Truyện Ma "Quỷ Nhảy Xác" Chap 69

 Quỷ nhảy xác

Chap 69:
Tác giả: Hà Dương(Phú Dương)

Xem Lại Chap 68 : Tại Đây

Quan tri phủ nghe lão Giản nói vậy thì thở dài: ngươi bảo bản quan kết án xong liệu cậu Chính kia còn tiếp tục đến tìm bản quan trả thù nữa không?

Lão Giản nghe tri phủ nói vậy thì trầm lặng không nói gì. Rõ ràng bọn họ biết nhân vật tự xưng là cậu Chính kia vẫn là một bí ẩn. Họ đã tìm kiếm rất nhiều đều không tìm ra tung tích của hắn.

Hôm trước sau khi nghe chuyện về cô gái tên Khiên kia, quan tri phủ cũng lập tức cho người về tìm kiếm thông tin về vụ án Tây Sơn của nhà họ Hoàng. Tàng thư không ghi chép đến vụ án này, chứng tỏ có kẻ đã cho xoá sạch mọi thông tin, không để lại bất cứ chút dấu vết nào. 

Có thể có hai nguyên nhân để giải thích: một là án đó liên quan đến nhà Tây Sơn thật và những dấu tích của Tây Sơn đều không ai ghi chép lại; lý do thứ hai thực sự là một án oan. Nếu là án oan thì người lệnh trảm nhà họ chính là tội đồ. Kẻ đó không ai khác lại chính là cha hắn, bởi lẽ thời gian đó cha hắn được cử về làm tri huyện Gia Viễn. Ông ta mới nhận chức, xông xáo trong mọi việc để được triều đình ghi nhận và là cách chứng tỏ bản thân mình.


Nếu tính theo thời gian lúc đó, hắn còn chưa ra đời nên mọi chuyện hắn đều không thể điều tra. Cha mẹ hắn cũng lâm trọng bệnh mà qua đời cách đây cả mấy năm trời nên hắn muốn hỏi cũng chẳng thể nào hỏi chuyện được.

Nghĩ tới cha mẹ, đột nhiên quan tri Phủ đứng sững dậy. Hắn chạy nhanh về phòng lục tủ tìm lại những ghi chép của mẹ hắn trước kia. Mẹ quan tri phủ là Thị Mai, vốn là người con gái xinh đẹp, giỏi giang nhất huyện Gia Viễn thời bấy giờ. Sau khi gả cho quan tri huyện Gia Viễn đã giúp đỡ chồng không ít lần phá án nên cũng được thăng quan tiến chức lên làm quan tri phủ. Có điều sau đó do lâm bệnh nặng, cha hắn cáo lão về quê nghỉ ngơi. Hắn cũng dựa vào quan hệ của cha, lại kèm thêm trời phú trí thông minh nên đường công danh cũng rạng ngời, được làm tới chức tri phủ Yên Khánh.

Thấy chồng lục lọi tìm đồ phu nhân Giai Yến liền thắc mắc: lão gia tìm cái gì vậy? Sao tự nhiên lại lục tung hết thư phòng lên thế?

- Tôi nhớ trước lúc mất bu có để lại một cuốn sách ghi chép lại những chuyện xảy ra trong huyện Gia Viễn. Tôi cần tìm nó có việc.

Phu nhân chẹp miệng mấy cái liền gọi: lão Giản...lão Giản đâu...mau giúp lão gia tìm đồ kìa.

- Được rồi! Tôi đang hỏi bà đấy. Bà có thấy mấy cuốn sách ấy không?

- Cái đó tôi không để ý. Mọi việc trong phủ toàn do lão Giản sắp xếp. Ngày làm lễ cắt tang cho thầy bu hình như mọi thứ đều đốt hết cho thầy bu rồi cơ mà.

Quan tri phủ nhớ rằng còn một ít sách cũ không hề bị đốt ngày hôm ấy. Ông biết mẹ ông khi còn sống thích nhất là vẽ truyện trong dân gian. Bà xuất thân trong gia đình làm nghề buôn gạo, nhưng rất tài hoa, học hành giỏi giang lại còn vẽ rất đẹp. Bà thích vẽ lại những chuyện mình thấy. Ông hi vọng trong những cuốn sách bà vẽ ấy có khi nào có chuyện xảy ra ở làng Thượng.

Mặc dù mọi bằng chứng đều đang nhắm tới nhà địa chủ Tâm, vật chứng, nhân chứng đều đầy đủ nhưng suy cho cùng bà Tâm không có động cơ giết người nên chắc chắn chuyện này sẽ còn có ẩn tình bên trong. Khi nãy bà địa chủ Tâm đã từng cảnh cáo ông về cậu Chính. Ông cũng biết vụ án xưa kia có liên quan tới cha mình. Vậy nên nhất định nếu là hậu nhân còn sót lại của họ Hoàng kia sẽ không buông tha cho ông. Dù cho có hạ lệnh trảm cả nhà bà địa chủ Tâm đi chăng nữa thì gia đình ông cũng không thể thoát khỏi sự trả thù của nó.

Lão Giản bấy giờ cũng chạy đến thư phòng giúp quan tri phủ tìm sách. Ông thắc mắc: tự nhiên lão gia tìm sách cũ làm gì chứ?

- Bản quan muốn tìm hiểu chuyện của làng Thượng, chuyện nhà họ Hoàng. Hơn nữa còn một chuyện bản quan muốn biết rốt cuộc vụ án năm xưa có thực là án oan hay không?

- Lão gia...quan lớn...tri phủ đại nhân ơi...giờ là giờ nào rồi mà người còn tìm hiểu chuyện ấy. Vậy nếu như giải thiết rằng bà Tâm kia là hung thủ thực sự, có khả năng nào bà ấy cũng là hậu nhân của họ Hoàng không? Chẳng phải lúc trước có nói rằng người phụ nữ tên Khiên có thai sao?

Quan tri phủ tức giận quát: nhà ngươi ăn nói vớ vẩn cái gì vậy? Năm Gia Long thứ tư thì bản quan còn chưa ra đời, bà Tâm kia làm sao là hậu nhân của người đàn bà đó được chứ?

Chợt tri phủ nhíu mày nhìn chằm chằm về phía lão Giản rồi thở dài: được rồi, không tìm nữa. Nhà ngươi chuẩn bị sắp xếp cho bản quan chuẩn bị thăng đường xử án. Vụ án này đã bị truyền ra khắp phủ, chẳng mấy chốc lên tận kinh thành. Chúng ta phải nhanh chóng điều tra xử án còn báo cáo lên quan trên.

Lão Giản lập tức vâng lệnh đi chuẩn bị. Tri phủ nhìn lại thư phòng rồi cũng đóng cửa ra ngoài. Ông không về phòng mà đi thẳng sang phòng của pháp sư Tịnh Văn để trao đổi về vấn đề của địa chủ Tâm và những điều nghi vấn ông giấu trong lòng.

Thầy Tịnh Văn trên tay cầm một quả cầu đủ màu sắc, đưa cho quan tri phủ xem: quan lớn mau nhìn xem thì sẽ hiểu mọi chuyện thôi.

Quan tri phủ lập tức nhìn chằm chằm vào trong quả cầu. Trong đầu ông bất chợt hiện lên những hình ảnh mơ hồ. Trong ấy ông lại thấy rõ cha mình đang ra lệnh cho quân lính phóng hoả thiêu cháy một ngôi nhà lớn. Phía trong nhà không hề có người chạy ra. Hình ảnh hiện lên, xác chết chồng lên nhau, tất thảy đều không có đầu.

Những hình ảnh mơ hồ khiến cho tri phủ đại nhân sợ toát cả mồ hôi. Ông lắp bắp: chuyện...chuyện này...sao...sao...sao bản quan lại thấy chứ? Thực ra đây ...đây là...thảm sát...chặt đầu...

- Phải! Là do thảo dân đã dùng linh lực chiếu di hồn ảnh của cha ngài cho ngài nhìn rõ sự việc năm ấy. Ông ta quả thật đã sai người thảm sát gia đình họ Hoàng, chặt đầu mười sáu người xong phóng hoả thiêu rụi ngôi nhà ấy.

- Nhưng là họ liên quan tới nhà Tây Sơn. Họ là quân phản tặc triều đình truy sát.

Quan tri phủ đấm ngực mấy cái, dường như cảm giác khó chịu lại hiện lên. Ông rót chén nước uống liên tục rồi thở phì phò: chuyện này... là do họ..họ là tay sai nhà Tây Sơn, là phản tặc nhà Tây Sơn mà ra.

Thầy Tịnh Văn thở dài: quan lớn...ngài muốn tìm tất cả thông tin vụ án năm xưa chứ?

Quan tri phủ nghe pháp sư Tịnh Văn nói vậy lập tức gật đầu: bản quan thực sự muốn biết chuyện ấy. Có cách nào hay không? Bản quan vì nó mà mất ăn mất ngủ bao nhiêu ngày tháng qua. Hôm nay bản quan mới tới thư phòng mong tìm được sách sách cũ có ghi chép lại chuyện năm ấy.

- Cách thì có, nhưng hơi khó!

- Cách gì? Nhà ngươi nói xem, khó mấy bản quan cũng sẽ làm.

Thầy Tịnh Văn liền đáp: chuyện này liên quan đến phần mộ người cha quá cố của quan tri phủ. Khi tới phần mộ, đặt quả cầu này lên trên, thảo dân sẽ thi triển pháp lực di hồn huyệt lên đó, sẽ có thể xem được một số chuyện trước đây quan lớn muốn biết.

Quan tri phủ hơi sững người, khuôn mặt ông lạnh như băng đáp: chuyện này để bản quan suy nghĩ.

Quan tri phủ từ chối khéo lời đề nghị ấy. Hắn nửa muốn biết sự thật, nửa lại sợ hãi cái sự thật ấy. Nếu quả thật cha hắn khi xưa đã xử oan lấy đi mạng sống của mười sáu người thì tội nghiệp quá nặng nề. Hắn sợ cái bí mật ấy lộ ra thì danh tính cha coi như bị bôi đen, bản thân hắn có khi cũng bị truy tội cùng cha, cái đầu còn khó giữ huống hồ là mũ quan trên đầu. Ngoài ra hắn còn phải giữ một bí mật khác nữa. Bí mật ấy cha hắn trước khi chết đã lập di nguyện bắt buộc hắn phải làm theo. Nếu như bây giờ tiến hành làm di hồn huyệt mộ thì hắn đã vi phạm lời thề, làm trái di nguyện của cha. Hắn lập tức xoá bỏ cái suy nghĩ ấy khỏi đầu, tự mình tính toán sẽ tìm hiểu chuyện cũ qua sách cũ của mẹ.

Quan tri phủ vội vàng rời đi, pháp sư Tịnh Văn lắc đầu thở dài. Tiếng thở dài của pháp sư vậy mà lọt tới tai của quan tri phủ. Ông đứng lại nghỉ một bước chân, lắc lắc đầu rồi đi tiếp. Ông cần lên công đường xét xử vụ án nhà địa chủ Tâm.

Trên công đường, ba gia đình cáo trạng đã tới từ sớm quỳ lạy khóc lóc kể lể lại sự tình và nỗi oan khuất của họ. Quan tri phủ gõ mạnh xuống bàn yêu cầu họ lặng yên, không khóc lóc ầm ĩ trên công đường. Đoạn ông yêu cầu lính áp giải tất cả nhà bà Tâm lên công đường.

Bà Tâm cùng các con được đưa tới, tuy cả đêm không ngủ, lại bị nhốt trong nhà lao nhưng bà vẫn ngẩng cao đầu bước, đáy mắt trong veo không tỏ chút khép nép.

Quan lớn gõ xuống bàn thêm một cái thật mạnh rồi lớn tiếng nói: người quỳ dưới công đường kia là ai, mau khai rõ họ tên cho bản quan.

Bà cả Tâm quỳ dưới công đường, lưng thẳng tắp đáp lại: thảo dân là Phạm Thị Tâm, người làng Thượng huyện Gia Viễn cùng các con tới công đường đối chất.

Ba nhà Phởn, Sói, Tiều nghe khẩu khí của bà cả Tâm thì tức điên lên. Thị Tiều lên tiếng: bẩm quan lớn, quan lớn xem thái độ của bà ấy dưới công đường kìa. Bà là đồ khốn kiếp, là con quỷ giết người không ghê tay. Bà mau trả mạng lại cho nhà chúng ta.

Tiếng khóc lại bắt đầu vang lên. Cả ba nhà bắt đầu lao vào toan giật áo tum tóc bà cả Tâm nhưng bị quân lính ngăn lại. Quan tri phủ đập bàn thật mạnh thêm một cái rồi quát lớn: câm miệng hết cho bản phủ. Các người tưởng công đường là cái chợ sao? Không có tôn ti phép tắc gì cả. Nếu kẻ nào còn làm loạn, lôi ra ngoài phạt đánh hai mươi đại bản cho bản quan.

Nghe quan tri phủ nói sẽ phạt người làm loạn, ba nhà kia mới yên lặng không dám làm loạn. Thị Sói bấy giờ cúi đầu thưa: bẩm quan lớn, người nhà chúng con bị họ giết hại, còn chặt đầu đem luyện tà thuật, mong quan lớn đòi lại công đạo cho chúng con với ạ.

Cậu Đại sôi máu liền quát lớn: thứ đàn bà điêu ngoa kia. Ai giết mấy người, đừng có vớ vẩn. Ngươi nhìn tận mắt, bắt tận tay không mà nói hả?

- Ngươi còn cãi sao, tại hiện trường nhặt được bông tai của bà Tâm. Không bà ta thì còn ai vào đây nữa.

- Bông tai bị trộm mất. Có kẻ đã cố tình giết người vu oan cho mẹ ta. Chẳng có tên hung thủ nào ngu tới mức giết người lại bỏ đồ ở hiện trường cả. Đây là cãi bẫy, cố tình sắp đặt hòng vu oan giá hoạ.

- Thế vu oan mà đầu của người chết lại tìm thấy trong nhà ngươi à? Nhà các người xây hầm để luyện tà thuật, dưới đó toàn đầu người. Các người còn cãi sao? Có mười cái miệng cũng không cãi được sự thật.

Hai bên cứ đôi co tranh cãi, anh một câu ả một câu khiến quan tri phủ điên đầu. Ông đập mạnh xuống bàn thêm một cái nữa rồi nghiêm mặt: hiện trường có bông tai của bà Tâm, đầu người và bùa chú lại được tìm thấy trong nhà ngươi. Hơn nữa quân lính lục soát còn tìm thấy rất nhiều hình nhân vải có ghi tên rất nhiều người. Kẻ thì bị cháy, kẻ thì bị nhúng nước, kẻ thì bị cắt đầu, kẻ thì bị moi tim. Nhân chứng, vật chứng đủ cả, Bản quan muốn hỏi các ngươi đã chịu nhận tôi chưa?

Bên dưới đồng loạt hô lớn: không nhận!

Quan tri phủ cau mày: còn ngoan cố sao, người đâu, mau dùng hình!

Bà cả Tâm bình tĩnh đáp: khoan đã, ngài chưa hề tra xét, chưa cho thảo dân biện hộ mà đã dụng hình thì thảo dân không phục. Xin quan lớn dừng hình, cho phép thảo dân được hỏi mấy câu.

- Nhà ngươi cứ việc hỏi.

- Kẻ nào tận mắt nhìn thấy thảo dân giết người, kẻ nào tận mắt nhìn thấy thảo dân chặt đầu, kẻ nào tận mắt nhìn thấy thảo dân đem đầu người và bùa vào căn hầm đó?

Quan lớn đáp: nhà của ngươi, không ngươi đem vào thì còn ai?

- Thưa quan lớn, nhà đúng là của thảo dân nhưng thảo dân về làm dâu, mười tám năm nay thảo dân chưa từng biết sự tồn tại của căn hầm ấy. Ngôi nhà này được xây từ thời bố mẹ chồng của thảo dân. Nếu có kẻ biết sự tồn tại của căn hầm rồi cố ý đem đầu người và bùa ếm bỏ xuống dưới hãm hại gia đình thảo dân thì sao? .

Mặt khác, nhà thảo dân từng bị trộm đột nhập lấy đi pháp bảo của thầy Tây Tạng, hắn còn trộm mất trúc thư của cụ Trác, những chuyện này quan lớn đều biết. Thảo dân nghi ngờ kẻ trộm ra vào nhà như đi chợ đó chắc chắn biết về căn hầm trong nhà này. Hắn làm vậy để vu oan cho thảo dân. Mong quan lớn cẩn thận suy xét mọi việc, tránh hàm oan gia đình thảo dân trong khi hung thủ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Quan tri phủ nghe bà cả Tâm nói vậy liền bắt đầu trầm tư. Quả thật cũng có khả năng này bởi bà Tâm vốn là làm dâu và căn nhà này được xây từ trước khi bà ấy gả về đây. Hắn hỏi: ngươi còn lời nào có thể biện hộ thì nói hết ra, bản quan sẽ điều tra mọi chuyện, khiến các ngươi tâm phục khẩu phục.

- Xin hỏi quan lớn, ngài đã cho quan khám nghiệm tử thi hay chưa? Thảo dân muốn gặp quan khám nghiệm tử thi ngay bây giờ.

Xem Tiếp Chap 70 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn