khám phá về nghề "bốc mộ"

 Đây là kỉ niệm của vài năm tôi theo chân các chú trong làn đi bốc mộ thuê. Quê tôi ở đồng bằng bắc bộ nên vẫn còn tục lệ cải táng cho người đã mất, có nghĩa là sau 1 thời gian chôn cất người mất sẽ được tắm rửa sạch sẽ và chuyển hài cốt tới một ngôi mộ khác chắc chắn, kiên cố hơn và nằm lại đó vĩnh viễn.

Công việc đặc thù nên cả xã thậm chí vài xã mới có một đội chục người chuyên nhận làm, đó cũng là một nghề. Xã tôi có đội của bác S cách nhà tôi vài xóm chuyên nhận làm, hồi trước tôi vẫn xin đi theo làm phần vì thỏa mãn trí tò mò của tôi, phần vì bác S cho tôi tiền cũng không ít khi đi cùng, làm vài chân lặt vặt cho bác. Mùa thu là mua của bốc mộ, cải mả vì theo quan niệm chỗ tôi, mùa này mát mẻ, lại sạch sẽ. Vào mùa đội bốc mả công việc nhiều gần như là chạy show của ca sĩ vậy, nhà này chưa xong đã thấy người của nhà khác đến trực đón đi. Việc nhiều như thế nên tôi gặp kha khá những trường hợp dở khóc dở cười từ cái nghề này.



Đầu tiên phải kể đến những người chết do bệnh, ung thư bla bla…những bệnh cần nhiều thuốc hay xạ trị hóa chất. Những người này thịt rất lâu tan ra. Có những nhà để tới 7-8 năm mới bốc mà thịt vẫn còn. Khi ấy cánh thợ lại phải đun sôi nồi nước bồ kết đã chuẩn bị sẵn rồi nhúng những khúc xương vẫn còn dính thịt đó vào rồi cạo ra. Mùi hôi nồng nặc quện chặt với mùi trầm hương đốt liên túc tạo ra thứ mùi ám ảnh con người ta rất rất lâu. Chưa kể đến việc những miếng thịt trắng nhởn hoặc đen xì rơi vương vãi trong chiếc nồi nước bồ kết sóng sánh màu vàng cũng in đậm trong đầu tôi đến nỗi mà cho tới tận bây giờ khi nhìn vào món canh rau ngót nấu với thịt băm hay tóp mỡ tôi lại tưởng tượng đến những miếng thịt trôi lập lờ trong xoong đó. Rất khó nuốt.
Sau chuyện còn thịt là đến chuyện các con vật trong quan tài. Quan tài thì thường được làm bằng gỗ dổi cho nhẹ và rẻ, nhà nào giàu thì mới vàng tâm hay ngọc am. Nhưng gỗ gì thì gỗ nhiều năm nằm sâu trong lòng đất cũng khiến một vài chiếc bị kênh, hở góc. Và thế là những chiếc quan tài đó thành thiên đường của những loài ăn tạp chủ yếu nhất có thể kể đến là cá trê và lươn. Bọn này vào kiếm ăn từ lúc bé đến lúc to quá không ra được. Có những lần lôi được áo quan lên bên trong cá giẫy sùng sục, chúng tôi quen rồi thì không sao nhưng người nhà phía bên trên thì nhốn nháo hết cả ban đầu là sợ sau là tức vì lươn, cá ăn thịt người thân mình nằm đó. Mà bọn cá nằm trong áo quan, con nào con đấy béo mẫm, vàng ươm. Ra chợ mà không biết nguồn gốc thì chắc chắn đắt hàng. Nhưng chính chúng tôi cũng có lần bị dọa cho tím mặt, đấy là lần sang xã bên cạnh bốc thuê.

Quan tài kín chỉ hở 1 lỗ nhỏ cỡ ngón tay cái thoát nước ra ngoài, ai cũng nghĩ như thế thì bên trong an toàn. Mà an toàn thật, mở nắp áo quan ra không hề có lươn hay cá gì cả nhưng khi nhặt xương ra ngoài đến cái đầu lâu thì anh T trong nhóm thét ầm lên buông tay để cái xương sọ rơi xuống cái bạt chăng sẵn ở đó. Mặt anh cắt không còn hột máu, miệng thì lắp bắp nói không rõ câu. Mọi người thấy thế cũng hơi chột dạ, chuẩn bị sẵn tâm lí chạy cả. Chiếc hộp sọ rơi xuống nằm yên được 1 lúc thì run lên , lắc qua lắc lại từng đợt.

Lúc này thì cả người nhà lẫn cánh thợ co chân lên chạy thẳng, ai mà biết được chuyện gì xảy ra nếu cứ đứng đó. Mãi một lúc lâu sau không thấy thêm điều gì thì anh em mới qua xem kĩ thì hóa ra có ông lươn to quá kẹt cứng trong đó không ra được. Hết hồn hết vía vì con lươn.
Chuyện cuối cùng muốn kể đấy là mộ kết, theo như những gì mọi người quan niệm thì nhà nào có mộ kết là nhà ấy phát lắm không nên bốc mà cứ để đó. Nhưng có những nhà thì phải bốc, bốc bằng được.

Mấy năm theo nghề tôi chỉ gặp đúng 1 lần mộ kết mà vẫn bốc. Nhà này mộ gần bên hàng phi lao của xã tôi, đất chỗ này thì ẩm, mềm do nằm dưới ruộng mà ấy thế mà vừa đào được 1 vài chục mai đất ( cái mai nó giống cái thuổng nhưng to hơn và dẹt cán thường làm bằng gỗ rất chắc) thì gẫy mai. Bác S bảo ngay,khả năng mộ kết rồi, hỏi ý kiến người nhà xem có tiếp tục không. Nhà này vẫn khăng khăng đào tiếp. Thêm một vài chục mai, cán chiếc mai mới lại gẫy rời trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Bác S tiếp tục hỏi lại chủ nhà, nhưng 2 chiếc mai chưa đủ làm giảm quyết tâm của họ.
Thay mai, đào thêm 1 lát thì nhện, không biết bao nhiêu là nhện túa ra từ bên dưới. các bạn cứ tưởng tượng tổ kiến vỡ ấy nhưng thay vào đó là những con nhện đen to bằng ngón tay chạy tứ tán. Điều đặc biệt là k con nào bò lên chân chúng tôi, chúng chỉ chạy tán ra rồi nhanh chóng biến mất vào xung quanh k còn dấu vết. Đến đây có lẽ nhà chủ cũng hơi hoang mang nhưng ông chủ nhà vẫn giữ kĩ ý định đào tiếp. Sau đàn nhện chúng tôi k gặp trở ngại gì nữa mà cứ thế lôi được quan tài lên.

Điều đặc biệt là khi cậy nắp quan tài, thay vì mùi hôi đặc trưng thì là mùi thơm của trầm và hơn nữa bộ xương này màu vàng óng chứ không đen xì như những bộ xương khác nhưng cũng mủn ra ngay sau khi chúng tôi cầm vào để rửa. Gia đình này 1 thời gian sau thì gặp khá nhiều biến cố, ông chủ nhà tai biến, người con trai cả đi biệt xứ chưa về còn cháu nội thì thi thoảng vẫn lên cơn động kinh sùi bọt mẹp.

Người duy tâm thì cho rằng nhà này phạm điều kiêng kị là bốc mộ kết còn kẻ duy vật thì nói do trùng hợp. đúng sai thế nào chỉ có người trong cuộc rõ nhất. Tôi thì thôi k kể nữa, để mai post tiếp về chuyện ma hồi nhỏ hay được nghe hoặc chuyện xung quanh bãi tha ma nơi tôi sống. Các bạn thấy hay hay dở cứ góp ý ở bên dưới. Tôi sẽ nghe nhưng k sửa gì đâu vì chuyện chỉ có vậy thôi thêm thắt vào k đc mà bớt đi cũng không xong. À mà thích nghe cái gì cũng cứ nói nhé, tôi cứ nhớ ra và viết dần dần
Nguồn: Phạm Phong

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn