hỏi trau dồi, nuôi dưỡng và bồi tụ về những nét đam mê của mình ở các lĩnh vực lịch sử, tôn giáo, và dần dần là tới Huyền học. 


Khi đó tôi cũng chưa từng nghĩ hay biết được rằng sau này có những lĩnh vực mình sẽ theo đuổi mãi, và cũng không biết được đến các sự kiện mà tôi gặp sau này khi trưởng thành lên lại có tác động vào đời tôi như thế nào, tôi chỉ học vì ham thích mà thôi. 


Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã ý thức được rằng những ngành nghề, lĩnh vực mà mẹ tôi vẫn luôn cho rằng chỉ là ma mị vô bổ, thực ra vẫn luôn âm thầm cống hiến được cho xã hội bằng một cách nhất định của riêng mình, nếu nó được tiếp cận và sử dụng đúng đắn từ các học giả, các triết giả thực sự có tâm, có tầm.

...

Ngôi chùa mà tôi hay tới lui nhất là chùa Phổ Hiền ở cách nhà tôi không xa, chỉ cỡ hơn một cây số, tôi có thể đi bộ hay sau này lớn hơn thì tôi đi xe đạp tới. Chùa cũng nhỏ thôi, trong chùa cũng không có nhiều sư cho lắm, nhưng tối nào thì cũng có rất đông các ông bà Phật tử tới đó tụng kinh. 


Thực ra thì đi xa nhà tôi hơn chút nữa thì có chùa to ngay, nhưng phần vì gần, phần vì có nhiều người hay tới đây hơn làm tôi có cảm giác ấm áp hơn. Sau này tôi mới biết không phải tự nhiên mà người ta tới đây nhiều đến như thế, đó chính là vì thầy trụ trì của ngôi chùa này là một người rất là giỏi và nổi tiếng lúc bấy giờ, đó là Đại đức Thích Kính Nguyệt.

Ban đầu thì tôi không biết và cũng không bận tâm tới các sư thầy trong chùa nhiều, điều thu hút tôi ở ngôi chùa là các bức tượng và kinh sách, cũng như phần không gian thanh tịnh ở nơi đây, cho tới một ngày tôi quen được với thầy Kính Nguyệt.

...

Đó là vào một buổi tối tĩnh mịch...

Ngày hôm đó không có ai tới chùa tụng kinh như thường lệ, hình như vì nhà chùa có báo công việc gì đó tôi cũng không rõ. Tôi tới thì không thấy ai cả, phòng thư viện thì cũng khóa, nhưng trót nói với mẹ đi học nhóm với bạn rồi nên cũng không về nhà ngay được, thế là tôi bèn ngồi lại ở lục giác lầu một lát cho tới giờ về. 


Việc ngồi một mình mà không làm gì cả đối với tôi cũng chẳng khó khăn hay nhàm chán gì, vì tôi đã quen với không khí tĩnh mịch ở chùa chiền, và tôi cũng là đứa có khả năng tự làm hài lòng bản thân khi ở một mình, có thể coi là hơi hướng nội. Mẹ tôi bảo đó là dấu hiệu của một người tài năng, còn bố tôi chỉ cứ bảo tôi là thằng tự kỷ.

Tôi ngồi một lát thì có người bước ra, một sư ông cao lêu nghêu, nhưng dáng đi rất là thẳng. Thầy trông cũng gầy gầy, mặc bộ quần áo vàng và đi đôi dép tổ ong vàng, từ từ bước lại chỗ tôi.

Thoạt tiên thì tôi cũng hơi sợ, không phải tôi sợ người lạ, mà tôi sợ mình làm phiền gì đó vào một ngày đặc biệt gì đó của nhà chùa, bởi khi đó chỉ có một mình tôi ngồi giữa một vùng không gian rộng thênh thang trống vắng của nhà chùa, tôi nghĩ thầy lại để nhắc tôi đi về. Khi thầy bước lại thì tôi vội đứng dậy chắp tay xá chào ngay. Tôi còn cầm sẵn cả cặp sách lên, chỉ cần thầy nhắc nhẹ một cái là tôi lủi liền, thế nhưng thầy chỉ cười hỏi tôi ngồi làm gì hay chờ ai, tôi cũng thành thực trả lời lại sự việc, thầy bảo:

- Hôm nay nhà chùa nghỉ ngơi nên không mở thư viện, ngày mai lại mở bình thường. Thế cậu không bận về gấp thì ngồi nói chuyện với thầy một lát.

Tôi vui vẻ ngồi lại ngay, rồi thầy hỏi han qua về tôi và gia đình tôi, hỏi tôi nhân duyên gì mà tới chùa, hỏi tôi ở trong thư viện đã đọc những kinh gì, sách gì rồi, hỏi tôi đã biết hết các ngày lễ lớn cũng như các nghi thức trong Phật giáo chưa?

Trời buổi tối tĩnh lặng, gió thổi hiu hiu, giọng nói của thầy, cử chỉ của thầy, ánh mắt của thầy, tất cả hòa quyện lại với nhau thành một thứ không khí ấm áp, nhẹ nhàng, êm dịu, trầm ấm, làm tôi cảm thấy thư thái, bình an trong lòng lắm. Tôi nói chuyện với thầy cởi mở như một người đã quen biết từ rất lâu trước đó. 


Điều tiếp theo từ thầy làm tôi thu hút sau vẻ bề ngoài, đó là sự uyên bác. Sau khi tôi trả lời nhiều câu hỏi của thầy, tôi bắt đầu mạnh dạn hỏi thầy một số câu linh tinh mà tôi chưa rõ trong kinh sách. Thầy không hề xem tôi là đứa trẻ con, ngược lại thầy rất nghiêm túc trả lời tường tận và đầy đủ cho tôi về tất cả, từ Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên cho tới Chú Đại Bi, Kinh Địa Tạng... 


Tôi nghe mà thích lắm, nhiều chỗ tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần trong nhiều ngày nhưng không hiểu, mà thầy giảng có vài câu, tôi liền hiểu ngay. Internet chưa phổ cập nên có cái gì khó không hiểu là tôi chỉ biết ngồi miệt mài tìm trong thư viện hết đầu sách này tới đầu sách khác cho tới khi tìm ra lời giải đáp thì thôi, có nhiều đoạn không hiểu, lại không biết tìm trong đầu sách nào cho có, lại cũng không biết hỏi ai, vừa tức vừa ấm ức đến mức có lúc bật khóc, tối về nằm trằn trọc nghĩ về nó mãi mà chả ngủ được. Tôi đem các điều đó kể với thầy, thầy gật gù nói:

- Đó là tinh thần của một người học giả đấy, như thế quý lắm.

Loáng cái đã phải gần hai tiếng trôi qua, thực sự tôi đã hỏi nhiều nhưng so với những gì thắc mắc tồn đọng thì còn chưa là bao nhiêu, tôi muốn hỏi nhiều nữa lắm, thời gian đối với tôi lúc đó, sao mà nó trôi nhanh tới vậy không biết, nhưng rồi tôi cũng đành miễn cưỡng xin phép thầy ra về kẻo mẹ la, thế nhưng trong lòng còn biết bao nhiêu là luyến tiếc vì không biết khi nào mới lại có một cơ hội tốt thế này để mà học hỏi nữa. Lúc đó tôi mới thấm câu nói là: 


“Nói chuyện với bậc trí giả một giờ, thì bằng đọc sách mười năm.”

Thầy nhận ra ánh mắt luyến tiếc của tôi ngay, khi tiễn tôi ra cổng chùa, thầy nói:

- Kim này, sau này buổi tối con cứ tới đây, con không phải hỏi ai cả, cứ đi thẳng tới phòng trụ trì, nếu thầy có ở chùa, thầy sẽ giảng bài cho con.

...

Từ hôm đó, tôi lui tới chùa thường xuyên hơn nhiều, tôi nói với thầy về những buổi tối mà tôi có thể tới, không biết có phải do tôi may mắn hay không, mà hầu như các buổi tôi tới, thầy đều có ở chùa...


Xem Tiếp Chap 3 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn