Những Giai Thoại Tâm Linh Dân Gian Trung Quốc

NHỮNG GIAI THOẠI TÂM LINH DÂN GIAN TRUNG QUỐC

 CÂU CHUYỆN 1.

Năm Đồng Trị thứ 12 đời nhà Thanh, tuần phủ Quảng Tây là Nhan Thụ Sầm đảm nhận nhiệm vụ thị sát đời sống người dân quanh vùng. Đến đêm 15 tháng 7 tại huyện Bình Hương, ông phát hiện có ba tộc người Dao sống trong một ngôi làng chết sạch không rõ nguyên do. Ban đầu ông nghi ngờ rằng chỉ là xung đột giữa các sắc tộc với nhau và ra quyết định cho người điều tra vụ việc.
Sau đó Nhan Thụ Sầm cho quân lính khiêng xác những người trong làng đem đi hoả táng. Trong đó hai người lính đang khiêng cái xác cuối cùng cho lên giàn thiêu thì bất ngờ một người lính ngạc nhiên phát hiện sau gáy của người phụ nữ có vết bầm, kiểm tra lại thì đó là 2 dấu răng cắn sâu vào gáy.
Ngay khi ông và các cộng sự đang thắc mắc về nguyên nhân cái chết của người phụ nữ thì bất ngờ có một người đàn ông từ trong bụi cây chạy ra với vẻ mặt hoảng loạn tột độ. Nhan Thụ Sầm đích thân thăm hỏi và cho thầy thuốc chăm sóc ông ta, rạng sáng hôm sau ông một lần nữa đến nhà thăm hỏi người đàn ông nọ thì lúc này Nhan Thụ Sầm hoang mang khi biết rằng những người trong ngôi làng không phải vì tranh chấp đất đai hay xung đột với người dân tộc khác mà họ bị những thây ma tấn công, trong đó có khoảng hơn 10 thây ma từ trên núi ồ ạt xông vào làng.


Bọn chúng như con thú hoang lao vào moi người cắn xé không thương tiếc, thậm chí ngay cả gà vịt, lợn, cừu cũng chịu chung số phận. Dân làng người bị giết, kẻ hoảng sợ gào thét vang trời bỏ chạy đi, sau khi thỏa mãn cơn khát máu thì đám thây ma bí ẩn kia lần lượt quay trở lên núi rồi mất dạng để lại một khung cảnh tang thương chết chóc.
Biết được sự việc, ngay ngày hôm ấy, Nhan Thụ Sầm đích thân chỉ huy quân lính lên núi lùng sục tìm bắt những đám thây ma kia, theo sau ông còn có các lão niên tinh thông thuật phép ở các tộc người lân cận.
Sau khi khám xét hết ngọn núi, quả nhiên ông phát hiện trên này có khoảng mười cái quan tài được đặt rải rác xung quanh, bên trong là những thi thể nam nữ mặc quần áo rách rưới, làn da trắng bệch, móng tay đen và dài, ghê rợn hơn trên miệng những cái xác còn có 2 cái răng nanh dài còn đọng lại máu. Rất khớp với vết thương của những người trong làng.
Ngay lập tức, Nhan Thụ Sầm ra lệnh đốt bỏ hết những quan tài ấy đi và phong tỏa cửa núi, không cho phép bất kỳ ai đặt chân đến đây cách 30 dặm. Kể từ đó, tỉnh Quảng Tây không còn ghi nhận trường hợp nào về sự xuất hiện của thây ma tấn công nữa và câu chuyện ấy cũng dần lắng xuống trong suốt thời gian trị vì của ông tại đây.
CÂU CHUYỆN 2.
Tại thôn An Huy có một người đàn ông khoảng 50 tuổi tên Kiến Minh vừa mới qua đời, gia đình rất đau buồn ôm xác ông khóc lóc thảm thiết. Hơn 1 tháng sau, ở trong thôn xảy ra liên tiếp những sự việc kỳ lạ, tất cả gà vịt, trâu bò chết một cách bất thường, cơ thể bị cắn xé nham nhở khủng khiếp vô cùng, nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng. Ông trưởng thôn đích thân điều tra khám xét khắp nơi nhưng chẳng có kết quả gì.
Ba ngày sau, có một ông thầy bói dắt theo con ngựa già đi ngang qua và dừng lại ở ngay cổng thôn. Người dân nhìn ông ta thấy lạ thì tò mò đến hỏi thăm xem ông ta cần giúp đỡ gì hay không. Ông thầy bói mỉm cười đáp lễ rồi trầm giọng nói rằng có người mới chết ở thôn này nhưng thi thể không còn trong quan tài nữa, mà nó đang nằm trong nhà kho của gia đình người chết. Mọi người nghe vậy thì nửa tin nửa ngờ, vài thanh niên gan dạ liền lập tức đến nhà Kiến Minh khám xét.
Khi gia đình và mọi người kiểm tra nhà kho thì lúc này ai nấy đều hoảng sợ, sửng sốt khi thấy xác của Kiến Minh nằm gọn trong đó, móng tay và răng dài bất thường. Ông thầy bói giải thích rằng ông ta chết vào ngày giờ xấu nên linh hồn không được thanh thản, lại bị ma quỷ quấy nhiễu thể xác, nếu để lâu dần ông ta sẽ biến thành thây ma làm ảnh hưởng đến người dân trong thôn.
Mọi người nghe vậy thì sợ hãi nên cầu xin sự giúp đỡ. Ông thầy bói đồng ý liền sai 4,5 người thanh niên khỏe mạnh khiêng xác chết ra ngoài con suối sau thôn rồi thiêu đốt thành tro. Sau đó ông tìm một cái hũ bỏ tro cốt vào, dán bùa niêm phong rồi đem chôn lại chỗ cũ. Kể từ đó ở trong thôn trở lại bình thường, không còn ai gặp hiện tượng gì lạ nữa.
CÂU CHUYỆN 3.
Tử Quân và Dương Bảo là hai người bạn thân thiết với nhau cùng học chung một trường ở Tế Nam. Khi đó Dương Bảo là học sinh mới ở trường, tính tình nhút nhát, hiền lành nên thường xuyên bị bạn bè chọc ghẹo không một ai chịu kết bạn với anh. Lúc này Tử Quân là người đầu tiên đứng ra giúp đỡ và cả 2 trở thành bạn bè với nhau.
Một ngày nọ, hai người rủ nhau đi vào khu rừng nhỏ sau trường để săn thú, khu rừng này được bao quanh bởi các mương nước dài và rộng, không có cây cầu nào bắc ngang qua. Tuy vậy cả hai vẫn không bỏ cuộc, tìm những tấm ván gỗ làm thành một chiếc bè nhỏ lội qua khu rừng.
Càng vào sâu bên trong, ánh sáng càng yếu dần, bất ngờ trên trời đột nhiên đổ mưa to, trong phút chốc con đường trở nên lầy lội, cả hai vội vàng chạy nhanh ra khỏi rừng nhưng chỉ sau vài bước thì Tử Quân giẫm phải hố đất mất đà ngã xuống, Dương Bảo thấy vậy thì liền quay lại cõng bạn trên lưng gắng sức chạy đi.
Khi này vừa đến bìa rừng thì cả 2 chết lặng, ở phía trước đều là nước mênh mông, tấm ván gỗ đã trôi mất dạng. Không còn cách nào khác, 2 người hướng về phía bắc tìm đường vòng ra sau khu rừng hi vọng sẽ có lối ra. Trời càng lúc càng tối, 2 người run lên vì lạnh, đột nhiên văng vẳng trong khu rừng có tiếng ai đó khóc lóc thảm thiết, âm thanh lúc gần lúc xa. Đang tìm kiếm vị trí tiếng khóc ấy xuất phát từ đâu thì một tia sét đánh xuống, ánh sáng chiếu rọi khắp khu rừng.
Cả 2 kinh ngạc khi nhìn thấy ở phía nam đang có bóng một người quỳ trên mặt đất. Dương Bảo có chút sợ hãi, Tử Quân thì can đảm hơn liền tiến đến định hỏi thăm thì bất thình lình cái bóng người đó bỗng dưng biến mất. Sau đó cả 2 lại nghe thấy tiếng khóc lớn hơn, giật mình quay đầu lại nhìn.
Cách vị trí cả 2 không xa là hình ảnh một người phụ nữ đang quỳ gối trước ngôi mộ, cô ta mặc chiếc váy cũ kỹ màu xám, cô ta từ từ xoay đầu lại nhìn thì lúc này cả 2 thất kinh la hét rồi vùng chạy đi. Ngày hôm sau, người trong làng phát hiện Tử Quân đang nằm sõng xoài bìa rừng, sau khi hồi tỉnh, anh liền thuật lại sự việc đêm qua cho mọi người nghe.
Lúc này, có một bà cụ tay chống gậy sợ hãi kể lại rằng, ngôi mộ trong khu rừng thuộc về một người phụ nữ phương Tây đã chết mấy chục năm rồi. Do sợ hồn ma của cô ta quấy phá người trong làng nên mọi người chỉ đào mương xung quanh khu rừng và không xây cầu cốt để ngăn cản hồn ma người phụ nữ trở ra. Sau đó, mọi người kéo nhau quay vào trong rừng để tìm Dương Bảo và tất cả kinh hãi khi phát hiện ra anh đã chết, nằm cạnh anh trên một ngôi mộ đất là bộ hài cốt mục rữa của người phụ nữ.
CÂU CHUYỆN 4.
Dân gian có câu: “1 ngày trộm mộ bằng 3 năm làm”, năm Cảnh Nguyên thứ 2 đời nhà Nguỵ, có một ông lão ngoài 50 tuổi tên Vương Thích, sống lặng lẽ một mình không vợ con gì cả, lại không có công việc ổn định. Nguồn thu nhập chính của ông ta là nghề trộm cắp vặt. Người trong thôn không ai không biết nhưng họ lại chẳng nói ra vì một phần ông ta không trộm đồ của người trong thôn, lại thấy ông ta có chút gì đó đáng thương nên mọi người nhắm mắt cho qua.
Một ngày nọ, người dân ở thôn bên cạnh xầm xì bàn tán với nhau rằng lão Thất đã chết đuối ở dưới sông và gia đình ông ta thuộc diện giàu có nhất thôn. Sự việc đến tai Vương Thích, ông ta ngày nào cũng đến nhà hỏi thăm, phụ giúp gia quyến lo liệu ma chay. Thấy trong quan tài có rất nhiều đồ vật quý giá nên ông ta âm thầm theo dõi.
Sau khi chôn cất được 3 ngày, buổi tối đó, Vương Thích chuẩn bị đồ nghề lặng lẽ ra khu nghĩa địa. Đứng trước ngôi mộ, ông ta tay cầm nhang khấn vái lâm râm, sau đó đốt hết giấy tiền vàng mã rồi bắt đầu công việc đào xới.
Gần một tiếng đồng hồ thì cuối cùng ông cũng thấy được nắp quan tài. Vương Thích ngồi xuống nghỉ ngơi lại sức, lòng mừng thầm vì mình sắp giàu có. Sau đó, ông lât đât đứng lên dùng sức cạy nắp quan tài đẩy qua một bên. Lúc này Vương Thích nhìn thấy bên trong gương mặt của lão Thất trắng bệch, khoé miệng hơi nhếch lên, trên tay đang ôm một bọc vàng lớn.
Ông tận dụng cơ hội liền chụp lấy bọc vàng kéo ra nhưng rất khó. Bỏ ý định ấy, ông lại đảo mắt nhìn những món đồ trang sức bên cạnh liền rút tay lại nhưng khi này Vương Thích cảm nhận đôi tay của mình đang bị một lực vô hình nào đó siết chặt lại. Ông ta sợ hãi đến mức không dám kêu thét lên cầu cứu, chỉ ra sức vùng vẫy mà thôi.
Sau một lúc giằng co thì bấy giờ lão Thất đã bị ông ta kéo hẳn người ra khỏi quan tài, bất thình lình xác lão Thất ngồi bật dậy, hai mắt trợn lên đáng sợ, Vương Thích kinh hãi hét toáng lên rồi ngất lịm đi trong khi bên tai ông ta còn văng vẳng câu nói của đến lạnh người của lão Thất: “Ngươi là ai? Sao ta lại ở đây.”
CÂU CHUYỆN 5.
Từ xa xưa, khi con người chết đi, thi thể thường bị bỏ lại vào những nơi hoang dã để thú rừng ăn thịt. Mãi đến sau này, thi thể được con người xử lý đặt trong quan tài và chôn cất cẩn thận, một phần cũng để tưởng nhớ đến người thân đã khuất. Song song với việc chôn cất dưới lòng đất thì hình thức hỏa táng cũng được áp dụng phổ biến khi mà đất đai ngày càng thu hẹp và số lượng người thì càng đông.
Năm Dân Quốc 44, tại thôn Bắc Thuận, Đài Trung có một người thanh niên tên Ngô Phúc làm nghề trông coi nhà tang lễ của thôn. Một ngày nọ, người dân trong thôn nghe tin báo rằng ông cố của hắn năm nay 70 tuổi đã qua đời trong một cơn đau tim bất ngờ. Bản thân Ngô Phúc là một người rất can đảm và hung dữ, nếu không thì hắn đã không chọn cái nghề này rồi. Trong 3 ngày liên tiếp quàn xác trong nhà tang lễ chỉ có một mình hắn với người ông quá cố, khoảng thời gian đó Ngô Phúc cảm thấy có gì đó không đúng ở đây nhất là đêm thứ 2, hắn luôn cảm giác như có ai đó lén nhìn mình chằm chằm phía sau lưng.
Đến ngày hôm sau sắp hỏa táng, Ngô Phúc nhờ một người thợ trang điểm cho ông cố mình thật đẹp. Trong lúc trang điểm, người thợ cảm giác khoé mi ông cụ như đang cử động mặc dù trước đó Ngô Phúc và mọi người quả quyết là ông cụ đã chết rồi.
Đến khi ông được đứa cháu đặt vào trong quan tài để chuẩn bị đẩy vào lò thiêu thì bất ngờ hắn nghe bên trong hòm phát ra tiếng đập xen lẫn chút âm thanh la hét. Ngô Phúc và vài người hàng xóm thoáng nghe được, thay vì mở nắp quan ra kiểm tra thì tất cả đều sợ hãi đến mức nhanh tay đẩy quan tài vào trong lò thiêu.
Tối hôm ấy, Ngô Phúc đem tro cốt ông cụ đặt lên bài vị trong nhà tang lễ để thờ tự rồi đi ngủ. Giữa đêm, khi hắn đang mơ màng trong giấc ngủ thì nghe thấy âm thanh quen thuộc ở bên tai phát ra: “Đồ khốn, tao nuôi mày mấy chục năm nay vậy mà mày hại chết tao.”
Ngô Phúc nghe những lời giận dữ ấy thì giật mình tỉnh giấc, chưa kịp định thần lại thì một lần nữa hắn sợ hãi, miệng la hét hoảng loạn bỏ chạy ra ngoài. Ngay trước mắt hắn, là vong hồn người ông quá cố người bị cháy đen không rõ hình dạng, chỉ duy nhất đôi mắt ông rất giận dữ nhìn đứa cháu căm hờn.
Sáng hôm sau, người trong thôn đi làm đồng phát hiện ra Ngô Phúc đã chết, thi thể của hắn được treo lơ lửng trên một gốc cây cổ thụ cách nhà tang lễ không xa. Đến khi đưa xác hắn xuống thì cơ thể đã đông cứng, máu từ mắt và miệng hắn chảy xuống ghê rợn vô cùng.
Sau này, người trong thôn biết được rằng Ngô Phúc chính là người trực tiếp hại chết ông cụ. Nguyên nhân là hắn quá bạc bẽo khi tự ý quyết định đem giấy tờ nhà cầm cố lấy tiền để đi đánh bạc, rượu chè mặc cho ông nhiều lần hết lời khuyên ngăn đứa cháu bất nhân, khi mà hắn xem công ơn nuôi dưỡng của ông không bằng những cuộc ăn chơi nhậu nhẹt ở bên ngoài…
CÂU CHUYỆN 6.
Vào những năm cuối triều Minh đầu nhà Thanh, quận Tây Thành thuộc thủ phủ Bắc Kinh nổi tiếng với tên gọi là “Bãi hành quyết” thường là nơi xử tử tù nhân chính trị. Tại đây từng có vô số tù nhân bị chặt đầu cho dù họ phạm tội hay bị hàm oan đi chăng nữa. Kể từ đó, cứ mỗi một vụ hành quyết xảy ra thì lại có người tung tin là mình đã nhìn thấy những hồn ma không đầu xuất hiện quấy nhiễu người dân xung quanh.
Năm Gia Tĩnh thứ 8 triều Minh, có một gia đình sinh sống làm nghề may gần quận Tây Thành nội đô Bắc Kinh, với kinh nghiệm lâu năm và tay nghề cao nên công việc kinh doanh của Kế Trung rất thuận lợi. Vào một buổi trưa hè trời nắng gắt, người dân quận Tây Thành lại chấn động khi thấy quân lính đang áp giải một tử tù ra pháp trường, nghe nói người đó là thủ lĩnh quân nổi loạn chống lại triều đình.
Tối hôm ấy, Kế Trung đang ngủ say trong phòng thì bị đánh thức bởi tiếng động lạ ngoài sân , anh ta đứng dậy và tiến tới bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Tuy nhiên, bên ngoài chẳng có gì lạ nhưng anh vẫn đi ra kiểm tra đồ đạc trong nhà thì lúc này Kế Trung mới thấy thiếu một chiếc giỏ khâu mà mình mua lúc sáng. Đang suy nghĩ thì bất thình lình anh nghe sau cửa nhà phát ra âm thanh kêu gào thảm thiết.
Kế Trung định thần vội vàng bước nhanh lại mở hé cửa ra nhìn và cảnh tượng trước mắt thật sự làm anh kinh hãi. Ở bên ngoài là một thân người đang di chuyển nhưng lại không có cái đầu, trên tay người đó còn cầm theo một chiếc giỏ khâu giống với cái mà Kế Trung vừa bị mất. Chứng kiến cảnh tượng ấy, anh sợ tới mức ngất xỉu đi cho đến sáng hôm sau mới hồi tỉnh lại.
Không chỉ có Kế Trung gặp hồn ma không đầu mà ngay cả ông chủ cửa hàng thuốc nằm đối diện nhà anh cũng gặp hình ảnh tương tự như vậy. Lần nào có người bị hành quyết thì coi như tối hôm đó trong tiệm của ông lại bị mất đi mấy loại thuốc quý. Suốt khoảng thời gian ấy, những hình ảnh về hồn ma không đầu dần dần được lan truyền khắp trong kinh thành khiến rất nhiều người dân hoang mang, sợ hãi. Có người còn mời cả pháp sư đến làm lễ , lập đàn phép nhưng cũng không có kết quả gì.
Sau này khi triều Thanh sụp đổ thì quận Tây Thành được cải tạo thành một khu phố sầm uất thu hút rất nhiều người ngoại quốc đến buôn bán và sinh sống. Từ đó trở đi cũng không còn ai nhìn thấy những hồn ma không đầu từ thuở xưa xuất hiện nữa.

Tổng Hợp

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn