Truyện ma Việt Nam "Tang Trùng Tang" chap 12

Phần 12: Thử sức bẫy Thần Trùng

Tác Giả : Phạm Đào Hoa

Xem lại chap 11 : Tại Đây

Đến gần sáu giờ chiều, sau khi thực hiện xong lễ tạ Thần Giữ Đất tại nghĩa địa dòng họ, đoàn người quay về.
Bác tôi và thầy Nhị vẫn còn đang ở nhà để chuẩn bị việc bẫy trùng vào tối nay. Hai người cùng nhau vào trong bếp, làm một số đồ cúng.
- Tôi không giỏi nấu nướng. Sao thầy không nhờ các cô giúp một tay?
- Haha! Bởi vì những món này không dành cho người, cũng không dành cho ma, cũng không dâng thần thánh. Cho nên, chỉ ta và kẻ có căn như ngươi, phải tự tay làm mới được.
Bác tôi dừng xắt thịt, ông thắc mắc.
- Thầy cứ úp úp mở mở. Vậy thì dành cho ai?
Trong căn bếp lờ mờ ánh lửa hồng, lão pháp sư vừa lột quả trứng vịt vừa đáp.
- Ngươi có bao giờ nghe về “Âm binh” chưa?
Bác tôi tròn xoe hai mắt.
- Hình như là có. Nhưng tôi không rõ lắm.
Thầy Nhị bắt đầu giải thích cho bác tôi hiểu. Những món mà hai người đang làm là để “chiêu đãi” âm binh. Thật ra, thầy Nhị không phải một pháp sư chuyên thực hiện cúng lễ hay giải hạn như mọi người thường nghĩ và đồn đại.


Nếu gọi cho đúng, phải gọi thầy Nhị là “thầy luyện binh”. Nhưng từ trước đến nay, hễ nhắc đến chữ “binh”, người ta sẽ liên tưởng được ngay về âm binh và chắc chắn ai ai cũng e dè.
Do vậy, thầy Nhị buộc phải che giấu, không cho kẻ nào biết những bí mật đằng sau thân phận. Bởi lẽ, nếu có đạo pháp tinh thông, họ sẽ chẳng bao giờ rêu rao tài thật của họ. Thầy Nhị cũng thế. Có chăng, tính lão ta tuy tự cao tự đại, thêm phần ngạo mạn, nhưng suy cho cùng, thầy Nhị vẫn dùng các thuật của binh để giúp đời hơn là dùng để kiếm tài lộc cho riêng bản thân mình.
Theo lời thầy Nhị kể, lão ta thường đi đó đây, tìm những vong hồn vất vưởng không nơi nhận về. Thầy Nhị đưa họ tới am của lão, luyện họ thành binh. Sau, những binh này có được khả năng đến nơi giao giữa âm giới và dương giới để tu luyện. Vì vậy, những lúc cần, vị pháp sư sẽ gọi họ, và khi họ hoàn tất việc, lão “đãi quân” của mình bằng những món mà lão cùng bác tôi đang chuẩn bị.
- À! Ra là vậy…Nhưng tôi vẫn còn một thắc mắc.
- Thầy bảo…Tôi có căn, thế…căn nghĩa là gì?
Vị pháp sư đặt quả trứng vịt đang bóc dỡ xuống.
- Ngươi có căn để trở thành thầy luyện binh. Rất hiếm người có được căn này ở dương gian. Ta biết, ngươi đã từng gặp hoặc từng trải qua không ít lần những thứ liên quan tới âm giới. Những vong, ma, tinh tà vẫn luôn muốn được theo ngươi, tuy vậy, vẫn có những kẻ, muốn chiếm thể xác ngươi, hòng dễ dàng qua lại giữa hai cõi.
Bác tôi chợt nhớ đến thứ sau lưng ông cái ngày mà ông đi vào rừng hái thuốc. Vậy quả thật, mấy điều thầy Nhị đang nói, hoàn toàn có cơ sở.
- Thật ra, người không mệnh, vẫn luyện binh được, nhưng rất gian nan, cũng khó thành chánh quả. Còn người như ngươi, mọi thứ lại rất dễ dàng, điểm được vô số binh, còn kiểm soát được đại binh, dùng binh cho mọi mục đích ngươi muốn, thậm chí là cải tử hoàn sinh, việc mà nghề y của ngươi chẳng mấy ai làm được. Thế nào, có muốn luyện binh để trở thành Hoa Đà tái thế không?
Bác tôi bật cười, ông lắc đầu, tiếp tục xắt thịt.
- Nghe cũng hấp dẫn đấy thầy ạ. Nhưng…Tôi chỉ muốn được sống một cuộc sống bình thường; Cưới vợ, sanh con, phụng dưỡng cha mẹ. Dù sao, ý của thầy, tôi cũng rất quý.
Bạn đang đọc một tác phẩm của tác giả Hoàng Ez – Biên tập Phạm Đào Hoa
Mâm thức ăn đã hoàn tất. Thầy Nhị bảo bác tôi mang vào trong phòng của bác tôi, phủ lá dong lên, khi chuyện giải quyết xong xuôi, mới dùng tới để làm lễ “đãi quân”.
Ngoài trời, sấm chớp sáng loá và ầm ĩ, đã sắp chuyển mưa. Những cơn giông kéo lá khô cùng tiền vàng mã bay tứ tung giữa khoảng sân nhà.
- Chỉ hai người?
Cụ Quan cùng bác tôi và vị pháp sư đứng dưới hiên. Trong thần sắc của ông cụ đầy mỏi mệt.
Thầy Nhị gật đầu.
- Giờ Tý ta sẽ xuất hành. Cụ cứ vào trong nghỉ ngơi. An tâm, ta và cậu đây lo liệu được.
Cụ Quan nhìn bác tôi.
- Cảm ơn cậu Hoàng! Tuy là người không liên quan, nhưng từ đầu đến giờ cậu luôn sốt sắng giúp đỡ gia đình tôi. Tôi chắc chắn sẽ báo đáp cho cậu xứng đáng.
- Không có chi đâu cụ. Làm được gì tôi sẽ làm...
Cơn mưa rả riết trút xuống, gió lung lay những ngọn đèn lồng trên đầu. Thời gian trôi qua, đã tới lúc bác tôi và vị pháp sư khởi hành.
Hai người mang theo chiếc ô, vừa đi vừa chạy hướng tới nghĩa địa.
Chẳng bao lâu, họ cũng tới nơi. Bước vào bên trong, những luồng hơi lạnh bất giác phà ra từ các ngôi mã khiến bác tôi rùng mình.
Đến gần mái che chỗ tượng Thần Giữ Đất, thầy Nhị dừng lại, lão ta lấy trong tay nải ra một lá bùa rồi dán nó lên trên chân pho tượng.
- Khi trùng đến, Thần sẽ báo cho ta biết!
Bác tôi chỉ gật đầu mà không đáp gì. Ông chợt cảm thấy khá căng thẳng.
Hai người tiếp tục tiến sâu vào nghĩa địa. Ánh sáng yếu ớt từ chiếc đèn chạy pin không thể vượt qua khỏi màn mưa đêm. Rất khó khăn cho bác tôi trong việc tìm phương hướng. Nhưng thầy Nhị vẫn phán đoán được vị trí họ cần tới.
Cuối cùng, cả hai cũng đến nơi gò chôn thi hài cụ bà. Họ đứng nép dưới mái che ở ngôi mộ kế bên. Thầy Nhị nhìn vào những thanh tre và đường chỉ, cả lớp đất đắp lên mấy lá bùa, ông gật đầu:
- Cai giang làm tốt lắm. Mọi thứ vẫn còn nguyên.
Bác tôi thu chiếc ô lại, ông run lẩy bẩy vì lạnh.
- Bây giờ…chúng ta sẽ làm gì hả thầy?
Vị pháp sư lấy ra một cái chén nhỏ màu đen, bên trong có chất đông đặc lại như sáp, nhưng bốc ra mùi tanh vô cùng.
- Ngươi có mang hộp diêm đúng chứ? Châm thứ này giúp ta.
- Đấy là gì mà mùi khiếp thế thầy?
Vị pháp sư cũng muốn bác tôi lãnh ngộ thêm nhiều điều, nên lão ta chẳng ngại trả lời. Lão nói rằng; Vật hỗ trợ không thể thiếu của tất cả thầy luyện binh, đấy chính là “mắt đĩa đèn” (Vật từng được nhắc đến trong tác phẩm Thị Trấn Trùng Tang của tác giả Hoàng Ez). Cụm từ mắt đĩa đèn đôi khi còn dùng để ám chỉ ma quỷ. Nó được tạo ra từ con mắt trái của linh miêu sống lâu năm hoặc âm dương nhãn của con người, kết hợp với một bài thuốc gồm sáp, thường xuân, chu sa táng vụn,…Còn có tim đèn để khi đốt vật toả ra ánh sáng. Pháp sư Nhị nói thêm, đối với loại tạo ra từ mắt linh miêu, vật chỉ đem đến khả năng báo hiệu lực của đối thủ là tinh tà ma quái mạnh đến đâu, để thầy luyện binh còn biết đường rút lui. Nhưng trường hợp đặc biệt, khi gặp đối thủ quá “nặng ký”, mắt đĩa đèn sẽ tự sáng mà không cần thắp lên. Còn đối với loại tạo ra từ âm dương nhãn, thì ngoài khả năng trên, còn giúp thầy luyện binh nhìn thấu mọi sự từ xa đến hàng trăm dặm.
Mắt đĩa đèn đã được bác tôi châm lên. Thứ ánh sáng mà nó toả ra mang một màu xanh bí hiểm. Lão pháp sư đặt thứ ấy dưới chân bác tôi.
- Ghi nhớ điều này, hết sức quan trọng đây! Nếu chút nữa trong khi ta bẫy trùng. Ngươi nhìn thấy con mắt bên trong đĩa đèn sáng lên, ngươi phải bảo ta dừng mọi việc lại, tránh ảnh hưởng tới nguyên khí.
Bác tôi thắc mắc.
- Khi nó phát sáng, tức là…?
- Nhược điểm của mắt đĩa đèn nằm ở chỗ, nó cần phải có thời gian để nhận biết pháp lực từ kẻ thù toả ra trong lúc giao đấu, sau, mới báo được kẻ kia mạnh tới cỡ nào cho ta hay. Tuy nhiên, ta chưa thấy trùng nào làm mắt trong đĩa đèn phải sáng lên cả. Ta đặt đây cũng chỉ để cho an tâm và đúng cách thức như ta giăng bẫy mọi lần.
- À. Tôi hiểu rồi, rất tinh tuý!
Thầy Nhị nhếch miệng cười. Ông ta lấy cái bánh ra, vừa ăn vừa nhìn nhìn ngó ngó gò đất trước mặt.
- Đưa ta chiếc ô!
Vị pháp sư bước ra ngoài trời mưa. Ông lấy một cuộn chỉ đen, thắt những vòng rất khó để diễn tả lên mấy thanh tre. Lúc sau, ông kéo nó về phía bác tôi.
- Ngươi quấn lấy phần dây này vào bàn tay đi! Ngươi chỉ việc đứng yên sau mộ. Khi thấy dây chuyển động, lập tức kéo mạnh nghe chưa!
- Ơ…Sợi chỉ mong manh như vầy…Liệu có đứt không?
- Haha! Dây này kéo vật cả tạ còn không suy suyễn. Ngươi khéo lo, nhớ lời ta dặn là được!
Thầy Nhị rời khỏi hiên. Ông đến bên gò đất, nắm đầu dây còn lại, ông kéo nó vào trong ngôi mộ cụ Cầu.
Khi này, bác tôi và thầy Nhị đứng đối diện nhau, cả hai đều giữ dây và nấp sau mộ. Họ cách một khoảng không quá xa, cũng không quá gần. Tuy là thế, màn mưa khiến hai người chẳng thể trông thấy nhau hay nghe thấy nhau rõ ràng.
Bác tôi đứng trong bóng tối, ông đưa mắt về phía gò đất lạnh tanh đẫm nước mưa, đôi khi ông nhìn vào mắt đĩa đèn trước mặt. Ông cảm thấy rất hồi hộp, đây là lần đầu tiên trong đời bác tôi thực hiện một việc kỳ lạ như thế này.
Cũng đã gần hết 1 canh giờ. Vẫn chưa có chuyện gì cả. Mấy con muỗi từ trong hốc tối cứ dập dờ bay ra. Chúng chích vào chân khiến bác tôi rất ngứa ngáy khó chịu.
Còn Thầy Nhị phía bên mộ cụ Cầu, hình như lão ấy đang ngủ gật vì chờ đợi quá lâu mà chẳng thấy chút động tĩnh gì.
Bất chợt, bác tôi nghe một âm thanh lạ phát ra từ cái gò đất trước mặt. Mặc dù tiếng mưa rất lớn, nhưng vì một lý do nào đấy, bác tôi vẫn nghe ra đó như là âm thanh cào cấu của một vật sắc nhọn lên bề mặt ván gỗ.
Gò đất chôn cụ bà vẫn thế, “trận địa” của thầy Nhị cũng y nguyên. Nhưng tiếng “ken két” sởn hết tóc gáy kia ngày một rõ ràng hơn.
Bác tôi linh cảm rằng; Dường như Thần Trùng đã đến. Nhưng tại sao thầy Nhị lại chẳng hay, liệu có phải vì ông ta đang ngủ gật, hay một nguyên do nào khác?
Chưa biết nên làm gì lúc này, nhưng bác tôi cũng dám chắc, nếu ông lên tiếng gọi thầy Nhị, là đang làm kinh động đến Thần Trùng và biết đâu được, nó sẽ “bay” mất, việc “gài bẫy” coi như công cốc.
Bác tôi thử kéo nhẹ sợi chỉ đen về phía sau. Nhìn bên kia, ông lờ mờ thấy bàn tay của vị pháp sư cũng dịch chuyển theo.
“- Vậy là đúng rồi, phải đánh thức thầy Nhị dậy ngay!”
Bác tôi kéo kéo mấy phát liền. Quả nhiên có hiệu quả, thầy Nhị giật mình tỉnh giấc, nhưng lão ta vẫn còn hơi ngái ngủ.
-Gì vậy…Đã bảo khi nào nói kéo mới được kéo mà… - Thầy Nhị làu bàu.
(Những diễn biến tiếp theo dựa vào lời của thầy Nhị kể lại cho bác tôi khi mọi chuyện đã gần như kết thúc. Bác tôi không hề nhìn thấy bất cứ thứ gì liên quan đến trùng và bí thuật từ thầy Nhị tại thời điểm này trong truyện).

Mời bạn xem tiếp chap 13 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn