Truyện ma Việt Nam "bóng trắng sau trường" chap 16

 CHƯƠNG 16: BÍ ẨN NĂM XƯA

Xem lại chap 15 : Tại Đây

Ngay trước mắt Khanh là hình dáng một người đang ở ngay sát bên khung cửa sổ nhỏ thông khí của nhà vệ sinh. Đó chính là mẹ cô bé. Khuôn mặt cô Xuyến đã tím ngắt, môi thâm lại, lưỡi hơi lè ra, đôi mắt của cô bên nhắm lại, bên mở ra trắng dã. Cổ cô gãy gập, nghiêng sang một bên, có một sợi dây thít chặt vào cổ, treo cơ thể của cô lủng lẳng trên thanh sắt của cửa sổ. Cảnh tượng quá hãi hùng khiến thần kinh của cô bé 8 tuổi không tài nào chịu được. Khanh gào thét lên rồi lăn ra đất ngất xỉu.

Sáng ngày hôm sau, ánh sáng mặt trời chiếu vào mắt khiến Khanh tỉnh giấc.Vẫn chưa có một ai phát hiện ra cái chết của mẹ Khanh. Tỉnh giấc dậy, cô bé run rẩy bò ra khỏi nhà vệ sinh có xác mẹ của mình, dùng giọng nói khản đặc gõ vào chiếc cửa sắt ra vào nhưng chẳng có hồi âm. Trong lòng cô bé trống rỗng, nước mắt đã cạn kiệt vì phải gào khóc quá nhiều vì những trận đòn roi suốt mấy năm qua. Khanh chỉ thấy rất đói. 


Cô bé cuống cuồng tìm tới bát mì từ đêm hôm qua, nhưng chưa kịp bốc ăn, Khanh đã kinh hoàng nhận ra có một con chuột nhắt chết nổi lềnh phềnh trong bát mì. Nhận thức của Khanh khi ấy quá non nớt để hiểu rằng, bát mì đã bị bỏ thuốc chuột. Mẹ cô định kéo cô đi cùng. Cô bé Khanh chỉ biết rằng bát mì bị hỏng, không thể ăn được nữa. Tuyệt vọng, Khanh chui lên giường, ngồi thu lu lại, đợi có người tìm đến. Cô bé mệt lả đi, trong đầu chẳng có chút cảm xúc rõ rệt nào. Mẹ chết rồi, liệu cuộc đời Khanh sẽ ra sao? Sự đau đớn buồn khổ của một đứa con mất đi mẹ của mình hoàn toàn chẳng xuất hiện trong lòng cô bé.

Tới tận tối hôm đó, ông ngoại Khanh đi làm về, không thấy con gái về qua cổng như thường lệ mới tới xem thì phát hiện ra sự thật đau đớn. Ông khóc lóc hối hận vì đã không quan tâm tới con gái mình nhiều hơn. Trong gia đình, ông không có tiếng nói, bản tính lại hiền lành nên chỉ biết làm những điều nhỏ nhặt, hoàn thành công việc của mình. Mọi chuyện gia đình, con cái, ông đều giao cho vợ ông là bà Xoan. 

Con gái gặp phải biến cố trong cuộc đời, ông chẳng còn cách nào khác là đồng ý với vợ, nhốt con và cháu gái vào trong căn phòng kho cũ được tu sửa để trốn tránh ánh mắt người đời. Thế nhưng chính điều đó đã tạo nên bi kịch. Cô bé Khanh đã ở cạnh xác mẹ suốt một ngày nhưng khi được mọi người tìm thấy và đưa ra khỏi đó, gương mặt của cô bé vô cùng ráo hoảnh. Điều này khiến những người hàng xóm và lũ trẻ trong làng càng xa lánh cô bé vì họ nghĩ Khanh không hề có cảm xúc, mang một trái tim ác quỷ. Nhiều người độc miệng còn cho rằng chính Khanh là người mang lại xui xẻo và ép mẹ cô tới cái chết. Bà ngoại cô bé, không may, cũng tin vào điều ấy.

Suốt một năm sau đó, ông ngoại tiếp tục nuôi dưỡng cô bé Khanh. Sóng gió đã dịu đi bởi bên cạnh sự cay nghiệt của bà ngoại, ông ngoại dường như dành nhiều sự che chở cho cháu gái hơn sau cái chết của mẹ cô bé. Ngày tháng yên bình ngắn chẳng tày gang, khi Khanh vừa được 9 tuổi, ông ngoại bị tai biến, nằm hôn mê một chỗ. Một mình bà ngoại không thể cáng đáng nổi tiền bạc và việc chăm sóc cả hai ông cháu nên xin trợ cấp xã hội, gửi Khanh lên nhà tình thương trên thành phố. 

Từ đó, đã có các quỹ xã hội lo lắng cho Khanh. Suốt bao nhiêu năm, bà ngoại cũng chưa từng tới thăm cô bé một lần nào. Ông ngoại Khanh dần tỉnh lại sau tai biến nhưng thần trí lúc tỉnh táo lúc không, chân cũng chẳng thể đi được nữa... Cũng kể từ ngày đó, cô bé Khanh bắt đầu nhìn thấy những thứ kì lạ xung quanh mình, như những làn khói xám trắng vất vưởng...

“Huhuhu... Xuyến ơi... chạy đi con... chạy đi...”

Từ sau lưng Khanh, một giọng nói khàn đục vang lên, kéo cô trở lại với thực tại. Khanh giật bắn mình, quay lại phía sau, nhận ra ông ngoại đang ngồi trên chiếc xe lăn, ở ngay sát giường cô giống y hệt lần trước. Lần này trông ông có vẻ điên loạn hơn, liên tục cựa người ở trong xe, tay quờ quạng về đằng trước, mắt vẫn mờ đục, không rõ là đang nhìn thứ gì
.
“Huhuhu! A...a...a... Huhuhu! 

Xin lỗi, bố xin lỗi! Chạy đi! Chạy đi!” Ông ngoại Khanh gào lên giữa đêm khiến cô luống cuống không biết làm thế nào, quên đi cả nỗi sợ hãi vừa rồi. Tại sao ông cứ xuất hiện thình lình như vậy? Hay ông đã ngồi đây từ lâu rồi mà Khanh chẳng để ý? Khanh quay lại nhìn về hướng khu vườn. Lúc này, mọi thứ lại chìm trong bóng đêm, kể cả căn phòng nhỏ kia. Chẳng thấy ánh đèn chớp tắt, cũng chẳng thấy bóng dáng người mẹ của Khanh đâu nữa. Có lẽ cô ám ảnh quá nên lại sinh ra ảo giác chăng?

Nghe thấy tiếng động ồn ã, bà ngoại Khanh lại đi ra để kéo xe lăn của ông ngoại vào, ông cứ ngoái lệch cổ về phía Khanh, vẫn ú ớ và lẩm bẩm:

“Xuyến về! Xuyến lại về đấy... Hihihi. Đừng về… chạy đi…” Vẫn là những câu nói vô nghĩa.

“Khổ ghê lắm cơ! Mới cử động được một tí là lại chạy xe linh tinh rồi!” Bà ngoại càm ràm rồi đi vào trong phòng.

Những câu nói của ông ngoại, dù là không tỉnh táo, nhưng khiến Khanh cảm thấy lạnh người. Điều mà Khanh sợ hãi tận sâu trong tiềm thức, chính là việc mẹ cô về đòi mạng. Khi đã đủ lớn, Khanh nhận thức được đêm đó, mẹ định giết mình, cũng như bà đã gây nhiều thương tích nặng nề cho cô cả về thể chất lẫn tinh thần trong suốt tuổi ấu thơ đã khiến cô luôn sợ mẹ. Giờ ông ngoại cư xử như vậy càng khiến Khanh cảm thấy như mẹ đang ở ngay đây.

Những ngày sau, khi đi chơi net, Khanh cũng tò mò nên tranh thủ tìm kiếm thông tin về vụ việc mất tích của nữ sinh THPT Đông Sơn ngày xưa nhưng cũng không có gì đáng kể, chỉ có vài tít báo:

“Nữ sinh mất tích khi đi học ở thị trấn B...”

“Vụ nữ sinh mất tích ở thị trấn B: đang tiến hành điều tra”

“Nữ sinh mất tích ở thị trấn B, nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ...”

Những bài báo cho biết, cách đây bảy năm, một nữ sinh lớp 10 của trường THPT Đông Sơn đã không về nhà sau khi đi học. Cha mẹ của nữ sinh cũng đã đăng tin tìm kiếm khắp nơi và nhờ cảnh sát điều tra nhưng tới nay, tung tích của nữ sinh đó vẫn không rõ ràng. Trước khi mất tích, biểu hiện của cô bé không có gì quá kì lạ, vẫn đi học và đi về bình thường. Bố mẹ cô bận cũng ít có thời gian hỏi han con chuyện trường lớp và cô bé cũng ít chia sẻ. Cô bé là một trong những học sinh học khá. Hôm cô mất tích, không có ai chắc chắn rằng cô bé đã đi đâu. Người cuối cùng nhìn thấy cô là khi cô bé đi về phía tòa nhà thể chất sau trường. Nhưng thông tin này cũng không chắc chắn. Được biết, ở trên lớp, cô bé không có nhiều bạn.

Chẳng còn nguồn thông tin nào giá trị hơn, Khanh lại gặp hội thằng Dũng một lần nữa. Hóa ra thằng Dũng đã dò hỏi được nhiều thông tin hơn Khanh nghĩ. Những vụ việc thế này, phải tìm hiểu những người khóa trên từng học ở trường này nhiều năm về trước mới có thể rõ ràng được. Rất may mắn rằng, chị họ xa của thằng Việt cũng từng học ở trường THPT Đông Sơn này cách đây 7 năm, vừa vặn chứng kiến sự việc năm đó. Dù sao thì học sinh ở trường này, đa số đều sinh sống ở các thôn làng xung quanh thị trấn.

Năm ấy, chị họ của Việt – tên là Huyền vẫn còn là một nữ sinh lớp 11. Các học sinh trong trường biết sơ sơ lẫn nhau là chuyện hết sức bình thường. Chị họ của Huyền cho biết nữ sinh đó tên là Hương, học khóa dưới, không quá nổi bật về học tập nhưng cũng có tham gia đội văn nghệ của trường vì có giọng hát khá hay. Rồi tới một ngày mùa đông, cả trường nháo nhào lên vì thông tin trong trường có nữ sinh không thấy về nhà. 

Nhiều lời đồn đại ác độc dấy lên, cho rằng cô bé bỏ nhà theo trai, giận dỗi cha mẹ v…v Cuộc tìm kiếm kéo dài cả tháng trời nhưng nữ sinh đó vẫn không trở về. Các lời khai trái ngược nhau, có người nói rằng thấy cô gái lần cuối ở trong trường, có người lại cho rằng Hương đã ra về, đi khỏi cổng trường. Cha mẹ nữ sinh hết sức tội nghiệp, tìm mọi cách để có thông tin về con gái, dù ai báo tin ở nơi xa xôi, ông bà đều lặn lội tìm đến nhưng chẳng có kết quả gì. Cuối cùng, sự việc dần trôi vào quên lãng.

Thế nhưng sau đó khoảng nửa năm, ở trong trường bắt đầu xuất hiện lên các lời đồn về việc có ma ở nhà thể chất. Các học sinh thường hay ngất xỉu, vô tình bị thương trong quá trình tập thể dục ở nhà thể chất. Các sự kiện không rõ ràng nhưng lời đồn ngày một lớn, ảnh hưởng tới tâm lí của nhiều học sinh. Có đứa còn khăng khăng rằng đã nhìn thấy hồn ma một nữ sinh ở khu vực đó. 

Đặc biệt, những ai hay ca hát ở trên trường thì thường gặp rất nhiều điều xui xẻo. Năm đó, trong các làng cũng xuất hiện một dịch bệnh gây chết nhiều trâu bò, gà, lợn rồi có nhiều người qua đời. Vì thế nên họ đều cho rằng nữ sinh đó đã chết và oán hận vì không được tìm thấy, kéo theo nhiều người trong làng. Dù sao cũng chỉ là lời đồn, nhưng lại hình thành quy tắc ngầm trong trường: không nên hát trong trường, không ở lại sau 5 rưỡi chiều, v...v Giả thuyết này nổi tiếng tới mức thành một “đặc sản” ở ngôi trường và cả các thôn làng xung quanh.

“Vậy có khả năng cô ta đã chết thật, nhưng chết thế nào, chết ở đâu thì không ai rõ... Chắc chỉ gần đây thôi.” Khanh bình phẩm.

“À... còn một chi tiết quan trọng nữa suýt nữa tao quên...” Thằng Việt vội nói.

“Cái gì cơ?”

“Chị họ tao bảo nữ sinh tên Hương đó còn có một người bạn trai cùng lớp với chị họ tao luôn, tên là Lam. Đợt trước khi sự việc xảy ra thấy họ hay đi với nhau...”

“Hương... Lam?” Khanh giật mình, chợt thấy điều gì đó mà mình vừa ngờ ngợ, nhưng vẫn chưa thể nhớ ra.

“Chính là ông thầy giáo thực tập sắp về trường mình đấy!”

Khanh nhớ lại buổi biểu diễn trước ngày đi tham quan, có một thầy giáo tên Lam, từng là cựu học sinh của trường có lên hát tặng một bài độc tấu guitar.

Guitar… hát… nhạc…

Cuối cùng Khanh cũng đã nhớ ra thứ Khanh đã quên. Khanh từng nhặt được một bức thư trao đổi tình cảm và một bản chép nhạc tay bài “Tuổi đời mênh mông” trong chiếc tủ đựng đồ cũ kĩ ở phòng thể chất. Nhân vật trong hai bức thư đó chính là Lam và Hương.

Vậy thì khả năng cao đó là những món đồ còn sót lại của nữ sinh xấu số và người yêu năm xưa, những lời chị họ Việt kể cũng có thật. Dù chuyện gì đã xảy ra thì chắc chắn một điều, nữ sinh này đã trải qua điều oan khuất nào đó, không may mất mạng và giờ trong lòng cô ta đầy thù hận. Lí do cô ta nhắm tới Khanh, Dũng, Lân, Việt vẫn chưa rõ ràng. Cô ta mất ở đâu, như thế nào thì không ai biết.

Đứng ở sân sau nhìn sang, Khanh để ý thấy những chiếc xe cần cẩu lớn đã đậu ở cạnh tòa nhà thể chất cũ từ lúc nào, có lẽ nó thực sự sắp bị phá bỏ.

Trong suốt một tuần sau đó, sự việc về cái chết của Lân dần lắng xuống. Sau một bài báo về gia cảnh nợ nần túng quẫn của bố mẹ Lân, mọi chuyện được coi như một vụ tự tử. Giáo viên chủ nhiệm của lớp A3 bị kỉ luật, tạm đình chỉ công tác còn phía Ban giám hiệu vẫn im lìm. Có lời đồn hết năm học này, Hiệu trưởng trường sẽ bị điều công tác đi nơi khác, thế nhưng việc thi công xây sửa trường vẫn được tiến hành nốt, có lẽ là do kinh phí đã nhỡ chi. Thế là chỉ trong vòng vài tháng, trường đã có tận ba người tự tử, một con số bất thường.

Giờ đây, Khanh và Dũng, Việt sẽ phải tìm gặp thầy Lam để hỏi về sự việc năm xưa. Là người thương của nữ sinh mất tích năm đó, chắc chắn thầy cũng biết được nhiều điều bí mật. Việc người yêu của nữ sinh mất tích trở về lại ngôi trường này sau bảy năm, không hiểu là vô tình hay hữu ý?

Xem tiếp chap 17 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn