Truyện Ma "Quỷ Nhảy Xác" Chap 79 và 80

 Quỷ nhảy xác chap 79 và 80

Chap 79: Tâm mạch bồi dương
Tác giả: Hà Dương(Phú Dương)

Xem lại chap 78 : Tại Đây

Đài tái mặt, tự nhiên bát hương lại nứt dọc trong khi cô và Tứ đang thắp hương gia tiên. Thằng Lạc lập tức chạy ra ngoài gọi bà cả Tâm thông báo sự việc. Vừa hay thầy Tây Tạng đứng bên cạnh, thầy cũng tới phòng thờ ngay sau đó. Nhìn bát hương gia tiên, đôi mắt thầy tối lại. Bà cả Tâm lo lắng: thầy ơi, chuyện này...giờ giải quyết thế nào được ạ? Liệu nó có điềm gì hay không?

Thầy Tây Tạng trầm tư hồi lâu bởi mảnh đất nhà bà cả Tâm chính là một trận pháp thầy đã dày công bày ra. Nếu thực sự ma quỷ thông thường không thể nào quấy nhiễu tới tận phòng thờ ngay dưới mắt thầy như vậy. Thầy hỏi: sự việc cụ thể làm sao, mọi người kể lại chi tiết cho tôi nghe.

Đài lập tức kể lại mọi chuyện. Thầy Tây Tạng cầm bát hương gia tiên lên xem một lượt rồi sai thằng Lạc mau chóng đem chậu sạch tới cho thầy. Thầy nghi ngờ có kẻ đã giở trò ngay trong chính ngôi nhà này mà không ai biết. Mọi người hoang mang nhìn nhau, khuôn mặt bà cả Tâm càng lúc càng biến sắc. Bà không ngờ sự cố lại xảy ra trong đám cưới của con gái như vậy.


Chiếc chậu đồng được đưa tới, thầy Tây Tạng đổ tất thảy hương cốt ra ngoài, kiểm tra lại cốt thất bảo rồi sửng sốt bởi bát hương này cũng đã bị đụng tay đụng chân. Thầy đưa cho bà cả Tâm xem lá bùa rồi hỏi: gia đình bà bốc bát hương này từ khi nào? Tại sao cốt bát hương lại có bùa chú?

Bà cả Tâm lắc đầu đáp: thực sự từ khi về làm dâu tới giờ chuyện hương khỏi đều do mẹ chồng tôi làm, chỉ có từ khi mẹ chồng, chồng tôi mất, em hai và em ba qua đời tôi mới bốc bát hương cho họ. Trước đó những bát hương này đều được thầy trấn yểm an vị nên chúng tôi chưa hề động tới. Mẹ chồng tôi khi còn sống rất kĩ mấy khoản thờ cúng nên những gì đã được bà mời thầy về sắp đặt thì con cháu phải y án không được thay đổi.

Bà cả chợt nhớ đến việc cậu Chính kia lập trận pháp trên đất này liền gợi ý: trước đây cậu Chính được chồng tôi mời về trấn mộ em Lan...có khi nào...

Thầy Tây Tạng lắc đầu: không giống, tất cả chữ trên lá bùa này không giống chữ trên lá bùa mà cậu Chính đã viết trước kia. Tôi có thể khẳng định kẻ này không phải cậu Chính.

- Vậy không lẽ do A Tủ ư? Chúng tôi làm gì bị nhiều thầy pháp đối đầu đến thế chứ?

- Chữ này càng không phải của A Tủ. Ta nhìn có thể nhận ra liền. Tuy nhiên những con chữ này để ở đây chứng tỏ người này đủ ngoan độc với gia đình bà rồi.

Bà cả Tâm sốc lắm, không nghĩ tới việc đến cả phòng thờ nhà mình cũng bị kẻ khác nhúng tay vào. Tuy nhiên bà thắc mắc: nhưng nếu bát hương có kẻ động tay chân vào thì lần trước khi thầy Tây Tạng tới phòng thờ sao không phát hiện ra chứ? Không lẽ kẻ này pháp lực còn cao hơn cả thầy hay sao?

Chính thầy Tây Tạng cũng đặt câu hỏi giống y chang bà Tâm vậy. Bình thường bước đến một nơi có ếm thuật hay chỉ cần nhìn vào gia chủ thầy có thể phán đoán được nhà đó có bị ếm hay không, tuy nhiên thầy không dưới 3 lần đặt chân vào căn phòng thờ này nhưng không hiểu sao lại không thể phát hiện ra những lá bùa được ếm trong các bát hương như vậy.

Bà cả Tâm liền bưng tiếp các bát hương bên cạnh đổ ra kiểm tra một loạt, quả nhiên tất thảy bát hương đều có vấn đề. Trong cốt mỗi bát hương đều có sẵn bùa ếm hồn giống nhau.

Quan khách bên ngoài chờ đợi lâu không thấy nàng dâu chàng rể bước ra, bà cả Tâm liền cho hai vợ chồng Đài ra ngoài tiếp khách. Bà và thầy Tây Tạng ở lại kiểm tra căn phòng thờ. Tuy nhiên thầy giữ lại một thằng Lạc, còn lại kêu mọi người nhanh chóng ra ngoài tránh quan khách đợi chờ bàn tán không hay.

Cả đoàn người kéo ra đi, còn lại thầy Tây Tạng và Lạc bưng chậu đồng đứng cạnh. Thầy sai Lạc: cậu bê bát hương của bà địa chủ Tôn xuống cho tôi.

Lạc nhanh tay tới bê bát hương xuống và đổ ra, bên trong bát hương hoàn toàn bình thường. Tiếp tục kiểm tra những bát hương còn lại của ông địa chủ Tô, bà Hai Thu và bà ba Xoan cũng không phát hiện lá bùa ếm nào. 

Thầy Tây Tạng bấy giờ mới khẳng định chắc chắn có kẻ giở trò trước khi bà địa chủ Tôn qua đời. Không rõ lý do của hắn là gì, tại sao nhằm vào gia đình bà địa chủ. Chữ nghĩa trên bùa kia cũng là của một thầy pháp, kẻ này cực kì am hiểu thuật trấn hồn, bút lực, pháp lực đều hơn người. Chỉ có kẻ tài như vậy ếm bát hương mới làm khó được thầy Tây Tạng như vậy.

Thầy nhặt hết mấy lá bùa ếm lại, xếp ngay ngắn kiểm tra, tất thảy đều là chữ của một người. Thầy nhìn quanh ngôi nhà cột, căn phòng bấy giờ nhuốm màu u ám khó tả. Trước khi lá bùa được phát hiện rõ ràng căn phòng thờ còn ấm cúng, tuy nhiên sau khi bùa chú lộ ra thì căn phòng lạnh lẽo đến đáng sợ. 

Thằng Lạc đứng bê chậu đồng mà hắt xì tới mấy cái, cảm giác lạnh lẽo ở đâu len lỏi khắp phần da thịt khiến nó rùng mình. Nó ở ngôi nhà này, gắn bó với nó cả mấy chục năm nay nhưng đây là lần đầu tiên có cảm giác căn phòng lạnh lẽo và đáng sợ đến như thế.

Thầy Tây Tạng đi xung quanh căn phòng tìm kiếm, bất chợt thầy có suy nghĩ táo bạo muốn thực hiện di hồn đại pháp ngay trong chính căn phòng thờ này thêm một lần nữa. Sở dĩ căn phòng này bí hiểm chính là do những lá bùa kia gây ra, chỉ còn cách dùng thuật di hồn để tìm kiếm hồn phách kẻ đã trấn yểm nơi này để mong tìm ra được sự thật ẩn giấu trong ngôi nhà này.

Thầy liền sai thằng Lạc ra ngoài thông báo cho bà cả Tâm dặn dò tất thảy mọi người không ai được phép tiến về phía căn phòng thờ để thầy yên tâm lập trận. Sở dĩ lần trước thầy lập trận dưới căn hầm bí mật kia đã tiêu hao nhiều linh lực nên giờ nếu trong quá trình lập trận pháp lại bị ai đó làm phiền sẽ đứt dương khí, hồn lìa khỏi xác.

Bà cả Tâm chỉ đành làm theo sắp xếp của thầy Tây Tạng, dặn dò gia đinh trong nhà bảo vệ cho phòng thờ, tránh người khác làm phiền thời gian thầy Tây Tạng lập trận pháp.

Phần về nàng dâu và chàng rể, sau khi hoàn tất thủ tục bên nhà gái liền dẫn dâu trở về. Đài nghẹn ngào chia tay mẹ cùng gia đình, chính thức theo Tư về nhà làm vợ. Trước khi đi, bà cả Tâm lén đưa cho con gái sợi dây đeo tay bằng chỉ đỏ gắn một viên ngọc màu xanh bích, đây là thứ thầy Tây Tạng tặng cho Đài bởi khi cô rời khỏi nhà sẽ có thể gặp nguy hiểm. Sợi dây chỉ đỏ ấy là một chiếc vòng đặc biệt được thầy khai quang và luyện phép 7 ngày mà thành, nó như một pháp bảo giúp cho Đài tránh được ma quỷ quấy nhiễu. 

Mặt khác nó có gắn liền với chiếc chuông bản mệnh của thầy Tây Tạng. Bất kể khi nào Đài có nguy cơ gặp nguy hiểm chỉ cần nắm chắc sợi dây nó có thể giúp cô gặp dữ hoá lành bởi thầy Tây Tạng có thể theo chiếc vòng tay ấy cảm nhận và giúp cô hoá giải tai kiếp từ xa.

Đoàn dẫn dâu đã đi xa, quan khách ở lại vui vẻ ăn uống chúc tụng tới chiều tối mới tàn tiệc. Khi quan khách ra về hết, gia đinh dẹp dọn lại nhà cửa, thầy Tây Tạng vẫn ở yên trong căn phòng thờ không chịu bước ra ngoài. Bà cả Tâm lo lắng lắm nhưng không dám bước vào trong bởi sợ làm ảnh hưởng tới trận pháp. Bà lặng lẽ đứng ngoài nhìn vào cánh cửa đang đóng kín mà chờ đợi. Mỗi khắc trôi qua tim bà như thể muốn nổ tung bởi quá lo lắng và hồi hộp.

Chiếc lục lạc trên tay thằng Lạc vẫn nắm chặt từ lúc thầy Tây Tạng bước vào trong. Nó đứng đợi mà căng thẳng tới mức mồ hôi tuôn ra như tắm. Thầy giao trọng trách quan trọng cho nó chính là đứng canh cửa và theo dõi biến đổi trong căn phòng. Khi nào phát hiện ra căn phòng có sự lạ, kèm theo cành lộc thầy treo trước cửa bị héo khô thì phải lập tức rung lục lạc kéo hồn thầy về nhập thân thể ngay lập tức.

Trời bắt đầu tối dần, cánh cửa phòng thờ bấy giờ mở ra. Thầy Tây Tạng từ bên trong bước ra ngoài, khuôn mặt đỏ bừng bừng như vừa mới hơ lửa. Thầy vẫy tay cho thằng Thẹo lại gần đưa cho nó nắm hương lớn và nói thầm vào tai nó: cậu nhanh chân cầm theo nắm hương này chạy quanh nhà, chạy ra vườn theo chiều từ phải sang trái, nơi nào hương toả khói xanh ngọc thì lập tức báo cho tôi biết. Chú ý phải chạy khắp nơi trong nhà này mới được, không được phép bỏ sót nơi nào.

Thằng Thẹo chạy đi thì thầy Tây Tạng cũng gục xuống, giọng thầy yếu ớt gọi bà cả Tâm: căn phòng thờ này được ếm, suýt chút nữa tôi không thể nhập hồn được. Bà là chủ nhà, bà hãy cầm theo chuông bản mệnh của tôi đi vào phòng để tìm nơi nào mà bà cảm thấy lạnh run thì báo cho tôi biết.

Bà cả Tâm nhận lấy chiếc chuông đồng nhỏ, đây chính là chiếc chuông bản mệnh thầy đã tặng cho bà khi xưa, sau đó đã bị thằng Thẹo đánh tráo chiếc chuông khác ngay cái ngày thầy bị trúng độc rồi bị mất thi thể. Thầy Tây Tạng vốn muốn bà cả Tâm và mọi người tin tưởng vào việc thầy gặp nạn và mất mạng nên sắp xếp như vậy bởi thầy còn sống thì chuông bản mệnh sẽ không thể đổi màu sang đen. 

Bà cả Tâm nhìn chiếc chuông đồng nhỏ trong tay, trong lòng xúc động khôn nguôi, lập tức nhận lấy bước vào trong căn phòng rồi đi tới từng góc một cảm nhận. Căn phòng tuy có vẻ lạnh lẽo nhưng không khiến bà Tâm lạnh tới phát run như lời thầy Tây Tạng nói. Bà cả Tâm bước ra ngoài lắc đầu nói: tôi đã đi khắp căn phòng thờ rồi, mọi thứ đều hoàn toàn bình thường thầy ạ!

Thầy Tây Tạng gật gù: vậy chúng ta tới căn hầm xem sao, một mình bà cả Tâm phải đi vào trong, tìm hết các ngóc ngách trong ấy, nơi nào lạnh run thì báo cho tôi biết ngay.

Bà cả Tâm đi tới căn hầm chầm chậm bước vào trong, quả nhiên có một nơi ngay góc căn hầm khiến bà lạnh thấu xương tới mức toàn thân run rẩy. Bà gọi lớn: thầy ơi, nơi này lạnh lắm, quả thật nó khiến tôi lạnh run chân không thể bước được.

Lúc bấy giờ thằng Lạc cùng kêu lên: thầy ơi, ngoài cái ao trước nhà khói hương cũng đổi màu xanh bích, tuy nhiên tới khói khói hương liền lập tức đổi hướng, rõ là gió về hướng Bắc nhưng khói hương lại bay về hướng Đông.

Thầy Tây Tạng sửng sốt: là khói hương bay xuống ao sao?

Thằng Thẹo lập tức gật đầu: dạ phải, khói hương đã bay xuống ao thầy ạ! Nhưng mà lạ là càng đứng gần ao cơ thể con càng bị nóng giống như là thiêu đốt vậy.

Bà cả Tâm lúc bấy giờ đã ra tới ngoài, khuôn mặt bà trắng bệch, tay chân gần như tím tái giữa cái nóng của tiết trời vừa mới giao mùa. Hai hàm răng bà còn va vào nhau cành cạch, ai nấy nhìn thấy đều hoang mang. Cậu Sơn và Cậu Đại chứng kiến cảnh ấy cũng sợ xanh cả mặt, không dám tiến lại gần mẹ. Cậu liền hỏi: đây là có chuyện gì vậy thầy? Tại sao nhà tôi lại xảy ra chuyện này chứ?

Thầy Tây Tạng đáp: điểm giao nhau giữa nóng và lạnh là tâm mạch bồi dương, có kẻ đã lập trận ở đây hòng bồi dương cho ai đó.

Quỷ nhảy xác
Chap 80: Bí mật trận pháp tâm mạch bồi dương
Tác giả: Hà Dương(Phú Dương)

Bà cả Tâm nghe tới tâm mạch bồi dương liền sửng sốt: Tâm mạch bồi dương là cái gì chứ? Thầy có thể giải thích rõ hơn giúp tôi được không ạ?

- Tâm mạch bồi dương là một trận pháp đã bị thất truyền từ lâu, nơi lập trận phải là nơi có long mạch tốt, từ đó chia ra làm hai mảng nóng và lạnh đối xứng nhau. Tại trận pháp tâm mạch hồi dương này sẽ đặt hai hũ bảo vật, một tượng trưng cho lửa, một tượng trưng cho nước. Nơi nào có hoả sẽ nóng, nơi nào có nước sẽ lạnh. 

Đợi đến khi hai hũ bảo vật hấp thu đủ tinh hoa và long mạch bồi thì tự khắc nó sẽ trở thành trận pháp tối cao bảo vệ chủ nhân trên mảnh đất này, người này sẽ được bồi thêm dương khí, sống thọ hơn và phước lộc dồi dào. Ngoài ra khi trận pháp tâm mạch bồi dương này được khởi động thì ma quỷ thông thường không thể tới đây quấy nhiễu, người có tà tâm trong nhà sẽ sớm bị tâm mạch bồi dương kia hút mất dương khí, sẽ sớm hồn lìa khỏi xác.

- Nói như vậy thì chẳng phải người lập trận pháp này là muốn tốt cho gia đình chúng tôi hay sao?

- Phải mà cũng không phải, tuy tâm mạch bồi dương có ưu thế trong việc kéo dài dương khí và phước lộc nhưng là với người có tâm có đức, còn ngược lại với kẻ ác tâm thì sẽ sớm ngày bị nó thu dương khí lại. Nó giống như con dao hai lưỡi vậy. Ngoài ra theo sách các vị sư tổ trên Thất Sơn truyền lại thì kẻ lập trận pháp này sẽ chia hai phe chính và tà; nếu là tà thì nó còn tác dụng khác nữa là cổng hưởng được các trận pháp tà đạo khác lập trên mảnh đất này.

Bà cả Tâm sửng sốt: vậy nghĩa là nếu như kẻ lập trận tâm mạch bồi dương ở đây là phe tà thì chẳng phải khi cậu Chính tới đây lập trận sẽ được trận pháp này bổ trợ thêm hay sao?

- Đúng vậy! Nên các thầy pháp khác, kể cả tôi đến đây đều bị nó che mắt. Trận pháp này là trong pháp có pháp, pháp ẩn trong tâm mạch bồi dương này là nguyên nhân khiến cho việc căn phòng thờ bị ếm mà tôi không thể nhận ra được. Xem ra kẻ ếm bùa này tâm địa rất tàn độc, không muốn cho gia đình bà được sống tốt.

Cậu Đại bấy giờ bắt đầu nổi nóng. Trước đây một cậu Chính đã khiến gia đình cậu xào xáo bát nháo, sau thêm A Tủ khiến toàn thể nhà cậu suýt chút nữa thì rơi đầu; giờ lại thêm kẻ luyện tâm mạch bồi dương này nữa, quả thật trong vài năm ngắn ngủi gia đình cậu đã trải qua bao nhiêu sóng gió, không thể tiếp tục sống trong lo âu, sợ hãi mãi được. Cậu đề nghị: vậy thầy mau giúp gia đình tôi hoá giải trận pháp này đi chứ?

Thầy Tây Tạng từ tốn đáp: giải thì nhất định sẽ giải, thật may là tôi từng đọc qua trận pháp này nên sẽ có hướng hoá giải nó.

Bà cả Tâm nghe thầy Tây Tạng nói sẽ giải được trận pháp mà trong lòng như trút được gánh nặng. Tuy nhiên thầy lại nói:

- Nó là tâm mạch bồi dương, trước mắt tôi thấy bà cả Tâm, cô Đài và hai cậu đang được trận pháp bảo vệ.

Cậu Đại ngạc nhiên: ý thầy nói là trận pháp này đang bảo vệ chúng tôi sao?

- Phải, trận pháp này đang bảo vệ các người đó. Ngoài ra nó cũng có tác dụng nối dương khí cho mọi người nên mới thoát được bao nhiêu tai kiếp trước kia. Thực ra ngay từ lần đầu nhìn thấy bà cả Tâm tôi đã cảm thấy lạ, nhưng lại không có lời giải thích cho việc này; giờ tìm được trận pháp này coi như những khúc mắc trong lòng tôi được giải đáp rồi. Sở dĩ cô Đài được gả đi tôi phải tặng cho cô ấy vòng tay chỉ đỏ là vì khi rời khỏi mảnh đất này thì cô ấy có thể gặp nguy hiểm hơn.

Bà cả Tâm nhìn thầy Tây Tạng rồi bất giác hỏi:

- Nói như vậy thì con bé Đài nhà tôi đi lấy chồng sẽ gặp nguy hiểm hơn sao? Vậy sao thầy không ngăn tôi trước đó.

Thầy Tây Tạng giải thích lý do thầy không ngăn cản Đài bởi Tư cũng chính là định mệnh của Đài. Ở bên cậu ấy thì Đài sẽ được bảo vệ tốt. Ngay như lần trước khi Đài ngã sông cũng chính là Tư ra tay cứu giúp nên vận mệnh hai người đó đã được buộc lại với nhau. 

Cô ấy về bên nhà Tư, sẽ được gia tiên bên ấy bảo vệ. Thuyền theo lái, gái theo chồng, kể từ ngày hôm nay thì cô Đài sẽ sống mang họ nhà chồng, chết làm ma nhà chồng. Thầy cũng bấm ra được gia đình Tư trong tương lai sẽ còn phát triển, phúc lộc dồi dào.

Bà cả Tâm nghe thầy giải thích như vậy cũng an tâm thêm mấy phần. Lúc đầu trong lòng bà cứ ngỡ rằng thầy pháp cao tay như thầy Tây Tạng sẽ biết mọi trận pháp, yêu ma quỷ quái gì cũng không sợ. Hiện tại bà mới hiểu câu núi cao còn núi cao hơn, thầy Tây tạng giỏi nhưng thiên hạ còn có nhiều người giỏi. Kể cả cậu Chính kia cũng vậy, hắn cũng là kẻ có tài, đáng tiếc hắn lại đi theo con đường tà đạo.

Bà hỏi: vậy giờ cần hoá giải trận pháp này không ạ? Thầy nói nó đang bồi dương khí cho chúng tôi đúng không? Giữ lại nó thì có tốt hơn không?

Cậu Đại đáp: nếu như nó có tác dụng bồi dương thì chẳng phải nó đang bảo vệ cho chúng ta, cần gì phải phá trận chứ?

Thầy Tây Tạng đáp: trận pháp này ắt hẳn do người trong gia đình bà Tâm đây đã lập. Tuy nhiên lý do tại sao lại lập trận này thì quả thật là câu hỏi lớn. Các người thử nghĩ xem, trận pháp đang bảo vệ gia chủ nhưng rõ ràng kẻ lập trận mang theo tà tâm nên mới cộng hưởng với trận pháp của cậu Chính hại ông Tô cùng bà hai mất mạng. Nếu như trận pháp lập từ phe chính thì chuyện cộng hưởng chắc chắn không xảy ra. Tôi đặt nghi ngờ người lập trận này chính là bà địa chủ Tôn, cũng chính là mẹ chồng của bà Tâm đây.

Bà Tâm nghe thầy khẳng định về mẹ chồng thì giật mình bởi bà biết mẹ chồng mình là người nhân đức và cực kì hiền lành. Có đánh chết bà cũng không tin mẹ chồng là người mang theo tà tâm lập trận pháp này.

Bà còn nhớ, ngày ấy bà mới mười tuổi, trong một lần cũng thầy mẹ ra chợ huyện chơi thì bà bị lạc. Mẹ chồng bà khi ấy dắt theo chồng bà đi chợ huyện. Chồng bà ham chơi nên chạy theo đám trẻ con quậy phá mấy sạp hàng, bà bắt được không nề hà mà phạt con trai ngay giữa chợ. 

Bà còn lớn tiếng mắng con trai rằng: là con người thì phải biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm, nếu con còn không ngoan ngoãn, quậy phá linh tinh thì mẹ sẽ nhốt con lại, không cho phép con bước ra khỏi phòng cho tới khi nào con ngoan thì thôi. Đứa trẻ có ngoan thì lớn lên mới thành người tốt, mới được mọi người yêu quý!

Nói rồi bà dẫn cậu Tô đi đến từng sạp hàng khoanh tay cúi đầu xin lỗi. Bà còn lấy tiền ra bồi thường cho tất cả mọi người bị cậu Tô quậy phá ban nãy.

Bà Tâm nhìn người phụ nữ ấy, trong lòng lại dâng lên cảm xúc ngọt ngào, khó tả. Bà cứ như vậy lẽo đẽo đi theo cho tới khi bị lạc đường. Bà được bà Tô dắt về trả lại cho bố mẹ. Lúc ấy bà Tô còn cho Tâm một chiếc kẹp tóc rất xinh đẹp. Sau đó vài ngày thì bà đánh tiếng sang bên gia đình Tâm xin hỏi cưới Tâm cho cậu Tô nhà bà.

Sau này khi lớn lên, cậu Tô và Tâm cũng nên duyên vợ chồng; bà địa chủ Tôn khi ấy rất mực cưng chiều nàng dâu. Thời còn ở nhà, thầy bu Phạm thường dạy rằng đi làm dâu không được phép cãi mẹ chồng dù bà sai hay đúng; luôn làm tròn bổn phận dâu con, biết kính trên nhường dưới, lấy mẹ chồng và chồng làm chuẩn mực. Tâm lại số may mắn, được mẹ chồng thương yêu còn hơn cả con ruột. Nhiều lúc Tâm còn tự hỏi không biết mình đã tu bao nhiêu kiếp mới có thể về làm con dâu của bà.

Ngày dâu mới chân ướt chân ráo về nhà chồng, bà Tôn cho gọi tất thảy gia đinh trong nhà tới yêu cầu phục tùng mệnh lệnh của mợ cả; nếu nhà có chuyện gì cần quyết mà bà không có nhà thì mợ cả chính là chủ, mọi mệnh lệnh của mợ chính là ý kiến sau cùng, ai không nghe lời phạt đánh bán đi làm nô lệ. Ngoài ra bà địa chủ Tôn còn cho phép mợ Tâm cầm quyền quản lý tài sản trong nhà. Sau này khi Lan xảy ra chuyện, mợ Tâm mở miệng ra xin thì lập tức được bà địa chủ Tôn đồng ý đón về nhà. 

Bà địa chủ cũng đối đãi với Lan hệt như con cháu trong nhà. Sau đó, do mợ Tâm mất khả năng sinh con, cậu Tô lại ăn vụng rước mợ hai Thu về, rõ ràng mợ cả Tâm không có con trai nhưng bà địa chủ Tôn chưa khi nào có ý định sẽ cho mợ hai Thu nắm quyền quản lý tài sản. Thậm chí khi cậu Tô yêu chiều mợ hai, bà địa chủ Tô nhiều lần can thiệp đòi công bằng cho con dâu cả. 

Thậm chí trước khi chết, bà đã lập di chúc để lại quyền quản lý gia sản cho con dâu cả chứ tuyệt nhiên không chia một phần cho mợ hai Thu mặc dù khi ấy hai Thu đã sinh được hai cậu con trai nối dõi tông đường cho nhà bà địa chủ.

Nghĩ tới đó bà cả Tâm lập tức đáp lại những nghi vấn của thầy Tây Tạng: nếu ai trong nhà có thể mang tà tâm chứ mẹ chồng tôi tuyệt nhiên không phải người như thế.

Đám thằng Thẹo thằng Lạc cũng lập tức đồng tình với ý kiến của bà cả Tâm. Bọn họ là phận người ở, phận tôi tớ trong nhà, cũng bán thân cho gia đình địa chủ từ nhỏ, bà địa chủ Tôn cương trực, tốt bụng ra sao không phải chỉ ngày một ngày hai mà dám khẳng định. Bọn họ đã trải qua bao nhiêu năm hầu hạ chủ, nếu ai dám chê bai bà địa chủ Tôn nhà họ không tốt họ quyết sống chết tới kẻ đó đến cùng.

Thầy Tây Tạng đáp: con người đều có tà tâm, tới thánh thần cũng đều mang theo tà thâm. Tuy nhiên trước khi được phong thần thì tà tâm bị tiêu diệt hoặc phong ấn lại để toàn thân thanh tịnh mới phong thần. Một người thường tà tâm chắc chắn không thể không có. Tuy nhiên họ có muốn thể hiện cho chúng ta biết hay không lại là lẽ khác. Nếu mọi người con nghi ngờ thì tôi giúp mọi người tìm hiểu trận pháp này. Bản thân tôi cũng cực kì tò mò về nó. Tuy nhiên tôi sẽ chỉ xem trận pháp chứ chưa giải trận vì tạm thời nó không gây hại cho mọi người.

Nói xong thầy Tây Tạng yêu cầu bà cả Tâm tìm một đội thợ đào ao tới, sáng hôm sau sẽ múc sạch nước ao lên để tìm bảo vật bên dưới. Hiện tại trời đã tối nên mọi người chỉ có thể vào căn mật thất tìm bảo vật mang tính hàn kia trước.

Đuốc và đèn được thắp dưới căn hầm. Bà cả Tâm chỉ cho thầy Tây Tạng nơi mà bà đứng vào thấy toàn thân lạnh run. Thầy Tây Tạng bước tới đó, dậm chân xuống đất ba cái rồi lấy ra một lá bùa, hơ qua hơ lại trên ngọn đèn dầu rồi đốt ngay tại vị trí ấy.

Mặt đất lúc bấy giờ đen sẫm lại. Thầy liền lấy con dao nhỏ đâm xuống dưới, chẳng ngờ bên dưới ấy còn có một căn hầm. Bà cả Tâm sửng sốt khi thấy cánh cửa hầm nhỏ như miệng cái giếng nước. Thầy Tây Tạng dùng đèn soi xuống dưới miệng giếng, bên dưới không hề có nước nhưng giếng cũng không quá sâu, có thể chui xuống được.

Thầy liền dùng thang leo xuống dưới, cái giếng sâu chừng 2m thì lại có một cái cửa ngách đi ngang vào trong. Thầy Tây Tạng đã đi theo ngách ấy tới tận cùng thì thấy một chiếc hộp. Tuy nhiên trên hộp có phong ấn nên thầy không gỡ nó ra. 

Trong đó nhất định là bảo vật tượng trưng cho nước. Thầy nhìn quanh liền thấy một phiến đá sạch sẽ được khắc chữ rất cẩn thận. Trên ấy vỏn vẹn một dòng: có duyên với Nhị Nương xin đừng gỡ phong ấn, tặng người phiến đá này cùng bảo vật. Thầy lập tức gỡ phiến đá ấy ra thì bất ngờ thấy bên trong còn có cuốn trúc thư được gói cẩn thận cất giấu bên trong cùng một đoản dao đã rỉ sét.

Xem Tiếp Chap 81 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn