Truyện ma Cát Bụi Thời Gian Chap 9

 Cát Bụi Thời Gian Chap 9

Tác Giả : Tĩnh Thủy

Lần nhập học mới - Cát bụi thời gian


Xem Lại Chap 8 : Tại Đây


Đến tháng chín thì tôi nhập học trường mới. Tôi vẫn giữ lề thói cũ là đi tới chùa sinh hoạt và dành hầu hết các thời gian buổi tối của mình để ở lại chùa. 


Do khi đó tôi mới trải qua một kì thi căng thẳng và lên một cấp học mới, ở thời điểm này cũng chưa phải thời điểm quá cần khắt khe trong việc học, tôi lại còn là một học sinh xuất sắc và nổi bật ở trong cả phố phường tôi, là tấm gương cho các em lớp dưới, là “con nhà người ta” trong mắt các bậc phụ huynh khác, nên cha mẹ đều không khắt khe cấm đoán gì tôi cả, tôi có thể tùy ý đi đâu tôi muốn, và tôi xin tiền cha mẹ mua sách gì cũng đều được cả. 


Tôi bèn nhân dịp đó xin tiền để mua khá nhiều sách vở liên quan tới chủ đề tâm linh nhưng giấu bố mẹ dưới cái vỏ bọc “sách học nâng cao”. Thầy Kính Nguyệt tặng cho tôi món quà thi đậu là bộ Phật Học Phổ thông của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa viết, và bộ Tịnh Độ Ngũ Kinh do Hòa Thượng Thích Hành Trụ biên soạn, tôi đọc chúng cả ngày. 


Chỉ sau một thời gian ngắn thì tôi đã nắm trọn hết kiến thức trong hai bộ sách đó nhưng tôi vẫn cứ trân quý món quà của thầy cho và đọc đi đọc lại cho tới khi nhuần nhuyễn ra mới thôi.



Ngoài các sách Phật giáo ra, tôi cũng tiếp cận và bắt đầu đọc các sách về Kinh Dịch 


(một sách triết học, sách bói của người Trung Quốc từ thời cổ, được Khổng Tử nghiên cứu và được học giả xem trong như là “đứng đầu quần kinh Trung Hoa”, tức là quan trọng nhất trong ngũ kinh gồm có Dịch, Thi, Thư, Lễ, Xuân Thu). 


Bên cạnh đó cũng đồng thời bắt đầu tìm hiểu cách sách về bùa chú như là Thông thần vạn vật linh, Phù Thuật Việt Nam, Thông Thiên Linh giám bảo… cũng như một số sách về ngày giờ, bói số, phong tục và phù thủy An Nam...càng đọc tôi càng thấy mê hoặc và hấp dẫn. 


Các tựa sách kể trên đều chỉ nên xem khi có người hướng dẫn, ngoài ra thì xem cho vui, không nên tự ý làm theo bởi rằng sách nào tôi đọc cũng nói rằng: “người học đạo nói sai nửa câu, cũng là tổn hao âm đức”. Tôi có thầy Kính Nguyệt chỉ bày cho cẩn thận nên cũng không lo nghĩ gì, cứ thế mà học thôi.

Sau một thời gian, cảm thấy tôi đã biết về Kinh Dịch và có vẻ yêu thích môn này, thầy Nguyệt giới thiệu tôi với một thầy học Kinh Dịch rất giỏi là thầy Nguyễn Văn An cũng người ở Thanh Lân, Nội Độ.


Thầy An bảo tôi:


- Xét ra nhà Dịch học Trung Hoa nhiều, nhưng ứng dụng sâu sắc về sau chẳng mấy ai ngoài các vị Văn Vương, Võ Vương, Khổng, Tử Phòng, Vương Bật, Khang Tiết, Trần Đoàn ( người sáng lập ra Tử Vi Đẩu Số), Dã Hạc Lão Nhân...còn ở nước Nam ta thì xét chưa có ai thực coi là nhà Dịch học được, xem là người nghiên cứu và ứng dụng Dịch học được thì lại có vài người, thời xưa nổi tiếng có cụ Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm... là lĩnh hội được quyết yếu sâu xa của Đạo, về sau thì có cụ Ngô Tất Tố, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần... mà thôi. 


Tôi học được cũng từ cha tôi có người may mắn được học với một trong các vị đó, sau thì lĩnh hội được yếu quyết truyền cho tôi. Người không tìm Dịch mà Dịch tự chọn người, nay thầy Nguyệt là người tôi nể trọng lâu nay giới thiệu cậu đến với tôi, đó là cái phúc cái phần, cũng là cái nhân cái duyên, tôi truyền về đến cậu hẳn là hợp Đạo. Trước nhất cậu cũng tìm sách của các người đó mà đọc, rồi sau hẵng học hành.

Tôi hết sức làm theo các lời dạy bảo đó, bèn đi lùng tìm khắp nơi mua được các bộ sách quý như là Dịch Kinh Tường Giải của cụ Cần, Dịch đạo quân tử của cụ Hiến Lê...đọc rất cẩn thận tới nát cả sách. 


Ngoài ra thì các tài liệu quý giá viết bằng tay do thầy An tự có hoặc được truyền đều truyền cho tôi không giấu, từ sau đó thì theo học Mai Hoa Dịch Số và một ít về phái lý nghĩa Dịch 


( Dịch học gồm có phái nghĩa lý và phái tượng số, các môn ứng dụng nhiều ngày nay như là Tử Vi, Phong Thủy, xem vận, xem tướng, giải mộng, chọn ngày giờ...nói chung về khoa bói toán và huyền bí thì Dịch tượng là gốc, nói về thuyết âm dương, ngũ hành, can chi...từ Dịch mới sinh ra các môn khác ứng dụng theo. Còn Dịch lý nghĩa thì nói về đạo lý, và ý nghĩa xa xôi diệu huyền của Dịch trong vũ trụ, cũng như các phép “Đối nhân, xử thế với người; lập thân, xử thế với đời; tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, học hai cái đó phải đều thì mới được).


Dịch là phép dễ biết khó học, dễ học khó dùng, khi dùng được rồi thì dễ dùng khó biết, cứ thế quanh quẩn, ai biết các quyết yếu đó phải đem bí mật mà cất giấu đi, không được truyền thụ nhiều dễ dàng vì có hai lẽ, thứ nhất rằng công việc thì nhàn mà lợi nhuận lại cao, ai nắm được nó trong tay thì từ hai vạch âm dương mà thành tứ tượng, từ tứ tượng thành ra bát quái, từ bát quái lại ra trùng quẻ, từ trùng quẻ đó định được hung cát của muôn việc, mà trong đời ai cũng muốn biết việc hung cát và bỏ tiền cho nó, vì có được tiền đó dễ khiến người học sinh tâm tham, khi đó tất có hại, không cho mình cũng cho gia chủ. 


Thứ hai rằng nếu tùy tiền lan truyền, bí mật vào phải tay người không có đạo đức, không biết đấu tranh, lại đem nó làm điều thị phi vô nghĩa, thì không đúng với tinh thần trọng đạo đối với Dịch vì thế mà chẳng truyền. 


Có nhiều người bị mê mị vào cái điều huyền diệu linh thiêng của Dịch mà cứ vội vàng tìm về các phép bói Dịch, hòng làm ra những điều cho có vẻ huyền bí, hoặc thêm phần tiếng tăm để cầu tài lợi cho nhanh, nhưng không biết gì về nghĩa lý của Dịch, làm cho càng học càng tối đi, cuối cùng vì tham tiền tài, lại thấy không linh ứng mà sinh sốt ruột, cuối cùng hóa điên hóa ngộ, đều là do không có người ân sư giỏi, có tâm có tầm mà dạy vậy.

Tôi cực kì may mắn vì được học với thầy giỏi, lại hết tâm hết sức mà dạy một cách vô tư nhất, nên cho lĩnh hội được đạo thuật đầu tiên trong đời, vô cùng thuận lợi. Lý ra làm gì có chuyện như thế? 


Chỉ bằng một sự bảo đảm hết mình của một bậc ân sư đại đức đại giác ở cõi từ bi, mà thầy Dịch tin tới độ chưa cần biết gì về tôi, vẫn tuyệt đối tin vô cái nhân cách và con người tôi mà trao dạy, ngần ấy điều đó cũng đủ nói lên thầy tôi có uy tín lớn lao đến thế nào, không chỉ trong với nhà chùa, mà còn với các phái huyền ngoại môn nữa. 


Vậy càng thể hiện cho việc được truyền riêng trong sách Dịch tôi được dạy năm xưa: “Cái nhân cái nghĩa của con người, bất kể là sang hay hèn, là nghèo hay giàu, không vì lý do gì mà cản trở hoặc bị cản trở. 


Đối với người có Đạo, hiểu Đạo, chẳng vì riêng tư khác đạo, chẳng vì gia cảnh hay địa vị mà bài xích xem thường, cái gia cảnh hay địa vị, thành bại của người ta, chỉ là do cái căn cái số người ta mà thế, họa phúc chủ do trời, thế thời chủ vào mệnh, không thể dựa vào đó mà phán đoán được. Chỉ cần có nhân có đức, tự nhiên trời người đều nể đời sợ. Ai không biết nể, biết sợ mà lại đi xem thường người như thế, đó là người ngu, không nên bàn tới.”


Cũng từ việc quen và học với thầy An, thì sự tìm tòi của tôi về huyền thuật, cũng bước sang một bước tiến mới, dần dần từng chút, vượt xa khỏi lớp vỏ tri thức Phật giáo thông thường, sự học của tôi cũng vì thế, mà ngày một dày lên. 


Tôi lại bắt đầu cắm cúi vào học ngay trong những ngày đầu tiên của năm học mới, không bạn bè mới, không cần thời gian làm quen trường lớp mới, tận hưởng sự sung sướng trong những lời tán tụng khi đậu vào trường chuyên, tất cả điều đó đối với tôi không có nghĩa lý gì hết... những kinh sách Kinh Điển, những quẻ dịch, bùa chú...mới là thứ làm tôi quan tâm khi ấy...

Ngay cả với môn vật lý, đó thực sự là môn tôi học rất giỏi, cũng là môn chuyên của tôi, nhưng lên cấp ba, tôi cũng không chú tâm học về nó nhiều. Vì sự nghiệp học tập và kì thi đại học sau này, tôi vẫn phải chọn một môn chủ đạo, và một nhóm môn thi đại học đi kèm trong số khối môn văn hóa phổ thông cho theo học như bao học sinh bình thường khác. Tôi đã có quá trình suy nghĩ rất kĩ trước khi nghiêm túc đến vơi môn lịch sử. 


Đó là môn tôi có hứng thú nhiều hơn, có lẽ vì nó có sự liên hệ mật thiên tới văn hóa và dân gian, cũng như các sự việc thần thoại, tâm linh.. cũng vì như thế, môn ngữ văn và địa lý cũng khiến tôi ưu ái dành nhiều thời gian tới hơn là các môn toán, hóa học... 


với một niềm yêu thích say mê, trong thời gian ngắn thì tôi đã hoàn toàn bị lịch sử cuốn hút, kiến thức cả chính khóa lẫn ngoài luồng của tôi về lịch sử khi đó, thậm chí có thể so được với cả các bạn bên lớp chuyên sử...và hiển nhiên là ở lớp chuyên lý, một lớp chuyên về các môn tự nhiên và gần như không có ai học sử, thì tôi trở thành một ngoại lệ đáng xấu hổ. tất nhiên là không ai biết cả, vì tôi học toán lý hóa vẫn theo được các bạn trong lớp ở một mức độ trung bình.

Tôi vẫn cứ âm thầm từng ngày học cái mà mình thích, đó là Kinh Dịch, Huyền Môn, trong lớp vỏ ngoài là một thằng con trai chuyên lý mà mẹ vẫn thường tự hào đi khoe với mấy cô ở chỗ cơ quan...


Xem Tiếp Chap 10 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn