Truyện ma "Bí Mật Gia Tộc" Chap 4

 Truyện ma "Bí Mật Gia Tộc"

Tác Giả : Trần Linh


Chap 4


Xem lại chap 3 : Tại Đây

Chương 4: Lời Nguyền
Đấy là nỗi niềm trăn trở lớn nhất trong lòng phu nhân. Thu Dung không biết phu nhân cất công đến tận khu chợ ma cầu cạnh ông chủ tiệm việc gì, xong cách ông ta tiếp đón khách cô cảm thấy không thể ưa nổi. Cô toan quay lại, mắng ông chủ tiệm một trận cho hả dạ , nhưng bị phu nhân ngăn cản:
Thu Dung, em không cần làm vậy vì ta đâu. Người ta không muốn giúp, mình cũng không nên làm khó họ. Có những việc họ muốn nhưng lại không thể giúp, vì như vậy đôi khi lại tự rước họa vào thân. Chúng ta mau đi thôi.”
Đoàn người khiêng kiệu sải bước đi nhanh hơn, họ đi hết con phố sầm uất bắt đầu rẽ vào con đường núi quanh co uốn lượn. Bỗng phía trước có tiếng người cự cãi, khiến bước chân của họ khững lại. Thu Dung vén tấm rèm lên ngó đầu vào thưa bẩm:
“ Dạ bẩm phu nhân, phía trước có toán người lạ cự cãi nhau.”


Phu nhân nhíu mày, đưa tay vén rèm kiệu đưa ánh mắt nhìn xa xa, không biết bọn họ cãi nhau chuyện gì, mà thấy ba, ba kẻ sấn tới cầm đòn gánh vụt tới tấp vào người còn lại. Biết rằng không nên lo chuyện bao đồng, nhưng thấy chết không cứu cũng khác nào mình đang dung túng cho cái ác, nghĩ vậy, phu nhân ra lệnh:
“ Hai người đến phía trước xem thử, bảo họ tha được thì tha.”
“ Vâng, thưa phu nhân.”
Tiếng cự cãi vẳng lại:
“ Thằng khốn, mày hứa giao hàng đạt chất lượng, nhưng mày nhìn xem, thứ mày giao đến là thứ gì?
Một gã khác xen ngang:
“ Đây mà là loại tơ tằm thượng hạng ư? Hừm, nó còn không bằng hàng rởm ngoài chợ.”
Người đàn ông bị đánh, quỳ xuống đất lên tiếng:
“ Tôi thề, đây là loại tơ tốt nhất trong làng tôi. Loại tằm tuyết cần ít nhất ba tháng mới cho thu hoạch một mẻ tơ, bây giờ các ông bảo nó không bằng loại tơ rởm ở chợ, vậy tôi không bán cho mấy người nữa.”
Một gã nhổ toẹt bãi nước bọt xuống trước mặt người đàn ông, sẵng giọng nói:” Tao khinh, cái thứ bùi nhùi vớ vẩn này mà cũng được gọi là tơ thượng hạng, mau mau biến cho khuất mắt tao. Chết tiệt!”
Nói đoạn, thấy đoàn người của phu nhân đông nên ba gã đánh đấm chán rồi cũng bỏ đi, bỏ lại thùng tơ tương vãi và người đàn ông bầm tím mặt mày. Anh ta cúi xuống lượm, vừa lượm vừa khóc, chỉ có những người cảm thấy tiếc công sức của mình làm ra mới có thể rơi lệ, khi thấy chúng bị người khác chà đạp.
Vị phu nhân xuống kiệu đi tới, nhặt một kén tằm nâng lên ngang mặt xem, quả nhiên sợi tơ trong kén tằm thô ráp hơn những sợi tơ mình thường tiếp xúc là thật, cũng không thể trách ba gã kia chê hàng kém chất lượng.
Vị phu nhân nói:
“ Sợi tơ to hơn hẳn tằm thường. Theo cậu, nó thượng điểm nào?”
Người đàn ông vẫn lúi húi nhặt kén tằm, không ngước mặt lên nhưng vẫn đáp:
“ Có nói chưa chắc cô đã hiểu, chúng tôi là một bộ tộc sống ở ngọn núi cao nhất nơi đây, nhưng để làm ra những loại tơ thượng hạng bán cho thương nhân, chúng tôi phải tìm đến những nơi có nhiệt độ thấp nhất để nuôi tằm.

Mỗi một lứa sau ba tháng mới được thu hoạch, có nghĩa thời gian thu hoạch lâu gấp ba lần so với loại tằm bình thường. Song được cái giá thành của nó lại cao gấp mười lần so với những loại tơ tằm khác. Còn vì sao nó có giá đắt đỏ vậy, có nói ra e là cô cũng không hiểu.”
Nói xong, anh ta làu bàu trong miệng:” Tơ bẩn cả rồi, phải đem về làm sạch mới có thể đem bán. Cũng không biết phải ăn nói sao với trưởng bản và những hộ gia đình trong làng đây.”
Ở nơi đây, giữa đại ngàn rừng núi, ngoài những tán cây cổ thụ sống lâu năm ra, người ta còn đồn thổi có một ngôi làng chuyên trồng dâu nuôi tằm, mà loại tằm họ nuôi chính là loại tằm Tuyết.

“Tơ của loài tằm Tuyết ngọc có thể chặn tà che ám, dùng nó dệt thành khăn bao hồn, có thể thu hồn, chưa phách, che khuất hồn khí..” lẽ nào, ẩn ý trong câu nói của anh ta chính là điểm mạnh tâm linh? Nên giới đạo sĩ giang hồ có một thời gian lùng sục tìm mua loại tơ này cho bằng được, và đa số họ là những yêu đạo.
Nghĩ đến đây, phu nhân sai Thu Dung đưa cho mình một bát rượu, sau đó thả kén tằm vào trong, đợi rượu làm mềm tơ rồi vớt lên vắt kiệt. Khi đó rút ra một sợi vàng óng nắm hai đầu kéo căng, cứ một nhịp kéo căng lại một nhịp thả lỏng, sau bốn, năm làm vậy, đến khi nhịp căng thứ sáu được kéo giãn ra thì bất ngờ sợi tơ trên tay phu nhân chẻ ra thành sáu sợi tơ mỏng khác nhau, nhìn những sợi tơ mong manh bay phất phơ trong gió, phu nhân lúc này đã hiểu ra vì sao nó lại được gọi là loại tơ thượng hàng.

Cô dùng tay miết một đường dài lên sợi tơ, cảm nhận độ dai và mịn màng của nó, quả thực, chưa bao giờ cô được tiếp xúc với một loại tơ tằm nào có mịn màng như loại tơ này.
“ Tôi sẽ mua hết số tơ tằm này, cậu bán nó cho tôi chứ?” Vị phu nhân lên tiếng.
Anh ta ngước lên nhìn vị phu nhân người vừa hỏi mua tơ, đôi mắt ánh lên tia hy vọng, lắp bắp hỏi:” Thật…thật…chứ?”
Thu Dung ghé sát vào tai hỏi phu nhân:
“ Phu nhân cẩn thận kẻo bị lừa, khi nãy ba người kia cũng vì chuyện này mà đánh anh ta.”
Phu nhân giơ tay, cản lời của Thu Dung:
“ Không sao, có câu, kẻ ngốc xem náo nhiệt, cao thủ xem tay nghề. Những thứ họ cảm thấy không tốt, không có nghĩa nó là đồ bỏ đi trong mắt người khác. Thu Dung, mau trả tiền hàng cho cậu ấy đi, chúng ta còn phải về phủ.”
Anh ta cuống quýt, đáp:” Bán..tôi bán..”
Nhận tiền hàng xong anh ta đeo gùi lên lưng rồi từ biệt mọi người quay về bản. Thu Dung lẽo đẽo theo sau phu nhân, vừa đi vừa hỏi:” Người định làm gì với số tơ ít ỏi này ạ?”
Thế nhưng phu nhân không mấy bận tâm đến câu nói của Thu Dung, từ từ xoay người nhìn sang bên phải. Đó là một bàn tay, một bàn tay đen nhẻm song vẫn có phần mềm mại, một bàn tay thon dài song chằng chịt những sẹo.

Ngón giữa và hai ngón trỏ có lớp màng dính chặt hai ngón lại với nhau, y như lớp màng dưới chân ếch. Một áp lực đè nặng lên vai phu nhân, tựa như cơ thể đang bị nhấn chìm dưới đáy nước sâu. Vị phu nhân bỗng cảm thấy buốt tai, đau đầu, buồn nôn, gân xanh trên trán co giật liên hồi.
Cố gắng lắm phu nhân mới đứng vững, lên tiếng hỏi:
“ Bà là ai?”
Khà..,khà…khà…
Đáp lại câu hỏi của phu nhân chính là tiếng cười man dại, kèm theo chút ma quái trên gương mặt càng làm cho vị phu nhân thêm bất an.
Thu Dung lao lên phía trước, cầm cánh tay bà ta hất văng ra, thế nhưng, tay cô vừa chạm vào lớp da thịt đem nhẻm của bà ta, tức thì bị một luồng khí mạnh đẩy ngã bật ngửa về phía sau.
“ Thịch…Á…đau quá!” Cô hét lên rần trời, tay ngoặt ra sau xoa xoa lưng, mặt mày nhăn nhó đau đớn.
“ Bà muốn gì? Đang là ban ngày, đừng làm bậy.”
Bấy giờ bà ta mới chịu lên tiếng, chất giọng ồm ồm vang lên, kèm theo hơi thở hôi hám nghe đến nợm cổ.
“ Phu nhân, nếu đoán không lầm thì đứa bé trong bụng phu nhân đang mang, chính là một bé gái?”
Phu nhân nghĩ, bà ta hỏi bằng thừa. Dẫu biết trong suốt thời gian bầu bí chỉ bắt mạch kiểm tra thai kỳ, cũng không thầy lang nào dám khẳng định mang thai con trai hay gái, nhưng lần này mang thai khác với lần trước mình sinh con trai rất nhiều, nên phu nhân cảm nhận được đứa con trong bụng mình là bé gái. Song phu nhân không tỏ ra sợ hãi, điềm tĩnh hỏi bà ta:
“ Tại sao bà biết?”
Khoé môi bà ta vẫn giữ nét cười ma mị, hàm răng đen bóng hiện ra trước mắt khiến phu nhân hơi giật mình, nó giống y chang hàm răng của người đàn bà đòi bắt đứa con trong bụng của mình, trong giấc mơ. Bất giác phu nhân rùng mình, lông tóc dựng đứng. Bà ta di chuyển bàn tay già nua của mình vòng xuống dưới xoa bụng bầu của phu nhân, lầm rầm trong miệng, khiến đứa bé đạp nhói lên một cái còn thấy rõ bài chân bé xíu in dưới lớp da bụng, một lúc sau bà ta mới buông tay.
“ Thu Dung, cứu ta.”
Thu Dung giật mình, bấy giờ cô mới bừng tỉnh, thoát ra cơn mê do chính bà ta tạo ra. Vội vàng chạy đến đỡ phu nhân tránh khỏi cú ngã ngửa. Vừa mới dìu phu nhân vào kiệu xong, đã thấy bà ta quay người rời đi, không nói thêm một lời, trong nháy mắt đã đi mất hút. Nhìn theo bóng dáng vội vã của bà ấy, Thu Dung bất giác chau mày.
“ Phu nhân, người không sao chứ ạ?”
Phu nhân nhăn nhó, xoa bụng:
“ Ta thấy hơi mệt, đưa ta về phủ.”
Thu Dung phải dùng rượu nếp tạt vào mặt đám gia nhân khiêng kiệu, mới giúp họ tỉnh táo. Đây là loại rượu do một pháp sư cao tay nấu ra, uống vào không những làm cho đầu óc tỉnh táo, mà còn giúp xua đuổi tà khí. Biết chắc bà ta chẳng phải người tốt đẹp gì, nên đám gia nhân và cả bản thân mình mới bị bùa phép của bà ta che mắt, nên Thu Dung lo lắng đến bên cạnh kiệu, cất tiếng hỏi:
“ Bẩm phu nhân, chúng ta có nên nói chuyện này lại cho lão gia biết không?” Không biết bà ta có ý đồ gì xấu với người không nữa.”
Phu nhân im lặng một lúc, mãi sau mới trả lời:” Thường ngày lão gia có rất nhiều chuyện phải lo rồi, nên ta không muốn người bận tâm đến mấy chuyện cỏn con này.”
Thu Dung toan nói gì đó song lại thôi, cô ngoan ngoãn gật đầu, đáp:” Vâng!”
—-
Ngôi nhà ọt ẹt nằm lọt sâu dưới chân núi, ban ngày nếu đứng từ xa quan sát, trông nó chẳng khác nào cây nấm bị gió thổi xác xơ. Về đêm, bên trong chỉ hắt ra ngọn đèn dầu tù mù đỏ oạch, phải căng mắt ra nhìn mới phát hiện có chút ánh đèn le lói phát sáng trong màn đêm đen vô tận.
Tiếng khoen cửa kẽo kẹt vang lên, mụ ra xách đùm lá chuối bước vào nhà. Bà ta đi đến mở nắp hũ sành, đưa mắt nhìn vào. Bên trong, lởm chởm đến ba thai nhi nổi lềnh phềnh trên mặt nước, có đứa chỉ mới hình thành, cũng có đứa đã rõ cả chân tay mặt mũi, đây là thành quả cả năm mà mụ thu hoạch được, sau mỗi chuyến xuống núi săn con mồi.

Bà ta nhấc mặt ra khỏi miệng hũ sành, buông tràng cười man dại, một lúc sau, mụ không cười nữa, cẩn thận cởi từng nút thắt trên bọc lá chuối, nhẹ nhàng lật ra từng mảnh, đến lớp lá cuối cùng được vạch ra cũng là lúc bào thai non thứ 4 xuất hiện. Mụ ta thả bào thai vào trong hũ rượu, sau đó đậy kín nắp, rồi cẩn thận bê nó đặt vào chỗ cũ.
Đúng lúc, bên ngoài có tiếng gõ tiếng:
“ Cộc…cộc…cộc…”
Bà ta hỏi vọng ra;
“ Ai đấy? Đến tận đây giờ này có chuyện gì muốn ta giúp?”
Giọng một đàn bà bên nói vọng vào:
“ Tôi đây, tôi có hẹn với bà từ tuần trước.”
Mụ khật khưỡng bước ra mở cửa, đứng trước mặt bà ta là một người đàn bà xa lạ. Mụ hơi chau mày, khẽ hỏi:
“ Tìm tôi có việc gì?”
Người đàn bà đáp:
“ Tôi muốn bà nguyền rủa một người cho tôi. À không, là một đứa trẻ sắp ra đời.”
Mụ nhìn người đàn bà nhếch môi cười. Chỉ có hận ai đó đến thấu xương, thì con người ta mới rắp tâm tìm phù thuỷ gieo lời nguyền vào một đứa bé còn chưa kịp chào đời. Song cho dù là lý do gì đi chăng nữa, thì đấy cũng không phải thứ mụ quan tâm.
“ Vào đi, muốn tôi giúp cô cũng được, còn về phần giá cả, nếu cô đã tìm được đến tận chắc không cần tôi nhắc lại? Nói đi, cô muốn tôi nguyền rủa ai?”
Người đàn bà đảo mắt nhìn quanh gian nhà một lượt, trong đây chẳng có gì đáng giá, nhưng có vài thứ treo trên tường cũng khiến bà ta giật thót mình. Nhanh sau đó bà ta thu lại ánh mắt, nhìn chăm chăm vào mụ ta, nói:
“ Người cần nguyền rủa còn chưa ra đời, nên tôi mang bát tự của người mẹ đến đây nhờ bà giúp.”
Vừa mở ra xem, mụ ta há hốc mồm. Sửng sốt đến nỗi xém chút làm rơi tờ giấy xuống đất. Thật không ngờ, giữa ti tỷ người, cuối cùng cũng xuất hiện một kẻ có chung kẻ thù với mình. Mụ ta vui lắm, song niềm vui đó phải nén cất giấu vào bên trong, tránh để người đàn bà nghi ngờ, có vậy mới lấy được số tiền công cô ta đem lại.
“ Người này có phải nhà ở huyện Trường Gia, thôn Vạn Lý?”
“ Vâng, sao bà biết?”
Bà ta điềm tĩnh, hừ tiếng, nói:
“ Gia tộc nhà Đỗ ở huyện Trường Gia, trong bán kính năm trăm dặm có ai mà không biết? Chỉ có điều, động đến người của gia tộc có thế lực như họ, giá cả sẽ gấp đôi.”
Người đàn bà nghe xong hơi thất vọng, xong lại nghĩ đã đến đây thì không thể về tay không, đằng nào cũng đã trót leo lên lưng cọp, nên cô ta dù không muốn trả cái giá quá đắt, song cũng miễn cưỡng gật đầu:
“ Được, chỉ cần bà hứa đứa bé ấy không tồn tại trên cõi đời này mãi mãi, tôi sẽ trả cho bà không thiếu một xu.”
“ Muốn nó sống không bằng chết, dị rật bẩm sinh? Hay muốn nó chưa kịp nhìn thấy ánh bình minh?”
Cô ta lạnh lùng đáp:

“ Làm cách nào tùy bà, nhưng tôi muốn nó phải chết. Có như vậy, con gái tôi sau này mới yên tâm bước chân vào hào môn.”

Xem Tiếp Chap 5 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn