Truyện ma Việt Nam - Những mẫu truyện ly kỳ về bốc mộ, đào huyệt

 Chào mọi người, do khó ngủ và vô tình đọc được vài bài của mọi người kể về công việc đào huyệt và bốc mộ. Nên mình cũng muốn góp vài câu chuyện luyên thuyên liên quan đến cái nghề này.

Hồi đó, trước khi mình sinh ra thì ba mình đã làm nghề này cũng gần 30 năm rồi (ý là ba mình làm nghề này đến nay gần 30 năm á). Gia đình mình lúc đó khó khăn lắm, nên ba mình hầu như công việc nào làm được đều nhận việc để lo cơm áo gạo tiền trong nhà. Ba mình dân lao động chân tay là chính nên ba biết nhiều công việc lắm, không chỉ riêng nghề đào huyệt và bốc mộ đâu. Nhưng ai kêu là nhận à. Nhà mình có 3 anh em hầu như ai cũng đều theo ba đi đào huyệt lẫn bốc cốt cả rồi. Nhưng tối kỵ nhất là không bao giờ đào cho người trong dòng họ mình.


• ĐÀO HUYỆT:

Cái nghề đào huyệt trước đi, hầu như ở quê mình mỗi khi nhà có tang gia đều lại nhà mình xin đào huyệt, do được mọi người chỉ dẫn nên ba mình được nhiều người gần xa đến nhờ vả việc đào huyệt. Đào đến nay không đếm nổi bao nhiêu cái và bao nhiêu nơi.
Có rất nhiều trường hợp liên quan đến tâm linh, nhưng mình chỉ kể sơ sơ thôi và có anh em mình chứng kiến nữa.
Mình kể trường hợp đầu tiên mình chứng kiến là ngày hôm đó đào cái huyệt trên núi vào giấc sáng, không đường đi và mình cùng ba phải tự phá dọn đường lên đến nơi khu đất chỉ định. Cúng kiến xong bắt đầu đào, thường thì đầu tiên sẽ đào 3 nấm đất khúc đầu/giữa/chân để trong túi và đánh dấu để lúc hạ nguyệt để đặt xuống. Đào lớp đất đầu tiên thì bị dính đá ngầm tảng lớn, hì hục mãi không gỡ nổi. Ba tôi ra ngồi nghỉ mệt rồi châm điếu thuốc mà miệng lẩm bẩm khấn xin và đốt nhang, công việc cũng dần dần thuận lợi hơn...
Trường hợp thứ 2: là bác ở xóm chết và cũng có dính dáng đến họ hàng bên nội. Hổng biết diễn tả cái phả hệ sao cho hiểu nữa, mà ông đó vai bác đi. Ba mình thì không đào được, nên kêu mình tự vác dụng cụ lên đo rồi đào cho ổng đi. Mình thì hăng say đạp xe chở theo đồ nghề của ba lên núi. Ui choa! Không biết thầy nào coi miếng đất phong thủy ghê, chôn ngay gốc tre già mới đau á chứ. Tôi đào cái huyệt đó mất từ lúc 7h sáng tận 5h chiều mới xong (thường thì ba và 2 anh em tôi đào một buổi là xong), gian nan với cái huyệt đào xuống được 5 tất là bắt đầu rễ tre nó đâm chọt, mà điều cấm kỵ của huyệt là không có vật nhọn hay rễ cây đâm vào sẽ gây ảnh hưởng đến gia đình dòng họ điềm xui.


Hôm đó cắm đầu cắm mông chặt mà tay phồng da, trời cũng bắt đầu đứng bóng, ngồi nghỉ ngơi ăn cơm thì ở đâu luồng gió lạnh thổi vào người mà ớn lạnh sống lưng, khi ở trên núi vắng tanh nghe được cả tiếng chim hót. Mình cũng mệt thấm, cũng hơi tâm lý theo kiểu ông bà ta hay gọi “trứng dái đánh lô tô”. Tựa lưng vô gốc cây nằm duỗi chân ra mắt lim dim mà trong bụng khấn “kính thưa thần thánh, các vị khuất mặt khuất mài, con đến đây chỉ vì công việc, con không có phá phách, mong các vị phù hộ cho con công việc suôn sẻ”. Nằm nghỉ ngơi được lát xong quay sang đào tiếp, chắc do tôi mệt hay sao mà trong lúc đào nghe tiếng cười nói vang vọng bên tai, tôi cứ giả vờ đào. Và thế trời cũng sụp tối 5h chiều cũng xong, tôi chào tạm biệt họ.

Ngày chôn bác đó, là tối hôm đó tôi nằm mơ gặp ổng (ổng thường cởi trần lại nhà tôi nói chuyện với ba tôi lắm), ông khều chân tôi rồi cười hớn hở kiểu vui lắm. Sáng tỉnh dậy thấy bàn chân mình lạnh mỗi vùng đó, kể lại cho ba mẹ. Ai ngờ 2 người cao tuổi có sở thích với mấy con số hahaha, chiều cũng trúng vài đồng.
Trường hợp thứ 3: đây có lẽ là trường hợp mà tôi không bao giờ quên. Nhận đào cái huyệt cho dì cũng gần xóm mất do bệnh, mà người nhà bắt chôn cho ngày hôm sau và chôn phải đổ bê tông luôn. Thế là 4 cha con tôi lên đường và vác hành trang lên núi, ba tôi thì đảm nhận đào huyệt, còn 3 anh em tôi thì đảm nhận vác vật liệu xây dựng lên núi (cát, đá, xi măng, gạch ống, gạch thẻ, sắt, từa lưa hột dưa hết). Vác ngày hôm đó mà bể vai luôn, vác đến tối... À mà tôi chia sẻ với mọi người điều này, không phải tôi lôi kéo tôn giáo, tôi không có theo đạo. Nhưng tâm vẫn luôn hướng Phật, mỗi lần mệt hay gặp đều gì bất an á, bạn niệm thầm trong tâm của bạn “Nam Mô A Di Đà Phật” là bạn nhẹ nhõm người à.

Qua ngày hôm sau là ngày chôn, quan tài vừa hạ xuống cũng là lúc ba và anh em tôi bắt đầu trộn bê tông để đổ vô huyệt và phủ lắp đầy mặt quan tài. Tôi không biết có tâm linh hay không mà trong lúc tôi vác thùng bê tông để đổ thì tôi thấy dì mất đó bả đứng ở phía sau gò mộ, tôi phớt lờ như không thấy vẫn làm. Xong công việc vẫn không bị gì cả.


Có thể là câu chuyện đào huyệt nó không có gì xảy ra ghê rợn, nhưng cũng chút phần nào đó mọi người hiểu rõ thêm.
• BỐC CỐT:

Bốc cốt phải gọi là cái nghề có thể coi là kinh dị như mấy thể loại phim xé xác, xẻo thịt như mọi người hay coi á.
Nghề này không phải ai muốn làm là làm đâu. Phải là người có tâm có đức với người đã khuất và có cái duyên (thường có người ví là nghiệp duyên). Bốc mộ này còn gọi là cải táng, thì việc thường thì gia đình họ muốn mang hài cốt người thân mình đến nơi chôn cất mới hoặc là gia đình dời đi nơi xa nên mang theo tiện cho việc cúng kiến... Nhưng số người cho đó là việc bất kính kinh động đến người đã khuất
Nghề này ảnh hưởng đến sức khoẻ người làm lắm, vì thi thể người chết đào thải ra khí độc và thêm vi khuẩn nữa. Nhưng cơm áo gạo tiền mà, nhiều bạn đừng bảo sao thiếu gì việc làm mà không chọn. Thì có lẽ bạn suy nghĩ còn hạn hẹp lắm.
Bốc mộ ở trong Nam có lẽ khác ngoài Bắc theo mình biết thôi. Vì mình thấy ngoài Bắc bốc mộ thường diễn ra ban đêm, thường bốc xong xương mang đi đốt thành tro hoặc số ít sẽ để lại trong cái hòm sắt/tiểu sành. Còn trong Nam thì đa phần bốc theo giờ ngày lành của thầy coi, nhưng thường bốc ban ngày và bốc xương đem xếp lại bỏ vô hòm nhỏ. Thường thì mộ phải trên 3 năm đến 4 năm trở lên mới được cải táng.
Bốc mộ thì tùy theo vùng lúc chôn, thì thi thể cũng dựa vào đó mà phân hủy nhanh hay chậm. Thì mình đã theo ba mình rất nhiều, nên mình biết ít kinh nghiệm. Nên mình sẽ kể những trường hợp theo từng vùng chôn cho các bạn rõ hơn. Đặc biệt mình không kể trong lúc quá trình bốc diễn ra chi tiết như thế nào nhá, ví nó mang tính kinh dị ghê lắm, với lại có tâm linh trong đó nữa. Nên mình hạn chế kể.


Trường hợp 1: nếu người mất được chôn vùng núi trên đỉnh đồi thì xác phân hủy rất lâu. Thậm chí lên đến 10 năm - 20 năm vẫn chưa phân hủy hết mà còn nguyên vẹn là một chuyện. Ba mình từng bốc quả mộ trên đó của bà cụ trên 100 tuổi, lúc mở nắp hòm thì dường như thi thể còn nguyên, chỉ là phần da thịt teo lại và sạm vàng đen đi, móng tay và tóc thì vẫn mọc nhá.
Trường hợp 2: nếu chôn ở chân núi thì xác phân hủy nhanh hơn thì tầm cũng 10 năm mới rã hết, chứ ba tôi bốc những mộ chân núi tầm 4 năm thì nó vẫn còn nguyên xác có đều trắng bệch thúi lắm.
Trường hợp 3: khi chôn ở đồng bằng như ngoài ruộng gì thì ối giời ôi luôn. Xác nó không trắng bệch đâu, mà nó chuyển sang như mấy tảng thịt sườn hầm hay nướng đều có thể rút xương ra được á, nó mềm nhão bốc đâu là ra xớ thịt ở đó. Mở nắp hòm ra thì yếu yếu hít vô thì chết do ngạt khí độc luôn, mùi nó thổi tận vài km còn dư âm.
Thường thì những xác còn nguyên hay còn xương đều rửa qua rượu để khử mùi lọc sạch. Nhưng những xác chưa rã thì ba tôi lúc nào cũng có can rượu to đùng hết á, để vừa rửa vừa lóc thịt ra khỏi xương, còn xác mà mềm nhão thì lấy tay tuốt rút ra luôn.
Mình chỉ kể về cái nghề thôi, còn tình tiết tâm linh thì hẹn mọi người dịp khác mình sẽ kể nhá. Bonus thêm cho những bạn biết công việc của mổ tử thi trong nhà xác như thế nào và nhà Đại thể có phải giống trong phim Mỹ có những cái hộp tủ để xác trong đó hay không.

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn