Truyện ma Cát Bụi Thời Gian Chap 12

 Cát Bụi Thời Gian Chap 12

Tác Giả : Tĩnh Thủy

Cát bụi thời gian


Xem Lại Chap 11 : Tại Đây


Tim tôi muốn rớt ra khỏi lồng ngực luôn khi đó nhưng đang đèo gái đàng sau nên tôi vẫn cứ phải làm bộ rất bình tĩnh, tôi nhìn ông ta hỏi:


- Sao...sao thế ạ chú?


Người bán ớt hỏi:


- Thế hai đứa đi đâu đấy?


Tôi thấy tay của Nhi bấu chặt vào eo tôi tới mức đau nhói cả lên, tôi cố giữ cho giọng mình khỏi nghe có vẻ run lên, nói một cách chững chạc:


- Dạ đi ra chợ.


Người bán ớt tay vẫn đang giữ ghi đông xe đạp của tôi, mắt nhìn tôi, nói:


- Thế sao không đi tới chùa, lại đi ra chợ thế?


Lúc đó nói thật là tôi cũng muốn hồn vía lên mây rồi, không còn tập trung mà thấy nghi ngờ lời nói lạ lùng tới bất thường của ông ta nữa, tôi chỉ trả lời như một cái máy:
- Dạ bọn cháu đang đi mua đồ cho nhà chùa đây ạ.


Ông chú bấy giờ nói, vẫn khuôn mặt dữ dằn không nở một nụ cười và giọng vang như sấm:


- Thế à, thế biếu chùa ít ớt.



Rồi ông ta từ từ hạ tay khỏi cái ghi đông xe của tôi. Lúc bấy giờ tôi và cả cái Nhi mới hoàn hồn. Tôi chợt nhận ra có cái gì đó ấm nóng đè lên lưng tôi, không phải là mặt con bé, mà cả hai bầu ngực của một cô gái đã dậy thì nữa, con bé cũng là nữ sinh lớp chín rồi và chẳng còn bé bỏng như các em trong chúng sen xanh nữa, tôi đã quên mất điều đó và giờ mới giật mình nhận ra, con bé sợ quá nên đã áp chặt cả người vào lưng tôi từ lúc nào rồi. 


Tôi khẽ lắc người một cái, nó nhận ra ngay, tôi biết thế vì lập tức nó ngồi thẳng lưng lại ngay để giữ khoảng cách với tôi, nhưng tay nó thì vẫn không rút khỏi chỗ túi quần tôi che cọc tiền. Tôi không nhìn nhưng biết chắc con bé cũng đang xấu hổ đấy.


Người bán ớt hạ cái mẹt xuống, bốc mấy nắm ớt rất to trong mẹt cho vô một cái túi bóng trắng rồi thả vô giỏ xe tôi, nói:


- Ớt giống ở Đà Lạt, cay lắm, nói tui biếu cho nhà chùa.


Tôi buột miệng nói:


- Hết bao tiền cháu gửi ạ?


Người bán ớt nói:


- Ớt giống năm ngàn một cân, mà thôi tui biếu nhà chùa một cân này. Đi về chùa đi đừng qua chợ nữa, kẻo sắp có đánh nhau bây giờ đấy.


Nói rồi ông quẩy cái gánh mẹt lên vai, né sang bên chúng tôi rồi lại lặc từng bước đi thẳng.
Chẳng biết thế nào, con Nhi lại kêu lên:


- Chúng cháu cảm ơn chú nhiều, công đức vô lượng ạ.


Người bán ớt quay lại cái, con bé mất hồn tắt tiếng ngay. Vẫn khuôn mặt dữ dằn với hai con mắt ốc lồi trợn trừng. Ông chỉ quay lại nhìn chúng tôi, rồi gật đầu một cái sau đó lại lặc từng bước đi tiếp.


Chú bán ớt đi dăm bước rồi, chúng tôi mới hoàn hồn lại như thường.
Hai cái mẹt đó xem chừng cũng không tới được năm cân ớt, tức là ông chú ấy có đi bán cả ngày cũng chỉ được hai lăm ngàn, mà đó là nếu may bán hết, chứ bình thường có ai mua nhiều ớt thế làm gì? Cũng chẳng có ai chỉ đi bán mỗi mình ớt như thế...


Có một cái gì đó bí mật lắm, thôi thúc tôi rằng ông chú này chẳng phải người mưu sinh bình thường. Chẳng phải các thầy vẫn cứ thường hay dạy: “Những người dị tướng ắt là kỳ nhân” đó hay sao?


Vì thấy điểm bất thường, tôi liền nhân đó áp dụng ngay cách bói dịch được học mà gieo lên một quẻ thử xem thế nào. Chùa chiền mang tượng quẻ cấn sơn, là tượng của sách vở, của học hành, của thanh cao, của tâm tịnh, còn chợ búa là tượng quẻ đoài trạch, là của tiền bạc, của bon chen, của gian dối lọc lừa, hay ông đã ngầm ám chỉ về cuộc sống sau này của tôi nên gạn đục mà khơi trong, nên lánh nơi tiền tài nhân thế mà tìm về nơi thanh cao bát nhã?


Cứ lấy ngay như lý trong lời nói đó, liền lấy sơn núi mà làm quẻ thượng, lấy trạch đầm mà làm quẻ hạ, bèn dịch ra quẻ Tổn. Lúc này nhằm hơn sáu giờ tối, bèn lấy giờ Dậu mà động hào đầu, tượng đầm biến thành tượng nước, quẻ Tổn hóa thành quẻ Mông, dụng thần chẳng được tốt lành, hào từ càng thêm nhu nhược, xét Nhật Nguyệt cùng chiếu khắc vào, sợ sinh họa về việc chảy máu. 


Ông chú đó cũng nói coi chừng có đánh nhau trong chợ còn gì? Chả phải tự nhiên mà người ta nói thế, nếu quẻ ứng thì đây là cao nhân chứ chả phải thường.


Tôi bèn quay đầu xe đạp lại.


Nhi hỏi:


- Ta không ra chợ nữa à anh?


Tôi đáp:


- Không, muộn rồi. Mình đặt mấy chỗ thế chắc là đủ rồi á. Còn ít tiền mình về đưa lại cho thầy rồi phụ các thày phát cơm.


Thế là tôi đạp xe về thẳng. Nhi cũng không hỏi gì thêm.


Tối đó chúng tôi phát cơm muộn tới tận tám giờ mới xong, ai nấy đều mệt phờ cả người, tới sáng hôm sau tôi dậy sớm để chuẩn bị đi học. 


Lúc ăn sáng dưới nhà, tôi nghe mẹ nói chuyện với bố tôi, tối qua ở trong chợ Điện Biên có chém nhau, chả biết giang hồ bảo kê ở đâu hay là mấy người bán sạp giành nhau khách gì mà vác dao lùa nhau quanh chợ, bảo vệ tới dẹp không được phải cả công an thành phố xuống mới thôi, bọn nó lôi nhau lên phường hành nhau mãi tới tối mới giàn xếp xong. 


Nghe bảo còn có bà già xui rủi chả liên quan gì, không may bị nó chạy qua quơ dao trúng, rách ở vai phải đi viện khâu mấy mũi nữa, cũng may không việc gì.


Bố tôi xuýt xoa:


- Chết chưa, cũng may không việc gì, không lại tai bay vạ gió rồi. Đấy mẹ con nó đi chợ phải bảo nhau, thấy nó lùm xùm là đừng có ngó lại mà coi nghe chưa.
Mẹ tôi nói:


- Biết rồi khỏi phải lo, nhìn tôi có ngu lắm đâu.


- Ừ thì bà khôn.


Rồi thì ba mẹ tôi nói qua nói lại nhau như mọi buổi sáng, tôi thì không quan tâm lắm, chỉ cắm mặt ăn, trong đầu thầm nghĩ tới người bán ớt tối qua tôi gặp ở chợ...


Không cần biết ông ta là ai, nói gì thì nói, chỉ cần biết rằng không thể phủ nhận về việc huyền và sự sâu màu ẩn chứa tàng nấp khắp mọi nơi từ các việc nhỏ nhất. Từ đó tôi càng kiên quyết tin điều mình đang theo đuổi và nghiên cứu là đúng đắn.


Tôi có nói lại việc này với cả hai thầy, thầy Kính Nguyệt bảo tôi:


- Người mình gặp không phải tự nhiên mà mình gặp, mọi người mọi việc đều do nhân duyên tuần hoàn sắp vào cả đấy.


Còn thầy An bảo tôi:


- Tránh được tai vạ có thể do người kia cho điềm, nhưng cũng nhờ có do con biết đọc được điềm người ta cho, vậy phải tích cực mà học thêm nữa cho nắm được cái yếu quyết, sau này không những tự giúp mình, còn giúp cho người khác. 


Quẻ dịch thì không phải ai cũng dịch được, nhưng cũng chẳng tới mức khó lập, cái vi diệu ở chỗ là nhìn ra dấu hiệu biến hóa trong trời đất mà lập thành quẻ dịch ấy, đó là cái làm nên sự khác biết giữa dịch sư và người học dịch bình thường.


Các thầy đều hỏi nhân dạng người bán ớt kia rất kĩ, nhưng cũng không thể tìm được nữa. tôi có xung phong đi chợ cho mẹ vài hôm liên tục cũng tầm giờ chiều, nhưng cũng chẳng còn gặp ông chú bán ớt ở chợ Điện Biên.


Xem Tiếp Chap 13 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn