Truyện ma Cát Bụi Thời Gian Chap 6

 Cát Bụi Thời Gian Chap 6

Tác Giả : Tĩnh Thủy

Lời kể của ba- Cát bụi thời gian


Xem Lại Chap 5 : Tại Đây


Hôm đó ba tôi đưa tôi tới chùa để tôi theo xe đi khóa tu ở huyện xa. Ba để tôi lại chùa rồi về, nhưng sau đó vô tình tôi lại nhìn thấy ba tôi đi vào trong phòng riêng của thầy Kính Nguyệt.
Tôi còn nhìn thấy rõ ràng ba đi nhanh và mau lẹ, không phải hỏi đường bất kì ai cả, như thế có nghĩa là ba biết rõ phòng thầy ở đâu, và đã đến đây nhiều lần rồi.
Thế mà tôi tu ở đây lâu nay, không hề hay biết gì cả.


Tới tận khi ấy thì tôi mới dần manh nha một suy nghĩ...tại sao hôm trước ba lại nói với tôi về “Huyền Nhân”? mà ba nói vấn đề đó với một tâm thái rất nhẹ nhàng, không hề tỏ ra lo sợ gì. Thầy Nguyệt nói tôi chưa có đủ căn số để xuất gia, ba tôi đã biết được điều đó nên mới thoải mái với tôi chuyện chùa chiền đến như vậy. 


Lâu nay, tôi vẫn biết ba là người quyền lực và ân cần một cách lặng thầm, nhưng chưa từng bao giờ tôi nghĩ rằng bằng một cách nào đó, ba đã tiếp cận tới thầy Kính Ngyệt, và theo dõi cũng như có một sự can thiệp an toàn nào đó vào đời sống tâm linh của tôi thông qua thầy...thậm chí tới cả việc tôi đã nhận được sự ưu ái kì lạ của thầy Nguyệt, có lẽ cũng do có bàn tay của ba tôi can thiệp vào.



Vậy cũng có thể hiểu rằng, việc sống giữa sự kìm kẹp và khắt khe của mẹ, nhưng tôi vẫn có được điều kiện thuận lợi để học phật pháp và tiếp cận với thế giới tâm linh đó, ngoài năng khiếu cá nhân và một mức độ căn cơ nào đó của tôi, còn có sự vun đắp, xây dựng và bảo vệ của hai người đàn ông uyên bác, biết lắng nghe và luôn thấu hiểu tâm tư của tôi, là ba tôi và thầy tôi.
...
Số lượng người tham gia khóa tu mùa hạ cũng khá đông, cả ban tổ chức và thành viên nhà chùa tôi đi hết một xe cỡ hơn hai mươi người, và có cỡ cũng mười chùa như chùa chúng tôi tham gia nên khi đến địa điểm tập kết thì tất cả cỡ hai trăm người. 


Thầy Kính Nguyệt cũng cùng đi với đoàn làm tôi thấy vui và bất ngờ lắm. Thường thì khóa tu là cho các trẻ em có môi trường tìm hiểu lành mạnh về phật giáo vào mùa hè, cho nên về tính chất cũng chỉ như vui chơi chứ không đào sâu vào phật giáo lắm, do đó những nhân vật quan trọng như thầy tôi thì cũng ít khi đi cùng các em nhỏ những hoạt động thế này...
...
Chúng tôi tới địa điểm tổ chức khóa tu, đó là một ngôi chùa cổ ở dưới huyện có nền sân rất rộng, các tượng phật đều cổ xưa và không đẹp bằng chùa trên nội đô. Tôi nghe người trong đoàn nói chùa này là chùa cổ, đã tồn tại hơn hai trăm năm rồi.


Chúng tôi nộp lại điện thoại cá nhân nếu có, để lại thông tin liên hệ của cha mẹ để nếu có vấn đề gì thì người quản lý sẽ liên hệ, sau đó bước vào một tuần sống trong chánh niệm hòa cùng với môi trường chùa chiền. 


Chúng tôi được chia ra nghỉ ngơi tập trung, và ăn uống tập trung, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa của nhà chùa, các trò chơi thuần túy dân gian, giới thiệu về văn hóa phật giáo cũng như có nhiều hoạt động vui nhộn khác, tối đến thì học phật pháp và lắng nghe các thầy giảng pháp.


Buổi tối đầu tiên của khóa tu, thầy trụ trì là Thanh Ân đại sư giảng cho chúng tôi bài pháp “Mưa bóng mây”. 


Đây là một bài pháp nói về công đức sinh thành của cha mẹ và đạo làm con. Phật giáo chú trọng về đạo hiếu rất nhiều, và cho rằng chữ hiếu là quan trọng hơn các chữ khác trong nhân cách con người, nếu xét một người có đức hay không, cứ nhìn vào việc người đó có hiếu hay không mà luận ra. 


Nếu ngay đối cả cha mẹ mình cũng sống không ra gì, thì lấy đâu ra đức? Cũng do vậy mà vấn đề về đạo hiếu và mối quan hệ trong gia đình là một chủ đề thường thấy ở những bài giảng pháp cho các đối tượng trẻ em, thế nên ở nước ta, người ta mới thường hay nói : 


“Đạo phật là đạo hiếu, Phật giáo là quốc giáo.” 


Người nào có hiếu, thì mới có thể đạt đến được trạng thái Chân- Thiện- Mỹ.


(Chân- thiện- mỹ ở đây là ba khía cạnh tạo nên sự toàn bích của cuộc sống, ba khía cạnh này có quan hệ mật thiết với nhau. 


Truyền thống Đông phương thường nhắc nhở mọi người ăn ở, sống và ứng xử sao cho cuối cùng đạt được cuộc sống hoàn mỹ, còn giáo lý nhà Phật khuyên chúng ta hãy cố gắng tu tập hướng đến mục tiêu chính là cuộc sống hướng thiện, giải thoát, tự tại. 


Vì thế, mọi người cần có sự chân thật, hướng về nẻo thiện và đạt được thẩm mỹ nơi thân tâm mình. Người nào đạt được ba điều đó thì người ấy hạnh phúc nhất trần gian.)


Khi thầy giảng được hơn nửa bài mưa bóng mây, tôi đã thấy trong đạo tràng, có tới hơn một nửa số thiếu niên đã khóc.


Nói thật thì tôi nghe nó và thấy rất bình thường, thậm chí hơi buồn ngủ, vì lời của bài pháp tuy có cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, nhưng thực ra tôi đã được nghe nó tới nỗi quá nhiều và thường xuyên, khiến tôi cảm thấy đó là một điều hiển nhiên, chẳng có lý gì để phải cảm xúc tới như thế. Nhưng những người đang cùng ngồi nghe với tôi thì khác, có nhiều em nhỏ, hoặc anh chị lớn hơn tôi một vài tuổi, lần đầu tiên được bước tới môi trường này, lần đầu tiên được nghe những lời cảm động như vậy, làm sao mà tránh khỏi được xúc cảm khi nghĩ tới cha mẹ mình đây?


Tôi cũng muốn đứng dậy đôi lần nhưng vẫn cố kiên trì ngồi nghe cho hết bài pháp, việc tu tập còn mang lại một lợi ích không tưởng nữa, đó là bạn trở nên kiên trì tới vô cùng, ngay việc bạn theo đuổi và lĩnh hội Phật giáo, nó đã đòi hỏi phải có một sự kiên trì ghê ghớm lắm, lúc này tôi còn nhỏ mà đã biết được điều này rồi...


Những người xuất gia, họ rèn luyện đến tận trong từng hơi thở.


Xem Tiếp Chap 7 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn