Thiên tài võ thuật Lý Tiểu Long: Cú đấm 1 inch huyền thoại và cái chết đầy bí ẩn

 Tài năng của Lý Tiểu Long đã được hàng tỷ người trên thế giới ngưỡng mộ và thừa nhận. Hơn 4 thập kỷ qua, “tuyệt đỉnh kung-fu” mà Lý Tiểu Long biểu diễn, cũng như cái chết đầy bí ẩn của ông vẫn luôn làm hậu thế trăn trở.

Trước sự chứng kiến của hàng nghìn khán giả, Lý Tiểu Long đã thi triển tuyệt kỹ ‘Nhất thốn quyền” - cú đấm ở khoảng cách dưới 3cm - nhưng lực công phá phi thường có thể hạ gục đối phương ngay lập tức. Đòn “Nhất thốn quyền” mạnh nhất của ông có thể đẩy một người nặng 150kg ra xa đến 5m.

Cao thủ karate Mỹ Ed Parker đã phải sửng sốt thốt lên: “Lý Tiểu Long là người duy nhất trong số 2 tỷ người trên trái đất hiện nay có thể làm được những điều anh ta nói”.

Lý Tiểu Long (27/11/1940 – 20/7/1973) là một diễn viên võ thuật nổi tiếng trong nền điện ảnh Hoa Kỳ, và là người sáng lập võ phái Triệt quyền đạo. Ông là một huyền thoại trong thế giới điện ảnh và võ thuật. Các bộ phim của ông luôn làm say mê khán giả nhiều thế hệ bởi những màn biểu diễn và giao đấu đẹp mắt, chân thực, đặc biệt không cần dùng đến một chút kỹ xảo nào.

Nhất thốn quyền: Tuyệt kỹ làm nên tên tuổi

Nhất thốn quyền là cú đấm xuất phát từ võ thuật Trung Hoa có tầm tấn công từ 0-15 cm. Lý Tiểu Long là người thành công nhất, và được biết đến nhiều nhất trên thế giới khi thực hiện cú đấm này. 

Tháng 8/1964, cao thủ karate Mỹ, Ed Parker ngỏ lời mời Lý Tiểu Long đến biểu diễn ở giải vô địch Karate quốc tế Long Beach, California. Tại đây, trước sự chứng kiến của hàng nghìn khán giả, ông đã thi triển công phu phi phàm của tuyệt kỹ ‘Nhất thốn quyền’.

Tay phải ướm lên trước ngực đối phương ở khoảng cách chừng 3 cm (1 inch), không cần lùi lại lấy đà, vậy mà lực từ cú đấm 1 inch của Lý Tiểu Long đủ khiến võ sinh karate ngã ngửa ra phía sau.

“Nhất thốn quyền” nguyên là kỹ thuật chiến đấu của Vịnh Xuân quyền: “Lấy ngắn thắng dài, chú trọng về tốc độ”. Nhưng để có được công phu như Tiểu Long về cả sức công phá và tốc độ ra đòn thì không phải ai cũng làm được.

Có người ví rằng, chịu một cú “Nhất thốn quyền” hoàn chỉnh cũng giống như cảm giác bị một quả tạ 60kg lao vào người.

Đương nhiên, Tiểu Long chưa từng thi triển hết sức mạnh của tuyệt chiêu này trước công chúng. Ông chỉ biểu diễn nó một chút, nhưng sức mạnh của nó đã khiến người ta phải kinh ngạc.

Vậy bí mật của chiêu thức này nằm ở đâu? Điều này luôn khiến các nhà khoa học đau đầu, bởi chỉ với khoảng cách chưa đầy 3cm, người ta sao lại có thể phát ra một lực lớn như vậy? 

Sau này, giới khoa học dùng máy đo để kiểm định thì cho thấy kết quả rất kinh ngạc: “Nhất thốn quyền” có lực tác động đến 69kg, một cú đấm hết cỡ với đà vung tay thoải mái có lực lên đến 147kg. 

Ngoài ra, điều làm nên sự nguy hiểm của “Nhất thốn quyền” không chỉ ở lực tác động, mà còn ở tốc độ ra đòn khủng khiếp. Nói về tốc độ, Tiểu Long chính là một trong những võ sư nhanh nhất thế giới. Trong 1 giây, ông có thể đánh ra gần 9 đòn.

Thành danh từ phim ảnh cùng với kỹ năng võ thuật siêu phàm, Lý Tiểu Long được xem là biểu tượng số 1 của võ thuật Trung Hoa thế kỷ XX.

Con đường cầu Võ đạo của Lý Tiểu Long

Lúc nhỏ Lý Tiểu Long có vóc người gầy yếu, cha ông muốn con trai trở nên khỏe mạnh nên đã dạy Thái Cực Quyền cho ông từ năm lên 7. Thời niên thiếu, Lý Tiểu Long sống trong gia đình khá giả, nhưng vì khu dân cư thường có những cuộc xung đột băng đảng tranh giành địa bàn, làm cho Lý Tiểu Long cũng ngày càng ham thích đánh nhau.

Năm 13 tuổi, cũng vì đánh nhau thua mà Lý Tiểu Long đến bái sư phụ Diệp Vấn làm thầy học võ, với mong muốn sẽ chiến thắng tại tất cả các trận tỉ thí đường phố.

Biết được tâm tính cậu học trò đặc biệt này, sư phụ Diệp Vấn đã dạy võ công thực chiến cho Lý Tiểu Long. Ông cũng thường được luyện tập với sư huynh Hoàng Thuần Lương, một người rất ưa thích thực chiến. Nhờ vậy trong 6 năm, ông đã tiến bộ rất nhanh, dù tuổi còn trẻ nhưng võ thuật đã rất cao.

Diệp sư phụ đã huấn luyện Tiểu Long theo cách “chiêu đối chiêu” - để tập phản xạ và sức chịu đựng. Cách này giúp ông mau thành tựu. Có một giai thoại khá thú vị - đã trở thành nền tảng cho triết lý võ thuật nổi tiếng của ông, đó là: “Be like water” (Hãy như nước).

Lý Tiểu Long đã viết trong tài liệu võ thuật của mình về những giáo huấn của tiên sinh Diệp Vấn: “Hãy thả lỏng người ra, làm cho tư duy của con lạnh lùng trở lại, hãy quên đi bản thân, đối phương không động thì ta không động, nếu đối phương động thì ta phải động trước”

Thì ra là vậy”, tôi nghĩ, “Ta phải thả lỏng!”. Tôi làm theo lời chỉ bảo của sư phụ, nhưng càng gò ép bản thân thả lỏng, thì ý thức của tôi càng căng thẳng hơn, càng khó đạt được thả lỏng thực sự. Đúng lúc tiến thoái lưỡng nan, sư phụ lại nói với tôi: “Tiểu Long, hãy thuận theo tự nhiên, không được gò ép, không được đi vào chỗ bế tắc, biến tắc thành thông. Tuần này không cần phải tập nữa, hãy chịu khó về suy nghĩ đi”.

Theo lời, tôi ở nhà nghỉ một tuần… tìm tòi nhưng vẫn không tìm được lời giải đáp, tôi liền lên thuyền ra biển dạo chơi… Tôi đập mạnh xuống nước biển để xả nỗi bực tức trong lòng, lúc đó bỗng nhiên tôi nhận ra rằng:

Bản chất của võ thuật chẳng phải giống như nước hay sao? Ta đánh nó, nó không hề bị thương, ta lại dốc sức đánh nó, nó cũng chẳng mảy may bị thương tổn. Ta định bắt lấy nó, nó lại hiện ra như không có lực. Nước – vật chất nhỏ yếu nhất trên thế giới này, nhưng lại có thể chứa đựng bất cứ thứ gì, xem ra nhỏ bé không đáng kể gì, nhưng lại có thể xuyên qua vật cứng nhất trên thế giới này mà bản thân không hề bị tổn thương nào – Đó chính là ranh giới mà ta muốn vươn đến.

Võ công truyền thống ngoài việc xây dựng nền tảng nội lực lâu dài ra, thì còn đòi hỏi người học phải “ngộ” được “nội hàm” để có thể đạt đến tầng thứ cao hơn. Do đó, người luyện võ không chỉ cần có tố chất thân thể, mà còn phải có ngộ tính tốt, để cảm nhận nội hàm thâm sâu hơn của Võ đạo.

Lý Tiểu Long không chỉ là người đam mê võ công thực chiến, mà còn có ngộ tính khá tốt. Mặc dù chỉ thông qua một câu điểm hóa của sư phụ mà ông đã ngộ ra võ lý quan trọng từ Nước, và hiểu được nguyên tắc phát lực của Cương Kình - một loại kình lực căn bản quan trọng của võ công truyền thống. 

Năm 1959, tức năm ông 19 tuổi, sau 6 năm khổ luyện Vịnh Xuân quyền, cha mẹ Lý Tiểu Long đã gửi con sang San Francisco, nước Mỹ. Ở đây, ông vừa đi học vừa dạy võ ở trường, bắt đầu sự nghiệp võ thuật của mình trên đất Mỹ. 

Không lâu sau, ông trở nên nổi tiếng và tham gia diễn xuất. Cũng từ đó, tên tuổi Lý Tiểu Long ngày một vang xa, ông trở thành diễn viên lừng danh thế giới với các màn biểu diễn võ thuật trên phim đầy đẹp mắt, chân thực, mà không dùng chút kỹ xảo nào.

Đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp, ngày 20/7/1973, thế giới chấn động khi hay tin huyền thoại Lý Tiểu Long qua đời đột ngột với nguyên nhân là “tai nạn bất ngờ” - do bị phù não. Tuy nhiên, một người võ thuật cao cường như Lý Tiểu Long không thể “chết lãng xẹt” như vậy, và kết luận này không thuyết phục được người hâm mộ cũng như giới võ thuật. Vì thế, đã nảy sinh những suy đoán quanh bí ẩn cái chết Lý Tiểu Long.

Những suy đoán quanh cái chết bí ẩn của Lý Tiểu Long

1.Luyện võ kết hợp thể hình - Lợi bất cập hại

Sau nhiều năm luyện võ thực chiến, thân thể Lý Tiểu Long đã đến giới hạn cần đột phá. Năm 1965, ông thay đổi cách tiếp cận và dựa theo cách tập thể hình để tạo ra chương trình riêng cho mình.

Chương trình tập luyện Weight training mà Lý Tiểu Long sử dụng nhấn mạnh vào cánh tay. Tại thời điểm đó, ông tập bo tay trước có trọng lượng tương đương 32 đến 36 kg mỗi tay.

Lý Tiểu Long luôn thử nghiệm các bài tập hàng ngày để tối đa hóa thể chất của mình và đẩy cơ thể tới giới hạn chịu đựng. Ông sử dụng nhiều bài tập khác nhau, bao gồm cả nhảy dây, các bài tập bụng, cử tạ và đạp xe. Ông còn thực hiện các bài tập để tôi luyện nắm đấm của mình.

Lý Tiểu Long sau đó đã tổng hợp tất cả kiến thức sở trường của mình, kết hợp một số môn phái ông từng học qua mà lập ra Triệt Quyền Đạo - gây tiếng vang lớn tại Giải thi đấu Karate quốc tế Mỹ năm 1967. 

Theo đó, Lý Tiểu Long mời nhà vô địch karate người Mỹ là Vic Moore thử ngón đòn này và khiến Moore phải bái phục. Đây cũng là lý do truyền thông Mỹ hết lời ca ngợi Lý Tiểu Long.

Lý tưởng của Triệt Quyền Đạo là khiến cho người tập có thể đạt trình độ cao ngay sau thời gian ngắn tập luyện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng sự thay đổi trong cách luyện võ của Lý Tiểu Long lại có thể là con đường làm ông suy hao cơ thể nhanh chóng, vì nó hoàn toàn ngược lại với võ công truyền thống. 

Võ công cổ truyền từ bậc trung cấp trở lên chú trọng luyện khí - tập trung ở bụng dưới (đan điền) để phát triển nội công, chứ không phải chú trọng hình thức phát triển cơ bụng. Dĩ nhiên cơ bụng của võ giả sẽ phát triển rất mạnh mẽ do quá trình khổ luyện. 

Còn luyện tập cơ bắp kiểu thể hình một cách quá đà, sẽ gây ra nhiều nội thương khó chữa, cũng như làm cơ thể lão hóa nhanh chóng. Vì võ học thoát thai từ văn hóa cổ, vốn trọng sự hài hòa và trường cửu, nên nếu luyện võ đúng đắn thì càng luyện càng sống thọ và nội lực càng sung mãn.

Ví dụ như các đại danh sư võ học ngày xưa đến 80 tuổi nội công vẫn sung mãn, trong khi đó các võ sĩ hiện đại như MMA hay quyền anh thì đến 40 tuổi là cơ thể đã bắt đầu suy thoái. Thậm chí, một số võ sĩ nổi tiếng còn bị bệnh khá nặng do di chứng chấn thương.

Cái ‘Đạo của nước’ mà Lý Tiểu Long ngộ được năm 17 tuổi đem đến cho ông “Nhất Thốn Quyền” lừng danh. Nhưng sau đó, còn cần phải theo sự chỉ dẫn của sư phụ khổ luyện tâm thân thì mới có thể bước lên tầng cao mới. 

Phải chăng vì thế mà việc luyện võ kết hợp thể hình của Lý Tiểu Long đã khiến ông: Thành tựu thì nhanh, vận mệnh thì chóng?

2.Đại quan sắc dục

Võ công truyền thống trọng đức, đề cao sự phát triển hài hòa và lấy sự hòa nhập vào Đại Đạo của vũ trụ làm mục tiêu tối cao, từ đó mà đạt được Chân Võ, Chân Đạo. Vì thế, lối sống phóng túng và đam mê sắc dục là điều cấm kỵ đối với đệ tử chân chính, vì nó sẽ làm dao động Đạo Tâm, cơ thể suy nhược, khiến họ không thể đạt tầng thứ cao hơn.

Vốn là người có ý chí mạnh mẽ và ngộ tính tốt, nhưng Lý Tiểu Long lại không coi trọng tử quan này. Thời thanh niên, ông trải qua nhiều mối tình chớp nhoáng với các người đẹp, mỗi cuộc tình có khi chỉ kéo dài trong vài tháng rồi lại chia tay.

Sau khi nổi tiếng, Lý Tiểu Long lại càng thể hiện sự đào hoa. Ở Hồng Kông, tin đồn về các cuộc tình của ông luôn là đề tài nóng bỏng cho báo chí khai thác.

Xét về khía cạnh luyện tập công phu võ thuật, thì hai quả thận là nơi sinh tinh, là phần quan trọng cần phải bảo tồn nếu muốn luyện công có kết quả. Trong khi đó, sắc dục lại khiến người luyện võ tổn hao tinh lực, giảm khả năng tập trung. Nếu cứ cố luyện công phu trong trạng thái như thế, nhẹ thì tổn thương thân thể, nặng thì bệnh tật, đột tử. 

Năm 1970, ông từng bị chấn thương nặng ở thắt lưng trong khi tập luyện, suýt nữa khiến ông phải rời bỏ điện ảnh và võ thuật vĩnh viễn, phải chăng là vì điều này?

Ngày 20/7/1973, Lý Tiểu Long lại đột ngột qua đời trên giường của người tình là nữ diễn viên Đinh Bội, khiến giả thuyết về việc ông đột tử do phóng túng bản thân vào chuyện tình cảm cũng vì thế mà được đưa ra.

3. Bị ám sát bằng tuyệt kỹ “Cú chạm tử thần”

Năm 1985, tạp chí Black Belt đã đăng bài viết với tiêu đề “Đòn chí mạng Kung Fu” của Jan Hallander, lý giải rằng Lý Tiểu Long có thể là nạn nhân trong một cuộc thách đấu.

Lý Tiểu Long chưa từng từ chối bất cứ lời thách đấu nào và nhiều lần khiến đối thủ phải “muối mặt” trên võ đài. Trong khi đang quay “Trò chơi tử thần” -  bộ phim cuối cùng của mình, ông đã nhận lời thách đấu của một người đàn ông đứng tuổi lạ mặt - chỉ hai tuần trước khi ông qua đời.

Theo nhiều nhân chứng, Lý Tiểu Long đã bị đối phương tung một đòn trời giáng vào đầu và bất tỉnh trong chốc lát. Nhiều người tin rằng, ông đã bị trúng “Cú chạm Tử thần” hay còn gọi là “Điểm huyệt hẹn giờ chết”; và người đàn ông kia là một cao thủ của Hội Tam Hoàng được phái đến để triệt hạ Tiểu Long.

Phải chăng cú đánh này đã âm ỉ phá hủy hệ thần kinh và dẫn đến việc Lý Tiểu Long bị phù não - như kết luận của các bác sĩ pháp y đưa ra? Một điều khá trùng hợp là sau khi chết, não của Lý Tiểu Long to hơn người bình thường 175g.

Trong giới võ lâm, người ta gọi tuyệt chiêu này là “Đả huyệt thương địch công” (Điểm huyệt hẹn giờ chết). Cơ thể người có 36 huyệt cực kỳ nguy hiểm, nếu đánh trúng có thể gây tử vong.

Do đó, tuyệt chiêu này tưởng chừng vô hại nhưng lại âm ỉ tàn phá cơ thể của đối phương sau vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng và dẫn đến tử vong mà không có biểu hiện báo trước.  

Dù cho “Cú chạm tử thần” hay Điểm huyệt hẹn giờ có vẻ liên quan khá mật thiết với cái chết của Lý Tiểu Long, nhưng đó vẫn chỉ là một trong số rất nhiều giả thuyết được đưa ra. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân thực sự đằng sau cái chết bí ẩn này của ngôi sao võ thuật lừng danh này.

Lời kết:

Trung Hoa cổ đại với nền văn minh 5.000 năm đã để lại nhiều di sản quý giá, võ công chính là một trong những di sản như thế. Thế giới vẫn hoàn toàn mù mờ về môn nghệ thuật này của người Hoa, cho đến một ngày Lý Tiểu Long xuất hiện.

Cũng cần biết rằng, tinh hoa võ học phương Đông rất cao thâm, mầu nhiệm, những gì chúng ta thấy được chỉ là một phần nhỏ của nó; cũng như Lý Tiểu Long cũng chỉ lĩnh hội được một phần công phu của sư phụ ông là Diệp Vấn tiên sinh.

Nhưng cần công nhận rằng Lý Tiểu Long hội tụ các yếu tố để trở thành ngôi sao võ thuật nổi tiếng nhất, là thần tượng của vô số khán giả các thế hệ. Thậm chí, nói đến kung-fu, hay võ thuật Trung Hoa, người ta chỉ biết đến Lý Tiểu Long như một biểu tượng sáng chói.

Đáng tiếc là ông ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ và đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp, để lại sự nuối tiếc khôn cùng cho người hâm mộ.

Tham Khảo ntdvn

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn