Truyện ma Cát Bụi Thời Gian Chap 4

 Cát Bụi Thời Gian Chap 4

Tác Giả : Tĩnh Thủy

Kì Thi Cấp Ba - Cát bụi thời gian


Xem Lại Chap 3 : Tại Đây


Tôi phải lao vào học tập để chuẩn bị cho kì thi lên cấp 3, nên khi đó cũng không đến chùa thường xuyên được như trước. Tôi vốn cũng không có đam mê với việc thi cử hiển hách lắm, nhưng vẫn phải cố nhiều đến như thế, phần nữa cũng do sợ mẹ là chính...


Lúc này lại đã qua tháng 12 gần tết, thời gian trở nên gấp rút hơn nhiều, không chỉ riêng tôi, mà tất cả các học sinh lớp 9 trong nội đô nói riêng, và cả nước nói chung, đều đang cực kì căng thẳng trong việc học tập. Tôi vẫn nhớ khoảng thời gian đó dài tới gần một tháng, tôi không hề có một lúc nào nghỉ ngơi để mà đi tới chùa cả. Mãi đến ngày hai mươi tám tết, tôi mới tạm cho phép mình nghỉ vài ngày để lên chùa chơi.


Hôm đó may thế nào, thầy Kính Nguyệt lại cũng về chùa, hỏi ra mới biết thầy mới đi vào miền nam làm Phật sự suốt hơn một tháng nay, thầy cũng chỉ vừa mới về vào hôm hai mươi sáu tết để lo chuẩn bị cho nhà chùa đón tết. Thế là tôi lại có dịp ngồi với thầy. Tôi phàn nàn với thầy về áp lực học hành và kì vọng tôi phải thi được vào trường cấp ba chuyên của mẹ.
Thầy thấy tôi lo lắng lắm, liền bảo:


- Để gieo cho một quẻ thử xem thế nào nào.



Rồi thầy dẫn tôi tới gian phòng ngủ riêng của thầy, bảo tôi quỳ xuống một miếng thảm đỏ cạnh giường của thầy, rồi thầy tìm loanh quanh trong những ngăn tủ gỗ mộc của thầy ra một cái hộp gỗ. Khi thầy mở hộp ra, tôi nhìn thấy có ba đồng xu đã xỉn màu, hơi bàng bạc lại còn đang lẫn cả cát bùn. Thầy bảo tôi cầm lấy chúng, tôi cũng vội cầm theo, được một lát thì thầy lấy nó lại. Sau đó thầy nói:


- Con ra ngoài chơi đi, thầy xem giúp con xem việc học hành thế nào.


Tôi vội vàng đi ra ngoài, được một lát sau thì thầy gọi tôi vào, vỗ vai tôi, cười rất vui nói:


- Con là người giỏi, lẽ ra không cần xem bói cũng đã phải biết rồi. Nhưng thấy con cũng lo lắng nhiều, trông gầy đi, thầy đâm mà xót nên xem một quẻ xem hung cát ra sao. Xem được một quẻ cát lắm, con cứ thoải mái mà học hành, đừng có căng thẳng quá, khoa cử tất được như ý hết, làm rạng rỡ gia đạo.


Thầy nói điều đó một cách chắc chắn, mà xưa nay thầy rất ít khi nói ra miệng điều gì chưa xảy ra với một giọng điệu chắc chắn hoặc kết luận về một sự việc mơ hồ trong tương lai, điều đó càng làm cho tôi tin tưởng hơn rất là nhiều.


Phép thầy dùng để bói cho tôi quẻ thi cử hôm đó, gọi là phép Kinh Dịch Lục Hào. Đây không phải là phép thường, nếu không phải là người cao nhân nắm được các yếu quyết bí mật trong trời đất, tuyệt đối không làm được như thế. 


(Lục Hào: Một phép bói đã truyền từ ngàn đời, người giỏi có thể gọi lên được quỷ thần chủ trì về họa phúc để xem được vận mệnh cho người khách, đã được văn minh Trung Hoa phát triển từ rất xa xưa và vẫn giữ nguyên giá trị của nó cho tới ngày nay bởi sự ứng nghiệm kỳ lạ của nó. 


Kinh Dịch ngoài việc là phép bói, nó còn là một sách về triết học, đạo đức, được xem như là đứng đầu quần kinh Trung Hoa, đứng trên tứ thư là Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Ở Việt Nam ảnh hưởng văn hóa của Tàu nên cũng học Dịch nhưng xét ra thì nước ta chưa ai thực sự gọi là nhà Dịch học được cả, nếu bảo sách xem dược về Dịch, theo tôi chỉ có sách của Nguyễn Hiến Lê, Ngô Tất Tố là hay hơn cả.)


Khi đó thì cũng không ai cấm các nhà sư thực hành chiêm bói, tôi vẫn thấy có một số sư thầy xem xăm quẻ, xem chỉ tay, thậm chí cở các nhà chùa vẫn cho người ta rút xăm vào các ngày lễ tết, nhưng tôi chẳng biết vì sao mà thầy vẫn dặn tôi không nói việc đó ra với ai. Có lẽ thầy ngại một điều gì đó, hoặc là có một câu chuyện lớn nào đó ẩn chứa sau bí thuật kì lạ vào bậc nhất trong đất trời này.
...
Mùa hè cũng đến. Tôi tốt nghiệp trung học cơ sở với loại ưu, tôi có thành tích tốt nghiệp nằm trong nhóm những người cao nhất trường trung học. Trong sổ bằng và sổ liên lạc của tôi, giáo viên chủ nhiệm chỉ ghi vỏn vẹn là: “giỏi đều chín môn, thích thi gì cũng được.”


Vào kì họp phụ huynh, tôi là người được nhắc tới nhiều nhất khi có thành tích đứng đầu lớp. Sau đó thì cha mẹ tôi đi tới gặp riêng thầy chủ nhiệm để nghe thầy tư vấn về việc học cũng như sư định hướng cho việc học của tôi khi lên trung học phổ thông. Tôi không được cùng đi, hôm đó, thầy chủ nhiệm nói với ba mẹ tôi:


- Toán, lý, hóa học rất giỏi, rất thông minh, mà văn, sử, địa, lại cũng rất giỏi như thế, đúng như trong lời phê là cháu giỏi đều cả tự nhiên và xã hội, học sinh như thế cũng không nhiều đâu. Cháu chỉ có khuyết điểm là ngoại ngữ hơi kém và môn giáo dục thể chất thì hơi yếu, cần rèn luyện thêm về sức khỏe cho cháu. 


Giờ gia đình bảo định hướng cho cháu học theo khối nào, thì cũng không biết định hướng thế nào cả, thôi thì theo tôi nên để tùy cháu thích học gì thì học, vì cháu học bất kì ngành gì, môn nào, làm bất kì công việc gì, đều sẽ được hết, sẽ thành người có ích cho xã hội.
...
Khi ba mẹ trở về nhà thì mẹ tôi cứ cười mãi, rồi mấy ngày sau đó nữa thấy ngày nào mẹ cũng líu lo ca hát. Vâng, không nói thì tôi cũng cảm nhận được, tôi hiểu mẹ quá mà, đó là nụ cười sung sướng hạnh phúc đầy tự hào về thằng con trai quý tử, cũng như biết bao bà mẹ khác trên đời. Mẹ bảo:


- Thầy nói mày phải học tự nhiên cho giỏi vào, sau mày hợp với làm kỹ sư.
Còn ba tôi thì nhăn nhó bảo:


- Thầy bảo mày đá bóng còn kém lắm đấy nhé, lo mà rèn luyện đi, lúc nào cũng chúi mũi vào cái bàn học.
...
Trước nay tôi chỉ tin vào Kinh sách, ít tin vào sư sãi, vì theo tôi nghĩ, thì Kinh sách được truyền lại nó đáng tin hơn, nó là một hệ lý trí độc lập không phụ thuộc vào ý chí của con người, còn sư thầy thì khác, đó là các cá nhân riêng biệt với sự thẩm thấu và giác ngộ riêng biệt, tức là có người sẽ giỏi, có người thì không, có người tu thật, có người tu giả. 


Nhưng riêng thầy Kính Nguyệt nói thì tôi tin tuyệt đối, tôi mặc định những gì thầy nói ra đều là chân lý, vi tôi đã được chứng kiến tận mắt sự tu tập, kiến thức, trình độ và ý chí tuyệt đối của thầy trong mọi công việc thường ngày. Không bao giờ có sai sót, thầy đã áp dụng đúng tôn chỉ của Phật giáo : Tu trong Chánh Niệm, bất kể đi đứng nằm ngồi. 


Tôi thấy thầy tôi tu mọi lúc, từ mọi lời nói phát ra, mọi bước chân thầy đi, đều toát lên một vẻ cẩn thận, an nhàn, và tôi không biết diễn tả thế nào, nhưng đã phải có rất nhiều sự rèn luyện trong đó, cho tới khi từng hơi thở của thầy, đều đã biến thành con người thầy và không thể nào khác đi được. Vì tin thầy như thế, cho nên khi kỳ thì định mệnh của đời học sinh tới, tôi bước vào nó với một tâm thái bình an vô cùng.


Mùa hè năm đó, sau chín tháng ròng “ăn Vật lý, ngủ Vật lý”, tôi thi đậu chuyên Vật Lý của trường chuyên tỉnh, đúng như kỳ vọng của mẹ với hạng ba mươi, một hạng cũng bình thường trong số ba mươi lăm người trúng tuyển. 


Có nghĩa rằng tôi là một trong ba mươi lăm học sinh giỏi Vật Lý nhất tỉnh ở kỳ thi trung học phổ thông chuyên khi đó, là lứa tinh hoa trong số bạn bè cùng trang lứa, ở một vùng đất nổi tiếng với tinh thần hiếu học hàng đầu của đất nước.


Hơn ai hết, mẹ tôi là người vui nhất.


Xem Tiếp Chap 5 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn