Truyện Ma "Quỷ Nhảy Xác" Chap 78

 Quỷ nhảy xác

chap 78: Đám cưới
Tác giả: Hà Dương(Phú Dương)

Xem lại chap 77 : Tại Đây

Tất cả mọi người đều thất kinh khi nghe thấy tiếng nói thốt ra từ miệng thầy Tây Tạng. Bà cả Tâm vội vã hỏi: ngươi vừa nói cái gì? Ngươi nói lại ta xem nào. Ngươi vừa mới nói cái gì?

Thầy Tây Tạng bấy giờ lại không thể nói được, sắc mặt hết trắng lại đỏ rồi lại xám đen lại. Thằng Việt lắc cái lục lạc trên tay mấy lần, cơ thể thầy Tây Tạng từ từ gục xuống, máu rỉ ra ở miệng.

Đài đỡ lấy thầy hỏi han: có chuyện gì vậy thầy? Sao vong ma lại nhập vào thầy chứ? Nó là ai?

Thằng Việt lên tiếng giục: mọi người để thầy ấy nghỉ ngơi đi. Thầy ấy mới vừa lập trận pháp, tự lấy thân mình làm di hồn đại pháp, bắt ép linh hồn ẩn nấp trong căn mật thất đó xuất đầu lộ diện đấy. Hiện tại sức khoẻ thầy ấy rất yếu, cần được nghỉ ngơi.

Nghe thằng Việt giải thích mọi người mới vỡ lẽ. Thằng Thẹo và Lạc dìu thầy Tây Tạng về phòng nghỉ. Cũng không ai hỏi han gì chuyện ban nãy bởi lúc bấy giờ thầy Tây Tạng cũng không thể trả lời được.

Hơn hai canh giờ trôi qua, bà cả Tâm thấy thầy tỉnh táo hơn mới lên tiếng: thầy đã đỡ hơn chưa ạ? Rốt cuộc chuyện ấy là sao ạ?


Thầy Tây Tang ngồi dậy, toàn thân vẫn còn mệt mỏi nhưng khí sắc đã tốt hơn ban nãy. Thầy đáp: tôi phát hiện ra cái vong đó, nhưng cái vong này lại không thể nói chuyện, không biết đã có chuyện gì xảy ra với nó.

- Có đó thầy, nó chỉ vào ngôi mộ nhắc tên Cảnh.

- Ngôi mộ đó có ghi tên Bách, tại sao con vong lại nói Cảnh chứ?

- Nó còn đá cả bia mộ của bố chồng tôi nữa. Chắc chắn những chuyện này có liên quan tới nhau. Tuy nhiên những người khi xưa đều chết hết cả rồi, vậy làm sao chúng ta biết được chuyện xảy ra khi xưa chứ?

- Bia mộ của cụ Tôn và cụ bà Thị Tôn đều có vấn đề. Thị Tôn trước đây là do bà Hai Thu giết hại, bị yểm bùa khiến hồn vía tiêu tan. Chúng ta không thể gọi hồn bà cụ Thị Tôn lên hỏi chuyện được. Kể cả cụ Tôn kia mấy lần trước tôi lập đàn xin âm dương gọi hồn đều thất bại. Còn ngôi mộ người tên Bách nữa, không biết người đó là ai?

Theo như gia phả có ghi lại thì cụ Bách đó là người em trai cùng mẹ khác cha của bố chồng tôi. Cụ ấy mất khi còn rất trẻ, tôi cũng không nghe gia đình nhắc tới lý do cụ ấy mất.

- Đưa tôi đi xem lại bát hương của người đã mất.

Thầy Tây Tạng cố gắng đứng dậy nhưng sức lực thầy không cho phép. Thầy thở dài: tôi đúng là già rồi, một trận pháp cũng không khống chế được.

Thấy thầy Tây Tạng tự trách mình lại khiến bà cả Tâm thấy đau lòng. Bà biết thầy đã cố hết sức giúp gia đình bà không quản cả tính mạng của mình. Bà được nghe thằng Việt kể về trận pháp di hồn đại pháp ấy, biết được người lập trận có thể bị vong mạng bất cứ lúc nào. Thầy thực ra có thể chọn cách khác nhưng laii sợ ảnh hưởng tới tính mạng của bà điên, vậy thà thầy tự mang tính mạng của mình ra đánh cược.

Sau khi thầy được người ở đưa đến phòng thờ của gia đình bà địa chủ. Thầy đứng đó nhìn một hồi lâu rồi bảo bà Tâm hạ bát hương cụ Bách kia xuống.

Người làm đem tới chiếc chậu đồng chuyên dùng bao sái bát hương đặt nghiêm chỉnh giữa gian phòng thờ. Bà cả Tâm theo hướng dẫn của thầy Tây Tạng liền đổ sạch cốt bát hương ra ngoài. Phía dưới đáy bát hương có một gói nhỏ màu đỏ được dán chặt xuống dưới. Bên ấy lại kèm theo một lá bùa, lá dị hiệu và gói cốt thất bảo.

Bà cả đưa tất cả cho thầy Tây Tạng xem. Thầy nhìn chằm chằm vào cốt thất bảo rồi gật gù: người bốc bát hương này quả thật rất có tâm, tuy nhiên tại sao lại còn có thêm lá bùa chứ? Bùa này chẳng phải lá bùa khiến cho hồn phách không quy tụ được hay sao?

Bà cả Tâm không hiểu về bùa chú, nghe thầy Tây Tạng nói vậy cũng lấy làm lạ. Cốt thất bảo dùng hoàn toàn vàng bạc và ngọc thật nhưng lại có bùa trấn vong. Thầy mở dị hiệu ra thì sững người khi thấy cái tên bên trong: cậu cả Cảnh Văn Bách.

- Bà cả Tâm giật mình: Cảnh Văn Bách, vậy chẳng phải cái tên cậu Cảnh mà bà điên hay nhắc tới chính là tên người này sao?

Thầy Tây Tạng gật gù: xem ra chuyện dần được sáng tỏ rồi đây, cậu Cảnh Văn Bách chính là người đã cưới cô Khiên làm vợ.

Bà cả Tâm ngồi thụp xuống đất, bà đã từng mường tượng tới sự việc này từ trước. Tuy nhiên cái bà không nghĩ tới chính là người anh của ông Tôn lại mang họ Cảnh chứ không phải họ Bùi như bà vẫn biết. Bao nhiêu năm về làm dâu, bà chỉ được nghe nhắc tới tên người đó là Bạch, chưa bao giờ nghe tên đầy đủ. Ngay cả gia phả cũng không ghi cụ Bách mang họ Cảnh.

Lúc trước khi bà nghi ngờ chuyện liên quan đến nhà mình bởi cậu Chính kia trả thù đều nhằm vào nhà bà nên đã có lần bà suy nghĩ rằng có khi nào gia đình chồng bà đã đổi họ. Bà tìm hết ghi chép trong nhà, lục tìm lại gia phả từ bao nhiêu đời nhưng chưa hề thấy ghi nhà chồng bà đổi họ. Cuối cùng sự thật lại nằm ở trên người cụ Bách- một người con ngoài giá thú của bà cụ địa chủ khi xưa.

Bà cả thắc mắc: nhưng cái vong nhập vào thầy là ai? Có phải vong cụ Bách hay không?

- Khó có thể nào là vong của cụ Bách được vì trong bát hương này có bùa chú. Hồn phách cụ Bách có thể đã sớm tiêu tan, chẳng còn quy tụ nên tôi đoán chắn con vong ban nhập vào tôi là kẻ khác. Nhưng tôi cũng không dám chắc chuyện này, chúng ta sẽ tìm hiểu lại sự việc sau.

Bà cả Tâm bấy giờ lòng chợt chùng xuống vì mọi thông tin càng lúc càng rối. Vong hồn ấy rõ ràng là người nhà bà và chắc chắn người đó biết câu chuyện trong quá khứ nhưng không hiểu vì sao vong hồn lại bị nhốt dưới căn hầm lâu như vậy.

Thầy Tây Tạng định bụng sau khi sức khoẻ ổn định trở lại sẽ tiếp tục mở trận di hồn đại pháp để tìm hiểu sự việc. Hiện tại linh lực thầy đã yếu, khó lòng trụ được nếu mở trận pháp thêm lần nữa.

Bà cả Tâm bắt đầu dò hỏi mọi người trong làng về chuyện cụ Cảnh Văn Bách. Đáng tiếc người làng cùng tuổi các cụ đã không còn ai, lớp thế hệ trẻ như bà cả Tâm trở xuống lại chẳng ai biết. Giá như cụ Trác còn sống hay cụ lý trưởng chưa mất thì còn có manh mối tìm kiếm về người này.

Cậu Sơn thấy mẹ vất vả liền đưa ra chủ ý: đằng nào cũng bị mất thông tin, vậy thì mẹ hãy thử để thầy Tây Tạng dùng thuật châm cứu cho bà cụ điên xem thế nào. Cụ ấy chắc chắn nhớ lại chuyện cũ thì mọi chuyện đều được sáng tỏ. Nhà mình giờ không còn thời gian chờ đợi nữa rồi. Hẹn rằm tháng tám chẳng còn bao nhiêu ngày.

Bà cả Tâm lập tức ngắt lời con trai: làm như vậy nhỡ không may xảy ra sự cố thì bà cụ điên sẽ mất mạng. Đó là mạng người!

Cậu Sơn ngán ngẩm khi nghe mẹ phân tích. Cậu khó chịu đáp: vậy mẹ cứ làm theo ý mẹ rồi người chết là cả nhà chúng ta. Mẹ có biết bao nhiêu người sẽ bỏ mạng nếu như cậu Chính ra tay hay không? Lúc ấy không phải là mạng một bà điên mà đổi lại sẽ là rất nhiều người bỏ mạng. Cái làng này chết chưa đủ hay sao?

Trước khi bỏ đi cậu còn nói thêm một câu: "Người không vì mình trời tru đất diệt"

Bà cụ điên đứng thập thò ở ngoài cửa, thấy cậu Sơn hầm hầm bước ra ngoài lập tức co người lại. Khi tiếng bước chân của cậu Sơn đã xa dần rồi mất hút thì bà điên mới lại gần bà cả Tâm trưng bộ mặt muốn làm nũng ra hỏi: chị Khiên, sao cậu Cảnh hung dữ thế?

Bà cả Tâm mỉm cười: đó không phải cậu Cảnh, cậu ấy cũng không hung dữ

Bà điên liền lắc đầu: không, cậu Cảnh rõ ràng mà. Cậu ấy bắt chị Khiên thả trôi sông nữa đó.

Bà cả Tâm hoang mang khi nghe bà điên nhắc tới việc cậu Cảnh bắt Khiên thả trôi sông. Bà gấp gáp hỏi: chuyện ấy là như nào? Cậu Cảnh sao lại bắt chị Khiên thả trôi sông? Chuyện đó em biết chứ?

Bà điên gật gật đầu mấy cái, khuôn mặt cũng lộ lên vẻ sợ hãi tột độ. Bà điên đưa tay lên che mắt mình rồi oà lên khóc: em sợ lắm...em sợ lắm chị Khiên ơi...ăn thịt...thả trôi sông hà bá ăn thịt người!

Bà cả Tâm ôm lấy bà cụ điên vỗ về: yên tâm, có chị Khiên ở đây, đừng sợ nhé!

- Chạy đi...chạy đi...cậu Cảnh ác...tri huyện ác...lý trưởng ác...tất cả đều ác.

Bà điên nói xong vội vàng đứng dậy kéo bà cả Tâm bỏ chạy. Miệng bà còn liên tục nhắc: thầy...thầy ơi...thầy đồ Trương...mau cứu chị Khiên...mau cứu chị Khiên!

Lần thứ hai bà cả Tâm lại nghe bà điên nhắc về thầy đồ Trương. Bà tò mò về thầy đồ này bởi theo như bà tìm hiểu thì thầy đồ Trương là người đã chôn cất tất thảy mười sáu người nhà bà Khiên kia sau vườn ngôi nhà cũ của họ ở làng Phượng Lôi. Tuy nhiên sau này không ai thấy thầy đồ Trương đâu nữa. Dường như ông ấy biến mất khỏi Phượng Lôi cũng chẳng mấy ai để ý.

Vài ngày sau là đám cưới của Đài. Bà cả Tâm cùng đại gia đình đều mong chờ ngày vui. Cô dâu bẽn lẽn trong tà áo cưới bước cùng chú rể tới phòng thờ thắp hương gia tiên trước khi đón dâu về nhà chồng.

Họ hàng nhà trai đến rất đông vui, quan tri phủ, thư sinh cùng rất nhiều quan khách đều tới chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ.

Ý Anh bấy giờ đã theo thư sinh học nghề bốc thuốc. Hôm ấy cô cũng về dự đám cưới dưới tư cách là sư muội của chú rể. Cô còn đích thân chuẩn bị quà cưới cho hai người là cặp nhẫn ngọc phỉ thuý đắt giá. Đám cưới ấy duy nhất vắng mặt Nhật Nam bởi cậu nói vợ mình mới mất nên sợ ảnh hưởng tới đôi vợ chồng trẻ. Mặc dù gia đình bà Tâm không ngại nhưng cậu nhất quyết chỉ gửi bao thư chúc mừng chứ không tới dự.

Đôi trai tài gái sắc lúc bước vào phòng thờ, đôi mắt Đài bỗng chốc như có sương mờ bao phủ. Cô loạng choạng bám lấy tay của Tư. Chú rể dường như nhận thấy sự thay đổi của Đài nên đỡ lấy vợ hỏi nhỏ: có chuyện gì vậy em? Sao tự nhiên em lại đi không vững?

Đài mỉm cười e lệ đáp lại: em không sao, có lẽ do đêm qua em mất ngủ nên giờ có cảm giác hỏi mỏi mắt.

Cô nói vậy tránh để Tư lo lắng nhưng quả thực lúc bấy giờ cơ thể của cô rất mệt mỏi. Không hiểu sao đôi chân như thể muốn rụng ra. Đáng sợ nhất chính là đôi mắt; nó cứ mờ mờ chứ không nhìn rõ được mọi thứ như bình thường.

Thằng Lạc nhanh tay châm mấy nén hương đưa cho cô Đài và cậu Tư. Nén hương đang cháy bùng bùng vào tay Đài bỗng dưng tắt lịm.

Thằng Lạc nhanh tay lấy lại que hương châm lên lần nữa. Nó sợ cô Đài vì chuyện ấy lại lo nghĩ bởi hương tắt chính là điềm chẳng lành, hơn nữa hôm nay đang là ngày cưới của hai cô cậu. Đài lại cầm nén hương lên lần nữa. Lần này quả nhiên nén hương không tắt, thằng Lạc thở phào nhẹ nhõm. 

Đài và Tư chắp tay, đưa nén hương lên đầu bắt đầu vái ba vái. Sau đó Tư cầm luôn ba nén hương của vợ thắp lên ban gia tiên. Chẳng ngờ đúng lúc ấy, chỉ nghe tiếng tách một cái; bát hương gia tiên nứt làm đôi làm cho hình mặt nguyệt bị chia làm hai phần.

Xem Tiếp Chap 79 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn