Truyện ma Việt Nam "Ngủ cùng người chết" Ngoại Truyện Phần Cuối

 𝗡𝗴𝘂̉ 𝗖𝘂̀𝗻𝗴 𝗡𝗴𝘂̛𝗼̛̀𝗶 𝗖𝗵𝗲̂́𝘁

𝗡𝗴𝗼𝗮̣𝗶 𝘁𝗿𝘂𝘆𝗲̣̂𝗻 𝗽𝗵𝗮̂̀𝗻 𝟮: 𝗛𝗼̂̀𝗻 𝗠𝗮 𝗔 𝗣𝗵𝗼𝗻𝗴 𝗢̛̉ 𝗣𝗵𝗼́ 𝗕𝗮̉𝗻𝗴

Xem lại Ngoại Truyện 7 : Tại Đây

Mỗi lần lừa đảo xong một người, thằng bé đều được Phàm và Sảng cho ăn uống rất ngon, lại được mua quần áo mới. Không một ai biết rằng, khi màn đêm buông xuống, nó vẫn không thể nào ngủ nổi. Nó nhớ về bờ tường rào bằng đá, nhớ cây hoa đào hồng rực trước sân nhà, nhớ về mẹ nó. Nó tưởng rằng mình sẽ không thể nào gặp lại mẹ mình nữa, cho đến một ngày nọ. Hôm ấy... nó ngủ cùng với người chết.
.........................................................

Lúc ấy là vào khoảng 2 giờ sáng. A Phong đang ngủ trong phòng thì nghe thấy tiếng quát tháo ở bên ngoài căn nhà. Ngôi nhà này nằm ở đồng hông mông quạnh, có gào thét đến khản cả cổ thì cũng chẳng có ai nghe thấy gì. Huống chi căn nhà này thường xuyên “đón tiếp” những đứa trẻ bị bắt cóc, chúng giãy giụa la hét rồi bị đánh đập là chuyện thường ngày. Nghĩ thế nên A Phong chỉ lẳng lặng ôm gối ngủ tiếp, mà chẳng hề bận tâm.

Thế nhưng, thằng bé ngủ chưa được bao lâu thì đã bị mụ Sảng gọi dậy. Mụ chỉ nói ngắn gọn rằng có việc phải đi gấp trong đêm. A Phong cũng chẳng buồn hỏi lại, nó chỉ mặc quần áo rồi lẳng lặng bước ra ngoài.


Mụ Sảng và gã Phàm đã ngồi sẵn ở trên xe, thùng xe phía sau có hai đứa bé trai song sinh nhìn giống nhau như hai giọt nước. Trên người bọn chúng đều mặc bộ y phục của người H’Mong. Đứa nào đứa nấy đều khóc lóc vật vã, mặt mũi đỏ au.

Gã Phàm quay ra đằng sau chửi bới:

“Mày có im đi không? Tao bóp cổ chúng mày chết bây giờ.”

Hai đứa trẻ vẫn không ngừng khóc, mụ Phàm uể oải nói với A Phong:

“Mày lo liệu chúng nó đi...Đừng để bọn nó khóc nữa.”

A Phong ngồi xuống cạnh hai đứa nhỏ. Hai anh em song sinh này khoảng chừng bốn tuổi. Một trong hai thằng bé nín khóc im lặng nhìn người ngồi bên cạnh để quan sát. A Phong nói tiếng H’Mong với chúng nó:

“Hai đứa tên là gì?”

Nghe thấy ngôn ngữ quen thuộc, cả hai đứa có vẻ bớt sợ. Chúng chỉ len lén nhìn, một hồi sau mới nói:

“Khóm”

“Sình”

“Mấy tuổi rồi?”

Cả hai lắc đầu không biết. A Phong mỉm cười móc trong túi ra hai cái kẹo cho bọn nó. Trong kẹo vốn được tẩm thuốc mê, đây là thứ hữu hiệu khi muốn bắt cóc lũ nhỏ. Lúc thằng bé tên Sình định giơ tay lấy thì A Phong rụt lại, đổi bằng hai cái bánh ngon lành. Ngay cả chính nó cũng không hiểu vì sao mình lại làm như vậy.

Sình với Khóm ăn bánh xong, bụng đỡ đói, lại có người biết ngôn ngữ của chúng ở bên cạnh nên cũng bớt sợ đi ít nhiều, mặc dù vẫn còn dáo dác nhìn xung quanh. Xe vẫn chạy băng băng trên đường, hai kẻ kia đang vội vã đưa đôi song sinh đến địa điểm bàn giao cho khách hàng.

Tiền kiếm được từ việc bán những đứa bé trai không hề nhỏ, lại là song sinh nên giá càng gấp đôi. Điều ấy khiến mụ Sảng có vẻ vui vẻ hết mức, mụ vừa đi vừa ngân nga trên đường. Điều cả ba người không thể ngờ rằng, đó là vào lúc ba giờ sáng, cả hai đứa bé kia đều trở lên kì lạ.
....................................
Lúc ấy xe đang đi ngang qua một đường hầm xuyên qua núi. Chiếc đồng hồ trên xe vừa nhấp nháy con số 3:03, lập tức Sình và Khóm run lên bần bật, mắt đảo như rang lạc. A Phong đang thiu thiu ngủ bên cạnh nghe thấy tiếng động lạ bèn giật mình, quay sang bên cạnh.

Đường hầm rất tối, nhưng lại là đường hai chiều nên vẫn có thể lợi dụng ánh sáng từ những chiếc xe đi ngược chiều để nhìn mọi thứ xung quanh. Khoảnh khắc ấy, tim A Phong sững lại vì sợ. Tròng mắt của hai đứa trẻ kia đột ngột chuyển sang màu đỏ quạch. Sình và Khóm không khóc nữa mà quay ra cười khành khạch. A Phong chưa kịp lay mụ Sảng dậy thì đã nghe thấy tiếng thằng Sình rít lên the thé:

“Ba đứa mày... ba đứa mày... sẽ chết không được yên. Tao sẽ nguyền cho chúng mày chết không còn một mảnh xác.”

Giọng của thằng bé khàn đặc, trầm trầm hệt như giọng của một người đàn ông. Sảng và Phàm đương nhiên không hiểu tiếng Mông nên hoảng sợ đến đờ người. Đôi tay bám trên vô lăng của gã Phàm run lên bần bật. Sình chưa dứt lời, lập tức Khóm phụ họa theo:

“Chúng mày.... chúng mày... chết... hự... chết...”

Thằng bé vừa nói đến đâu thì từ trong khóe miệng của nó tuôn ra òng ọc những máu là máu. A Phong soi đèn pin vào để nhìn cho rõ thì toàn những cục máu lổn nhổn màu đen sì. Mụ Sảng thảng thốt kêu lên bằng tiếng Trung:

“Thế này... thế này là sao?”

Gã Phàm tuy phải tập trung lái xe, nhưng ánh mắt không ngừng liếc về đằng sau. Mũi hơi nhăn lại vì mùi tanh nồng hòa quyện với mùi thum thủm từ chuột chết từ đâu vẳng lại. Khi chiếc xe vừa mới thoát ra khỏi đường hầm thì tiếng của A Phong vang lên khô khốc:
“Hai đứa nó chết rồi...”

Một bầu không khí nặng nề bao trùm lấy cả xe. A Phong tiếp tục:

“Bây giờ xử lý thế nào?”

Sảng lắc đầu, nói với gã Phàm:

“Lát nữa đem chôn hai đứa nó đi. Thứ này.... không thể moi nội tạng ra được.”

Vừa nghe đến đó, A Phong nuốt nước bọt cái ực. Nó không dám nghe tiếp, chỉ lẳng lặng lấy chiếc chăn bẩn thỉu ở phía sau để trùm lên hai người đứa bé kì lạ kia. Xe đi thêm một đoạn nữa thì quay trở về con đường cũ. Giao dịch thất bại, cuộc hẹn với khách hàng cũng bị hủy ngang. Điều đáng lo hơn cả là hai đứa trẻ trước khi chết đã nguyền rủa cả ba người.
..........................................
Suốt những ngày sau đó, Phàm và Sảng bắt A Phong phải kể đi kể lại về những gì mà hai đứa bé đã nói trên xe. Cuối cùng, thằng bé phát bực:

“Sao mà cháu biết được? Ở bản ngày xưa còn có một ông thầy mo...”

Câu nói tưởng chừng như vô tình ấy lại khiến cho hai kẻ buôn người kia suy nghĩ. Vào mùa đông năm ấy, chúng đưa A Phong về nhà gặp lại mẹ đẻ để tìm hỏi ông thầy mo trong bản làng.

Để có thể đi đến quyết định cuối cùng này, cả hai đã phải cân nhắc từ rất lâu. Gã Phàm sợ rằng A Phong sẽ thừa cơ để trốn lại, nhưng điều này chưa chắc đã nguy hại bằng việc bị một lời nguyền quái dị treo lơ lửng trên đầu. Phàm những kẻ hay làm ác thì thường sợ bóng sợ gió, lại thêm việc A Phong cũng bị nguyền rủa càng khiến chúng tin rằng A Tú sẽ vì con mà lặn lội nhờ thầy mo trong bản làng đến giúp. Chính vì thế mới có chuyện A Phong trở về tìm mẹ.

Nghe xong câu chuyện, A Tú lạnh cả người. Gã Phàm suy đoán rằng, hai đứa trẻ con kia cũng ở trong bản như A Phong. Vì gã bắt được hai thằng bé đi lang thang thất thểu ở trên đường. Khi nghe kể lại như thế, A Tú lắc đầu, quanh bản này không hề có vụ mất tích nào, càng không có gia đình nào sinh được hai đứa trẻ quái lạ như thế. Bản khác cách nơi này vài dãy núi, A Tú cho rằng hai đứa nhỏ kì lạ kia là người của bản bên. Chỉ là suy đoán vậy thôi, chứ thực ra, xuất thân của cả hai đứa ở đâu không quan trọng bằng việc đi tìm ông thầy mo để giải quyết vấn đề này.

A Tú tất tả đi tìm thầy ngay trong đêm, nhưng ông cụ đã đi xuống dưới huyện, chưa thấy về. Phải đến mấy ngày sau, A Phong mới gặp được. Vừa nhìn thấy A Phong, ông thầy mo đã ngỡ ngàng như không thể tin nổi vào mắt mình. Đứa trẻ này mất tích đã lâu, người trong bản ai cũng nghĩ là đã bị quỷ tuyết tha đi rồi, sao giờ bỗng dưng xuất hiện ở đây?

Mặc dù thắc mắc như vậy, nhưng ông thầy mo cũng chẳng hỏi nhiều. Thứ làm ông thấy tò mò hơn cả là sau lưng A Phong có hai vong hồn lảng vảng. Dù là vong trẻ con, nhưng oán khí lại ngút trời, ngay cả người như ông cũng phải kiêng dè. Ông gặng hỏi A Phong, thằng bé thật thà kể lại. Nghe đến đâu, ông thầy mo lặng người đi vì sợ đến đó. Ông lắc đầu từ chối, đoạn lại nói rằng sức của mình có hạn, chẳng thể nào giúp được. A Tú lộ rõ gương mặt thất vọng, nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn. Trước khi quay lưng bỏ đi, ông cụ có quay lại dặn dò một câu:

“Lời nguyền của người trước khi chết nó ghê gớm lắm. Người ta dành cả oán niệm cuối cùng để nguyền rủa. Chỉ e là....”

Mấy ngày hôm sau, chẳng hiểu vì duyên cớ gì mà ông thầy mo chết hộc máu mồm rồi qua đời vội vã. Người trong bản vội vàng làm đáng tang cho ông theo tục lệ. Điều đáng nói là vào buổi sáng trước khi chết, ông còn lẩm bẩm một mình:

“Thằng bé ấy sau này sẽ chết vì tình. Đến khi chết vẫn luẩn quẩn không yên...”
Nói xong ông thở dài, để rồi vài tiếng sau đó ông lìa đời. Cán bộ từ trạm kiểm lâm chạy đến đưa ông lên trên chiếc xe bò để chở xuống bệnh viện nhưng không kịp. Bác sĩ bảo rằng ông bị đột quỵ.
.....................................
Đột quỵ là như thế nào, người trong bản chẳng hề hiểu rõ. Người ta chỉ bàn tán nhau về cái chết quái dị của ông thầy mo. Ai cũng bảo ma rừng không bắt được ông, chỉ có thể là quỷ tuyết. Còn vì sao có quỷ tuyết xuất hiện thì chẳng ai biết được.

Lời bàn tán ấy đến tai mẹ con A Tú, dù chẳng hề nói ra nhưng A Tú hiểu rằng ông thầy mo đang nói đến con trai mình. Ở cái tuổi vô tư này, con nhà người ta còn lo ăn lo ngủ, còn A Phong đã sớm già hơn so với tuổi. Nhiều khi cô cứ nghĩ, con trai mình không giống với một đứa trẻ bình thường.

Từ ngày ông thầy mo chết, Sảng và Phàm đi khắp nơi để tìm thầy bói. Hễ nghe tin ở đâu có thầy bói giỏi, cả ba người đều mò đến. Thêm vào đó, A Phong vẫn phải tiếp tục công việc lừa đảo để đem người qua biên giới. Càng về sau, thủ đoạn buôn người của bè lũ thổ phỉ càng tinh vi. Chúng ưu tiên bắt những đứa trẻ con còn nhỏ để dễ dàng cho vào bao tải. Sau đó đi dường vòng qua bức tượng cụt đầu ở trong rừng để đến khu rừng biên giới. Khi đến ranh giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, sẽ có người cõng đứa trẻ trên lưng để trốn chui trốn lủi trong rừng.

Để cho trẻ không khóc, bọn chúng nghĩ ra cách cho trẻ uống miên dược. Nếu trót lọt thì không sao, nếu gặp bất trắc thì phải thủ tiêu người ngay. Đó cũng chính là lý do ở mạn biên giới vô số những thi hài vô thừa nhận, được an táng qua loa ở ven đường. Rất nhiều lần Phàm muốn bắt cóc trẻ con trong bản, nhưng A Phong không đồng tình.

Lại thêm hai cái chết của anh em sinh đôi vẫn sờ sờ ở đó, có chết chúng cũng chẳng dám động tay. Người làng trông thấy A Phong trở về thì lo sợ, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai dám hỏi han câu gì. Chỉ thỉnh thoảng có vài người trong đồn biên phòng đến hỏi thăm, A Phong kín miệng không nói nửa lời. Ấy là vì Phàm và Sảng đã đe dọa hai mẹ con, nếu nói ra tung tích của chúng thì cái mạng của cả hai mẹ con cũng chẳng còn.

Một ngày cuối năm, cơn mưa giông bất ngờ ập đến, A Phong nhận được tin báo phải đi cùng Phàm và Sảng đến một thị trấn nhỏ gần biên giới. A Phong cảm thấy rất ngạc nhiên, vì từ trước đến giờ bọn Phàm Sảng chưa bao giờ cướp của.

Đêm mưa gió hôm ấy, Phàm đứng trước cửa để gọi người trong nhà ra mở cửa. Khi vào được đến nhà, nhân lúc người chồng không chú ý, Phàm đâm một nhát xuyên từ lưng ra đến tim. Người kia chết không kịp kêu một tiếng. Người vợ hoảng hốt định chạy ra ngoài kêu cứu thì bị Sảng đâm một nhát vào ngực, lúc rút con dao ra ngoài, máu tóe lên vào chiếc gương trang điểm kê ngay bên đầu giường.

A Phong bước ra đằng sau để tìm kiếm vàng. Theo như lời Phàm kể lại, nhà này chỉ có hai vợ chồng và một đứa con gái, gia cảnh sung túc, chắc chắn có vàng trong nhà. Thằng bé nhìn quanh quẩn bên căn bếp nhỏ xíu đầy bồ hóng, chẳng có gì cả ngoài làn gió thổi thốc vào. Đúng lúc ấy, nó nhìn thấy một con bé con ngồi trong xó ôm theo con chó con. Khoảnh khắc bắt gặp ánh mắt ấy, A Phong cảm thấy có một luồng điện chạy dọc người.

Nó đặt ngón tay chạm vào môi rồi khẽ lắc đầu, tỏ ý bảo con bé đừng lên tiếng. Chưa đầy một phút sau, Phàm và Sảng xuất hiện. Cả ba nhìn xung quanh rồi rời đi ngay trong đêm mưa gió. Lúc đi qua hai cái xác, A Phong không khỏi rùng mình một cái. Con bé kia, kể từ đêm nay, đã chính thức trở thành trẻ mồ côi thật rồi.
......................................
Những năm tháng sau đó, ánh mắt trong veo nhưng tràn ngập nỗi sợ hãi của con bé cứ ám ảnh lấy A Phong. Vào năm thằng bé 16 tuổi, Phàm bắt được ba đứa con gái định đem qua biên giới để bán vào nhà thổ.

Cả bọn trong đám người thi nhau làm nhục ba cô thiếu nữ ấy. Phàm đẩy A Phong vào một đứa con gái, nhưng thằng bé lạnh lùng chối từ. Đám người còn lại cười phá lên khoái chí. Chúng ăn uống no say rồi mê đi trong cơn phê của thuốc phiện.

Khi chỉ còn lại A Phong và mấy cô gái không một mảnh vải che thân. A Phong lạnh lùng quay mặt đi, vất cho cả ba một bọc quần áo. Họ định rủ nhau quyên sinh, A Phong lắc đầu:
“Chết là sự lựa chọn của kẻ hèn nhát. Mấy chị đi đi.”

Ba người kia không thể tin nổi vào tai mình. A Phong phát cáu:

“Đi đi! Bọn chúng nó dậy là chết cả lũ biết chưa?”

Cả ba người lúc này mới sực tỉnh, vội vội vàng vàng chạy trốn vào trong rừng. Chỉ còn lại A Phong đứng thẫn thờ nhìn theo trong bóng tối. Cậu đã từng nghe A Phủ được Mị cởi trói cho trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài. Giây phút ấy, A Phong khẽ mỉm cười chua chát:

“Ai sẽ cởi trói cho mình đây?”

Bỗng một cơn nhói đau ở phía sau, cảm giác lạnh buốt xoáy chặt vào tim gan. A Phong lảo đảo quay lại, nhìn thấy gã Phàm đang đứng nghiến răng kèn kẹt. Giọng gã gầm gừ:

“Thằng chó! Sao mày thả cho chúng nó đi?”

A Phong cười nhạt, lê thân tàn đến gần pho tượng cụt đầu. Máu chảy ra càng nhiều, hai mắt cậu càng dại đi. Trước mắt A Phong là căn nhà có cây đào hồng rực ở trước sân, có nụ cười của mẹ, và ánh mắt trong veo của cô bé cậu gặp đêm nào.

A Phong thì thầm:

“Anh sẽ ở Phó Bảng đợi em.”

Trời đất bỗng nhiên tối sầm lại. Đêm ấy trời rất lạnh, một hạt tuyết lất phất bay trên thi hài người thanh niên trẻ tuổi.
......................................................................
Đám ma khô của A Phong diễn ra gần mười lần, nhưng vị thầy mo mới của làng chẳng thể nào tiễn cậu về thế giới của người âm. Mười lần gióng tre tung lên là mười lần giống nhau y đúc.

Vào một ngày xuân, không biết rõ năm nào, một đám tang của nữ chiến sỹ công an diễn ra trong cơn giông bão. Đồng đội tiếc thương cô, vị chỉ huy già đứng lặng người trước di ảnh của đứa cháu ruột. Lòng ông quặn đắng. Cuối cùng, vẫn là người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.
Không ai biết ở dưới gốc cây hoa đào ở xa xa, một chàng trai mặc chiếc áo sơ mi trắng đã ngả màu đứng đợi người thương. Cô gái bước tới, nở nụ cười rạng rỡ như hoa trong nắng. Chàng trai lắc đầu buồn bã:

“Anh xin lỗi! Anh cũng không ngờ em lại gặp anh sớm như vậy.”

Cô gái ngoái lại, nhìn đoàn người ở phía sau, giọng nhẹ như không:

“Chúng ta đều giống nhau. Đều hy sinh vì người khác.”

Cô ngừng lại một chút rồi cúi xuống nhìn chân mình.

“Vậy là đủ rồi.”

Hai bàn tay khẽ chạm nhau. Trời càng mưa nặng hạt.

.......Hết ngoại truyện A Phong.........

Đừng Quên Bỏ Ra Ít Giây Click Quảng Cáo Ủng Hộ Chúng Tôi

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn