Truyện ma "Báo Thù" Chap 1

 Truyện: Báo thù

Tác giả: Mặc Gia
Chap 1: Người tốt đoản mệnh


Trên con đường mòn nối liền từ cánh đồng vào sâu trong làng Yên Thịnh, có căn nhà ba gian to lớn, mấy chục năm không được tu bổ. Vách gỗ phần lớn đã lung lay theo gió mưa và mái ngói lâu đời đã phủ kín rêu xanh. Hàng cau trước cửa với khu vườn nay đã mọc đầy cỏ dại, làm căn nhà lúc nào cũng đầy cảm giác u buồn và lạnh lẽo. Ngôi nhà đã từng rất khang trang này trước kia là giang sơn của ông Lý, là một phú hộ nổi tiếng trong làng .

Ngày ấy, ông Lý giàu có nhất vùng, thời đó ông buôn muối, lại khéo ăn nói nịnh bợ, đút lót quan trên nên ông càng làm càng phất, của ăn của để không hết. Ngôi nhà nườm nượp kẻ hầu người hạ, lúc nào cũng có người ra người vào. Bản thân ông Lý trước kia từng lăn lộn trong giới giang hồ, chém giết mà đi lên. Về sau quan phủ quyết tâm trị an cho dân vậy nên ông mới quyết định về ở ẩn, chuyển sang buôn bán mới có được cơ ngơi như vậy.

Cùng thời với ông Lý còn có ông Toàn, cũng là phú hộ giàu có trong vùng. Ông Toàn phụ trách các mối hàng bán gạo ở trong vùng, khác với quá khứ chém giết của ông Lý, ông Toàn xuất thân từ gia đình giàu có truyền lại qua nhiều đời, vậy nên ông chỉ việc tiếp nhận sẵn cơ ngơi. Tuy là vậy nhưng với đầu óc kinh doanh nhạy bén, ông Toàn cũng phát triển cơ ngơi của gia đình để lại ngày một lớn hơn, vậy nên ông Toàn với ông Lý là một cặp đôi phú hộ nổi tiếng thời bấy giờ.

Nổi tiếng không chỉ về độ giàu có, mà còn vì tính cách của hai phú hộ hoàn toàn trái ngược lẫn nhau.

Ông Toàn nổi tiếng là một người hiền lành, nhân từ, thường xuyên phát gạo cứu đói dân làng, từ thiện cho chùa chiền hay những người khó khăn.


Trái ngược với ông Toàn, thì ông Lý được dân làng kính sợ, bởi cái thói ngang tàng, máu lạnh vốn đã sẵn có từ cái thời lăn lộn trong giang hồ của ông. Có lần ông Lý dắt chó đi dạo, khi đi qua phiên chợ của làng thì con chó của ông Lý có chạy đến ăn tranh với thức ăn trong bát của một kẻ ăn xin. Xui cho tên đó khi mà cố gắng xua đuổi con chó đó đi thì bị ông Lý nhìn thấy, và thế là sẵn cái ba toong trong tay, ông Lý vụt tới tấp vào đầu của người ăn xin, miệng quát lớn:

- Quân mất dạy này dám xua đuổi chó của ông đây à? Chó ông mua bao nhiêu tiền mày có biết không? Có cộng ba đời nhà mày lại cũng không đền nổi đâu. Đồ mất dạy…

Mỗi một từ "mất dạy" thốt ra là một cái vụt xuống khiến cho tên ăn mày phải khóc lóc van xin. Từ đó trở đi, hễ thấy ông Lý là người dân phải chào từ cách xa vài bước rồi lẳng lặng nhường đường, bởi không ai muốn làm phật ý ông rồi lại bị ăn đòn oan.

Ông Lý có hai người con, một gái một trai. Khi đứa con gái của ông lên năm tuổi thì vợ ông hạ sinh ra một cậu ấm kháu khỉnh, chỉ là sau khi sinh ra đứa thứ hai thì vợ ông cũng qua đời.

Do thiếu thốn tình cảm của mẹ nên ông Lý bù đắp mọi thứ cho hai đứa con, sống trong cuộc sống nhung lụa lại có sự dung túng của cha, hai đứa trẻ càng lớn càng trở nên khó bảo, ngỗ nghịch. Người làm trong nhà rất kinh sợ mỗi khi hai cô cậu bày trò nghịch dại. Nhưng tuyệt nhiên không ai hé răng nói lời nào, bởi sợ làm phật ý của ông Lý, như vậy chẳng khác nào rước họa vào thân.

Ông Toàn và Ông Lý, kẻ buôn muối, người buôn gạo, phần ai người nấy làm, lộc ai người nấy hưởng. Tuy vậy nhưng ông Lý không ưa gì ông Toàn, chung quy cũng vì cái tôi của ông Lý khá lớn, không muốn có kẻ phú hộ nào khác đứng ngang hàng với mình.

Vào một ngày nọ, khi ông Lý đang ngồi trước hiên nhà, nhâm nhi tách trà thượng hạng mà các thương lái trong vùng biếu, thì người nhà vào bẩm báo:

-Bẩm ông, có một người lạ mặt tự xưng là bạn của ông xin gặp ạ.

Ông Lý cau mày, bản thân ông sống ở cái làng này, ngoài quan tri huyện làm cho ông phải luồn cúi thì làm gì có ai đủ tầm để xưng là bạn của ông, đăm chiêu một hồi ông nói:

-Cho hắn vào.

Người làm vâng dạ một câu rồi lui ra, một lúc sau có một người đàn ông trung niên có dáng vẻ to lớn bước vào, vừa nhìn thấy người này thì ông Lý ngạc nhiên, vội đứng dậy nói:

-Đại ca, sao đại ca lại tới đây?

-Lý choắt, vẫn khỏe chứ?

Người đàn ông này tên là Ngưu, trước kia từng làm đại ca băng đảng mà ông Lý tham gia thời còn chém giết. Về sau băng đảng tan đàn xẻ nghé khiến cho mỗi người lưu lạc một nơi. Cái tên “Lý Choắt” cũng là do vị đại ca này đặt cho vì ngày đó, ông Lý người cũng chỉ gầy ốm, không như bây giờ. Hôm nay gặp lại vị đại ca ngày nào nên ông Lý có phần chột dạ, ông đáp lại:

-Em vẫn khỏe, lâu quá không gặp đại ca rồi.

-Sao, thấy anh tới mà có vẻ sốt sắng thế? Mà còn đại ca cái gì, bây giờ mày làm phú hộ một vùng rồi, có còn làm cướp bóc gì nữa mà đại ca, gọi là anh Ngưu được rồi.

-Vâng. Anh Ngưu, mời anh ngồi.

Tuy người đàn ông tên Ngưu nói vậy nhưng ông Lý vẫn không thể quên cái uy sợ của vị đại ca trước mắt này, một thời từng là tên cướp khét tiếng khiến cho cả quan phủ phải kiêng dè. Thân thủ linh hoạt, lại biết võ, cộng thêm cái tàn ác máu lạnh nên trong nhóm đàn em phải kính sợ ông Ngưu một phép. Ông Lý có cái máu lạnh một phần cũng vì ảnh hưởng của người cầm đầu.

Sau khi nhấp một ngụm trà, ông Ngưu nói:

-Cuộc sống của mày tốt nhỉ? Không còn lang bạt như hồi trước.

-Đại ca quá lời rồi, dạo này đại ca thế nào?

-Nào, lại đại ca rồi. Từ ngày mày bỏ đi, nhóm cũng hoạt động một thời gian thì cũng ran dã. Nay anh tìm đến mày, xem có chân sai vặt gì thì cho anh làm, chỉ cần ngày ăn ba bữa là được rồi.

ông Lý nghe xong thì khẽ cau mày, ông không nghĩ cái người trước mặt này mà ngày trước ông kính sợ, nay lại đến nương nhờ ông. Nghĩ ngợi một lúc thì ông nói:

-Em quen gọi đại ca rồi, đại ca nếu chưa có dự định gì thì ở lại đây, em không nói là giàu có gì nhưng để sắp xếp cho đại ca một chốn để đi về thì không phải việc gì khó.

Ông Ngưu nghe xong thì hài lòng gật đầu. Trò chuyện thêm một chút về những gì đã qua, ông Lý sai người mang lên cho ông Ngưu bộ quần áo mới, sắp xếp một căn phòng sạch sẽ để vị đại ca này về nghỉ ngơi.

Cứ như vậy quãng thời gian tiếp theo, sự giàu có của ông Lý càng tăng lên nhờ có sự giúp sức của ông Ngưu. Những thương lái không chịu ông ép giá thì chỉ vài ngày sau tự giác đến mà cầu xin ông Lý. Bởi sau những lần thương nghị không thành công, cứ đến đêm hôm đó là có một kẻ bịt mặt lẻn vào thăm hỏi. Kẻ này có võ công rất giỏi, đám người canh gác nếu ngoan ngoãn không phản kháng thì còn lành lặn. Còn nếu không, người thì mất một ngón tay, có người còn bị đánh cho đến tàn phế. Tuy không ai nói nhưng các thương lái đều biết người đứng sau những vụ việc này chính là ông Lý, và người bịt mặt không ai khác là ông Ngưu.

Người ngoài sáng, kẻ trong tối, dù có người bạo gan đến tố cáo với quan phủ, nhưng chẳng có chứng cứ nào, cộng thêm ông Lý là nguồn đút lót cực lớn nên quan phủ chỉ thụ án qua loa, thậm chí còn phạt người lại người báo án vì tội vu khống. Chính vì điều đó mà ông Lý ngày càng lộng hành, thị trường buôn muối của ông ngày càng mở rộng.

Tuy sự giàu có ngày càng tăng lên nhưng vẫn khiến cho ông Lý chưa thỏa mãn, bởi cái gai lớn nhất trong mắt ông chính là ông Toàn. Cái miếng bánh lớn béo bở của thị trường buôn gạo nhà ông Toàn làm cho ông Lý dòm ngó từ lâu, chưa kể ông Toàn là một phú hộ lớn như ông Lý, tuy đối nhân xử thế rất tốt nhưng cũng không quên quy tắc làm ăn trên thương trường cũng như chốn quan phủ, cống nạp vẫn rất hậu hĩnh. Vậy nên quan tri huyện cũng từng nhắc nhở ông Lý là nước sông không phạm nước giếng. Nhưng càng như vậy thì ông Lý càng ghét.

Một đêm nọ, ông Lý gọi ông Ngưu đến, soạn một bàn ăn chỉ có hai người, ông rót một chén rượu đầy nói:

-Đại ca có thích cuộc sống như hiện tại hay không?

Ông Ngưu cầm chén rượu lên và uống cạn, đáp lại:

-Tuy cơm ăn áo mặc không phải lo thứ gì, nhưng ta vẫn thích cuộc sống tự do hơn.

Ông Lý mỉm cười, ông nói nhỏ hơn chỉ vừa đủ hai người nghe:

-Đại ca có muốn làm một vụ làm ăn lớn không? Xong xuôi vụ này thì của cải đủ cho đại ca sống cả đời.

-Vụ gì?

-Đại ca có ngại giết người nữa hay không?

Ông Ngưu nghe xong thoáng sửng sốt, bản tính máu lạnh hoang dã lại chỗi dậy. Tuy ông Lý đối đãi với ông không thiếu thứ gì, nhưng với cái chất ngông của một đại ca như ông Ngưu, không thể cả đời ở mãi một nơi như thế này. Nói xong ông Lý ghé sát tai nói thầm với ông Ngưu một kế hoạch khiến cho ông Ngưu nở một nụ cười nham hiểm, miệng lẩm bẩm:

-Thú vị…rất thú vị…haha

Lại nói đến ông Toàn, cuộc sống của gia đình ông cho đến thời điểm hiện tại hoàn toàn viên mãn. Cuộc sống không phải lo nghĩ, lại được lòng dân. Có một cậu con trai mười tuổi rất kháu khỉnh. Ông Toàn cũng thường rất hay cúng bái lễ chùa… Tuy nhiên người ta vẫn hay nói “Người tốt thường đoản mệnh” . Chẳng bao lâu sau, một vụ án chấn động toàn bộ dân làng Yên Thịnh, khiến cho câu chuyện bàn luận cả tháng cũng chưa hạ nhiệt.

Vào một ngày mưa to gió lớn, người ta phát hiện ra vợ chồng ông Toàn cùng một số người ở trong nhà đều đã bị sát hại một cách dã man. Nam thì thì bị cứa cổ, Nữ thì bị lột hết quần áo rồi bị treo cổ lên, chết không nhắm mắt. Vợ ông Toàn bị phát hiện trên trong phòng ngủ, ngay trên giường với một nhát đâm vào tim.

Thê thảm nhất vẫn phải nói đến ông Toàn, cái đầu của ông bị chặt đứt lìa, bị cắm vào chính cây gậy mà thường ngày ông vẫn dùng để chống khi đi lại và dựng nó ở giữa đại sảnh. Cặp mắt ông đã bị móc mất, cái miệng bị cắt lưỡi và há hốc ra, máu me chảy từ mắt từ miệng rất man rợ.

Tuy nhiên chết rất nhiều người là vậy, nhưng có một điều đặc biệt đó là người ta không hề tìm thấy xác của đứa con trai mười tuổi của ông Toàn, không ai biết nó đã đi đâu. Vụ thảm án ấy kinh động đến cả các quan ở trên tỉnh, nhưng có điều tra thế nào cũng không thể truy ra được thủ phạm. Hung thủ ra tay quá tàn ác và không để lại dấu vết nào, vậy nên điều tra một thời gian rồi quan phủ cũng kết luận đây là một vụ án giết người cướp của, bởi tài sản của ông Toàn đều đã bị vét sạch.

Đám ma của ông Toàn rất hoành tráng được chính tay ông Lý lo liệu. Không phải không ai nghi ngờ ông Lý, nhưng mọi thứ cũng chỉ đều dừng lại ở lời nói truyền tai nhau, chứ chẳng có một chút bằng chứng gì cả. Kể cả người đàn ông tên Ngưu đó cũng không bao giờ xuất hiện tại nhà của ông Lý nữa.

Ông Lý đứng ra lo liệu đám ma là để lấy tiếng, ông nói rằng cùng là phú hộ với nhau, chỉ cầu mong sao cho nhau tốt lên chứ không muốn âm dương cách biệt như thế này. Ai ai nghe xong cũng để cười khẩy ở trong lòng, cái ngữ như ông mà nghĩ được cho người khác như thế thì cái làng này đã được nhờ. Người người đều thương xót cho ông Toàn, người như ông Toàn đúng là đoản mệnh…

Cứ như vậy, một tháng sau ông Lý khăn gói lên trên tỉnh một chuyến gặp các quan trên đó, xong xuôi ông lại về gặp quan tri huyện, tất nhiên là vì miếng bánh béo bở của thị trường buôn gạo. Ông Lý cam kết vẫn giữ nguyên các khoản lo lót của ông Toàn vẫn làm, thậm chí là có phần hậu hĩnh hơn nên các quan đều mắt nhắm mắt mở để cho ông thâu tóm. Vậy là chỉ trong thời gian ngắn ông Lý càng bành trướng các mối làm ăn của mình, giờ đây dù là buôn muối hay gạo đều phải thông qua ông Lý, khiến cho những thương lái gạo ngày trước đang làm việc với ông Toàn thì đều phải thở dài, lắc đầu ngán ngẩm. Có người bỏ xứ đi, có người thì không thể vứt bỏ nên vẫn phải cắn răng bị ông Lý ép giá. Cũng bởi vậy nên giá của gạo ngày càng tăng cao khiến cho cuộc sống của dân chúng đã khó khăn nay lại càng thêm phần bi đát…

*Mười năm sau*

Thời gian một lần nữa làm tốt công việc của nó. Thấm thoắt lại mười năm trôi qua, vụ thảm án nhà ông Toàn sớm chỉ còn là những câu truyền miệng để kể về những ví dụ cho việc "người tốt đoản mệnh". Ông Lý lúc này đây đã vững chắc cơ ngơi của mình, của cải của ông đã nhiều đến độ không kể xiết. Tuy nhiên ít ai biết rằng, quãng thời gian sau vụ thảm án ấy, ông sống trong mệt mỏi, và lo sợ. Khi những cơn ác mộng vẫn hành hạ ông mỗi đêm.

Ông thường mơ thấy ông Toàn. Phải…chính ông là người đứng đằng sau vụ thảm án ấy, không những thế mà ông còn trực tiếp tham gia. Vào cái đêm hôm đó, ông Lý cùng ông Ngưu và một số tên đồng đảng cũ mà ông Ngưu kêu gọi được đã lẻn vào sát hại các thành viên trong gia đình ông Toàn, ông Lý là người trực tiếp tặng ông một một nhát đao vào cuống tim, trong lúc chống cự thì ông Toàn đã kịp giật xuống cái khăn che mặt của ông Lý. Mặt đối mặt, ông Lý nhoẻn miệng cười, sau đó ông nói:

"Tao sẽ lo ma chay cho mày. Yên tâm mà chết đi…"

Cuối cùng là rút thanh đao ra chém bay đầu ông Toàn, sau đó cắm nó ở giữa đại sảnh.

Sau cái đêm định mệnh ấy, ông thường mơ thấy ông Toàn hiện về đòi mạng, khiến cho ông phải trải qua chuỗi ngày mệt mỏi và hoảng sợ. Khi ông sắp không chịu nổi được nữa thì chỉ thấy ông đi đâu đó vài ngày, sau đó thì trở về. Thì ra là ông đã đi tìm thầy bùa để giúp ông chấn yểm oan hồn của vị phú hộ xấu số.

Vì là người đứng ra lo liệu đám ma cho nhà ông Toàn, ông Lý dễ dàng ghé thăm mộ của ông Toàn mà không sợ dị nghị, nghe lời của lão thầy bùa, ông đóng ba cái đinh sắt, mỗi cái dài ba tấc xuống nền đất ngôi mộ theo hình tam giác. Tiếp đến là một hình nhân được bện bằng cỏ cùng một đạo bùa với những kí tự được viết bằng máu, tất cả đem chôn xuống nền đất ngôi mộ. Ở nhà thì ông treo rất nhiều gương bát quái, những đạo bùa giấy dán khắp nơi. Từ đó ông không còn mơ thấy những cơn ác mộng đáng sợ đó nữa.

Ngoài những nỗi sợ hãi ấy thì ông còn một gánh nặng ở trong lòng cứ theo ông trong suốt mười năm qua, đó chính là về Mai và Bảo, là hai cô cậu quý tử của ông.

Mai là cô con gái đầu lòng của ông, cô rất giống mẹ tuy nhiên tính tình thì trái ngược, Mai nổi tiếng lẳng lơ, đam mê sắc dục. Người ăn ở trong nhà, chỉ cần là nam nhân thì đều bị cô lả lướt, thậm chí là ăn nằm, khiến cho ông Lý từng dùng quan hệ tống cổ mấy tên người ở không có mắt này vào trong tù. Nhưng như vậy thì cũng chỉ khiến cho người trong nhà e sợ. Vị tiểu thư lẳng lơ này lại còn thường dấu thân phận, đi ra ngoài hẹn hò với trai làng bên khiến cho ông cũng bất lực…

Cậu thiếu gia tên Bảo thì cũng không kém cạnh cô chị, khi cậu nhiễm cái thói đỏ đen. Thật hiếm khi thấy Bảo thiếu gia ở nhà, cậu thường biệt tích vài ngày, có đợt thì gần hai tuần không thấy mặt mũi của Bảo. Chỉ khi nào cậu trở về thì người ở biết chắc rằng cậu đã thua sạch tiền. Chỉ về cho có lệ rồi lại nghĩ cách lấy tiền của ông Lý rồi lại đi.

Nhìn cái cảnh của hai đứa con khiến cho ông Lý vừa giận vừa sầu. Cơ ngơi ông mất bao công sức gây dựng có lẽ sẽ lụi tàn sau khi ông chết đi.

Xem Tiếp Chap 2 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn