Truyện Ma "Quỷ Nhảy Xác" Chap 24

 Quỷ nhảy xác

Chap 24: Cô Đài gặp nạn
Tác giả: Hà Dương(Phú Dương)

Xem Lại Chap 23 : Tại Đây

Một lúc sau, cậu Đại tỉnh táo trở lại. Bà cả Tâm hỏi thăm thì cậu chỉ lắc đầu đáp: không hiểu sao con nhìn thấy tấm hình của mẹ ba mà thấy sợ lắm, con còn bị đau đầu nữa. Có phải con bị bệnh gì nặng phải không?

Bà cả ôm lấy cậu Đại an ủi: không sao, do các cậu đau lòng quá mức nên mới bị như vậy. Cậu chịu khó nghỉ ngơi, mẹ nhắc chị Mận nấu món bổ cho cậu ăn mau lại sức.

Cậu Đại nghe thấy món ăn ngon là hai mắt lại sáng lên. Đoạn cậu bĩu môi: mẹ ba mất rồi, giờ làm gì có ai cho tụi con chơi chọi dế nữa?

- Được rồi, cậu chịu khó học hành, nếu thi đỗ tú tài thì sau này tha hồ mà chọi dế. Ở trên kinh đô, dế của các học trò con quan nhiều vô kể, lúc ấy cậu lại tha hồ mà kết giao.

Cậu Đại nghe bà cả nói vậy bèn hạ quyết tâm học hành thật giỏi để được tới kinh đô, kết giao bạn bè con quan chơi chọi dế.

- Cậu nhớ phải nhắc cả cậu Sơn chịu khó học hành nhé. Các cậu học giỏi thì sẽ được thưởng cho đi xem chọi dế trên phố thị.

- Mẹ hứa nhé!

Bà cả vui vẻ gật đầu đồng ý.

Vài ngày sau, vụ chiêm vừa được thu hoạch xong, bà Tâm bắt tay vào chuẩn bị cho vụ mùa mới. Sau vài tháng kể từ ngày ông Tô qua đời, mọi việc quay lại theo quỹ đạo của nó. Bà Tâm bấy giờ đã dần quen với việc phải một mình quán xuyến việc nhà vừa theo thương lái đi buôn vải phục vụ may mặc. 

Con Mận biết chữ nên được bà cho đi theo để phụ việc. Do gia đình còn ít người nên phú nông Phạm thương con gái vất vả đã cử lão Tam sang làm quản gia cho gia đình bà địa chủ. Lão Tam đã làm quản gia cho phú Nông Phạm ngót nghét hai chục năm, ngoài lão Tam ra thì phú nông Phạm cũng không an tâm về những người ngoài được bà Tâm mời về nhà làm quản gia.


Sở dĩ các cụ không an tâm vì họ biết gia đình địa chủ Tô vẫn có kẻ xấu nhòm ngó, bất kể khi nào cũng tìm cách ra tay với họ. Bà cả Tâm lại là phận đàn bà, gánh trọng trách trên vai việc gia tộc họ Tô, lại còn bươn chải buôn bán bên ngoài, nếu không có thân tín thì các cụ không an lòng.

Nhiều lần thầy Phạm khuyên bà Tâm bỏ buôn bán, tập trung phát canh thu tô thì gia đình vẫn giàu có, tiền của tiêu không hết. Tuy nhiên bà cả Tâm lại quyết thử sức với việc buôn bán giao thương giữa các tỉnh bắc kỳ- trung kỳ- nam kỳ. Thời ấy, triều đình áp dụng chính sách bế quan toả cảng, khước từ mọi giao lưu với phương Tây, cấm người dân buôn bán với ngoại quốc, vì vậy giao thương chỉ thực hiện trong nước, Đại Nam bấy giờ chỉ có thể buôn bán giao thương giữa các miền. Một phần bà muốn mở rộng vào lục tỉnh nam kỳ, lấy chỗ đi lại, giữ mối liên hệ với thầy Tây Tạng. Bà luôn canh cánh trong lòng nỗi lo về một kẻ tà ác đang từng ngày từng giờ chờ thời cơ nhắm đến gia đình bà.

Sau khi việc buôn bán phát triển hơn, bà mời thầy đồ về dạy riêng cho các con. Người thầy này là họ hàng xa bên ngoại, đã thi đỗ 3 kỳ tú tài nhưng lại không làm quan, về quê dạy học. Bà cả Tâm an tâm, giao trọng trách cho thầy đồ Long quản lý, dạy dỗ các con thi tú tài.

Việc buôn bán càng ngày càng phát triển, những chuyến hàng đưa từ nam ra bắc càng lúc càng nhiều thì bà cả gần như bận bịu tối ngày. Việc nhà cửa có lão Tam quản gia, vú Đậu, con Mơ, thằng Lạc lo liệu. Thẹo bấy giờ đã biết chữ, lại cũng nhanh nhẹn nên luôn theo hộ tống hàng giao các tỉnh.

Lạc được bà cả mai mối cho cô Mai hàng xóm. Hai người làm đám cưới, bà cắt cho miếng đất, cất cho căn nhà ở kế bên để tiện làm việc. Mai sau khi lấy chồng thì ở nhà phụ trách thêm việc bếp núc cùng với Mơ, tiện thể chăm con cái.

Thẹo lấy Mận, bà ưu ái xây cho căn nhà trên chính mảnh đất nhà mình, còn cắt cho một mảnh ruộng làm tài sản riêng. Hai vợ chồng sinh được hai đứa con kháu khỉnh. Vợ chồng Thẹo hạ quyết tâm sống chết bám lấy bà cả Tâm và coi bà như người thân của mình bởi cả hai đã sớm chẳng còn người thân thích, gia đình địa chủ Tô chính là ân nhân, chủ nhân và người thân của họ.

Mơ khi ấy được bà gả chồng gần đó, bà xoá nợ, xé giấy bán thân cho cô làm người tự do, không cần ở lại gia đình, chỉ đi đi về về, sáng tới làm cho bà địa chủ, tối lại về nhà với chồng con.

Số lượng người làm không tăng lên, Nhiều khi bà cũng muốn tuyển thêm người nhưng lại chẳng biết tin tưởng vào ai, bà chỉ sợ lỡ như tuyển trúng người lòng dạ xấu bị lợi dụng rồi không may nhằm vào gia đình bà như trước.

Trong lòng bà luôn canh cánh nỗi lo về cậu Chính tà ác kia sẽ có một ngày quay trở lại tìm cách hãm hại bà. Bởi vậy ngoài thầy Tây Tạng, bà không còn tin tưởng vào bất cứ một ai.

Thời gian thắm thoắt trôi, các con bà đã lớn. Đài và Sa bấy giờ xinh đẹp và ngoan ngoãn. Tuy Sa vẫn không thể nói chuyện nhưng cô lại rất hiểu chuyện và hiền lành. Càng lớn, khuôn mặt cô lại càng giống với mẹ Lan. Cả hai cô con gái của bà Tâm được khá nhiều bà mai tới hỏi cưới nhưng bà Tâm chưa ưng nên muốn để các con tự quyền quyết định hạnh phúc của mình. Bà không muốn con gái mình lại đi vào vết xe đổ như của Lan năm xưa.

Cậu Đại và Cậu Sơn bấy giờ cũng đã qua được kì 1: kinh nghĩa, thư nghĩa. Mặc dù thầy đồ Long đã dốc hết sức chỉ bảo nhưng kết quả các cậu cũng chẳng khá hơn. Kì 2: chiếu, chế, biểu các cậu đều thi mãi không đậu. Thầy đồ Long buồn lòng lắm.

Bà cả biết vậy bèn tâm sự: tôi biết thầy dốc nhiều tâm sức cho các cậu, thế nhưng cái đầu các cậu cũng chỉ tiếp thu được tới vậy thì làm sao mà ép được. Tôi cứ ngỡ ít nhất các cậu cũng phải đỗ được cái Tú Tài cho rạng danh dòng họ, cứ thế này chắc để các cậu thi thêm năm nữa, nếu không được thì cho các cậu làm quen với buôn bán, phát canh thu tô nối nghiệp gia đình thôi thầy ạ!

- Thưa bà, các cậu vốn không phải là học hành dốt, nhưng các cậu mải chơi nên hay quên bài. Lúc đầu tôi cứ ngỡ các cậu có khi đỗ tú tài rồi tham gia thi Hội, ấy thế mà tú tài còn chẳng đỗ thì thật là... hiazz...không bù cho cô Đài. Nếu như cô Đài là nam nhi, chắc chắn phải thi Đình đậu bảng nhãn ấy bà ạ!

Bà cả nghe thầy đồ Long nói vậy bèn mỉm cười, bà biết Đài rất thông minh, học một biết năm, chỉ tiếc bà mụ nặn nhầm thành con gái, cái thời trọng nam khinh nữ này, đàn bà, con gái tài giỏi cũng chẳng để làm gì. Bà chỉ mong Đài sẽ tìm được một người chồng tốt, sống cuộc đời bình an là bà mừng.

- Con bé Sa dạo này sao rồi thầy?

- Cô ấy cũng nhanh nhẹn, dạy tới đâu biết tới đó. Nhưng dạo gần đây tôi thấy cô ấy hơi xao nhãng một chút.

Bà cả đang chìm đắm trong suy nghĩ thì tiếng Mai gọi thất thanh: bà ơi...bà ơi...có chuyện rồi bà ơi!

- Chuyện gì vậy Mai? Sao lại gọi giật giọng như vậy chứ?

- Hu hu...bà ơi...nhanh lên...cô Đài...cô Đài bị...bị ngã sông...

Bà cả nghe vậy thì bủn rủn tay chân, bà bỏ cả guốc mộc, cứ vậy chạy chân đất, miệng liên tục hỏi: giờ cô đâu? Cô làm sao mà ngã sông? Trời ơi! Đài ơi là Đài, mẹ đã dặn đi dặn lại con đừng lại gần sông ngòi rồi mà con chẳng nghe là cớ làm sao?

- Cô Đài được cứu lên rồi đưa đến thầy lang Kha rồi bà ơi.

- Về cầm ngay bộ quần áo tới nhà thầy lang Kha cho cô thay, nhanh lên xem nào.

Bà Tâm chạy tới nhà thầy lang Kha thì thấy Đài đã tỉnh lại, toàn thân mặc bộ quần áo nâu, chắc hẳn của con gái thầy lang Kha cho mượn tạm. Bà vồn vã hỏi: Đài, sao rồi con? Sao con lại ngã xuống sông chứ? Con làm mẹ lo quá!

Đài lễ phép đáp: dạ thưa mẹ, là do con thấy có con mèo trắng bị rơi xuống sông nên mới có lòng tốt cứu lấy. Chẳng hiểu sao lúc con quay lưng đi lên thì lại bị trượt chân ngã xuống sông.

Thầy lang Kha lên tiếng: thưa bà địa chủ, cũng may cô Đài được cứu lên sớm nên không tổn hại gì, chỉ là bị hoảng sợ quá mức thôi bà ạ!

Bà Tâm liền mau miệng cám ơn thầy lang: dạ, đội ơn cứu mạng của thầy ạ! Ơn này gia đình tôi sẽ không quên!

Vừa hay lúc ấy có một cậu thanh niên tuấn tú ở nhà sau bước lên, người đó mỉm cười chào bà địa chủ: chào bà cả Tâm, lâu quá con mới thấy bà!

Bà Tâm còn đang sững người chưa kịp nhận ra cậu thanh niên thì Đài đã lên tiếng: mẹ, đây là anh Tứ, người đã cứu con lúc nãy dưới sông lên đấy ạ!

Bà Tâm nhanh chóng nhớ lại, bà à lên một tiếng: cậu...cậu là học trò của thư sinh, người đậu thái y viện làm rạng danh huyện ta đúng không? Trời ơi, lâu quá rồi, không ngờ con trai thầy lang Kha giờ lớn quá, tôi già rồi, quả thật nhận không ra.

- Vâng, nhờ ơn bà địa chủ tạo cơ duyên cho con gặp được thư sinh, được người chỉ dạy tới nơi tới chốn nên mới đậu thành tài, may mắn trúng vào thái y viện. Con mới vừa từ kinh đô trở về thăm nhà, đi ngang qua gặp cô Đài không may gặp nạn nên vừa hay cứu giúp.

- Gia đình tôi biết ơn cậu lắm. Không ngờ cậu giờ đã làm quan trong thái y viện.

- Con cũng là một phó y sinh nhỏ nhoi, phong hàm cửu phẩm thôi ạ!

- Vậy là giỏi lắm rồi, cả huyện này cậu là người đầu tiên được vào thái y viện. Thế lâu nay thư sinh có khoẻ không? Lâu lắm tôi không gặp thư sinh rồi.

- Dạ thưa bà, sư phụ con vẫn khoẻ, người giờ lên núi hái thuốc, nghiên cứu bài tập dưỡng sinh, không bận thế sự.

- Haizz, tiếc cho thư sinh ngài ấy, nếu ngài ấy mà ra làm quan thì nhiều người được nhờ.

- Mỗi người mỗi chí hướng bà ạ! Như sư phụ vậy cũng tốt, cuộc sống giản đơn, không đua chen với đời, sống an nhàn, vui vẻ.

Mai bấy giờ cũng cầm quần áo của cô Đài chạy tới nơi, miệng liên tục gọi: bà...bà ơi...quần...quần áo của cô đây ạ. Con mang quần áo cho cô thay rồi bà.

Tới nơi, Mai thấy cô Đài mặc bộ đồ ngắn màu nâu thì thích thú bật cười: ối, cô Đài, cô mặc đồ của ai vậy? Sao...sao nhỏ xíu vậy cô?

Thầy lang Kha vội giải thích: đồ của bà nhà tôi, bà ấy nhỏ thó nên quần áo cũng nhỏ, cũng tại sợ cô Đài nhiễm lạnh nên tôi phải bảo bà ấy đưa cô Đài thay tạm.

Đài nhận lấy bộ quần áo của mình, ngượng ngùng được Thị Kha dẫn Đài vào trong buồng thay ra. Thị Kha là vợ của thầy lang Kha, bà thấp nhỏ hơn Đài nhiều thành ra Đài mặc bộ quần áo ngắn cũn lại nhăn nhúm khiến mọi người nhìn thấy đều tủm tỉm cười.

Sau khi thay quần áo của mình, cô Đài gói bộ quần áo của Thị Kha cẩn thận toan về nhà giặt sạch mới trả lại thì bị bà nhanh tay giật lấy. Bà bảo: cô Đài cứ để quần áo đấy, chốc nữa tôi giặt ù cái là xong thôi. Quần áo của cô thay ra ban nãy tôi cũng giặt phơi lên sào rồi. Để tôi lấy cho cô.

Đài liền mau miệng: dạ bà để con làm ạ!

Thị Kha cười phá lên: cô Đài gọi thế tôi tổn thọ mất, thôi, cô ra ngoài đi, để tôi cầm ra cho cô.

Bên ngoài bỗng có một người chạy tới, hớt hơ hớt hải gọi lớn: thầy lang Kha ơi, cứu người, mau cứu người với...có người vừa rơi xuống sông đuối nước rồi.

Đài nghe tiếng gọi cầu cứu, nhanh chân quay người ra ngoài, tuy nhiên chỉ được vài bước thì trước mắt cô hiện lên một bóng người nhuộm đỏ màu máu, đôi mắt người ấy hằm hằm nhìn Đài, miệng trào nước với máu mà hét vào mặt cô: trả mạng cho tao...mày trả lại mạng cho tao. Đài choáng váng, hai mắt tối sầm lại, cơ thể từ từ ngã gục xuống đất.

Xem Tiếp Chap 25 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn