Truyện ma "Làng tôi nhiều ma lắm quỷ" Chap 3

 Làng tôi nhiều ma, lắm quỷ - Chuyện ông Lạc

Chap 3
Cô hồn vất vưởng

Xem lại Chap 2 : Tại Đây
————
Những năm tháng đó thực sự là những năm tháng đen tối. Cái đói được đẩy lùi tạm thời chứ chưa phải hoàn toàn. Cách mạng tháng 8 thắng lợi, nước ta giành được độc lập thế nhưng chỉ độ hơn một năm sau. Khi Pháp xâm lược nước ta lần 2 thì cả dân tộc một lần nữa chìm vào trong đau thương và những tháng ngày tối tăm. Chính quyền phải rút lui chiến lược lên vùng cao hơn tức là Việt Bắc và chiến tranh đàn áp chính thức xảy ra. Nghe bà Thường kể thì những năm ấy khắp nơi bị giặc càn kinh lắm. Làng em cũng tan tác, đàn ông thì xung phong đi lính theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. 

Đàn bà trẻ con thì ở nhà quay quắt và cũng có rất nhiều người bỏ làng ra đi, tìm nơi xa xôi để mà lánh nạn. Cuối năm 46, đầu năm 47 cụ ông đi bộ đội để lại cụ bà và đàn con còn thơ dại. Chỉ một đợt giặc càn mà những người ở trong làng bị giết quá nửa. Chúng đốt sạch, giết cũng gần sạch.. đình chùa cũng bị chúng phá sạch , cảnh tượng cực kì thê thảm và bà Lung là con cả của 2 cụ bị chúng hiếp, giết rồi quẳng xác xuống dưới ao. Ngôi làng nhỏ vốn đã tiêu điều nay lại càng xơ xác bởi những sự việc kinh hoàng diễn ra. Bởi vì quá nhiều cái chết thương tâm mà lại toàn là những cái chết đói, chết tức tưởi, chết oan khuất cho nên oán khí nặng lắm. 

Thời đó cũng chẳng có đèn điện gì hết, người sống sót cũng ít cho nên âm thịnh dương suy, trong làng bắt đầu xảy ra nhiều chuyện kì lạ và kinh dị. Chuyện đầu tiên phải kể tới đó là việc đình chùa của làng bị phá hoại. 



Người ta vẫn nói trần sao âm vậy, ở trên trần không có sự bảo vệ, bị tàn phá nặng nề thì phần âm cũng thế, có lẽ việc đình chùa bị phá cho nên làng cũng không còn được thần linh bảo hộ nữa, từ đợt giặc càn đó có rất nhiều vấn đề xảy đến kèm theo đó là những bóng quỷ, hồn ma… đận ấy cứ chập tối là người làng gần như chẳng dám đi đâu. Cứ nửa đêm là thi thoảng người ta lại nghe thấy văng vẳng những tiếng than khóc… tiếng khóc, tiếng cười, tiếng hú như từ cõi vô hình vọng tới khiến cho ai nấy đều sợ hãi và tất cả đều bị bao phủ bởi một nỗi ám ảnh vô hình. 

Đận đó ông Lạc đã độ 5 tuổi tuy nhiên thì ông rất còi cọc và chẳng nói được mấy từ. Từ khi nhận ông về thì cụ ông , cụ bà hỏi gì ông cũng chỉ lắc hoặc gật. Rất hiếm khi ông gọi hai cụ là bố mẹ và từ trong ánh mắt của đứa con nuôi thì vợ chồng cụ luôn cảm thấy có điều gì đó chưa được quen thuộc, ông cũng hay lơ đãng, không được nhanh nhẹn giống như người ta.

Ông nội em là ông Thu, bà thứ 3 là bà Thường và bà thứ 2 là bà Cải thì hồi đó còn nhỏ, trẻ con chưa hiểu chuyện cho nên không mấy thương ông… ông Lạc kiểu như một thành viên bên rìa của gia đình sau khi cụ ông đi lính… việc cụ ông không có nhà khiến cụ bà phải cáng đáng mọi thứ lâu dần sinh ra khó tính. 

Ông Lạc lại hay quấy, bị cụ bà trách mắng ông càng ít nói và cũng từ đây thì những điều ông phải trải qua mãi sau này gia đình em mới có thể hiểu được…. Đêm đó là một đêm cuối đông, đất trời chìm trong mưa dầm và cái rét cắt da cắt thịt. Ông nội và ông Lạc ngủ ở trên chiếc giường trải rơm ọp ẹp, bên kia là cụ bà cùng hai chị. 

Đang ngủ ông Lạc tự dưng ngồi dậy, ông tiến ra cửa gọi “mẹ, mẹ ơi” rồi đập cửa khóc ngằn ngặt khiến cho cụ bà thức giấc lúc này thì cũng đã quá nửa đêm… cụ bà sau cái chết của đứa con gái cả là bà Lung vì quá đau xót nên tính tình cũng đổi thay.. nghe thấy ông Lạc gọi cụ bà cất tiếng thưa thế nhưng ông Lạc quay sang nhìn cụ không nói gì, vẫn tiếp tục đập cửa gọi mẹ rồi hướng ánh mắt ra phía ngoài sân lạ lắm. Ban đầu cụ bà khó hiểu thế nhưng thấy ông khóc gọi mình là mẹ thì cũng thương cho nên dỗ ông vào rồi đi ngủ tiếp. Cơ mà độ một lúc sau ông Lạc lại vùng dậy chạy ra cửa khóc toáng. Ông đập bồm bộp vào cửa mạnh lắm… những tiếng gọi mẹ ơi, mẹ ơi méo mó làm cho cụ bà bắt đầu cáu kỉnh

“Tao đây.. mày gọi cái gì?? Nửa đêm nửa hôm mà gọi cái gì??”

“Không.. không phải mẹ… con gọi mẹ đâu?? Con gọi mẹ khác cơ.. bu.. bu… mẹ..!”

Ông Lạc vừa gọi mẹ ơi, vừa gọi bu , bu cái gì đó làm cho cụ bà khó hiểu. Nghe thấy đứa con nuôi gọi mẹ nhưng lại bảo là không phải gọi mình, kèm theo ánh mắt kì lạ. Cụ bà trong lúc thần trí không được ổn định vì mất con gái lại tưởng ông muốn nhận bà Hồi là hàng xóm gần nhà là mẹ, bà Hồi này thì sống không con cái, bà rất hiền lành cho nên hay cho ông Lạc củ sắn, củ khoai. 

Cụ bà dỗ mãi ông Lạc không chịu nín nên cầm roi đánh ông mấy cái rất đau. Cụ mắng ông kiểu như là ăn cây táo rào cây sung đại loại thế. Mà cái kiểu người ngày xưa văn hoá không được như bây giờ cho nên họ chửi khiếp lắm. 

Ông Lạc càng kêu thì cụ bà càng đánh. Đến lúc ông nội em.. mà thôi gọi là ông Thu cho nhanh. Đến lúc ông Thu không chịu được nữa, ông phải chạy tới giằng cái roi ra thì cụ bà mới thôi, ông Lạc cũng lả đi rồi được ông Thu bế vào giường nằm ngủ… sau cái đêm đó tình cảm của cụ bà dành cho ông Lạc vốn đã không gần gũi lại càng thêm lạnh nhạt. Điều này có thể hiểu được bởi hồi ấy không như bây giờ. 

Cũng bởi vì đói, vì ít học… tự dưng nhà đã đông con đói quay đói quắt, lại phải nuôi thêm một đứa trẻ từ đâu không phải máu mủ dạt về rồi nó lại không coi mình là mẹ khiến cho cụ bà hà khắc, coi ông như một cái của nợ mà cụ phải mang…. Giá trị của một con người , những người xung quanh cực kì rẻ mạt cũng giống như chuyện chị Dậu mang con đi bán để có tiền nộp sưu. 

Nhiều ngày sau thi thoảng ông Lạc lại có biểu hiện và hành động như vậy, cứ giữa đêm là ông lại ra đập cửa gọi mẹ, gọi bu rồi khóc lóc. Thế rồi một hôm cụ bà tức quá.. cụ thấy ông Lạc đập cửa thì mở toang cánh cửa ra lôi ông ra ngoài quát tháo… thế nhưng đột nhiên cụ bà rú lên kinh hãi.. ông Lạc thì chạy thẳng ra ngoài con đường mòn , khuất sau bóng đêm mịt mù

“Mày gọi cái gì.. ra ngoài này.. đấy.. mẹ nào?? Bu nào.?? Ơ…… á á á á á.!!”

Tiếng hét của cụ bà khiến cho các con bật dậy lao ra ngoài. Ông Thu thấy mẹ nằm trên mặt đất chỉ chỉ há mồm mắt trợn ngược. Ông cùng 2 chị đỡ cụ vào nhà mà lúc này đã chẳng còn thấy bóng dáng của ông Lạc đâu. Hai bà gái sợ hãi nặn chân nặn tay , người thì đi gọi hàng xóm, người thì đi tìm ông Lạc xem chạy đi đâu. Cụ bà rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê đến gần sáng thì mới ngủ thiếp đi tới tận trưa mới có thể mở mắt. Vừa mở mắt ra thì cụ la lối. Cụ ú ớ kể rằng đêm qua khi mở cửa ra... trong khoảnh khắc cụ thấy có bóng của một người đàn bà cởi trần gầy xơ xác, chỉ còn mỗi da bọc xương mặc mỗi một cái váy đụp rách. Bà ta đứng đung đưa trong gió, hai cái bầu vú đã teo tóp và cái đầu thì trọc lóc thưa thưa vài sợi tóc dài phất phơ đứng ở cạnh bụi tre vẫy tay như gọi ông Lạc … Ông Thu run bần bật

“Hay là.. hay là.. là mẹ của nó.. mẹ của nó hiện hồn về ạ.?”

Cụ bà cũng sợ đến mức không nói được. Bây giờ thì cụ hiểu ông Lạc gọi bu không phải là gọi bà Hồi ở nhà bên cạnh.. ông gọi là gọi cái người đó.. cái người phụ nữ trông cực kì kinh dị và cụ bà cũng đoán đó là linh hồn của người mẹ đẻ ra ông Lạc tới đây để mà tìm con. Đợi cho cụ bà tỉnh hẳn thì mấy mẹ con cùng với vài người xung quanh đi tìm ông Lạc xem ông đang ở đâu. Lục khắp cả làng lên nhưng tìm mãi vẫn cứ không thấy. Tới độ chiều tối khi mà cụ bà đã xác định thôi mọi chuyện đến đâu thì đến. Chắc là cụ bỏ, không nuôi ông Lạc nữa thì có người phát hiện ra ông nằm ngủ ở trong một bụi cây, bên cạnh cái mộ chôn tập thể ở chỗ cuối làng….

Tối hôm đó đưa ông Lạc về cụ bà không nói năng gì. Lúc phát hiện ra ông ở cạnh chỗ mộ chôn tập thể. Lúc đầu cụ bà định mặc kệ thế nhưng có lẽ vì nuôi nấng bấy lâu cũng có tình cảm, cụ gọi ông dậy rồi hỏi đủ thứ chuyện nhưng ông không nói được gì. Vẫn cứ lắc lắc gật gật và tỏ ra lơ nga lơ ngơ. Độ hơn tháng sau cụ ông được về phép , trông thấy cảnh làng mạc điêu tàn, nghe các con kể bà Lung bị giặc giết khiến cụ ông như người mất hồn đứng chết lặng giữa sân. Cụ bà cũng kể cho cụ ông nghe tình huống ông Lạc bị ma rủ đi đêm hôm ấy. Cụ ông buồn bã, cụ ra mộ con gái ở ngoài đồng khóc lóc thế rồi dẫn ông Lạc ra mộ chôn tập thể. Thắp hương làm gì đó có lẽ là cụ xin cái người phụ nữ kia cho ông Lạc làm con của cụ…

Xem Tiếp Chap 4 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn