Truyện Ma "Quỷ Nhảy Xác" Chap 66

 Quỷ nhảy xác 66

Chap 66: Bí mật
Tác giả: Hà Dương(Phú Dương)

Xem lại Chap 64 và 65 : Tại Đây

Bà Tâm vội vàng bước theo chân của bà điên đi về phía ngôi nhà hoang tàn ấy. Tuy nhiên đi đến cửa bà điên dừng chân lại. Bà tiến vào góc trái, lấy ra một cục đá gõ gõ lên trên bức tường mục nát gọi: thầy đồ Trương...ăn thôi...dậy ăn thôi.

Nói rồi bà điên lại đọc bài đồng dao ban nãy, đoạn bà chia chiếc bánh làm hai phần, đặt một phần trước cửa, một phần bỏ vào miệng nhai ngon lành.

Bà Tâm tiến lại gần chỗ bà điên gọi: em...đi với chị Khiên nhé.

Bà điên ngẩng mặt nhìn bà Tâm lại cười gật đầu: nhưng chị đừng bỏ em lại cơ.

- Đi...chị không bỏ em. Đi cùng chị!

Bà Tâm đưa bà điên về lại sân đình làng Phương Lôi. Thấy bà điên lý trưởng sợ phiền hà liền lớn tiếng đuổi: này...này...chỗ này là chỗ nào mà bà đến đây hả? Mau đi đi.

Bà Tâm liền ngăn lại: là tôi dẫn bà ấy lại đây đấy. Ông đừng hung dữ kẻo bà ấy sợ.

Bà điên đúng là sợ ông lý trưởng. Người bà run lẩy bẩy, bà túm lấy vạt áo của bà cả Tâm rồi nép người đứng đằng sau bà cả Tâm.

Bà Tâm thấy bà điên sợ hãi, sợ bà ấy hoảng loạn sẽ quên mất mọi chuyện liền quay lại mỉm cười hỏi: em...chị Khiên sẽ bảo vệ em...em đừng sợ! Đừng sợ nhé!


Bà điên nghe giọng nói nhẹ nhàng của bà Tâm dần dần lấy lại bình tĩnh. Tuy nhiên lâu lâu mắt bà cứ len lén nhìn về phía lý trưởng dò xét.

Bà Tâm liền kể lại sự việc và bài đồng dao cho quan tri phủ nghe. Lúc nghe hết bài đồng dao chính quan tri phủ cũng phải đứng bật dậy vì ngạc nhiên. Ông lẩm nhẩm đọc lại bài đồng dao một lần, đoạn ông lên tiếng phân tích: nếu như nội dung bài đồng dao này là đúng thì cô Khiên kia đã bị lừa gả cho một người tên Cảnh, người này là cậu cả của nhà địa chủ làng Thượng, còn bị khờ. Sự việc bại lộ nên đã bị đánh, thậm chí mất mạng, nhà gái không cần trả lại lễ vật. Cái này phù hợp với luật lệ vua Gia Long đã ban ra về cưới hỏi. Nhà trai đã lừa hôn nên bị nhà gái cáo trạng. Luật hôn nhân những năm ấy rất gắt gao về lừa hôn nên sẽ bị phạt rất nặng, chịu 80 đại bản. Nếu người yếu bị đánh tới 80 đại bản là sẽ máu thịt bầy nhầy; có người bị chết ngay khi đang phạt trượng.

Ông ngưng lại vài giây, vuốt râu rồi lại nói tiếp: kể ra thì hợp lý đấy, nhưng mà hai câu cuối thì sao chứ:"Bên dâu về tới tổ tông
Chặt đầu, phóng hoả xác chồng lên nhau"
Luật pháp không hề xử tội nhà gái trong trường hợp này. Vậy thì tại sao nhà gái lại bị chết; còn là chặt đầu, phóng hoả?

Quan tri huyện hỏi con cháu nhà hương trưởng: mấy người lão niên ở làng, có thấy mấy vùng xung quanh đây có gia đình nào bị chặt đầu phóng hoả thiêu hay chưa? Hoặc có thấy vụ án nào liên quan tới nhà Tây Sơn chứ?

Họ đồng loạt lắc đầu không biết bởi vì nếu án nhà Tây Sơn thì đã sớm bị xoá sổ, dân chúng dám bàn tán sẽ bị khép tội chống đối triều đình. Những người đó hoặc bị đày đi châu xa hoặc bị xử chết, hơn nữa là xử chém tập thể.

Manh mối đứt gãy từ đây.

Bà cả Tâm quyết định đưa bà điên về chăm sóc. Bà tin rằng người phụ nữ này có thể sẽ nhớ lại được chuyện quá khứ.

Bà điên được tắm gọi sạch sẽ, tóc tai buộc gọn gàng, quần áo thay mới. Lúc bà ấy nhìn thấy mình ở trong gương thậm chí còn hét lên bởi giật mình. Bà cả Tâm vẫn đóng vai chị Khiên để có thể tìm hiểu thêm thông tin về Cậu Cảnh đồng thời bà cũng đi dò la tất cả tin tức về người con trai địa chủ tên là Cảnh. Lạ thay, trong làng hoàn toàn không một ai biết thông tin về cậu Cảnh.

Bà điên vẫn ngày ngày đọc đi đọc lại bài đồng dao ấy. Cả ngày bà ấy ru rú trong góc nhà không muốn tiếp xúc với ai. Chỉ khi bà Tâm về bà ấy lại lon ton như một đứa trẻ, đi đằng trước, kéo đằng sau một câu chị Khiên, hai câu chị Khiên.

Bà cả suy tính muốn đưa bà điên lên núi gặp thư sinh để chữa bệnh. Đáng tiếc họ còn chưa kịp thực hiện ý định thì bà ấy lại đột ngột bị lên cơn co giật. Lúc bà cả Tâm chạy tới đã thấy bà điên cắn trúng lưỡi mà ngã lăn ra đất, máu trào ra ở miệng. Bà cả vội lật nghiêng người bà điên, vỗ lưng cho máu chảy ra ngoài, không bị chèn vào phổi.

Thằng Thẹo cuống quýt hô ầm ĩ cả nhà.

May mắn cho bà điên, đúng lúc ấy có cậu Tư về thăm Đài nên kịp thời cầm máu cứu bà điên một mạng.

Bà cả nghĩ lại cảnh tượng bấy giờ mà tay chân còn run rẩy. Tư sau khi giúp cầm máu vết thương cho bà điên mới trấn an: bà yên tâm, bà ấy không sao, cũng may bà nhanh trí để bà ấy nằm nghiêng máu chảy ra khe miệng cứu sống được bà ấy. Nếu như chậm một chút máu tràn vào phổi chắc chắn sẽ chết.

Hai ngày sau, bà điên bị sốt rất cao nhưng hoàn toàn không co giật. Nhờ thuốc của Tứ bà ấy từ từ tỉnh lại. Đáng tiếc sau khi trải qua cơn thập tử nhất sinh bà điên mất hoàn toàn trí nhớ. Bà ấy không biết mình là ai, cũng không gọi bà Tâm là chị Khiên. Bà ấy cả ngày mơ mơ màng màng cũng chẳng nói chẳng rằng.

Gia đình thầy Lang Kha cũng đánh tiếng tới hỏi cưới cô Đài cho con trai. Bà cả Tâm không phản đối cũng không nhận lời. Bà muốn để cho cả hai tự tìm hiểu, nếu như hai bên đều ưng ý nhau thì bà thuận theo con gái.

Ngay lập tức nhà thầy lang Kha mang trầu cau sính lễ qua xin cưới. Nhận được cái gật đầu đồng ý, chúc phúc của mẹ, Đài hạnh phúc thuận lòng gả cho Tư và sẽ chuyển về kinh đô Huế sinh sống cùng gia đình chồng.

Bà điên vẫn thẫn thờ, ngây ngô cả ngày. Ngày ngày bà ngồi trong nhà ngóng ra cửa như thể chờ đợi một điều gì đó. Vậy nhưng đúng vào ngày nhìn thấy trong nhà chuẩn bị đám cưới thì tinh thần bà điên trở lên hoảng loạn. Bà ấy chạy tới gọi bà cả Tâm: chị Khiên, chạy đi, đừng gả....cậu Cảnh xấu lắm...cậu Cảnh xấu lắm...còn cả...còn cả cậu hai nhà họ nữa...cậu hai xấu xa.

Bà Tâm ôm lấy bà điên cho bà ấy bình tĩnh lại rồi hỏi: rốt cuộc cậu hai là ai? Em biết cậu hai đúng không? Nói cho chị biết cậu hai được không?

- Giết...giết người...chết người...chết người rồi...chạy đi...chết người...chạy đi chị Khiên ơi

Bà điên cứ lặp đi lặp lại rồi bỏ chạy khỏi nhà bà cả Tâm. Thằng Thẹo phải nhốt bà ấy vào trong phòng tránh bà ấy làm ảnh hưởng tới việc trọng đại của cô Đài.

Lúc nhà trai trên đường tới nhà gái, có người chạy tới hô lớn: cháy nhà rồi...cháy nhà rồi...cháy...

Tứ vội hỏi: chuyện gì vậy? Cháy ở đâu?

- Nhà cụ lý trưởng cháy rồi.

Cụ lý trưởng đã mất, ngôi nhà ấy hiện tại chỉ có con dâu và cháu trai cụ lý trưởng sinh sống. Mẹ con cậu Phúc sau khi thuỷ táng tro cốt của quan tri huyện đã dọn về ngôi nhà lớn của cụ lý trưởng ở lại đó. Ngôi nhà ấy không hiểu tại sao lại gặp hoả hoạn.

Ánh mắt Tứ hoang mang nhìn về thầy bu. Thị Kha liền đáp: để đó có người dân tới cứu, con hôm nay đi hỏi vợ, đừng nhúng tay vào chuyện không may mắn ấy.

- Mẹ, con là thầy thuốc, phải tới xem có ai làm sao không, cứu người...phải cứu người trước...chuyện còn lại tính sau.

- Ơ kìa...

- Mẹ nói với Đài giúp con...con tới cứu người...

Nói rồi Tứ bỏ lại cả đoàn người tức tốc chạy theo hướng nhà cụ lý trưởng.
Thầy Lang Kha cũng lập tức chạy đi cùng con trai. Ông bảo vợ: bà thay mặt tôi với cậu Tư tới nói chuyện trước, mong gia đình bà địa chủ thông cảm. Tôi đi cứu người trước.

Thị Kha cùng mấy người họ hàng hai bên đứng đực mặt ra chẳng biết nên làm gì. Thị Kha tức tối: trời ơi, nhà con gieo tội gì mà ngày trọng đại còn dang dở thế này hả trời ơi! Rồi mình tôi làm sao mà nói chuyện với người ta được?

Hai cha con Tư chạy tới nhà cụ lý trưởng thì người dân đã tập trung rất nhiều cùng nhau dập lửa. Mẹ con cậu Phúc và mấy gia đinh đã được đưa ra ngoài. Thật may mắn nhà họ bị cháy nhà còn người đều được cứu. Tuy nhiên hai mẹ con cậu Phúc cùng mấy gia đinh bị bỏng khá nặng. Thầy lang Kha cùng con trai nhanh chóng sơ cứu cho người bị thương.

Đám hỏi của cô Đài cũng bởi vậy mà bị dời lại. Đài không trách gia đình Tư lỡ giờ tốt, ngược lại cô còn ủng hộ quyết định của cậu. Hai gia đình nhanh chóng nói chuyện bàn ngày chính thức dẫn dâu. Đám cưới được dự tính đầu tháng 8 tới, nghĩa là chỉ còn cách một tháng nữa để chuẩn bị.

Sở sĩ bà chọn ngày cưới đầu tháng tám là do vẫn canh cánh trong lòng lời con quỷ kia từng nói. Nó khẳng định rằm tháng tám sẽ tới lấy mạng của bà. Lo sợ chuyện không hay, chẳng thà bà gả con gái đi sớm một chút, biết đâu Đài được nhờ phúc phận của nhà chồng.

Tối hôm ấy, bà điên không chịu ăn uống, cứ la hét đòi chị Khiên và yêu cầu chị Khiên trốn đi, không được làm đám cưới. Bà cả Tâm vào phòng, ôm lấy bà điên vỗ về. Bà điên bật khóc thút thít nói: chị...sao lại gả cho cậu Cảnh?

- Chị không gả cho cậu Cảnh...an tâm đi.

Bà điên lại giật mình đẩy bà Tâm ra, vẻ mặt đầy hoang mang, lo sợ:

- Chị... cậu hai...cậu hai... trả thù ..trả thù chị đấy. Hắn ta sẽ trả thù...không...chạy trốn...chạy đi chị ơi.

- Cậu hai sẽ làm gì?

- Chặt đầu... chặt đầu...cháy...cháy nhà.

- Ai chặt đầu? Là ai đã chặt đầu?

- Quan tri huyện...quân lính chặt đầu người.

- Quan tri huyện Gia Viễn?

Bà điên nghe tới đó sợ hãi ôm lấy người bà Tâm. Toàn thân bà ấy đã run rẩy. Bà cả Tâm liền tiếp tục hỏi: em cho chị biết, cậu hai tên gì?

- Cậu Cảnh..cậu Cảnh.

Bà cả Tâm suy nghĩ: sao cậu cả là cậu Cảnh mà cậu hai cũng là cậu Cảnh? Không lẽ Cảnh là họ chứ không phải tên ư? Ở làng Thượng này làm gì có ai họ Cảnh chứ? Chuyện này rốt cuộc là sai ở đâu?

Ngày hôm sau, quan tri phủ tới làng Thượng gặp bà địa chủ. Ông cho người điều tra và bất ngờ phát hiện ra thông tin năm Gia Long thứ 2 từng có một gia đình tổng cộng mười sáu người bị tố cáo là tay sai nhà Tây Sơn. Những người này đều là người dân từ huyện Gia Viễn, phủ Yên Khánh, chạy trốn sang phủ Thiên Quan thì bị bắt. Tất thảy tội phạm liên quan đến nhà Tây Sơn đều bị xử tội chết chém cả nhà. Gia đình đó không ngoại lệ. Theo tàng thư bên Thiên Quan ghi chép lại vụ án ấy nhưng không ghi tên người chết vì họ không phải người dân phủ Thiên Quan.

Bà cả Tâm nhíu mày: vậy thì bên phủ Yên Khánh phải ghi chép lại chứ? Đây là người dân thuộc phủ. Sao lại không có thông tin?

- Có điều theo bản quan được biết, cả mười sáu người nhà đó đều chết hết, không còn một ai sống sót. Nó cũng tương ứng với 16 ngôi mộ ở sau vườn nhà bà Khiên bên làng Phương Lôi.

- Nói như vậy thì cậu Chính kia là ai? Có liên quan gì tới nhà họ hay không? Có phải chúng ta đang đi sai hướng rồi?

Thằng Việt nghe chuyện, nó lặng lẽ đứng lên lục tìm trong tay nải đưa cho bà cả Tâm một cái hộp nhỏ. Giọng nó run rẩy: bà địa chủ...có thể cái này sẽ giúp được bà.

Bà cả mở hộp ra, bên trong là một người gỗ. Trên người gỗ khắc chữ Hoàng Thị Khiên, ngày mất: năm Gia Long thứ 4. Bà sửng sốt: nếu là cô Khiên bị chém cả nhà năm Gia Long thứ 2 thì sao trên người gỗ lại ghi cô ấy chết năm gia Long thứ 4? Cụ Trác chắc chắn sẽ không thể nhớ nhầm năm cô Khiên mất bởi cụ ấy là thầy pháp.

Thằng Việt bấy giờ mới lại lên tiếng: vâng, ông nội không nhớ nhầm, bà Khiên ấy không phải bị chết năm Gia Long thứ hai, cũng không phải chết chém hay bị thiêu chết. Bà ấy là bị thả trôi sông mới chết.

Xem Tiếp Chap 67 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn