Truyện ma Việt Nam - Yểm Mạng "Chap 2"

Yểm Mạng "chap 2"


Tác Giả : Trần Đan Linh

Xem Lại Chap 1 : Tại Đây

 Mọi người sửng sốt không kém.

Thầy Chu lấy khúc cây khều mớ bùi nhùi trong bãi dịch nhầy ra xem, nhưng nhận thấy đó không phải là tóc, mà là bộ rễ cây của một loài thực vật sống trong rừng. Thầy lảm nhảm trong miệng:” ông ta muốn tái sinh?”Thầy sục sạo trí nhớ, cố lục lọi trong tâm thức xem đó là loại cây gì? Vẫn là chưa thể nhớ ra.

“ Ông ấy bị người ta Yểm Mạng. Nhà anh chị có thù hằn với ai mà để người ta ra tay tàn ác với ông cụ thế này?”

Ông Hưng đau khổ đáp:

- Dạ! Xưa nay nhà con sống rất hoà thuận với mọi người, cũng không làm mất lòng ai. Công việc kinh doanh cũng vậy, giữa công ty và bên đối tác, luôn thuận mua vừa bán.

Thầy Chu chau mày nói:

- Vậy thì lạ nhỉ? Chỉ có hận đối phương đến xương tuỷ mới làm ra cái thứ bùa phép tàn ác này hại người. Đời anh chị không gây oán nghiệp, nhưng đời các cụ thì không ai dám chắc. Xin lỗi, khi nói ra những điều không phải. Nhưng đặng làm việc gì ắt cũng phải có nguyên do của nó.

- Dạ, mong thầy giúp gia đình con tai qua nạn khỏi kiếp nạn lần này. Mẹ con thì mất sớm, còn mỗi bố giờ ông cụ cũng bỏ con cháu ra đi. Con còn nhiều điều muốn hỏi bố lắm, nhưng không kịp.

- Dù sao ông cụ cũng mất rồi, tôi chỉ có thể giúp vong linh ông ấy sớm được siêu thoát, không bị bùa ngải giam cầm. Còn muốn giải trừ vận hạn, thì phải tìm ra được nguồn cơn mọi chuyện.


Thầy Chu cầm con dao rạch nhẹ vào lớp da trên cổ. Từ dưới vết xước thầy vừa cứa,những con nhộng trắng hếu to bằng đầu đũa đang thi nhau chui ra, bụng con nào con nấy căng tròn. Thầy Chu gắp một con đặt ra chiếc đĩa, dùng dao cắt ngang con nhộng, bên trong lòi ra cả buồng trứng li ti màu vàng nhạt.

Thầy trợn mắt kêu lên.

- Trùng Nhộng?

- Nó là gì vậy thầy?

- Là một loại ngải trùng được một ông thầy ngải thỉnh về nuôi. Chỉ có những gã thầy tà bất lương mới nuôi loại ngải này, cốt là để vừa chuộc lợi, vừa hãm hại người khác. Mới đầu tôi tưởng bùi nhùi trong miệng ông ấy nôn ra là tóc, mà bùa tóc thì các thầy Chà dưới An Giang hay dùng. Sau khi xem kỹ tôi mới biết đó không phải là tóc, mà là rễ của một loại thực vật sống trong rừng. Bên trong cơ thể ông ấy đang xuất hiện những con nhộng, bọn chúng đang đẻ chứng và sắp đóng kén nở nhộng. Một khi chúng nở ra thì hậu hoạ khôn lường. Nếu tôi đoán không lầm, thì đây là bùa của người Miên(Campuchia).

Ông Hưng đau buồn nói:

- Trời ạ! Sao họ lại có thể ác độc như vậy được chứ?

Thầy Chu thở dài.

- Mong anh chị bớt đau buồn, tập trung lo đám tang cho ông cụ. Ngôi nhà này tôi khuyên anh chị không nên ở tiếp, hãy chuyển đến một nơi ở mới, phần khí âm ở đây tôi thấy tăng lên đáng kể so với lần trước tôi đến.

- Vậy không thể an táng cha con ngay cả phía bên kia mảnh đất hả thầy?

Thầy Chu gật đầu:

- Đúng rồi! Đất này có mạch nước ngầm chảy ra, nên con mương trước cửa nhà anh chị mới có nước quanh năm kể cả mùa khô hạn. Đất xấu chôn cất tổ tiên con cháu sẽ đoản mạng. Mạch nước ngầm chảy ra mảnh đất làm cho người đã khuất thấy lạnh giá. Vòng tròn đó xoay quanh sẽ bóp nghẹt cổ họng, khiến người đã khuất không thể thể. Chưa kể, mảnh đất này lại thuộc đất Thổ Thuỷ, trong phong thuỷ đó là mảnh đất cấm kỵ.

- Đất Thổ Thuỷ…? Con chưa nghe nói bao giờ.

Thầy Chu mỉm cười, trầm giọng giải thích.

- Nhà bác không am hiểu về phong thuỷ, thì làm sao biết được. Tôi nói ngắn gọn thế này cho anh chị hiểu. Anh chị có thấy đám cỏ xung quanh nhà và cả rừng liễu bên kia không? Cỏ cây xung quanh chết hết, cây cối bị uốn cong nghiêng về một phía. Đây là hang Thổ Thuỷ trong truyền thuyết, nghĩa là Đại Hung. Thi thể và quan tài chôn vào nơi đây sẽ tự di chuyển và biến mất. Lâu dài, bên dưới chỉ là nấm mồ không.

Vừa nói, thầy Chu vừa chỉ ra phía xa nơi có những ngọn cây cong queo uốn lượn, bên dưới những đám cỏ dại cũng cháy xém, đang héo úa đi từng ngày.

Ông Hưng lo lắng hỏi:” Trăm sự nhờ thầy! Thầy tìm giúp nhà con một mảnh đất tốt, để con chôn cất cha mình. Nghe thầy nói xong con không lỡ cho cụ nằm lại nơi đây.”

Thầy Chu chậm rãi nói:” Nếu nói mảnh đất đẹp ở nơi đây,hãy đi về hướng Đông 10 dặm.”

Thầy ở lại cúng cầu siêu và giải đen cho ngôi nhà mãi tới tận xế chiều mới xong. Ông Hưng nói sẽ chở thầy về mà thầy Chu một mực từ chối. Những điều cần dặn thầy đã dặn, có nghe hay không đấy lại là vấn đề của gia chủ. Ông Hưng tiễn thầy ra tới tận cổng, thầy Chu đi cách ngôi nhà một đoạn khá xa, vậy mà vẫn nghe thấy tiếng khóc nỉ non của đám con cháu trong nhà.

Thầy thở dài, đi tiếp.
—-
Kpang đứng trên hiên đi qua đi lại trong bộ dạng lo lắng. Lâu lâu cậu nhón chân nhìn ra phía ngoài đường, tìm kiếm một bóng hình quen thuộc. Thầy Thỏn vừa về đến đầu ngõ, Kpang nhảy cẫng lên reo hò như một đứa trẻ.

- Sư phụ, a..sư phụ về rồi. Người làm con lo cho thầy quá.

Thầy Chu mỉm cười nhìn Kpang trìu mến, nói:” Thây có viết thư để lại cho con rồi, thấy hai đứa ngủ ngon thầy không lỡ đánh thức. Yên tâm, không phải lo cho thầy.”

- Con biết là sư phụ sẽ không sao, nhưng xa sư phụ một ngày con thấy nhớ lắm.

Thầy Chu cười xòa, có được người đệ tử tốt bụng và hiểu chuyện như Kpang, là một điều may mắn và niềm vui đối với thầy. Xem như, kiếp làm người của thầy đã trọn vẹn.

Bước chân vào, thấy nhà cửa vắng hoe. thầy Chu ngạc nhiên hỏi:” A Ngưu nó lại đi đâu hả con?”

- Dạ, nó bảo em xuống phố có chút chuyện, chiều sẽ về sớm. Mà tới giờ nó vẫn chưa về đó sư phụ.

Sực nhớ ra điều gì đó, thầy Chu hớt hải chạy sộc vào buồng trước sự ngạc nhiên của Kpang. Kpang phóng theo sau, cậu chỉ dám đứng bên ngoài hỏi:” Sư phụ, thầy có sao không?”

Tiếng thầy Chu nói vọng ra:” Thầy không sao, con chuẩn bị cơm nước đi, lát nữa thầy ra ăn.”

- Vâng! Vậy thầy nghỉ ngơi chút rồi đi tắm rửa, nước nóng con đã chuẩn bị xong cho thầy, để con đi hâm lại chút thức ăn mời thầy ra ăn cơm.

Đợi Kpang rời khỏi, thầy Chu mới mở cánh tủ ra thật khẽ, cố không để nó phát ra tiếng động. Thầy lôi ra một chiếc hộp bằng gỗ, không lớn lắm, song cũng đủ chứa vài quyển sách và ít tư trang cá nhân lặt vặt. Thầy đặt nó trên bàn, phủi lớp bụi trắng xóa cho sạch, sau đó mới mở chiếc hộp ra xem. Thấy quyển sách cũ còn nằm nguyên bên trong, thầy thở phào nhẹ nhõm. Không biết đó là sách gì? Chỉ thấy thầy Chu coi nó như báu vật, quý hơn cả sinh mạng của mình.
—-
Trời tắt nắng, màn đêm buông.Bữa cơm chiều này vẫn chỉ có hai thầy trò quây quần bên nhau. A Ngưu đi biệt tăm cả ngày, tới giờ vẫn chưa thấy về. Ăn xong, thầy bảo Kpang dọn dẹp, không cần phải đợi A Ngưu làm gì. Tối hôm ấy, thầy Chu ngồi bên cửa sổ đọc sách dưới ngọn đèn dầu leo lét sáng, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn ra phía cổng, chắc thầy đang đợi A Ngưu về. Ánh mắt ấy, chất chứa bao điều muốn nói.
—-
Nửa đêm, tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch tiến về phía cánh rừng u tối ngày một rõ. Theo sau lưng người đàn ông đang chạy là một toán người hung hãn. Trên tay họ những cây đuốc sáng rực đang cố đuổi bắt con mồi.

- Chúng mày, hôm nay phải bắt bằng được thằng A Ngưu về đây cho tao. Mẹ kiếp nhà nó, nó ăn gan hùm mật gấu hay sao mà dám ngủ với con bồ của tao?

Gã đứng sau liền đáp:

- Vâng thưa đại ca. Lần này nếu bắt được thằng A Ngưu, đại ca xẻo chim thằng oắt đó đi anh ạ. Khốn khiếp! Gặp con nào ngon nó cũng chọc ngoáy.

Hắn bực dọc quát:

- Mày không phải dạy khôn tao, tự tao sẽ có cách trừng phạt nó. Còn cả đĩ kia nữa, cái loại phụ nữ không chung tình thì ông mày khinh.

Lời hắn vừa dứt,chợt bên kia có tiếng hô thất thanh.”Ê chúng mày! Thằng A Ngưu nó ở bên này.”

A Ngưu nghe rõ tiếng tri hô của bọn chúng, trong lòng nơm nớp lo sợ. Bây giờ hắn đang tự trách bản thân, tại sao ngày xưa mình không cố theo thầy học đạo hạnh, để nếu bản thân có rơi vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc như bây giờ, cũng không đáng lo sợ.

A Ngưu vẫn cắm đầu bỏ chạy thục mạng vào sâu bên trong. Đôi chân khi nãy chưa kịp xỏ dép,giờ bị những nhánh gai rừng và đá sỏi đâm đến tưa cả máu. Song vết thương ấy có là gì so với nỗi sợ hãi trong lòng anh ta bây giờ. Chạy đi xa vậy, mà đám người kia vẫn không chịu buông tha cho A Ngưu. Tiếng hô hoán và ánh sáng trên những ngọn đuốc, hắn nghe rất rõ.

- A Ngưu! Khôn hồn tự nộp mạng ra đây. Để ông mày bắt được, khi đó đừng trách tao tàn ác.

A Ngưu sống ở vùng này đã lâu, địa hình nơi đây quá đỗi quen thuộc với anh ta. Không biết do anh ta tự nói, hay do có sai tiêu khiển tâm trí, mà A Ngưu buột miệng nói.

- Có giỏi, đuổi bắt em đi!

- A..Thằng chó! Mày thách thức tao à?Hừm! Đứa nào bắt được thằng A Ngưu, tao sẽ thưởng con bồ cho bọn mày 3 ngày 3 đêm, kèm theo đồ nhắm thoả thích.

Một gã hùa theo:” Đại ca nói phải giữ lời đấy nhé. Sợ khi đó anh thấy con đó còn ngon quá, lại tiếc không cho bọn em.”

- Cứ bắt được thằng A Ngưu đưa về gặp tao trước đã. Theo tao bao lâu nay chả nhẽ chúng mày chưa hiểu tính tao sao?

- Vâng..vâng…để bọn em đi bắt. Chúng mày nhanh chân lên, lôi cổ thằng Ngưu về lãnh thưởng.

Trong lúc thở muốn đứt hơi, hai chân mềm nhũn không còn sức bỏ chạy. A Ngưu tưởng mình sẽ bị đám giang hồ kia vây bắt, thì bỗng bên tai anh ta có giọng nói kỳ lạ, ma mị vang lên.

“ Rẽ trái, nếu như muốn sống. Tự tìm đường chết rẽ phải, bởi bên đó là vực sâu.” Hí hí hí hí…

Một tràng cười the thé vang lên ngay sau câu nói ma mị đó. A Ngưu biết mình đang gặp ma rừng, song anh ta chẳng còn sự lựa chọn, đành nghe theo lời nó rẽ trái.

Kỳ lạ, khi A Ngưu rẽ trái chạy thêm một đoạn, đúng là không còn nghe thấy tiếng tri hô và cả ngọn lửa sáng rực của đám người kia nữa. Anh ta dừng lại, tay trống đầu gối, thở phì phò như trâu. Những giọt mồ hôi trên trán rớt xuống lá lớp lá khô nghe lộp độp. Đủ hiểu A Ngưu chạy mệt cỡ nào.

- Nó bên kia..bên kia..kìa…

Còn chưa kịp hết mệt, bất thình lình A Ngưu nghe thấy tiếng hô hoán đang tiến gần về chỗ mình đứng. Anh ta không kịp suy nghĩ, co chân bỏ chạy.

Huỵch…A..a..a..!!!!

Là tiếng hét của A Ngưu. Thì ra chân anh ta vừa đá vào khúc gỗ dưới đất. Cả người đổ nhào về phía trước, khuôn mặt úp ngay vào một bãi đất mềm nhô lên cao. Anh ta nhấc mặt ra khỏi đống đất, miệng phun phì phèo nước miếng, lảm nhảm chửi thề.

- Con mẹ nó, sao mà xui vậy không biết?

A Ngưu lặng người khi phát hiện ra đống đất mình đang ôm gọn trong vòng tay, nó dần ấm lên như bếp lửa. Bất giác, anh ta rùng mình, lết lại phía sau theo quán tính, căng đôi mắt nhìn trân trân vào đó vẫn không thấy gì. Màn đêm u tối vẫn bao phủ kín cả khu rừng, A Ngưu định vùng lên bỏ chạy, giọng nói ma mị ấy lại văng vẳng bên tai.

“ Tìm đi..tìm nó đi, ở trong đống đất..mở nó ra, chỉ cần mở nó ra thôi, ngươi sẽ là chủ nhân của ta, muốn gì cũng được, cầu được ước thấy.” Khà khà khà khà…

A Ngưu bị câu nói đó thôi miên, miệng muốn hét lớn mà lưỡi nhíu chặt cứng. Anh ta không tự làm chủ được bản thân mình, gượng sức mãi cuối cùng chỉ thốt ra được vài ba từ:” Tha..cho..tôi..”

Giọng nói ấy vang lên lần nữa:” Đừng sợ, chỉ cần cậu tìm được hũ sành trong đống đất, đốt lá bùa trên đó đi, mở nắp thả ta ra, ta hứa sẽ chung thành đi theo cậu. Làm bất kể việc gì cậu sai khiến, kể cả việc giế.t người.”

Khà..khà..khà..khà…

- Ông..ông..nói thật chứ?

- Thật! Ta bị phong ấn nhốt ở đây đã lâu, chờ đợi bao năm cuối cùng cũng tìm thấy người có duyên với mình để mở phong ấn. Cậu cứu ta một mạng, ta độ cậu một kiếp.

- Ông hứa thật chứ? Tôi muốn vợ đẹp, muốn giàu có, muốn nhà lầu xe hơi, ông đáp ứng nổi không?

Ha ha ha ha…

“ Những thứ đó có là gì? Cậu muốn nhiều hơn thế cũng được.”

Nghe thấy mùi tiền và gái đẹp, A Ngưu bị mờ mắt. Sống nghèo khổ bao năm ai chẳng muốn đổi vận, có tiền trong tay, không còn ai dám khinh thường mình nữa.

- Được, tôi đồng ý.

Giọng nói ma mị vang lên:” Cậu làm vậy là đúng, chủ nhân à…”khà khà khà khà..

A Ngưu quên luôn lời dặn của sư phụ, năm nay, cậu sẽ gặp đại nạn. Anh ta lúi húi dùng tay bới đống đất, luồn vào sâu bên trong mò mẫm mãi vẫn không thấy hũ sành đâu. Trong đầu A Ngưu thầm nghĩ” Có khi nào mình bị ma rừng trêu?” Song suy nghĩ ấy nhanh chóng biến mất khi tay anh ta chạm vào vật gì đó tròn tròn, trơn tru giống chiếc hũ sành. 

Khóe môi A Ngưu hiện ra một nụ cười. Hai mắt anh ta sáng lên hớn hở moi vật đấy ra khỏi đống đất. Đúng là hũ sành thật, không thể sai được. Phủi lớp đất dính trên hũ cho sạch, A Ngưu giơ nó lên ngang mặt nhìn cho rõ. Anh ta nhớ ra trong túi quần có bao diêm chưa dùng hết, liền lấy nó ra đốt.

Que diêm đầu tiên cháy, A Ngưu thấy hũ sành này không lớn lắm, chỉ to bằng cái bát hương nhỏ có nắp đậy. Bên trên được phủ một miếng vải lụa màu đỏ, trên tấm vải có vẽ đầy phù chú bằng chu sa. Trên miệng còn còn cột một sợi chỉ ngũ sắc, y như sợi chỉ mà sự phụ mình hay dùng.

Que diêm thứ hai phát sáng. A Ngưu giật phăng sợi chỉ trên miệng. Que diêm thứ ba được quẹt, A ngưu nhấc miếng vải giơ lên, anh ta há hốc miệng khi nhận ra chữ bùa này quá quen thuộc.

“Là bùa của sư phụ?”

Xem Tiếp Chap 3 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn