Truyện Ma "Quỷ Nhảy Xác" Chap 88 và 89

 Quỷ nhảy xác 88+89

Chap 88: lập đàn thôi mưa
Tác giả: Hà Dương(Phú Dương)

Xem lại chap 86 và 87 : Tại Đây

Sấm chớp nổi lên đùng đùng, mây đen nhanh chóng kéo đến khiến bầu trời chìm vào trong bóng tối. Mấy tia sáng hiếm hoi ban nãy giờ đã biến mất theo từng cơn gió kéo mây về. Thi thoảng bầu trời lại xoẹt lên tia sáng do thiên lôi giánh xuống khiến ngôi nhà bừng lên sáng trắng rồi nhanh chóng tắt lịm. Quan tri phủ sau một hồi tỉnh táo trở lại, ông nhìn trời đất mà chỉ biết than thở: sao ông trời lại phụ lòng chúng ta như vậy chứ? Có năm nào trời kéo cơn mưa lớn thế này trong tháng tám đâu?

Thằng Thẹo chu cái miệng lên cãi: năm nào trung thu chẳng mưa hả quan lớn? Nhưng mà mưa trước thế này thì đến đúng rằm lại tạnh ráo, trăng mới sáng

Quan tri phủ tức tối tháo chiếc giày ném về phía thằng Thẹo: đợi đến lúc trăng rằm thì đầu mày chẳng còn trên cổ nữa đâu con ạ!

Thằng Thẹo đáp: con chỉ đang nói về ông trời, giờ có cách nào để ông ấy nắng lên không ạ?

Quan tri phủ nhìn về phía thầy Tây Tạng hỏi: liệu có lập đàn cầu trời nắng được không thầy? Nếu cứ mưa thế này đến tận đêm rằm thì chẳng phải mọi cố gắng của chúng ta thành công cốc cả rồi sao?

- Chuyện này vượt quá sức của thảo dân. Nắng mưa vốn là chuyện của trời, không thể muốn can thiệp là có thể can thiệp được.

- Nhưng nếu trời cứ mưa thế này thì phải làm sao? Tất cả sẽ bị con đồng quỷ tới lấy mạng đi ư?


Thầy Tây Tạng suy nghĩ một lúc rồi đáp: thực ra có thể lập đàn cho trời ngớt mưa được, nhưng mà trời có nắng được hay không thì thảo dân không dám chắc

- Vậy ngươi còn không mau lập đàn đi, sắp tới trung thu rồi, mưa thối đất thối cát thế này làm sao mà cứu được mọi người? Bu ta nói bắt buộc phải có nắng mới phá giải được trận pháp đưa linh hồn thầy ta trở lại. Không có thầy thì chúng ta không biết được chuyện năm xưa, không tìm được Thị Khiên, không bắt được cậu Chính.

Thầy Tây Tạng gật đầu: được, vậy thảo dân sẽ làm ngay. Tuy nhiên mong quan lớn dựng cho thảo dân xin một hương án, bằng mọi giá phải che chắn làm sao cho gió và mưa không tạt được hương án. Nếu lên hương mà tắt thì thảo dân không còn cách nào cầu trời ngưng mưa.

Quan tri phủ qua đi quay lại nhìn cũng chỉ vỏn vẹn có bốn người, quân lính, nha hoàn đều bỏ của chạy lấy người, làm gì còn ai để sai bảo nữa. Ông bất lực ôm đầu đi đi lại lại trong nhà rồi quyết định tự mình sẽ bắt tay vào cùng mọi người lập hương án.

May mắn lúc bấy giờ cậu Nhật Nam cùng mấy tên lính và hai nha hoàn trở về nhà. Quan tri phủ nhìn thấy con trai lập tức hớn hở như bắt được vàng. Ông lập tức sai người chuẩn bị hương án cho thầy Tây Tạng lập đàn ở giữa sân lớn.

Dù trời mưa lớn nhưng cũng may lúc đó lặng gió, hương án cũng nhanh chóng được lập. Thầy Tây Tạng đứng giữa hương án, dùng một tấm phi lớn, dùng máu viết lên khế ước rồi lấy hương vẽ lên trên những kí tự lạ kì. Thằng Việt nheo nheo mắt nhìn, nó có thể đọc được dòng chữ mà thầy Tây Tạng vừa mới hoạ lên trên tấm phi. Sắc mặt nó tái đi, nó chạy tới nắm lấy tay thầy ngăn lại: thầy...làm như vậy chẳng phải sẽ nguy hiểm tới tính mạng thầy hay sao? Lỡ như...

Thầy Tây Tạng nhìn thằng Việt, đôi mắt thầy hơi nheo lại, khuôn mặt thằng Việt đang vô cùng lo lắng nhưng thấy thầy cười nó lại giãn dần nét mặt ra. Thầy bảo: cậu đọc được những gì ta vừa viết ư?

Thằng Việt gật đầu khẳng định lời thầy vừa nói. Thầy Tây Tạng gật gù đáp: khá lắm, vậy mà một kẻ không pháp đạo lại dễ dàng bắt kịp được thủ pháp của ta. Nếu như trận này thắng lợi, cậu vượt qua được thử thách đêm trăng máu, ta sẽ đích thân đưa cậu tới Thất Sơn bái lạy thiên địa nhận cậu làm đệ tử chân truyền.

Thằng Việt thoáng sửng sốt, tuy nhiên nó nắm lấy tay thầy hỏi: thầy chắc chắn sẽ không sao đúng không?

Thầy Tây Tạng mỉm cười nhìn nó, nụ cười móm mém trên khuôn mặt già nua đầy những vết nhăn. Ánh mắt thầy chợt sáng như sao tháng năm, miệng hiền từ đáp: nếu không chắc thì không làm, mà làm thì chắc thắng.

Đoạn thầy dặn nó: sau khi ta làm lễ xong, cậu nhanh chóng đốt tấm phi này đi. Nhớ là bằng mọi giá đừng để cho lửa tắt là được.

Nói rồi thầy bắt đầu dùng bùa đã vẽ từ trước, nhảy từ góc này sang góc kia dán kín xung quanh những nơi thầy bước tới. Sau đó dùng lệnh hoá bùa dưới lửa. Từng lá bùa nhanh chóng cháy bùng lên. Trời đang lặng gió bỗng dưng nghe rít lên ào ào. Quan tri phủ thấy cơn cuồng phong từ ngoài ập vào sân không nghĩ ngợi nhiều chạy ra ôm lấy cây cột bởi sợ gió lớn làm sập hương án. Mấy tên lính cũng chạy tới gồng mình giữ cột. Thầy Tây Tạng vẫn làm phép ở giữa. Sau khi thanh kiếm trên tay thầy cắm thẳng xuống đất, thầy lệnh cho Việt đốt tấm Phi. Bấy giờ nước đã làm ướt vải, lửa khó lòng cháy lên. Thằng Việt gọi thằng Thẹo: mau đổ dầu vào tấm vải đi.

Thằng Thẹo nhanh tay cầm dầu đổ vào rồi châm lửa. Tấm phi cứ như vậy cháy bùng lên. Ngọn lửa như reo hò, gió trời bỗng dưng lặng im đến bất ngờ. Tuy vậy trời vẫn mưa, mưa càng lúc càng lớn.

Tấm phi đã bị cháy gần hết, lửa gần tàn, quan tri phủ thất vọng nhìn trời rồi quỳ xuống: ông trời ơi, làm ơn...làm ơn cho trời tạnh mưa đi ông trời ơi!

Thầy Tây Tạng ngậm một ngụm rượu phun mạnh lên trên tấm phi lần cuối. Lửa bùng lên, gió trời lại nổi. Từng cơn gió lớn nhỏ thi nhau ập tới. Thầy Tây Tạng mừng rỡ: được rồi...ông trời nghe lời thỉnh cầu của chúng ra rồi. Trời nổi gió lên. Gió càng lớn trời càng quang.

Quả nhiên gió lớn khiến mây bay, bầu trời nhanh chóng quang đãng. Phía xa đã ló ra cầu vồng.

Quan tri phủ bấy giờ vừa cười vừa khóc, ông cứ quỳ giữa sân dập đầu liên tục. Máu rướm ra theo nước mưa chảy loang khắp sân. Nhật Nam thấy vậy hai mắt sáng lên, muốn chạy tới gần chỗ quan tri phủ nhưng nhanh chóng bị thằng Việt dùng cây gỗ đập cho một nhát nằm bất tỉnh nhân sự.

Quan tri phủ quay lại hốt hoảng quát lớn: khốn kiếp...sao ngươi dám đánh con trai ta? Quân bay đâu...bắt tên khốn này lại cho bản quan

Thầy Tây Tạng vội ngăn lại: mong quan lớn bình tĩnh, cậu Nhật Nam đã trúng hành thi. Cậu ấy thấy máu nên muốn chạy tới chỗ ngài đấy. Thảo dân vừa thấy mắt cậu ấy chuyển màu.

Quan tri phủ nhìn về phía con trai đang nằm dưới đất, khuôn mặt tái cả đi: làm sao lại như thế? Làm sao mà nó biến thành hành thi chứ? Rõ ràng là nó đã đi lên chùa cầu siêu cho vợ nó từ trước khi bản quan phát hành thi. Tại làm sao nó lại bị lây hành thi? Không có lẽ còn người khác nhiễm hành thi nữa sao?

Nói rồi quan tri phủ quay sang nắm lấy vạt áo của thầy Tây Tạng van xin: thầy....thầy mau giúp tôi...nhà tôi có mỗi mụn con trai...nó trúng hành thi thì tôi phải làm sao?

- Ngài yên tâm...cậu ấy mới trúng hành thi không lâu, có thể khống chế được. Tuy nhiên thảo dân nghi ngờ hành thi này rất đặc biệt, không giống xác sống mà thảo dân từng gặp qua. Chẳng biết trong đây còn huyền cơ gì nữa. Tạm thời đưa cậu ấy vào phòng, uống nước gạo nếp, cháo nếp, không ra nắng, không tắm trăng thì cậu ấy sẽ bình an. Qua con trăng này, thảo dân sẽ từ từ trừ hành thi trên người cậu ấy.

Quan tri phủ nghe thấy vậy thì vô cùng mừng rỡ: vâng, vậy tốt quá! Miễn sao thằng bé có thể sống được, không biến thành xác sống là tốt rồi.

Trời quang, mây tạng, tuy nhiên chẳng có nắng. Giờ chính ngọ nhanh chóng qua đi, sẽ phải chờ sang ngày tiếp theo mới có thể giải phong ấn cho lão gia Văn Khoa. Tất cả chỉ có thể chờ đợi sang ngày hôm sau.

Tối đó, mọi người đều tập trung tại nhà quan tri phủ. Phu Nhân Giai Yến cũng đã khống chế được hành thi. Tuy vậy bà vẫn còn rất sợ hãi. Thầy Tây Tạng đã cho mỗi người một lá bùa chống hành thi để mọi người an tâm hơn khi sống trong nhà quan tri phủ. Quan lính trước đó được cử đi điều tra thông tin về thầy bu bà Tâm và vợ chồng Đài vẫn chưa có tin tức gì cũng đã trở về phủ báo cáo sự tình. Tất thảy bất lực nhìn nhau, tiếp tục đợi sang ngày mới mong tìm được thông tin mới khi giải phong ấn.

Quả nhiên tới hôm sau, trời cao xanh và có nắng từ sớm. Ai nấy nhìn trời đều không khỏi cảm thán. Chỉ còn hai ngày nữa là đến hẹn trăng rằm thang tám, nếu như không thể tìm ra cậu Chính và ngăn chặn kế hoạch của hắn thì hậu quả khôn lường.

Đúng giờ Ngọ, tất thảy tập trung dưới căn mật thất. Thầy Tây Tạng dựa vào nắng chiếu từ mái nhà xuống dưới thi triển được pháp lực và mở phong ấn linh hồn lão gia Văn Khoa trong chiếc nhẫn phỉ thuý. Linh hồn lão gia bị phong ấn, lúc thoát ra ngoài chẳng thể nào nói chuyện. Thầy Tây Tạng phải đưa linh hồn vào pháp bảo tụ hồn rồi làm lễ khai khẩu. Lúc bấy giờ giọng nói yếu ớt từ trong pháp bảo vọng ra khe khẽ: cám ơn thầy đã mở phong ấn cho tôi.

Quan tri phủ nghe thấy đúng là giọng nói của thầy liền bật khóc tu tu như đứa trẻ. Lão gia Văn Khoa mắng: cậu đã lớn bằng nhường ấy, sao còn khóc lóc như thế? Cậu không sợ người ta cười cho thối mũi hử?

- Thầy... gặp thầy con mừng quá! Con cứ ngỡ cả đời này chẳng thể nào gặp lại được thầy nữa.

Quan tri phủ còn muốn nói chuyện nhưng bỗng dưng đầu óc quay cuồng, mũi khịt khịt ngửi thấy mùi máu tanh liền nhanh chóng rùng mình một cái. Thầy Tây Tạng vội điểm lên trán quan tri phủ một lá bùa rồi cho quân lính kiểm tra xem ai có vết thương chảy máu lập tức tránh ra ngoài, cách xa quan tri phủ.

Một tên lính thấy vậy liền bước ra ngoài, ôm tay chạy thẳng sân không dám ngoái đầu lại. Thằng Việt thấy vậy vội vã chạy theo sau. Nó muốn biết lý do tại sao tên lính đang yên lành lại chảy máu. Trong lòng nó cứ bất an đến lạ.

Thầy Tây Tạng bấy giờ lên tiếng: hôm nay tôi cùng gia đình lão gia mở phong ấn thỉnh người lên nói chuyện. Chắc hẳn người biết rõ nguyên nhân chúng tôi mời người đúng không?

Lão gia Văn Khoa thở dài: là mọi người muốn biết chuyện của Thị Khiên đúng không? Đồng quỷ trăng máu tới rằm tháng tám sẽ xuất hiện. Lúc mấy người đào mộ ta đã nghe rõ.

- Vâng, kính mong lão gia kể rõ ngọn ngành sự việc cho chúng tôi được biết để đối phó với cậu Chính. Hắn ta càng lúc càng hăng máu, nếu không ngăn cản chỉ e số người chết càng lúc càng nhiều.

- Haizz! Chuyện này cũng bắt nguồn từ nhà địa chủ Tôn. Ở đây có cả người nhà địa chủ Tôn chứ?

Bà Tâm lên tiếng: dạ thưa Văn Khoa lão gia, là tôi, tôi chính là con dâu của địa chủ Tôn.

Lão gia Văn Khoa thấy bà Tâm lên tiếng, cũng thốt lên: Thị Khiên!

Thầy Tây Tạng đáp: đây là bà Tâm, là con dâu của địa chủ Tôn, có vẻ ngoại hình giống với Thị Khiên. Trong chuyện này chắc chắn có ẩn tình, vẫn mong lão gia Văn Khoa cho chúng tôi biết chuyện đã từng xảy ra khi xưa.

Lão gia Văn Khoa liền chầm chậm kể lại câu chuyện xảy ra mấy chục năm trước.

Khi ấy, ông mới được phân bổ về nhậm chức tri huyện Gia Viễn. Cũng đúng ngày đó, có một người con gái mặc áo cưới chạy tới ngăn kiệu kêu oan. Sau khi nghe nàng giãy bày mới biết làng tên Thị Khiên, con gái lớn nhà họ Hoàng bên Phượng Lôi. Hôm nay là ngày nàng được gả về nhà địa chủ Tôn làm mợ cả nhưng theo cáo trạng nàng đã bị nhà cậu Cảnh lừa hôn. Người được mái mối và gặp mặt là cậu hai Tôn, nhưng khi cưới về phải làm vợ cậu Cảnh tàn tật, chậm chạp, xấu xí. Chính quan tri huyện đã thăng đường xử án, phạt hai anh em cậu Tôn 80 trượng, tuyên bố bãi bỏ hôn ước hai nhà, nhà gái không phải trả lại tiền sính lễ.

Vụ án đầu tiên, cũng rơi vào ngày đầu Văn Khoa làm quan tri huyện Gia Viễn được bà con tán thưởng và hoan nghênh. Tuy nhiên cũng từ ngày gặp gỡ ấy, thanh niên Văn Khoa lại mê đắm sắc đẹp của nàng Thị Khiên. Chính bởi không kiềm chế được bản thân trước nhan sắc của cô con gái lớn nhà họ Hoàng mà bản thân ông đã đi hết từ sai lầm này tới sai làm khác, đẩy người con gái ấy vào vực thẳm không lối thoát!

Quỷ nhảy xác
Chap 89: Bí mật người con gái Thị Khiên
Tác giả: Hà Dương(Phú Dương)


Sau khi xử án lừa hôn, cậu Cảnh nhà địa chủ Tôn không may qua đời. Người ta đồn đoán nhau rằng do cậu Cảnh vốn ốm yếu, lại bị phạt đánh 80 trượng nên không chịu nổi mới lâm bệnh nặng, thịt thà thối rữa rồi chết đi. Cậu Tôn thương anh trai cho tổ chức tang lễ suốt bảy ngày bảy đêm. Đám tang cậu Bách lúc bấy giờ lớn nhất làng Thượng. Thậm chí cậu Tôn còn cho trẻ con cầm cờ đen đi khắp làng, đoàn kèn thổi liên tục bảy ngày đưa tiễn linh hồn anh trai.

Quan tri huyện Gia Viễn say mê nàng Thị Khiên, cùng lúc ấy còn rất nhiều người khác đều si mê nàng. Tuy nhiên sau khi bị lừa hôn một lần, Thị Khiên đã mất niềm tin và không mở lòng với ai. Nhiều gia đình mang trầu cau tới xin hỏi cưới nhưng gia đình họ Hoàng đều khéo léo từ chối.

Thậm chí Thị Khiên còn dùng tính mạng của mình uy hiếp những người tới cầu thân rằng, ai dám tới thì rước hồn ma cô ấy về làm dâu. Mọi người cũng bởi vậy mà dần dần không dám tới.

Một tháng sau, thầy bu Khiên bị tố cáo là tay sai nhà Tây Sơn. Thời bấy giờ liên quan phản tặc chính là trọng tội, chỉ cần có chứng cứ lập tức đem đi xử quyết. Thân làm quan phụ mẫu, mới nhậm chức chưa lâu, lại phát hiện địa bàn của mình quản lý có tay sai của phản tặc nên quan tri huyện là Văn Khoa bấy giờ nhiệt tình phá án.

Tất cả chứng cớ đều nhằm thẳng vào nhà họ Hoàng, thậm chí quân lính lục soát trong nhà còn phát hiện ra nhiều thư từ trao đổi với nhà Tây Sơn. Văn Khoa nôn nóng phá án, trong lòng lại ấp ủ nỗi niềm riêng nên lệnh cho quân lính ngay lập tức đưa gia đình họ Hoàng ra xử trảm. 

Riêng hai cô con gái bắt bán làm nô lệ, đày ra quan xa; trên đường đi sẽ cứu ra đưa về phủ của mình. Đáng tiếc, Văn Khoa chưa kịp đón chị em Khiên đi thì nhận tin dữ cả hai chị em bỏ trốn đã bị quan binh truy sát rơi xuống vực mà chết. Quan tri huyện vì chuyện đó mà mất ăn mất ngủ nhiều đêm.

Gia đình họ Hoàng chạy trốn, cuối cùng bị phát hiện và bị chém chết, xác chồng xác tất thảy mười mấy mạng người, sau còn bị phóng hoả thiêu rụi. Sau lần đó, quan tri huyện nhận được thêm bổng lộc từ triều đình do phá được bè lũ tay chân của quân Tây Sơn. Con đường thăng quan tiến chức đã rộng mở hơn trước.

Bấy giờ nhà địa chủ Tôn giàu có lại liên tục tới cửa quan làm quen, lấy mối quan hệ. Nhà địa chủ bấy giờ có cô hầu gái thân cận tên A Nương xinh đẹp, nàng ấy có vẻ đẹp tựa như Thị Khiên vậy. Quan tri huyện nhìn A Nương lại nhớ tới Thị Khiên, vô tình bị vẻ đẹp ấy mê hoặc tự khi nào chẳng hay.

Thời ấy, việc nô lệ trèo lên giường chủ là tối kị, sẽ bị xử tội chết. A Nương lại được địa chủ Tôn sắp xếp tặng cho quan tri huyện mua vui. Quan tri huyện bấy giờ như trúng bùa mê thuốc lú nên đã lao vào A Nương như con thú hoang bị bỏ đói lâu ngày.

Bấy giờ, trong một tiệc rượu, hắn đã ra sức cưỡng bức A Nương khiến cô bị giày vò tới mức ngất lịm đi. Tuy nhiên khi tỉnh rượu, hắn lại chỉ thấy một mình nằm trên chiếc giường trống không, đầu óc hắn trống rỗng, chẳng thể nhớ nổi những chuyện gì đã xảy ra trước đó. Hắn lập tức trở về nhà, ba ngày sau mới thoát ra khỏi cơn u mê đó.

Mấy tháng sau, hắn lại nghe tin người hầu gái của địa chủ Tôn bị chửa hoang. Một con ở lại dám mang thai, đó là điều tối kị. Ngoài ra, địa chủ Tôn còn tiết lộ thêm A Nương chính là Thị Khiên, con gái họ Hoàng đang trốn truy nã, đổi tên họ thành con ở trong nhà địa chủ hòng đòi leo lên giường chủ nhân. Vậy nên địa chủ Tôn đã đem A Nương nộp cho nhà lý trưởng để xử tội.

Theo hương ước làng Thượng, A Nương bị cạo đầu, bôi vôi, thả bè chuối trôi sông.

Ngày ấy, phép vua thua lệ làng, bởi vậy một khi đã bị quy vào tội chết trong hương ước thì không ai có thể dài tay tới cứu. Quan tri huyện muốn cứu A Nương nhưng lực bất tòng tâm.

Đợi cho họ hành hạ nàng, làm nhục nàng ở cổng làng, tới lúc thả bè trôi sông, quan tri huyện cho người bí mật lặn xuống dưới sông, cứu lấy A Nương đem lên bờ.

Quan tri huyện nào dám ra mặt, chỉ ngày ngày nghe tin báo về của người bạn được nhờ đi chăm sóc cho A Nương. Sau đó, nàng hạ sinh được một đứa bé trai, tuy nhiên do bị hành hạ nhiều ngày, ăn uống thiếu thốn mà đứa trẻ sinh ra khuôn mặt nhăn nhúm như khỉ, tay chân toàn lông lá, đầu hắn còn có cái xoáy tròn giống như ngọn lửa cháy. Dưới bàn chân trái có một cái bớt đỏ.

Lúc bấy giờ quan tri huyện lại theo cha mẹ sắp đặt, cưới vợ là Thị Khoa, người con gái đẹp người đẹp nết, giỏi giang nhất vùng. Thị Khoa nhanh chóng phát hiện ra bí mật của chồng khi nhiều ngày giấu giếm với bạn nuôi hai mẹ con A Nương. Tuy nhiên vốn có trái tim bồ tát, Thị Khoa lại mở rộng tấm lòng, chấp nhận đứa trẻ ấy. 

Bà còn dựng lên vở kịch ma quỷ trên sông để doạ nạt người dân làng Thượng. Bấy giờ họ đều nghĩ rằng hồn ma Thị Khiên đã chết tìm về báo thù. Mục đích chính là bà muốn thay đổi hương ước làng, bà không muốn sẽ có những cô gái không may bị rơi vào tình cảnh giống như A Nương lại phải chịu hình phạt thảm khốc tới như vậy.

Tiếp đó, quan tri huyện còn cho xoá sạch mọi dấu vết về Thị Khiên, cấm không ai được phép nhắc đến con người này bởi cô ấy chính là ma nữ về báo thù . Dân làng cũng sợ hồn ma cô gái về báo oán nên cái tên Thị Khiên lập tức trở thành cấm kị trong làng. Đó cũng là lý do không ai biết đến Thị Khiên, kể cả chuyện Thị Khiên từng bị lừa hôn về làng cũng bị ỉm đi không một ai hay biết. Thêm vào, cậu Cảnh trong miệng Thị Khiên là cái tên địa chủ Tôn dùng đi hỏi vợ, người trong làng Thượng vốn chỉ biết cậu Bách và cậu Tôn.

Trong một lần, con trai Thị Khiên bị bệnh rất nặng, phải tìm thầy lang tới nhưng bởi quan huyện sợ chuyện lộ ra ngoài nên bí mật đưa họ rời làng tới nơi khác tìm thầy lang. Trên đường đi họ gặp thầy phù thuỷ. Thầy ấy nói đứa bé ấy là quỷ tái sinh, nó sẽ huỷ diệt tất cả mọi người, dùng máu nhuộm trăng. Thầy phù thuỷ khuyên mọi người không nên cứu đứa bé, mà đưa đứa bé bỏ vào rừng cho nó tự sinh tự diệt. Thị Khiên làm sao chịu được nỗi đau ấy nên lập tức ôm con bỏ trốn. Tuy nhiên sức bà ta có hạn, nhanh chóng bị thầy phù thuỷ bắt lại.

Quan tri huyện cùng vợ mình không lỡ xuống tay với đứa bé, ông cho rằng mình là cha đẻ của nó. Ông liền xin tha cho đứa bé một mạng, tự hứa sẽ nhốt nó dưới căn mật thất dưới nhà mình, cả đời không cho nó được ra ngoài, miễn là nó được sống. Hai mẹ con Thị Khiên được đưa về sống dưới căn hầm đó, không được phép lộ diện.

Thầy phù thuỷ đã phong ấn lại dấu ấn quỷ của đứa bé đó và lập trận dưới căn mật thất nằm ngay chính trong căn nhà. Đó là nơi Thị Khiên sống nốt quãnh đời còn lại. Tuy nhiên quãng thời gian ấy kéo dài chẳng được bao lâu, năm đứa bé lên ba tuổi thì Thị Khoa cũng thuận lợi sinh một bé trai, chính là quan tri phủ bấy giờ. 

Ngày bà sinh, phủ tấp nập người qua lại, quan tri huyện cũng vì niềm vui ấy mà quên mất mẹ con Thị Khiên. Lúc đêm đến, ông xuống mật thất thì phát hiện ra Thị Khiên đã chết, đứa bé đã biến mất khỏi căn mật thất lúc nào chẳng ai hay biết. Khi đó Văn Khoa dường như phát điên. Ông cho người tìm kiếm đứa bé trở về. Nếu không tìm thấy nó thì tai hoạ sẽ ập xuống và tất cả mọi người sẽ không thể ngăn cản ác quỷ uống máu.

Mọi nguồn tìm kiếm đều trở nên vô vọng, không một ai trong nhà thấy đứa bé ấy đi đâu. Ông chôn cất Thị Khiên ở phía sau nhà, mời thầy phù thuỷ về trấn hồn cho nàng. Thầy phù thuỷ nói sẽ dùng phần hồn này kìm hãm quỷ tính của đứa bé ấy. Nếu sau này nó quay lại, chắc chắn sẽ muốn cướp phần hồn của mẹ nó về.

Nghe tới đây quan tri phủ bất chợt lên tiếng: vậy Thị Khiên tại sao lại chết? Mật thất này chỉ có thầy bu biết, tại sao lại có kẻ mở ra cho thằng bé chạy trốn chứ? Nó mới ba tuổi, làm sao biết đường trốn khỏi mật thất được?

- Là Tiến Phận, người bạn thầy tin tưởng bao năm trời, chỉ có hắn mới đưa được thằng bé đi. Mục đích của hắn là tái sinh ác quỷ. Hắn muốn trả thù thầy bởi lẽ thầy chính là nguồn cơn gây ra những đau khổ của Thị Khiên. Hắn từng đem lòng yêu thương cô gái này từ lâu.

Bà Tâm bấy giờ thở dài: người đau khổ nhất chính là bà Khiên ấy. Tại sao Tiến Phận yêu bà Khiên lại ra tay giết chết bà ấy chứ? Cái đó được gọi là yêu ư?

- Hắn sau này chỉ có hận, ta từng gặp lại hắn trước lúc chết. Hắn cười vào mặt ta mà nói rằng sau này mọi thứ ta có hắn sẽ lấy đi hết. Thằng bé sẽ còn quay lại báo thù kẻ giết chết mẹ nó. Tên khốn đó đã giết chết Thị Khiên nhưng bằng cách nào đó đã đổ cho ta là người giết chết mẹ thằng bé.

Thập Nhu bấy giờ nước mắt lưng tròng, bà gào lên: nhưng ông cũng có oan đâu, vì ông không điều tra kĩ càng đã kết án họ Hoàng theo nhà Tây Sơn...vì ông mong nhanh chóng lập công mới đẩy cả nhà họ Hoàng vào hoạ diệt môn...vì ông mà chị Khiên mới sống tủi nhục, chôn vùi dưới cái căn hầm tối tăm này...ông là kẻ thù của cậu ấy cũng có gì là sai chứ? Ông khốn kiếp....ông là tên vô lại khốn kiếp.

Bà ấy cứ nói rồi chửi ầm ĩ. Bà Tâm phải ôm chặt lấy bà Thập Nhu cho bà bình tĩnh lại. Lão gia Văn Khoa bấy giờ thở dài thườn thượt. Đúng là tội nghiệp của ông quá lớn. Điều đó ông nào dám chối cãi, tuy nhiên ông cũng cố gắng sống tốt, tích đức suốt một đời mong chuộc tội. Ông cũng ngày đêm tìm kiếm tung tích của đứa bé năm ấy nhưng càng tìm càng mất. Thầy phù thuỷ khẳng định nó vẫn còn sống, vậy nhưng nó là ai, hình dáng ra thế nào lại chẳng ai hay biết. Đặc điểm nhận dạng duy nhất của nó chính là vết xoáy hình ngọn lửa trên đầu và vết bớt dưới bàn chân trái.

Hai vợ chồng ông bao nhiêu năm vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo ác quỷ tắm máu mà thầy phù thuỷ dự đoán. Vậy nên cả hai đã nhờ thầy phù thuỷ lập trận pháp ngăn chặn đứa bé bằng cách nhốt linh hồn Thị Khiên lại dùng làm bùa hộ mệnh; ngoài ra sẽ phong ấn linh hồn lại trong nhẫn phỉ thuý hòng giữ lại mạng cho con trai duy nhất của họ. 

Họ biết rằng nếu như con trai họ bỏ mạng thì bí mật nơi cất giữ linh hồn Thị Khiên mãi mãi không một ai biết đến. Lão gia Văn Khoa vì ích kỉ của bản thân nên dùng nước cờ cuối cùng ấy, vậy nên quan tri phủ mới sống được tới hiện tại. Nếu như không phải gia đình họ đang cất giữ linh hồn của Thị Khiên chỉ e tất cả đều chết dưới tay cậu Chính chẳng khác nào gia đình cụ lý trưởng hôm nào.

Thầy Tây Tạng suy ngẫm một hồi rồi thắc mắc: nghe câu chuyện có vẻ rất hợp lý nhưng sao tôi cứ cảm giác nó có chút gì đó không chân thật và còn nhiều khúc mắc. Một kẻ giết người không ghê tay như cậu Chính không lẽ chỉ vì phần hồn phách của mẹ mình mà chịu ẩn mình bao năm nay không xuống tay trả thù ư? Điều này là không hợp lý với tư duy của kẻ khát máu báo thù!

Xem Tiếp Chap 90 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn