Truyện ma "Đôi Ngả Âm Dương" Chap 4

 ĐÔI NGẢ ÂM DƯƠNG

Việt Nga

Chap 4. Cái chết của cậu Cả.

Xem Lại Chap 3 : Tại Đây

Nói xong câu ấy, cậu từ từ nhắm mắt lại. Mặc cho bà Cả nịnh ngọt và muốn đút cho cậu ăn nhưng cậu không thể ăn được dù chỉ là một miếng nhỏ. Ông bà phú hộ cứ ngồi như thế bên cậu, nước mắt tuôn rơi. Con hầu đã lên mấy lần mời ông bà chủ xuống ăn cơm nhưng vô hiệu, bà hai cũng đi lên, nhìn thấy cậu cả như vậy thì cũng ứa nước mắt, song trong bụng lại mừng thầm và nảy ra những toan tính. Tuy không nói ra nhưng cả ba người đều biết Dương Bảo không còn sống được bao lâu nữa. Cậu đã mắc phải một căn bệnh vô phương cứu chữa, chỉ tiếc rằng cậu vẫn còn quá trẻ.

Đúng giờ tí hôm ấy, cậu cả nhà họ Dương qua đời. Mặc dù rất đau buồn vì đã mất đi đứa con trai hết mực yêu thương, nhưng phú hộ Dương vẫn lệnh cho toàn bộ người ăn kẻ ở trong nhà không ai được lan truyền tin này ra ngoài. Một mặt ông viết một lá thư bí mật, sai người đi mời ông thầy cúng rất giỏi đến khâm niệm cho cậu cả. Nhà ông thầy ở mãi tận trong núi, nên thằng ở phải đi ngựa ngay trong đêm để mai còn kịp giờ đón thầy về làm các thủ tục…

Đúng lúc ấy, ở bên kia Thảo chợt mở bừng mắt. Trước mặt cô là cậu Dương Bảo với ánh mắt đượm buồn cứ nhìn xoáy vào cô như muốn nói điều gì. Khi cô đến gần, cậu lại lùi ra xa, đôi tay đưa lên vẫy vẫy ý bảo đi theo cậu. Cứ như một cái máy Thảo chạy theo cậu cả. Hai người cứ đi mãi, đi mãi đến một nơi rất lạ, xung quanh có rất nhiều hoa thơm quả ngọt, cũng có những khu chợ với nhiều người buôn kẻ bán, họ nhìn theo hai người chỉ trỏ, rồi lại cúi xuống bán hàng.



Một điều nữa là họ trao cho nhau những đồng tiền lạ lắm, không phải thứ tiền mà hàng ngày cô vẫn thấy. Nơi này cũng khác xa nơi cô sống vì không nhìn thấy ánh mặt trời, xung quanh phủ đầy sương khói, ngạc nhiên định dừng lại hỏi, song cậu vẫn cứ bước đi phía trước, đôi tay vẫy gọi và cô lại tiếp tục bước theo. Đến trước một cây cầu, cậu mới dừng lại bảo cô chờ, trên cầu đã có một hàng người dài nối đuôi nhau, gương mặt ai cũng buồn rười rượi và chẳng ai nói với ai câu nào, nhưng họ lại đi một cách rất trật tự. Cậu bước lên cầu, cô cũng rợm bước đi theo nhưng tự nhiên có một bức tường vô hình cản cô lại, hai bên đường những bông hoa đỏ rực thi nhau khoe sắc, chúng cứ rung rinh theo gió như níu chân cô.

Ở trên cầu những người đi phía trước đã dừng lại ở đầu cầu bên kia, trước mặt họ là một bà lão. Bà ấy liền múc cho mỗi người một chén canh và từng người, từng người uống cạn sau đó lại đến người khác. Cuối cùng cũng đến lượt cậu, lúc đến gần bà lão, cậu quay lại nhìn cô thật lâu, mỉm cười và quay đi. Cô muốn hét lên bảo cậu hãy dừng lại và đừng uống bát canh đó, nhưng tiếng nói của cô không thể phát ra, nó cứ tắc nghẹn trong cổ họng.

Nhìn xuống dòng sông bên dưới, cô kinh hãi khi thấy rất nhiều cá sấu với những hàm răng lởm chởm, nhọn hoắt. Có một số người không chịu uống canh thì đều bị đẩy xuống sông làm mồi cho cá sấu. Cô không dám nhìn tiếp mà bưng mặt hét lên, mở mắt ra không còn thấy cậu đâu nữa, quang cảnh hồi nãy cũng hoàn toàn biến mất.

Hóa ra đó chỉ là một giấc mộng, người vã mồ hôi cô ngồi dậy nhìn quanh. Cũng may đó chỉ là mơ, cô chắp tay cầu trời khấn phật phù hộ cho cậu mau hết bệnh và mong cho nhanh đến ngày cưới để về bên cậu. Chỉ còn hai ngày nữa thôi cô sẽ chính thức là vợ của cậu, là con dâu của nhà họ Dương…

Trưa hôm sau tại nhà phú hộ Dương thầy cúng cũng đã về đến nơi. Nhưng thay vì đem thi hài của cậu đi an táng như lẽ thường, thì Dương Bảo lại được thầy cúng tẩm niệm bằng một loại hương liệu đặc biệt để giúp cái xác không thối rữa. Nói là thầy cúng nhưng thực ra ông này chính là thầy pháp gốc gác người Hán, đã quen biết với gia chủ từ lâu.

Nay được tin cậu cả nhà họ Dương chẳng may qua đời, theo nguyện vọng của Dương gia, ông đã tiêm một loại thuốc đặc biệt vào người cậu, rồi tiến hành mổ bụng, bỏ hết nội tạng và ướp vào đó rất nhiều thảo dược gia truyền chuyên dùng để ướp xác mà ông đã được tổ tiên truyền lại.

Cuối cùng xác cậu cả cũng được khâu lại rồi mặc quần áo đàng hoàng. Đó là một bộ đồ màu đỏ như kiểu quần áo mà các chú rể người Tàu mặc trong ngày cưới vậy. Sau đó cậu được đưa vào một cỗ quan tài bằng gỗ Ngọc am rồi đặt ngay ngắn ở trong phòng, từ lúc đó trở đi thì tuyệt đối không ai được khóc lóc hay thắp hương. Trên tấm áo quan được sơn màu đỏ vẽ hình rồng phượng và phủ lên một tấm vải cũng màu đỏ thêu hoa cát tường rất đẹp.

Xong đâu đấy ông thầy pháp dặn dò phú hộ Dương rất kỹ lưỡng. Mọi việc tiếp theo hoàn toàn do nhà họ Dương làm chủ. Tin tức về cái chết của cậu cả Dương Bảo không một ai hay biết, gia nhân trong nhà vẫn tấp nập chuẩn bị cho ngày trọng đại của cậu. Trong nhà tuyệt nhiên không một ai khóc lóc, kêu than.

Bà cả hết sức đau buồn vì cái chết của con trai, nay lại phải nén đau thương để lo đám cưới cho nó. Nhưng bà lại thắc mắc rằng đám cưới không có chú rể liệu nhà gái họ có chịu cho rước dâu không? Lúc này ông thầy mới nói:

--Việc này có khó gì đâu? Dương gia vẫn còn cậu ba mà, tại sao không để cho cậu ấy thay anh mình làm tân lang chứ?

Phú hộ Dương mắt sáng lên, ông cũng thoáng nhớ tới lời cậu cả lúc lâm chung, nhưng rồi lại xịu ngay mặt lại nói:

--Cậu ba tuy rất giống cậu cả, chỉ thấp hơn một chút thôi nhưng cậu ba….

Ý ông muốn nói rằng cậu ba không được bình thường, nếu để cậu thay anh e là hỏng việc đại sự. Song ông thầy lập tức đánh tan sự lo ngại của ông bà phú hộ, bà hai đứng bên cạnh trong bụng mừng thầm bởi tuy không nói ra, nhưng trước đây khi cậu cả còn sống bà luôn cảm thấy thiệt thòi vì sợ số gia tài kếch sù của nhà họ Dương sớm muộn cũng về tay mẹ con bà cả. Nay cậu cả đã chết, tự nhiên nhổ được một cái gai trong mắt thì không còn ai có thể tranh giành tài sản với cậu ba nữa.

Đúng là trong cái rủi lại có cái may, có lẽ trời đã giúp bà. Cậu cả chết đi chả là may mắn cho cậu ba đó sao? Giờ ông thầy lại nói để cậu ba thế chỗ cậu cả làm tân lang đi đón tân nương thì khác nào báo với tổ tiên rằng con bà chính là chú rể? Vậy thì phải nhân cơ hội này tìm mọi cách để cho ván đã đóng thuyền, biến giả thành thật thôi.

Chỉ cần Thảo có bầu thì coi như mọi chuyện đã xong, mọi thứ sẽ là của mẹ con bà. Âu cũng là luật bù trừ cả thôi, trời cũng không lấy hết của ai cái gì, cũng không cho ai tất cả. Cậu ba đã bị ông trời lấy đi sự khôn ngoan của một người bình thường, biến cậu thành si ngốc thì cậu sẽ được bù lại bằng một cô vợ thông minh vậy thôi….

Cuối cùng sự bàn tính đã xong và bà mối ngay lập tức được gọi đến, bà ta cũng được phú hộ Dương cho biết là cậu cả Dương Bảo đã qua đời. Mới nghe thấy thế, bà đã tá hỏa rụng rời tay chân. Bà tưởng sẽ phải trả lại thỏi bạc kia và món tiền đáng ra được đúc túi thì giờ xém chừng muốn bốc hơi. Nhưng ngay sau đó phú hộ Dương và ông thầy pháp đã ghé tai bà nói nhỏ. Chẳng biết họ nói những gì, chỉ biết gương mặt bà mối Cúc dần dần dãn ra, cuối cùng bà gật đầu ưng thuận và mỉm cười nói:

--Dạ, lão gia cứ yên tâm. Tôi thề có chết cũng không dám để lộ tin này ra ngoài, hôn sự của cậu cả vẫn được tiến hành theo đúng kế hoạch ạ.

Hai ngày sau, vào đúng rằm tháng bảy thì đám cưới linh đình giữa cậu cả Dương Bảo và cô Thảo diễn ra. Ngay từ ngoài cổng nhà phú hộ Dương đã trăng đèn kết hoa rất đẹp, đèn lồng đỏ được treo từ cổng vào đến trong nhà, dây tơ hồng kim tuyến được giăng kín lối. Người ra người vào tấp nập, có nhiều xe ngựa chở các đoàn khách phương xa tới, chủ yếu là quan phủ và những người có chức sắc lân cận. Dân thường thì chẳng có một ai.

Vì có nguồn gốc là người Hoa nên đám cưới của cậu cả Dương được cử hành theo đúng nghi lễ của người Tàu, các quan khách đến dự tiệc ăn mặc đẹp và trong tay đều cầm theo những phong bao màu đỏ để mừng cho tân lang và tân nương. Ông phú hộ và hai bà vợ mặt đều tươi cười đón khách, đám gia nhân cũng luôn chân luôn tay, chạy ra chạy vào chuẩn bị tiệc tùng.

Những bánh pháo hồng rất dài được kết sẵn ngoài cổng, chỉ chờ đúng giờ lành là đốt. Duy chỉ có một điều lạ là trong suốt buổi tiệc cưới, khách khứa ăn uống, chúc tụng linh đình nhưng tuyệt nhiên không một ai nhìn thấy chủ rể.

Bên nhà cô dâu, tức là tân nương theo cách gọi của người Tàu thì không được trang hoàng lộng lẫy như nhà chú rể, nhưng từ sáng bà mối cùng một số người thạo việc bên nhà phú hộ đã sang chuẩn bị các nghi lễ cho nhà Thảo.

Cô được bà mối sai người đun lên một nồi nước lá thơm với đầy đủ hương liệu rồi bảo Thảo vào tắm rửa, gội đầu sạch sẽ rồi đưa cho cô một bộ đồ màu đỏ rất đẹp. Sau đó cô được bà vấn tóc và trang điểm cẩn thận. Lúc này chẳng ai còn nhận ra cô Thảo quê mùa, chân lấm tay bùn hôm qua nữa, mà thay vào đó là hình ảnh của một tiểu thư đài các, một tân nương xinh đẹp đúng nghĩa.

Đưa cho Thảo một cái gương, bà mối nói:

--Nhất con đó, không ai tốt số như con đâu. Bây giờ hãy theo ta ra ngoài nào!

Thảo định bước chân đi ra, nhưng bà đã ngăn lại và ra hiệu cho một người phụ nữ cõng cô ra rồi đặt cô ngồi vào một cái ghế đã được chuẩn bị sẵn ở gian nhà chính. Bà mối đưa cho người kia một đôi giày màu đỏ để đeo vào chân Thảo, rồi phủ lên đầu cô một tấm mạng chùm đầu màu đỏ và dặn:

--Từ lúc này trở đi con không được nói gì hết, cũng không được bỏ khăn che mặt ra. Bây giờ thì con có thể đứng dậy, đến vái lạy bàn thờ tổ tiên và cha mẹ đi.

Thảo hoàn toàn mù tịt về nghi lễ và phụ thuộc vào sự sắp xếp của bà mối. Sau khi được bà dắt tay đến cúi lạy tổ tiên và cha mẹ xong, cô lại được ngồi trên ghế để chờ nhà trai đến đón dâu. Đám cưới này có rất nhiều điểm khác biệt so với những đám cưới bình thường khác, chính vì vậy người dân trong làng tập trung đến xem đông lắm. Có thể họ chưa bao giờ được xem một đám cưới của người Tàu bao giờ nên rất háo hức, tò mò.

Họ nóng lòng chờ đợi nhà trai đến rước dâu nhưng khi nghe thông báo bảo đúng mười hai giờ trưa mới tiến hành đón dâu thì ngạc nhiên lắm. Đời thuở nhà ai mà đón dâu vào giờ này? Nghĩ kể cũng đúng, ở đây từ trước đến nay chả có nhà nào đón dâu vào giờ ấy cả.

Nhà nào muộn nhất thì mười một giờ là cô dâu cũng được rước về rồi, vì họ quan niệm mười hai giờ trưa là giờ của ma quỷ, chỉ có ma quỷ mới lảng vảng vào tầm đó mà thôi và hầu như mọi nhà đều tránh giờ này. Nhưng nhà ông phú hộ lại nói rằng chỉ có giờ đấy mới đẹp nên anh chị Cội cũng đành phải nghe theo...

Xem Tiếp Chap 5 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn